Những cách nói chuyện liên tục trong những cuộc trò chuyện, ngay kể cả khi bạn quên điều gì đó

Tất cả chúng ta, sau khi lớn lên, mỗi người đều sẽ phải trải qua các cuộc trò chuyện khác nhau, chúng mang đến cho chúng ta những trải nghiệm mới, những người bạn mới. Tuy vậy, đối với những người mà bạn vừa quen, hoặc thậm chí với những người bạn cũ lâu ngày không gặp, làm thế nào để duy trì được những cuộc trò chuyện như vậy?

Tất cả chúng ta, sau khi lớn lên, mỗi người đều sẽ phải trải qua các cuộc trò chuyện khác nhau, chúng mang đến cho chúng ta những trải nghiệm mới, những người bạn mới. Tuy vậy, đối với những người mà bạn vừa quen, hoặc thậm chí với những người bạn cũ lâu ngày không gặp, làm thế nào để duy trì được những cuộc trò chuyện như vậy?

Tôi  từng thường xuyên bị cạn ý tưởng khi nói về một vấn đề gì đó. Có thể là tôi bị mắc kẹt trong những cuộc trò chuyện nhỏ mà đang đi vào ngõ cụt, hoặc cũng có thể tôi căng thẳng đến mức đầu óc tôi đang trở nên trống rỗng.

Đôi khi, một cuộc trò chuyện được dự là sẽ kết thúc, và chúng ta không cần phải cố thúc đẩy nó để tiếp tục. Tuy nhiên, có những cuộc trò chuyện bạn không hề muốn kết thúc, nhưng bạn lại không biết nói gì thêm, làm cho buổi nói chuyện trở lên kì lạ và có phần ngượng ngùng. Nếu bạn thường xuyên gặp trường hợp đó, bài viết này là dành cho bạn.

1. Luyện tập nói những gì bạn đang nghĩ

Trước đây, tôi từng lo lắng về việc những gì tôi nói liệu có vẻ ngu ngốc hay quá hiển nhiên trước mặt người khác hay không. Khi tôi phân tích những người hiểu biết trong xã hội, tôi thấy gần như trong tất cả những cuộc trò chuyện, họ đều nói những thứ có vẻ buồn chán và hiển nhiên. 

Ví dụ: 

“Có phải hôm nay rất lạnh không?”

“Tôi thích bánh mì kẹp mà họ bán ở đây”

“À, lượng xe đi lại sẽ thường nhiều vào thời gian này trong ngày”

Khi bạn bắt đầu một cuộc trò chuyện với một người mới, bạn có thể cảm thấy cuộc trò chuyện nhỏ đó thật kì cục và vô nghĩa. Tuy nhiên, sự thật là những cuộc nói chuyện nhỏ đó giúp chúng ta “khởi động” với nhau và ra dấu hiệu rằng bạn rất thân thiện, dễ gần và sẵn sàng để tương tác. Mọi người sẽ đánh giá bạn vì những gì bạn nói tương tự như là khi bạn đi vòng quanh và đánh giá người khác về những gì họ nói. Thay vì cố để nói những điều thông minh, hãy nói bất cứ điều gì bạn nghĩ.

2. Hỏi điều gì đó trên phương diện cá nhân

“Tôi từng thường xuyên bị cạn ý tưởng khi nói chuyện với bạn. Tôi bị mắc kẹt trong những cuộc trò chuyện nhỏ và cuộc trò chuyện đó đang đi vào ngõ cụt.” - Cas

Vậy thì hãy hỏi mọi người những câu hỏi cá nhân nhẹ nhàng để làm cho chủ đề trở nên thú vị. 

Ví dụ: 

  • Nếu bạn đang nói về công việc:

“Bạn thích gì nhất về công việc của bạn?” 

“Tại sao bạn lại chọn lĩnh vực này?”

“Bạn sẽ làm gì nếu bạn có thể làm bất kì công việc nào?”

  • Nếu bạn đang nói về giá thuê nhà trong thành phố của bạn:  

"Bạn thích sống ở đâu nếu bạn có thể chọn bất cứ nơi nào trên trái đất để ở?"

