Những cái tôi xiêu vẹo

Tuổi trẻ bắt đầu tựa một sớm bình minh êm đềm, yên ả với những con sóng dập dìu mãi vỗ bờ. Mặt trời đon đả soi bóng giữa biển khơi xanh rì, cả một vùng trời ửng đỏ như đôi má thiếu nữ e ấp buổi hẹn đầu. Từng chút một, màn đêm buông lời chia ly, nhường chỗ cho các mảng màu rực rỡ uốn lượn trong muôn hình vạn trạng. Những áng mây bồng bềnh hệt cây kẹo bông gòn bán trước cổng trường tiểu học năm xưa. Những cánh diều cá mập thư thái bơi giữa biển trời trong xanh. Cứ thế, vầng hào quang thuở đầu chậm

LỜI TỰA


Tuổi trẻ bắt đầu tựa một sớm bình minh êm đềm, yên ả với những con sóng dập dìu mãi vỗ bờ. Mặt trời đon đả soi bóng giữa biển khơi xanh rì, cả một vùng trời ửng đỏ như đôi má thiếu nữ e ấp buổi hẹn đầu. Từng chút một, màn đêm buông lời chia ly, nhường chỗ cho các mảng màu rực rỡ uốn lượn trong muôn hình vạn trạng. Những áng mây bồng bềnh hệt cây kẹo bông gòn bán trước cổng trường tiểu học năm xưa. Những cánh diều cá mập thư thái bơi giữa biển trời trong xanh. Cứ thế, vầng hào quang thuở đầu chậm rãi xâm chiếm tâm trí đứa trẻ chập chững bước từng bước chân đầu tiên. 

 

Ngỡ như, cái dáng vẻ an nhiên ấy sẽ theo ta suốt chặng đường sinh mệnh này. Thế mà, giữa lưng chừng mơ màng, ta nghe thấy tiếng sấm chớp vọng lại từ phương nào. Tia sáng xé ngang bức tranh trong trẻo một màu xanh thẫm, chia cắt thực tại và quá khứ. Phía bên kia ranh giới, bầu trời vẫn mê hoặc lòng người như vốn dĩ. Chỉ có bên này, nơi đôi chân ta chơi vơi không điểm tựa dưới màn mưa giá lạnh. Mây đen xám xịt cất giấu mặt trời cho riêng mình, vì thế mà, khung cảnh trước mắt bỗng tối sầm. Dẫu mắt con người có thể dần dần thích nghi với môi trường, nhưng trong những giây phút đầu tiên, nỗi sợ sẽ chẳng từ bỏ cơ hội khuấy động tâm can ta. Bóng tối xung quanh, tượng trưng cho sự hiện diện của nó, xâm nhập vào cơ thể ta qua mỗi một cái vuốt ve, mơn trớn nơi làn da mỏng manh. Mãi cho đến khi thức giấc giữa hồ nước đen ngòm, cô đặc, ta mới thật sự biết mình đã rơi vào hố sâu của hoảng loạn. Ta mới thật sự biết tế bào mình đã bị nuốt chửng bởi điên loạn.

 

Song, điều đó lại là quy luật tất yếu của kiếp nhân sinh này, hạnh phúc và bi thương luôn kề cạnh tâm khảm non nớt, dại khờ mà nồng nhiệt. Có chăng, con người chúng ta chỉ mải mê thưởng ngoạn những bình minh êm dịu hay chiều hoàng hôn cháy bỏng, để rồi quên đi sự tồn tại của những buổi trưa hè nắng gắt hay chiều đông giá rét. Dẫu biết say đắm vị thanh mát nơi đầu môi cùng hậu vị ngọt ngào chẳng có gì sai, song, chối từ chút đắng ngắt chút cay nồng ôm trọn khoang miệng ắt hẳn không phải là lựa chọn đúng đắn.

 

Suy cho cùng, hết thảy những đớn đau, muộn phiền và cả khoái lạc, hân hoan đều là các cung bậc cảm xúc, mà đã là con người thì đều phải ít nhất một lần nếm trải. Chúng được sản sinh từ chính tâm trí và tiềm thức chất chứa bao nỗi niềm, khát vọng. Nói một cách tượng hình thì, chúng là anh em cùng cha cùng mẹ, huyết thống gắn kết một đời. Vậy cớ gì người cho mình quyền phán xét cái gì tốt, cái gì xấu?

 

Mỗi sớm thức dậy, tiếng hát trong veo của cô hàng xóm đã nhắc nhở ta về nụ cười trên môi, tương lai rộng mở. Nhan nhản khắp mặt báo là câu chuyện của những con người nghị lực vượt qua khó khăn với tinh thần lạc quan. Mạng xã hội truyền tay nhau mấy con chữ dạt dào năng lượng tích cực như ngọn hải đăng tỏa sáng ngoài khơi xa. Tuyệt nhiên, không một ai, không một nơi nào thèm đoái hoài đến đôi mắt sưng húp sáng nay. 