"Bạn đã sống ở nhiều nơi khác bao giờ chưa?"

"Bạn đã lớn lên ở nơi này phải không?"

"Bạn có bao giờ chuyển ra khỏi thành phố để tiết kiệm tiền thuê nhà không, bạn có nghĩ chi phí đó có xứng đáng không?"

Chính những câu chuyện "tầm phào", những câu chào hỏi vụn vặt ban đầu kia sẽ giúp bạn dễ dàng hơn khi muốn chuyển qua các chủ đề thân mật mang tính cá nhân. Khi đó, bạn có thể biết thêm về kế hoạch, sở thích, đam mê, ước mơ, hi vọng hoặc nỗi sợ của họ.

Khi bạn chuyển cuộc trò chuyện như vậy, bạn sẽ thu hút được đối phương nhiều hơn, và sẽ dễ dàng hơn để tạo ra một cuộc trò chuyện thật sự. Lúc này, bạn đã biết về nhau nhiều hơn thay vì chỉ có một cuộc trò chuyện nhỏ nhặt. 

3. Tập trung vào cuộc trò chuyện

Đôi khi, chúng ta có thể lo lắng rằng một khoảnh khắc nào đó trong cuộc trò chuyện, chúng ta sẽ trở nên kì lạ trong mắt đối phương, hoặc đỏ mặt hay tim đập nhanh vì hồi hộp thì chúng ta phải làm sao? Chìa khóa ở đây chính là ổn định tinh thần của bạn, bằng cách tập trung cao độ vào những gì người kia đang nói:

Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Macquarie về sự tập trung chú ý vào chứng lo âu xã hội, họ phát hiện ra rằng khi những người tham gia tập trung chú ý vào những gì người kia đang nói, thay vì tập trung vào các phản ứng bên trong của bản thân như tim tăng nhanh, đỏ mặt, hay lo lắng về hình ảnh của mình trong mắt đối phương sẽ tập trung vào cuộc trò chuyện hơn, bớt lo lắng hơn, có ít phản ứng thể chất hơn. 

Khi bạn tập trung vào những gì đối tác của bạn đang nói, bạn sẽ không có thời gian để hình thành sự lo lắng bên trong vì tâm trí của bạn bị cuốn vào cuộc trò chuyện. Khi bạn bớt lo lắng về bản thân, bạn sẽ dễ dàng nghĩ ra những điều cần nói.

4. Đừng ép bản thân cố gắng quá sức.

Tôi đã quyết định dừng việc ép bản thân mình làm điều gì đó quá sức cho một buổi nói chuyện. Tôi nhận ra rằng một cuộc trò chuyện không cần thiết phải trở nên quá tuyệt vời, và trong số tất cả mọi người, thì không phải ai cũng thích  tôi. Trớ trêu thay, điều này lại  giúp tôi thư giãn, trở nên vui vẻ và cuốn hút hơn với những người xung quanh.

Thay vì cố gắng nghĩ ra những điều cần nói, hãy cho phép những khoảng lặng tồn tại. Bạn có thể dành thêm vài giây để nghĩ ra câu trả lời. Thay vì cố gắng làm cho mọi người thích bạn, hãy đảm bảo rằng họ thích Ở BÊN BẠN.

Bạn có thể làm được điều đó khi bạn học được cách lắng nghe. Khi nói chuyện, bạn nên tập trung vào những điều làm đối phương hứng thú và thoải mái thay vì chỉ chú ý vào bản thân (Khiêm tốn, nói về những điều thú vị bạn đã làm, v.v.)

Mọi người đều muốn được yêu quý, lắng nghe và quan tâm bởi những người thực sự yêu thương họ. Như Maya Angelou đã nói, "Vào cuối ngày, mọi người thường sẽ không nhớ những gì bạn đã nói hoặc đã làm; họ sẽ nhớ cảm giác mà bạn đã tác động lên họ."