 

Dường như, sẻ chia những ý niệm phảng phất mùi hương của cơn mưa rả rích đêm qua chính là điều cấm kỵ ở thế giới này. Bởi ai ai cũng giấu giếm đằng sau lớp áo khoác dày dặn của phấn khởi một nỗi buồn cô liêu đến chạnh lòng. Bởi ai ai cũng giấu giếm đằng sau lớp áo khoác dày dặn của mạnh mẽ một trái tim yếu đuối đến chạnh lòng. Và nếu chẳng bị dèm pha hay đay nghiến từ bao miệng đời chua ngoa, thì làm gì có cơ hội nào cho mớ vải nặng nề kia siết chặt tâm hồn ta!

 

Những cái tôi xiêu vẹo là lời chào hỏi, là cái nắm tay và là vòng ôm dành cho bạn, cho tôi và cả những nghĩ suy, xúc cảm bị đè nén. Chẳng dễ dàng gì khi nói với người cạnh bên rằng ta đang đau đớn ra sao, khổ sở thế nào, tôi biết điều đó. Chẳng dễ dàng khi chấp nhận rằng ta là kẻ yếu đuối có thể khóc thật to chỉ vì hôm nay trời mưa lớn quá, tôi hiểu điều đó. Hơn hết, tôi cảm nhận được điều đó, sự ngột ngạt đang cướp đi hơi thở. Bởi lẽ, tôi cũng như bạn, một bản thể kỳ quặc, nhu nhược, ngoan cố và suy nghĩ “lệch lạc”.

 

Từng nhân vật của Những cái tôi xiêu vẹo chính là từng mảnh ghép, tưởng chừng, như lạc lõng giữa thế gian tươi vui này. Và thứ họ khao khát nhất là được chính bản thân chấp nhận tất thảy những gì méo mó, xiêu vẹo bên trong mình. Và họ cũng nguyện ước cho bạn điều đó.

 

Chào mừng bạn đến với vũ trụ của các hỗn độn tuổi trẻ!

---


PHẦN 1: BỨC TRANH NỊNH NGƯỜI CỦA THẾ GIỚI NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH


Chương 1: Hành trình "vội lớn".


Loài người vốn là những sinh vật tham lam đến nỗi buồn cười.

 

Lúc bé tẹo tèo teo cứ nhõng nhẽo mơ ước lớn thật nhanh, thật nhanh. Đến ngày chập chững vào đời, hay lúc tâm hồn già cỗi, họ lại cầu mong được trở về làm đứa nhóc loanh quanh mẹ cha. Có lẽ vì vậy, chứng kiến cảnh người chật vật nơi trần gian trở thành thú vui thịnh hành của cõi tiên bồng. 

 

Thế nhưng, nếu lý giải một cách logic, thì chỉ những kẻ ngoài cuộc mới thấy đời sống kia giản đơn lạ thường. Bởi họ đâu phải cam chịu đớn đau hay buồn thương đi liền với từng quyết định. Tất cả những gì cần làm chỉ là ngắm nhìn, thèm khát và đay nghiến.

 

Mà lạ thay, hồi bé, mấy ai thèm chơi trò này. Tụi con nít chẳng ham mê gì chuyện phán xét hành động của người khác khi chưa từng thật sự ở trong vị trí của họ. Thế mới nói, viết đôi dòng về thế giới của người trưởng thành, cô cảm thấy vô cùng khó chịu và cũng thật khó hiểu.

 

Góc nhìn, quan điểm cá nhân được xem là cột buồm vững chắc của bất cứ con thuyền nào muốn tồn tại giữa biển khơi chuẩn mực xã hội. Miệng đời ngược xuôi, đói khát như đàn cá mập thèm muốn thịt tươi tanh nồng. Và chỉ với một chút sơ hở, ta sẽ bị chính những hàm răng sắc nhọn ấy xé xác. Và chỉ với một chút sơ hở, chúng sẽ nuốt chửng hết thảy những dấu vết minh chứng cho sự tồn tại của ta.

 

Tranh cãi, dường như đã trở thành một loại đặc sản của cõi phù thế. Bất kể điều chi, người cũng thích mang ra bàn tán, luận lý luận văn. Để rồi dựa vào hai chữ “xã hội”, người nhấn chìm mọi ý kiến trái chiều: “Ừ thì! Xã hội là như thế!”

 

Cả chuyện định nghĩa về người trưởng thành cũng gây nên bao cuộc tranh luận. Có người mạnh miệng cho rằng ta chỉ trưởng thành khi biết kiểm soát cảm xúc. Có người mạnh dạn khẳng định rằng ta chỉ trưởng thành khi biết chăm sóc chính mình. Lại có người thỏ thẻ cho rằng ta chỉ trưởng thành khi biết cảm thông với mẹ cha.

 

Chỉ riêng cô, riêng mình cô, đặt niềm tin vào quả địa cầu chẳng có lấy một bóng hình “người lớn”. Cô tin vào quả địa cầu chỉ có những đứa trẻ đang từng bước hoàn thiện bản thân. Thế thôi.

 

Vì lẽ đó, bức tranh về thế giới của người trưởng thành quá đỗi bất thường, và lại càng bất công hơn khi bắt một đứa trẻ vẽ về thế giới mà nó chưa từng được nhìn thấy hay cảm nhận. Cũng vì lẽ đó, từng con chữ tiếp sau đây chỉ là về một cô bé cố gắng hết sức hoàn thành chặng đua của bản thân. Dù sao cũng hay hơn là nguệch ngoạc mãi về những thứ mà mình chẳng có lòng tin.

 

Cuối tháng tám năm nay, cô sẽ bước sang tuổi 22. Độ tuổi mà con người ta đã phải lo lắng cho sự nghiệp, cho mẹ cha và cho tương lai. Độ tuổi mà con người ta đã phải đau đầu với mớ lo toan cơm áo gạo tiền ở đời thường. Song cô vẫn là người bị bỏ lại sau cùng trong cuộc đua với những vòng xoay trách nhiệm, so với các thí sinh cùng điểm xuất phát. 

 

Nếu nền tảng vật chất đến từ mẹ cha được xem là thiết bị tân tiến hỗ trợ khả năng thi đấu, ắt hẳn, trên vai cô hiện thời là đôi cánh dài tận hai mét. Xui xẻo thay, món quà đắt giá kia lại rơi vào tay kẻ yếu ớt đang thèo thào thở.

 

Giai đoạn dậy thì luôn là thời điểm mà ước muốn thành người trưởng thành trỗi dậy mạnh mẽ nhất. Tim loạn nhịp trước nụ cười ngược nắng của cậu bạn lớp Tiếng Anh, đứa trẻ mười hai tuổi gọi mình là “người lớn”. Thế nên, tháng ngày vấp phải sự phản đối cũng là tháng ngày cái tôi ương ngạnh lớn dần.

 

Thi thoảng, đọc lại đôi dòng nhật ký hồi mới tập tành viết và cất giấu bí mật, cô thẫn thờ mãi. Nhớ nhất cái lần thương thầm bạn nam cùng bàn hồi lớp 9. Con trẻ bày biện hết ruột hết gan. Như thể, chỉ cần một ánh mắt vụng trộm từ phía kia cũng khiến giấc ngủ trở nên êm ái. Chỉ cần đôi lời từ phía kia cũng khiến giấc mơ về ngày sê ri trắng trở nên sống động. Và cũng chỉ cần một cử chỉ gần gũi từ phía kia với ai khác cũng khiến nước mắt tự dưng lăn dài. 

 

Càng yêu đậm sâu, bé con càng mong mỏi được chứng minh dáng vẻ phụ nữ. Phải chăng là vì muốn bảo vệ tình cảm to lớn, hay đơn giản là muốn trở nên thu hút hơn trong mắt người thương? Nhân danh quyền riêng tư, bé con khóa trái cửa phòng. Nhân danh quyền tự do ngôn luận, bé con lớn tiếng phản bác yêu cầu của mẹ cha. Nhân danh quyền tư tưởng, bé con mạnh dạn đấu tranh cho mối tình thơ dại trước mọi bão giông. Nhân danh khoảng cách thế hệ, bé con khăng khăng chẳng ai hiểu mình, chẳng ai yêu mình.

 

Đằng sau cánh cửa là tình yêu của bố, là nỗi lo sợ của mẹ. Song, tất cả những gì bé con nhìn thấy chỉ là sợi dây thừng thô ráp trói buộc đời mình. Vì vậy mà hàng chục bức thư được viết tựa hồ mũi dao sắc bén cắm sâu vào tim bố mẹ. Màn đêm như dài hơn theo từng con chữ khắc khoải. Cảnh vật nhòe dần sau màn mưa như thác đổ nơi khóe mắt. Cõi lòng nát tan dấy lên bao đắn đo của bố mẹ với thần linh: “Liệu con phải làm gì để bảo vệ được đứa trẻ ngờ nghệch này đây?” Mà cô bé năm đó thì nào có hay biết gì.

 

Bản năng của kẻ chở che là càng đớn đau càng siết chặt vòng tay. Nếu chẳng thể khuyên nhủ nhẹ nhàng, thì cách còn lại chính là giam hãm sự tự do. Dẫu biết cánh chim thuộc về trời xanh mây trắng, và chiếc lồng sắt, một ngày nào đó, sẽ giết chết tâm hồn nó. Cơ mà, ai nỡ lòng để những sinh linh nhỏ bé, vụng về cất cánh đối mặt với bão tố cuộc đời? Chẳng phải tình yêu bao giờ cũng có những xiềng xích bức bối trái tim người hay sao? Mà cô bé năm đó thì nào có hay biết gì. 

 

Lời chối từ luôn là ngọn lửa châm mồi cho tất cả. Một khi quả bom bén lửa, nó sẽ hủy hoại tất thảy những liên kết giữa hai miền đất trời. Bức tường thành chia cắt đôi bờ, vốn dĩ đã cách nhau cả một dòng sông uốn lượn. Ngày qua ngày, người lại chắp vá thêm những viên gạch được nung nấu bởi dối trá, bởi gào thét đêm muộn và bởi trận đòn roi điếng lòng. Đến lúc nhìn lại, tự khi nào, hai bờ cõi đã xa cách muôn phần. Chẳng còn “chúng ta” nữa, chỉ còn lại “người” và “ta”.