5. Đọc vị cảm xúc của đối phương thông qua ngôn ngữ cơ thể của họ

Một số lúc, một cuộc trò chuyện kết thúc vì người kia đang cố gắng kết thúc nó, và đôi khi họ muốn nói chuyện nhưng lại không biết phải nói gì. Làm thế nào để bạn biết sự khác biệt giữa hai dấu hiệu này?

Ngôn ngữ cơ thể của họ sẽ cho bạn biết họ đang muốn dành thời gian để nói chuyện với bạn hay là họ đang có kế hoạch khác. Hãy nhìn vào cách bàn chân của họ đang cử động. Bàn chân họ đang hướng về phía bạn hay cách xa bạn? Nếu đó là về phía bạn, họ đang muốn trò chuyện thêm. Nếu cách xa bạn, họ có thể muốn tránh xa cuộc trò chuyện. Nếu họ cũng dành nhiều thời gian để nhìn theo hướng chân của mình, đó là tín hiệu thậm chí còn mạnh mẽ hơn rằng họ muốn rời đi.

Nếu họ đưa bàn chân ra xa khỏi bạn, đây là lúc để bạn có thể kết thúc cuộc trò chuyện bằng một hoặc hai câu.

Ví dụ: 

“ Bây giờ muộn hơn là tôi nghĩ, tốt hơn là chúng ta nên kết thúc cuộc trò chuyện này! Thật tuyệt khi được gặp bạn, hi vọng chúng ta có thể gặp lại sớm!”

“Tôi thực sự thích trò chuyện cùng bạn, nhưng tôi có việc bận vào buổi chiều nay mất rồi. Hẹn gặp lại bạn sau.”

“Thật sự rất tuyệt khi được trò chuyện cùng bạn. Nhưng tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi phải quay lại công việc mất rồi.” 

Nếu họ chỉ chân vào bạn và nhìn bạn, bạn có thể cảm thấy tự tin rằng họ sẽ muốn tiếp tục nói chuyện.

6. Sử dụng những thứ xung quanh để truyền cảm hứng cho các chủ đề mới

Hãy lấy cảm hứng từ môi trường xung quanh của bạn và đưa ra nhận xét hoặc đặt câu hỏi về môi trường đó để có thể tạo ra nội dung để nói chuyện.

Ví dụ: 

“Tôi thích những cây xanh này. Bạn có hay trồng loài cây nào đó trong nhà không?

“Tôi thích văn phòng mới này. Bạn tới đây làm có lâu lắm không?”

“Đây quả là một bức tranh thú vị phải không? Tôi thích những bức tranh trừu tượng. còn bạn thì sao?

“Hôm nay thật là nóng. bạn có thích thời tiết nóng như vậy không?

“Tôi thích âm nhạc ở nơi này, mặc dù tôi không thể nhớ được tên của nhóm nhạc là gì. Bạn có biết tên của họ không?”

Một số người sẽ có xu hướng tránh những câu đơn giản như thế này vì họ nghĩ rằng chúng quá tẻ nhạt và buồn chán. Đừng làm vậy! Những câu hỏi như thế là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho những chủ đề mới mẻ  và thú vị.


7. Nhắc lại điều gì đó mà bạn đã nói trước đó

Khi chủ đề bạn đang nói sắp cạn kiệt những ý tưởng để bạn tiếp tục, hãy quay lại bất kỳ chủ đề nào bạn đã nói trước đó.

Giả sử rằng đối phương đã đề cập trước rằng họ đang kinh doanh nhập khẩu, và sau đó chủ đề khác được tiếp tục. Một vài phút sau, khi hết điều để nói về chủ đề đó, bạn có thể quay lại hỏi một số câu hỏi về doanh nghiệp nhập khẩu.

Ví dụ:

Bạn có thể nói: "Bạn đã nói rằng bạn đang kinh doanh nhập khẩu. Có thể cho mình biết cụ thể là bạn đang nhập khẩu hàng hóa gì được không?"

Các cuộc hội thoại không nhất thiết phải đi theo 1 chủ đề nhất định. Khi chủ đề đó không còn điều gì để nói nữa, hãy chuyển sang chủ đề mới hoặc chủ đề trước đó.