 

Nhảy cẫng vào lần đầu tiên nói dối thành công để đi hẹn hò với bạn trai. Hét thật lớn vào lần đầu tiên lén mua được điện thoại bằng tiền dành dụm. Cười điên dại vào lần đầu tiên uống bia cùng đám bạn. Cô bé, tuổi chưa chạm một phần ba đời người, thoáng vui mừng ngỡ rằng mình đã trưởng thành thành công. Vu vơ câu hỏi ghé qua: “Làm người lớn đơn giản như vậy, thế sao lắm kẻ trên truyền hình cứ thở than, oán trách ông trời?”

 

Tự do tự tại sống phần đời của mình, liệu có điều gì sung sướng hơn? Theo đuổi những gì bản thân hằng mong ước mà không bị cấm đoán. Như kẻ tội phạm khát khao những gì đằng sau bốn bức tường, tất thảy kèm cặp, áp lực và gông cùm bị bỏ lại mà không một chút luyến tiếc. 

 

Khi kiên trì chạy thêm một quãng nữa, chút lòng cảm thông những phận đời len lỏi dâng lên trong cô. 

 

Cô e thẹn giấu cái nét thiếu nữ mới nhú trong tà áo dài. Dáng vẻ mê hoặc của tuổi trăng tròn mà bao thế hệ văn thơ tôn thờ là đây.

 

Tuy vẫn lắm ong bướm lượn lờ xung quanh, bóng hồng kiêu kỳ vẫn kiên định vẽ nên chàng hoàng tử của riêng mình. Những bộ phim Hàn Quốc hay cuốn tiểu thuyết gối đầu giường khắc họa mơ tưởng về một tình yêu mãnh liệt với nụ hôn ngọt ngào đầu môi. Thế nên buổi tụ họp cùng chị em trở nên rạo rực đôi phần khi kể về “mối tình trưởng thành”. 

 

Thật ra, khát vọng tình yêu đôi lứa cũng chỉ là hiện thân của tiếng nói khẳng định bản thân với phần còn lại của thế giới. Cười khinh khỉnh với bé gái hở tí giận dỗi, cô mượn con chữ cóp nhặt của mớ văn học tuổi trẻ để chứng tỏ mình đã lớn. Nào là “tự chịu trách nhiệm với đời sống cá nhân”. Nào là “khoảng không để tự lực hoàn thiện”. Cứ thế, cô rao giảng mớ lý thuyết cứng nhắc, rập khuôn mà chẳng hiểu thấu mấy phần. Lòe loẹt giữa muôn vàn sắc màu, nhân vị cứ ngỡ rằng bản sắc của mình thật sự phong phú và hoàn hảo.

 

Nhưng thế nào là tự lực khi mỗi sáng đều ngửa tay xin mẹ tiền ăn sáng? Thế nào là tự chịu trách nhiệm khi chưa một lần giặt nội y của mình? Thế nào là khẳng định bản thân với phần còn lại của thế giới khi chối từ việc thành thật với thế giới ngổn ngang bên trong?

 

Mặt trời sở hữu sức hút đầy mê hoặc và cũng là mối nguy cho chính mình. Thứ ánh sáng thấm đẫm sự tươi trẻ, mới lạ hứa hẹn nguồn năng lượng rực rỡ và tràn đầy. Song bởi cái non nớt lại háo thắng ấy mà nhấn chìm nhân vị vào lần đầu nếm trải mùi vị bẽ bàng của “cuộc đời người lớn thật sự”.

 

Báo đài vẫn huyên thuyên về thế hệ trẻ bản lĩnh, tài năng, về tốc độ trưởng thành đáng khen ngợi của họ. Nhưng lỗ hổng to lớn của bức tranh tuyệt vời kia là sự vắng bóng của những nốt trầm cay đắng. Bởi mỗi một quyết định đưa ra đều đi kèm cái giá tương xứng. Chọn khoác lên mình bộ quần áo quá khổ thì bản án là hàng vạn vết sẹo chen chúc sau hàng vạn lần vấp ngã.

 

Cô là đứa trẻ chẳng kiên nhẫn học bò trước khi đi chập chững rồi chạy nhảy tung tăng. Hấp tấp trải nghiệm sự mát lành của gió lúc phóng chân nhanh trên các cung đường, bao cảnh đẹp đã bị bỏ quên và bao vết thương đã in hằn trên làn da mỏng manh. Một vài trong số đó nhanh chóng thành sẹo. Nhưng một vài vẫn cứ rỉ máu đến tận hiện tại.

 

Tội nghiệp đứa trẻ chẳng chịu yên phận.


Chương 2: Hành trình "vội bé".


Có thật là chỉ khi ta vấp ngã đủ nhiều mới nhận ra vòng tay mẹ cha quá đỗi êm ái để rời xa?

 

Cô còn nhớ rõ những ngày sau khi nhận được kết quả đợt thi đại học. Đó là số điểm, thấp, thấp hơn rất nhiều kỳ vọng của cô và cả gia đình. 

 

Gia cảnh cô thuộc phần trung lưu của xã hội. Cộng thêm việc bố mẹ rất chú tâm đến chuyện học hành của con cái. Nên sẽ chẳng có gì lạ nếu việc chi tiêu cho các buổi luyện thi 1-1 của cô luôn thoải mái. 

 

Chẳng phải chen chúc trong lớp học chật hẹp nồng nặc mùi hơi người, cô yên vị trong nhà cao thoáng với ly nước hoa quả mát lạnh. Chẳng phải căng cả tai để nghe rõ từng lời giảng, cô thư thái lặng người bên giọng nói êm ả gần ngay trước mắt. 