8. Đưa ra những câu nói đơn giản mà tích cực

Tôi nghĩ về những điều này như bộ đệm cho cuộc trò chuyện. Những câu nói đơn giản và tích cực sẽ giữ cho cuộc trò chuyện tiếp tục, và không quá sâu sắc.

Ví dụ: 

- Ngôi nhà thật ngầu nha. 

- Hôm nay là một ngày nắng đẹp. 

- Những bông hoa này thật đẹp. 

- Buổi gặp mặt này thật có ý nghĩa và hữu ích. 

- Chú chó này thật dễ thương.

Đây là một cách khá là lành mạnh để có thể chuyển sang các chủ đề mới. Nó giúp bạn xem liệu bạn có thể liên kết với điều gì khác như quan tâm đến kiến ​​trúc hay kiểu thời tiết mà bạn thích, và dựa trên đó bạn có thể chuyển hướng sang bạn muốn sống ở đâu.

Bạn không cần phải bịa đặt các câu chuyện. Lý trí của bạn đã đưa ra những câu chuyện về mọi thứ - đó là cách lý trí của bạn hoạt động. Hãy thoải mái kể những suy nghĩ đó ra.

9. Đưa ra những câu hỏi mở

Câu hỏi mở cho người kia cơ hội suy nghĩ về câu trả lời của họ và họ có thể trả lời chi tiết hơn là chỉ nói có hoặc không.

Ví dụ:

- Thay vì hỏi “Kì nghỉ có vui không?” (Câu hỏi đóng), thì bạn có thể hỏi, “Kỳ nghỉ của bạn như thế nào?” (Câu hỏi mở)

- Thay vì hỏi “Trận game tối qua đội của bạn có thắng không?” thì bạn có thể hỏi “Trận game tối qua như thế nào?”

- Thay vì hỏi “Bạn có thích buổi tiệc này không?”, thì chúng ta có thể thay bằng “Có những ai trong buổi tiệc?” hoặc “Đó là buổi tiệc gì vậy?”

Khi bạn đặt những câu hỏi như vậy, đối phương phải đưa ra những câu trả lời phức tạp hơn, và do đó, bạn sẽ tìm hiểu đối phương một cách nhanh và sâu sắc hơn. 

10. Tìm kiếm những sở thích chung

Khi chúng ta phát hiện ra rằng chúng ta có điểm chung với ai đó, điều này sẽ là một dấu hiệu để bắt đầu một tình bạn (và đây là một dấu hiệu cứu trợ). Vì vậy, hãy tạo thói quen đề cập đến những điều mà bạn quan tâm để khi có cơ hội, bạn sẽ tìm được những người có chung lối suy nghĩ hay sở thích với bạn.

Nếu ai đó hỏi bạn đã làm gì vào cuối tuần, bạn có thể nói, "Tôi đã đến câu lạc bộ sách của và giao lưu về sách" hoặc "Tôi đã đến phòng tập thể dục và sau đó đưa con trai tôi đến trận đấu khúc côn cầu" hoặc "Tôi đã xem phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam. "

Đề cập đến những điều bạn quan tâm sẽ giúp bạn "tìm ra" những sở thích chung. Nếu bạn bắt gặp ai đó cũng quan tâm đến sách, khúc côn cầu hoặc lịch sử, họ có thể sẽ muốn nghe thêm về nó và các bạn sẽ có thêm những chủ đề để nói chuyện. 

11. Hãy tìm hiểu xem điều gì mọi người muốn biết về bạn

Mọi người sẽ không bao giờ chỉ muốn nói về bản thân họ. Họ cũng muốn hiểu rõ về con người mà họ đang nói chuyện cùng- đó chính là bạn. Đừng ngại chia sẻ mọi thứ về chính mình, miễn là bạn cũng cho họ thấy được bạn rất muốn nói chuyện cùng họ. 