 

Để rồi vào giây phút nhìn thấy con số trên màn hình máy tính, tim cô như ngừng đập trong khoảnh khắc. Bao viễn cảnh tương lai chợt bày ra trước mắt, sống động đến từng phân cảnh. Bỗng bên tai truyền đến tiếng nấc như xé nát tâm can người nghe. Pha lẫn là tạp âm của những con chữ mang điệu phẫn uất và thất vọng. Thoang thoảng trong không khí là mùi nước chạm vào làn da thô ráp của nhựa đường. Phút chốc, giữa trời mùa hạ nắng gắt, mưa đã ôm trọn cả thành phố bé nhỏ trong vòng tay.

 

Nỗi xấu hổ khi phải cố mang vác bộ quần áo người trưởng thành nhen nhóm trong cô cái ý nghĩ rời đi càng sớm càng tốt. Với tất cả lý do, cô gắng sức thuyết phục mọi người chấp thuận cái ý định tưởng chừng thông minh của mình. 

Ngày lên tàu rời Tam Kỳ, cô giận dỗi mẹ vì chút chuyện con trẻ. Thế là, cô chẳng màn ngoảnh mặt lại nhìn về phía người đàn bà đang bị nỗi nhớ thương con bao trùm. Rất lâu sau đó, anh trai kể rằng sự nhẫn tâm của cô đã in hằn nơi khóe mắt bà nhiều nếp nhăn sâu hoáy.

 

Một tháng lẻ loi giữa Sài Gòn, lần đầu tiên nỗi nhớ nhà siết chặt tim cô gái mười bảy tuổi. Cái háo hức với thành phố tuổi trẻ dần dà nhường chỗ cho những hụt hẫng và sợ hãi. 

 

Căn nhà mà cô ở thời điểm đó bé hơn nhiều so với căn của bố mẹ. Thế mà cảm giác cô đơn giữa không gian ấy cứ như một cơn sóng thần. Nó chẳng ngần ngại nhấn chìm toàn bộ cơ nghiệp gia đình thành những mảnh vụn bé xíu. Càng hít thở, cô lại càng thấu hiểu cảm giác bị dây thừng siết cổ là như thế nào. Từng ngụm không khí đi vào như thắt chặt cổ họng. Ánh sáng trong phút chốc bị màn đêm cướp đi một cách trắng trợn, chỉ để lại những đốm sáng chập chờn. Xen kẽ là ngọn lửa bùng lên như muốn thiêu rụi đôi gò má vốn dĩ trắng bệch. Còn trái tim chính là cậu bé ham muốn cảnh vật bên ngoài, cứ thế, phá vỡ hết mọi vật cản để nhảy ra ngoài. Mỗi khắc trôi qua, cô dần đánh mất cảm giác với thân thể. Hóa ra, đây là cảm giác mất kết nối với chính mình, bất lực đến uất hận. 

 

Thật ra, mấy cái lý thuyết về mối quan hệ giữa khoảng không và nỗi cô đơn của con người rốt cuộc chỉ là mớ giấy lộn xộn. Chỉ cần cảm thấy không an lòng với nơi mình đặt chân đến, thì dẫu diện tích nhỏ xíu như phòng vệ sinh công cộng, con quái vật hung tàn cũng có thể nuốt chửng ta. Không chút chần chừ, chọn chuyến bay sớm nhất, cô quay về nhà sau một hồi nức nở với mẹ qua điện thoại.

 

Đã không còn cái vắng vẻ mỗi lần bước xuống tầng trệt nữa rồi. Đã mất đi cảm giác lạnh toát sống lưng mỗi lần bước xuống tầng trệt. Cũng đã không còn cái chán chường mỗi lần bước xuống tầng trệt.

 

Bởi cái tấp nập bán buôn nơi gian hàng đã lấp đầy tầng trệt. Bởi cái ấm áp nắng mai đã nhuộm vàng tầng trệt. Bởi cái náo nhiệt tiếng còi xe nơi ngã tư đã đánh thức mọi ngóc ngách tầng trệt.

 

Cô là người mê đắm một cách kì lạ với từng chuyển động của con người trên màn ảnh. Bao lần cô bắt gặp chính mình chìm sâu trong các phân cảnh, mà diễn viên như kẻ lạc đường giữa bức tranh xúc cảm sống động, chân thật với từng nét vẽ. Đôi mắt của họ là chiếc máy ảnh đắt giá với khả năng quay hình tuyệt hảo. Mỗi một khung cảnh được chụp lại đều rõ nét. Mỗi một chuyển động được ghi lại đều vẹn nguyên. Như thể vào giây phút chiếc lá chạm nhẹ vào da, mọi thứ như ngưng đọng. Từng tế bào giãn nở, từng mạch máu chảy nhanh chậm, tất cả đều được khuếch đại hàng trăm nghìn lần. Vẻ đẹp của thế giới đó, cô đã từng nghĩ chỉ tồn tại trên phim ảnh mà thôi.


Cho đến thời khắc chạm chân lên bậc thang quen thuộc, mùi vị tuyệt hảo đó đã lướt qua đôi môi cô. Nó đọng lại nơi cuống họng vị ngọt của nụ hôn đầu vụng về, vị chua của lần chia tay đầu nơi cổng trường, vị mặn của giọt nước mắt giàn giụa lần đầu tập đi. Và hòa lẫn vào đó là chút đắng cay của lần đầu nếm trải thất bại. Món ăn tuyệt phẩm, thể như, nuông chiều hết thảy giác quan đã nguội lạnh bởi hành trình thức tỉnh đầu tiên của bé con “vội lớn”.

 

Bố cô vẫn hay dạy thế này: “Cuộc đời này là một ván bài công bằng. Rủi ro và cơ hội luôn song hành cùng nhau. Vậy nên, mỗi quyết định đều sẽ có cái giá của riêng nó. Đắt hay rẻ thì cũng phải trả mà thôi.” Vỡ òa nơi bậc thềm, cô nhận ra việc đánh đổi tuổi thơ để lấy tháng ngày trưởng thành thật sự quá ngu ngốc.

 

Quẩn quanh bên mẹ cha thì đâu phải đối diện với những bữa cơm thui thủi một chén, một đũa. Trước mặt là chiếc tivi nhỏ đang chiếu vài bộ phim buồn. Trưởng thành là phải che lấp khoảng yên lặng xung quanh bằng thanh âm của kẻ khác. Song bé con thì lại hớn hở tay gắp, miệng cười cùng bàn ăn lắm món ngon vẫn còn nóng hổi của mẹ.

 

Quẩn quanh mẹ cha thì đâu phải đối diện với mấy hôm ốm đau thui thủi một mền, một gối. Ấm nước thường ngày chỉ cần quơ tay cũng có thể hất đổ. Vậy mà, lúc lưng đau nhức kinh hoàng thì xa xăm nghìn trùng. Trưởng thành là phải che lấp nỗi tủi thân bằng cái cắn răng cầu mong sáng mai tỉnh giấc sẽ hết bệnh. Song, bé con lại hay nhõng nhẽo quấy khóc mỗi lúc bố đút từng muỗng cơm, viên thuốc.

 

Quẩn quanh mẹ cha thì đâu phải đối diện với mớ ngày khóc sướt mướt một mình, một xe. Đường về nhà nhòe đi bởi mưa đêm giăng ngập lối. Răng liên tục chạm vào nhau tạo thành thứ tiếng dị hợm. Người run cầm cập khi nước mưa hòa lẫn nước cống bắn lên cơ thể. Trưởng thành là phải che lấp lòng hờn dỗi bằng chiếc áo mưa to bự, ôm trọn thân thể khỏi tiết trời. Song bé con thì lại ấm áp trong vòng tay mẹ và yên lòng sau tay lái bố.

 

Cô và Liz của “Eat, pray, love”, hai kẻ chưa từng có đức tin cho đến ngày bản chất lộ diện, yếu đuối. Khi con người ta bất lực trước hiện thực tàn khốc, tôn giáo là nơi họ tìm đến. Nhất thời, cô hướng mắt về phía mặt trời. Lời cầu nguyện, tuy chẳng thành hình rõ chữ như Liz, nhưng mà vang vọng tận đáy lòng cô gái mười bảy tuổi. 

 

Chào Chúa hay bất kì vị thần linh nào đó, con biết sẽ là quá đỗi tham lam khi tìm đến Người lúc này. Lỗi lầm, con xin phép tạ tội. Đây là lần đầu tiên, ta gặp nhau một cách trực tiếp. Và cũng sẽ là quá đỗi bất kính khi cầu xin Người nguyện ước này. Chỉ là con chẳng còn cách nào khác nữa rồi. Quay về quá khứ, đối với kẻ phàm tục, là loại sức mạnh mà chỉ có nằm mơ mới chạm tay đến. Nhưng với Người thì khác, Người là đấng tối cao toàn năng. Quá khứ, hiện tại hay tương lai cũng chỉ là thứ định nghĩa vô thưởng vô phạt. Chiều không gian này là do Người một tay tạo nên. Vậy thì đâu mấy khó khăn để đưa một ai đó trở về thời điểm mà họ mong cầu đâu nhỉ? Kính thưa vị cha già sáng suốt, mong Người nghe thấy lời thỉnh cầu này của con. Và cho con biết con phải làm gì. Con xin toàn tâm toàn ý lắng nghe Người.

 

Thế giới của người trưởng thành chỉ là bức tranh nịnh người. Huyễn hoặc trẻ con với những con chữ về tự do, về dân chủ, người đời có phải là quá tàn nhẫn? 

 

Tội nghiệp cô gái chẳng chịu yên phận.


Chương 3: Hành trình yên phận.


Viết là cách hồi tưởng tuyệt nhất trần đời, theo cô là vậy. Có thể, xem phim cũng có công dụng tương tự. Nhưng với kẻ luôn bị cuốn theo xúc cảm của diễn viên như cô, thì nó không hiệu quả.

 

Mang trong mình lỗ hổng về mặt tư duy khá lớn, cô đã từng rất vật vã. Không một chút sắc màu hay con người hiện lên khi mảng ký ức được công chiếu, đó là nỗi đau với kẻ quyết tâm theo hướng sáng tạo. Tuyệt nhiên chỉ có màu trắng của chữ và màu đen của không gian não bộ.