Tuy nhiên, hãy cân bằng với mọi người về mức độ bạn chia sẻ mọi thứ. Nếu ai đó giải thích cho bạn chi tiết về nghề nghiệp của họ, hãy làm ngược lại với người đó, hãy giải thích về nghề nghiệp của bạn như cách họ chia sẻ. Nếu họ chỉ đề cập ngắn gọn rằng họ đang làm công việc gì, thì bạn cũng chỉ nên nói ngắn gọn về nghề nghiệp cho họ như vậy thôi. 

Điều này sẽ giúp mối quan hệ của chúng ta gắn kết thông qua cuộc trò chuyện, vì chúng ta đang nói mọi thứ cho nhau với cùng một tốc độ. Bạn cũng đang thu hút được người đối diện vì bạn đang rất cởi mở và sẵn sàng để chia sẻ.

12. Hỏi những câu hỏi thêm

Giả sử bạn vừa biết rằng người mà bạn nói chuyện là người gốc Connecticut. Để kéo dài cuộc trò chuyện, bạn có thể hỏi các câu hỏi "cái gì", "tại sao", "khi nào""như thế nào" để rút ra nhiều trải nghiệm hơn. 

Ví dụ: 

“Cảm giác lớn lên ở Connecticut là như thế nào vậy?”

“Tại sao bạn lại chuyển đến đây?”

“Bạn cảm thấy thế nào khi rời khỏi ngôi nhà của mình?”

“Lần đầu tiên bạn nghĩ đến việc rời khỏi Connecticut là khi nào?”

“Bạn thích gì nhất ở nơi ở mới của bạn?”

“Bạn tìm ngôi nhà mới ở đây mất bao lâu?”

Hãy để bản chất tò mò của bạn chỉ hướng cho bạn. Chia sẻ những thông tin về chính bạn trong khi đặt ra những câu hỏi, để bạn không trở thành một người thẩm vấn. Nếu họ trả lời hết những câu hỏi đó, với những câu trả lời đầy đủ và chân thật, hãy giữ cuộc trò chuyện này. 

13. Hãy coi một người như một chiếc bản đồ cần được điền vào ô trống

Mỗi một người đến từ mỗi nơi khác nhau và có những câu chuyện thú vị riêng liên quan đến sở thích, ước mơ, cảm hứng và quá khứ của riêng họ. Hãy coi việc làm quen với ai đó như một cuộc tìm kiếm nhẹ nhàng để hiểu thêm về nơi họ đến, họ thích gì và ước mơ trong tương lai của họ.

Bạn đặt câu hỏi với mục đích điền vào những chỗ trống đó.

Ví dụ:

  • Để tìm hiểu thêm về quá trình họ lớn lên, bạn có thể hỏi:

“Quê bạn ở đâu?”

“Bạn có anh chị em ruột không?”

“Bố mẹ bạn có ở gần bạn lúc nhỏ hay thường đi làm xa?”

“Hồi nhỏ bạn có nuôi con vật nào mà bạn xem như thú cưng không?”

  • Để biết thêm về học vấn cũng như ngôi trường của họ, bạn có thể đưa ra những câu hỏi như:

“Bạn đã học trường nào?”

“Bạn đã học những môn gì?”

“Môn gì bạn thích nhất?”

  • Cả những câu hỏi để hiểu thêm về đam mê và sở thích của họ như:

“Bạn thường làm gì vào thời gian rảnh?”

“Bạn có sở thích đặc biệt nào không?”

“Bạn thường đi đâu vào cuối tuần?”

  • Hoặc tìm hiểu thêm về ước mơ và niềm hi vọng của họ:

“Ước vọng lớn nhất trong cuộc đời của bạn là gì?”

“Điều gì mà bạn luôn muốn làm nhưng vẫn chưa có cơ hội để làm?”

Sau khoảng thời gian trò chuyện về những chủ đề như vậy, điền vào ô trống những điều các bạn chưa biết về nhau sẽ giúp bạn kéo dài cuộc trò chuyện, và trong khi bạn hỏi (và chia sẻ bản thân bạn), bạn sẽ biết nhiều hơn về đối phương, đối phương cũng vậy. 