 

Cô luôn được dạy về những hành trang đi kèm với “trưởng thành”. Trong số đó: mơ ước hay đam mê vẫn là sợi dây thừng vất vưởng giữa nhà. Thứ chỉ chực chờ vòng quanh cổ cô, từ từ đè lên khí quản và cướp đi từng hơi thở. Đúng! Như cái cách mà cô đơn đã từng làm.

 

Hồi học cấp ba, mỗi lần ai đó hỏi về nghề tương lai, cô chẳng ngần ngại mà huyên thuyên. Nào là ngành đó tuyệt vời như thế nào, câu chuyện chị cô đã tác động đến cô ra sao, tương lai sẽ học sâu đến bậc nào. Có điều, cô quên hỏi bản thân rằng mình có thật sự thích nó.

 

Hồi đó bắt đầu dấy lên xu hướng làm trắc nghiệm tính cách để tư vấn nghề nghiệp này nọ. Cũng tò mò nên cô đã làm thử vài ba lần. Điều đặc biệt là kết quả đưa ra từ những bài kiểm tra khác nhau, lại đều giống nhau ở cùng một lời khuyên. Theo như mấy câu từ được trả về màn hình máy tính, thì cô hợp với nghệ thuật, hợp với những công việc sáng tạo. Nhưng cái ngạo nghễ của tuổi “vội lớn” chẳng dễ dàng gì khi bắt cô từ bỏ niềm tin vào chính mình. Bởi nếu chấp nhận kết quả ấy, chẳng khác nào tự nhận rằng tâm thức này hoàn toàn xa lạ với cô. 

 

Ngày đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, chị đã cho cô vài ba con chữ tích lũy từ xương máu: “Bài học nào mua được bằng tiền thì đều rẻ.” Suy đi tính lại, có lẽ cái cố chấp lấy đi hai năm học phí ở trường đại học thì vẫn quá bèo. Nghĩ tích cực hơn một tẹo, thì đoạn thời gian này cho cô cơ hội để bắt đầu hành trình học về bản thân.

Sài Gòn là thành phố hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Đó là điều mọi người hay nói về nơi này. Bé con trong cô thì đầu lắc nguầy nguậy bởi chẳng hiểu nổi dù chỉ là một chữ. Mặc vậy, người thiếu nữ mười tám tuổi đôi phần gật gù ra vẻ cảm hiểu.

 

Trở về Sài Gòn, như bao bạn bè cùng trang lứa, cô bắt đầu tham gia dăm ba câu lạc bộ tuổi trẻ. Một vài người bạn cùng trang lứa sẽ chọn con đường kiếm tiền từ các công việc bán thời gian. Mà cô thì đâu phải kẻ phải bận tâm đến chuyện tiền nong, nên giúp đỡ cuộc đời là lý do được cô dùng để huyễn hoặc bản thân.

 

Cô thức đêm thức hôm, chỉnh sửa hàng chục cái CV, cốt chỉ muốn khoe khoang điểm “kỳ quặc” của chính mình. Rồi cũng chạy xe vòng quanh Sài Gòn để tham gia phỏng vấn. Có nơi cô biết mình đậu ngay từ những giây đầu, cũng có những vị trí thẳng thừng lắc đầu lúc cô vừa xoay người ra về. Năm mười tám tuổi, liệu mấy ai không cảm thấy tức tối khi bị chối từ? Nỗi dỗi hờn của đứa trẻ tự cao tự đại về bản sắc chính là chiếc gai nhọn trên thân cây xương rồng, trưng bày biểu cảm cáu kỉnh như thể sẵn sàng cắt đứt gân tay của bất cứ ai nếu chạm vào. Chỉ là, cô không ngờ, dẫu ánh sáng chẳng phải là điều kiện chính yếu, nhưng nếu xa “mặt trời” quá lâu, xương rồng cũng sẽ chết mà thôi.

 

Loay hoay qua vài ba cuộc hẹn, cuối cùng, tổ chức thanh niên nọ cũng nhận cô. Đã là bản chất thì khó bỏ, đứa nhỏ tuổi nhất ứng cử vị trí cao nhất. Đó là chưa kể kinh nghiệm cô còn chẳng có một mảnh vác vai. Thứ duy nhất để lòe người là thái độ tự tin. Mỗi một ánh mắt, mỗi một cử chỉ đều áp đảo đối phương. Vì mặc cho sau khi ra về, chẳng nhớ nổi mình đã nói gì, cô vẫn luôn tin vào bản thân một cách tuyệt đối tại thời điểm “giao tranh”.

 

Gặp gỡ nhóm người mới đồng nghĩa với những lần viếng thăm của sự nghi hoặc trở nên thường xuyên hơn. Khi đặt lên bàn cân, thứ sức mạnh cô có dường như quá nhẹ so với bất kỳ nhân vị nào ở phía còn lại. Nếu những buổi triển lãm trước đây, cô chưa từng cảm thấy lẻ loi vì xung quanh, ít nhất đều là khung tranh,cái khác biệt là nội dung bên trong. Thì ở đây lại khác, chẳng có giới hạn nào từ dáng hình, thể loại cho đến chất liệu. Ở góc này là tượng điêu khắc, góc kia lại là khu trưng bày gốm. Lọt thỏm giữa trăm ngàn điều “độc nhất” ấy, bức tranh ấy bỗng trở nên đơn điệu, buồn tẻ,bởi ngôn từ trắng cùng nền đen đã quá lỗi thời chăng? 