14. Hãy trở lên thoải mái với những khoảng lặng

Khoảng lặng trong một cuộc trò chuyện không phải điều gì xấu nếu như nó xảy ra. Nó là một phần tự nhiên của một cuộc nói chuyện, và hãy để yên cho nó đến. Bạn hay đối phương không cần thiết phải cắt đứt nó nhanh nhất có thể. Những khoảng thời gian yên lặng giúp mỗi người có thời gian để thở và nghĩ, điều đó làm cho cuộc trò chuyện trở lên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Không lo lắng về khoảng trống sẽ giúp bạn gắn kết với người kia hơn. Nếu các bạn học được cách thoải mái với sự im lặng,  bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi không phải nói chuyện mọi lúc.

Nếu ai đó cố gắng lấp đầy thời gian nghỉ trong cuộc nói chuyện với những lời nói liên tục, điều đó có thể khiến mọi người đều cảm thấy lo lắng. Hãy nhớ rằng, một cuộc nói chuyện là hai người đều tham gia vào một cách bình đẳng. Nếu bạn cần thời gian để nghỉ ngơi, điều đó ổn thôi, và người kia có thể cũng như vậy. 

15. Hãy luyện tập để tinh thần thoải mái hơn khi nói chuyện

"Tại sao tôi không thể nghĩ ra điều gì để nói với người mình thích? Tôi đặc biệt muốn học cách để không bao giờ hết ý tưởng để nói với một cô gái mà tôi biết. Ở xung quanh cô ấy, tôi càng thêm lo lắng và không còn đủ ý tưởng để nói."– Patrick

Đó là điều rất bình thường khi bạn gặp ai đó lần đầu tiên, lo lắng, đặc biệt nếu đó là một cô gái hay một chàng trai mà bạn thích.

Hãy tập luyện nói dài hơn bình thường trong một cuộc trò chuyện. Thậm chí, theo bản năng, bạn sẽ muốn thoát khỏi thứ khiến bạn lo lắng ngay lập tức, và với một cuộc trò chuyện cũng vậy. Dù bạn thật sự rất muốn nói lâu hơn trong những tình huống như thế! Hãy từ từ hướng dẫn bộ não của bạn rằng sẽ không có vấn đề gì cả khi bạn cố gắng xử lý những tình huống đó, làm cho những cuộc trò chuyện đó trở lên tốt hơn.  

16. Hãy ý thức rằng nếu có sự im lặng giữa cuộc trò chuyện, đó không phải là trách nhiệm của bạn

Sự im lặng không phải là dấu hiệu của sự thất bại khi giao tiếp. Đó được coi như là một dấu hiệu của một tình bạn tuyệt vời khi cả hai bạn cùng im lặng và không cảm thấy khó chịu về điều đó. Điều này có thể nghe như bạn chính là người chịu trách nhiệm cho việc bạn phải là người nói tiếp theo, nhưng người kia cũng có thể có suy nghĩ như vậy. Họ không đợi bạn để nói, họ cũng cố gắng để nghĩ ra điều gì đó để nói tiếp theo.

Nếu bạn tỏ ra bình tĩnh trong khoảng im lặng và không nói gì cả, bạn của bạn cũng sẽ như vậy.

17. khi bạn nhắn tin, hãy đi sâu vào những chủ đề được nói đến

Khi bạn trò chuyện với ai đó qua những tin nhắn, hãy nhớ những quy tắc sau. Những quy tắc này sẽ khiến những cuộc trò chuyện của bạn thú vị hơn, và sẽ dễ dàng để nảy ra nhiều ý tưởng để nói hơn.

Quy tắc 1: Dẫn ví dụ

Nếu bạn muốn một câu trả lời thú vị từ ai đó, thì hãy làm điều đó trước.

Ví dụ: 

“Hôm nay mình gần như là bị lỡ mất chuyến xe buýt, bởi vì mình đã thấy có 2 con sóc đang đánh nhau đấy. Còn buổi sáng của bạn thế nào?”

“Sếp của mình mới thông báo rằng bữa tiệc công ty năm nay sẽ có chủ đề về rạp xiếc. Tớ hi vọng tớ sẽ không phải ăn mặc như một chú hề. Thế còn bạn thì sao?”

“Tôi về nhà chiều hôm nay và thấy chú chó của tôi xô đổ  cây ngọc giá của tôi và lăn tròn trong đám đất. Nó trông rất hài lòng với chiến tích của nó. Còn bạn thì sao?” 

Những cuộc trò chuyện trong ngày sẽ là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho bạn, nó sẽ giúp bạn không phải suy nghĩ nhiều. Những câu chuyện như thế này cũng khơi dậy những câu hồi đáp đầy đủ và chu đáo hơn là những câu hỏi như:” buổi sáng/ buổi chiều/ một ngày của bạn như thế nào?”

Quy tắc 2: Luôn khai thác sâu hơn

Nếu bạn muốn cuộc hội thoại trở nên thú vị hơn, hãy đào sâu vào một vấn đề nào đó. Điều này sẽ dễ dàng hơn là việc nghĩ ra một ý tưởng mới để nói chuyện. 

Để tiếp tục ví dụ đầu tiên trong bước bên trên, bạn có thể đào sâu vấn đề bằng cách chia sẻ rằng bạn cảm thấy như thế nào vào buổi sáng (áp lực, vui vẻ hay là khó chịu), và hỏi xem họ cảm thấy buổi sáng của họ như thế nào/ Từ bây giờ, bạn có thể nói về những cảm xúc cá nhân và cảm nghĩ về cuộc sống. 

Ví dụ:

Bạn: Hôm nay mình gần như là bị lỡ mất chuyến xe buýt, bởi vì mình đã thấy có 2 con sóc đang đánh nhau đấy. Còn buổi sáng của cậu thế nào?

Họ: Haha, hai con sóc thật điên rồ. Buổi sáng của tớ ổn cả thôi. Mặc dù tớ có hơi mệt, mình chả hiểu tại sao nữa. Rõ ràng mình đã đi ngủ từ sớm. Thật khó hiểu.

Bạn: Mình biết cảm giác đó. Tớ nghĩ Tớ là người ngủ nhiều nhất vào buổi sáng đấy. Với tớ 8 tiếng ngủ chưa bao giờ là đủ cả, mình cảm giác như mình càng ngày càng già đi và cần ngủ nhiều hơn. 

Họ: Không chỉ có cậu đâu. Ngày trước tớ từng tham gia buổi tiệc qua đêm và sau đó đi làm luôn… thỉnh thoảng tớ bị bỏ lỡ mất vài buổi học trên trường …. [tiếp tục nói về trường học và bữa tiệc].

Những cuộc trò chuyện sẽ càng ngày càng thú vị hơn khi các bạn nói sâu hơn về những vấn đề được nêu ra, và bên cạnh đó, điều này cũng giúp mọi người hiểu rõ về nhau hơn.

18. Hãy nhớ rằng có những cuộc trò chuyện đã được  định trước cái kết

Không phải tất cả mọi người bạn gặp sẽ là người mà bạn sẽ kết nối ở nhiều mức độ. Đôi khi đó chỉ là cuộc nói chuyện nhỏ, và cuộc nói chuyện này đang lấy đi thời gian của bạn. Thời gian, những tình huống, bạn cảm thấy thế nào hôm nay, và có rất nhiều thứ quyết định xem chúng ta có bao nhiêu khoảng không dành cho cuộc trò chuyện như thế này. Không cuộc trò chuyện nào được lên kế hoạch sẽ diễn ra mãi mãi.  

Có một điều chắc chắn là cuộc trò chuyện ngắn không phải là một sự giao tiếp thất bại. Mà bạn càng có nhiều mối liên kết thông qua nhiều cuộc trò chuyện, bạn càng trở thành một người giao tiếp tốt hơn. 

____

Người dịch: Trang Thu

Nguồn: How to Never Run Out of Things to Say (If You Blank Out)

BẢN THẢO
Bài viết liên quan