 

Điểm thú vị của những đứa trẻ con chính là không cam chịu thứ khái niệm mang tên “số phận”. Có lẽ, chỉ có nam châm mới là hình ảnh chân thực nhất để so bì với lòng gan dạ của chúng. Nó tỏa ra lực hút một cách quyết liệt và dứt khoát với bất kỳ sự chú ý nào nằm trong phạm vi chạm được. Đứa trẻ trong cô cũng thuộc loại ngoan cố như thế. Bằng mọi nỗ lực, bức tranh lẻ loi ra sức thu hút ánh nhìn của kẻ đi qua người đi lại. Điểm xuyết vài chi tiết cóp nhặt từ tác phẩm này, tác phẩm kia, thoáng nhìn, vẻ lạ mắt cũng đã níu giữ được vài đôi chân khách tham quan.

 

Cô là đứa trẻ có lòng đố kỵ rất lớn. Sẽ là dối lòng nếu nói rằng cô rất hạnh phúc khi bè bạn thành công. Đâu đó trong lồng ngực dập dìu những cơn sóng mỗi khi nghe tin vui từ một người bạn. Thế nên, lần đầu tiên trong đời, cô trở thành người phục vụ. Bán buôn trong tiệm trà sữa be bé ở quận 1 là cơ hội để hòa mình cùng dăm ba lớp người xa lạ. Chưa một lần, cô nghĩ sẽ có lúc phải nỗ lực hết sức trong việc giao tiếp với ai đó. Vậy mà ở đây, cô nhìn thấy sự phân chia rõ rệt giữa mình và phần còn lại của thế giới. Cô Chán ghét thể loại nhạc họ thích, chán ghét mấy thể loại áo quần họ mặc, một lần nữa, viễn cảnh đơn độc giữa triển lãm lại hiện về trong cô.

 

Cô nhận thức rõ ràng về tham vọng của mình, dù ở bất kỳ vị trí nào, khát khao trở thành thủ lĩnh trong cô luôn bùng cháy. Cô dùng thời gian để đánh đổi kinh nghiệm, dùng tư duy để lấp đầy lỗ hổng. Chẳng mấy chốc, đứa trẻ bên trong cô đã có được những gì nó muốn. Hả hê với chiến thắng bé tẹo, cô quên rằng hành trình chỉ vừa mới bắt đầu.

 

Chúng ta luôn cần người khác để thấy mình cô độc. Cái dáng vẻ khinh khỉnh của kẻ chiến thắng là nhát kéo sau cùng cắt đi mối liên kết của họ với mọi người. Vì mải mê đắm say với bản sắc khác biệt, vô tình, cô bị xem như kẻ dị biệt và hống hách. Mà cảm giác thắng cuộc đâu thể lấp đầy nỗi niềm bị tách biệt, nhất là khi cô chưa từng cảm thấy an yên với chính mình. Rồi tháng ngày của trách nhiệm, của sức mạnh đồng tiền đến,tâm hồn cô vỡ vụn từng chút, từng chút một.

 

Hai năm để đổi lấy sự tự do cho mình, cô tự hỏi liệu có đáng? Chẳng đáng đâu bởi làm gì có tự do nào khi ta cứ phải đeo hết chiếc mặt nạ này đến chiếc mặt nạ kia. Nhưng hai năm để đổi lấy kinh nghiệm chấp nhận bản thân thì chẳng phí hoài.

 

Vội “lớn” hay vội “bé” đều đẩy cô về phía hố sâu. Yên phận và để con người sâu thẳm bên trong tự lên tiếng mới là hạnh phúc thật sự. Bé con thì vui, mà cô gái sắp bước sang tuổi 22 cũng tốt.

 

Cơ bản thì, việc sống trên cõi đời này giống như vẽ một bức tranh. Mà đã là vẽ tranh thì đâu thể chỉnh chu nếu chỉ được dùng một loại cọ. Mà đã là vẽ tranh thì đâu thể trọn vẹn nếu chỉ tô lên một màu sắc. Nhiệm vụ của những kẻ nghệ sĩ đơn độc như ta là dâng hiến góc nhìn của bản thân trong từng đường nét. 

 

Thật lòng mà nói, chẳng có bất kỳ công thức cố định cho việc cảm thụ. Mỗi người sẽ có quyền chọn loại cọ phù hợp cho riêng mình. Mỗi người sẽ có quyền đồ lên những mảng màu đậm chất “tôi”. Trưởng thành hay trẻ con cũng chỉ là cách nghĩ bình thường. Nếu muốn bức tranh giản đơn, hãy tự trao quyền vẽ các đường thẳng. Nếu muốn bức tranh trừu tượng, hãy tự trao quyền vẽ thế giới tưởng tượng của riêng mình. 

 

Thế giới của người trưởng thành chỉ là bức tranh nịnh người khi cô chẳng chịu sống hết mình ở thì hiện tại.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan