Những Căn Cứ Khoa Học Đằng Sau Sự Khác Biệt Giữa Người Hướng Nội Và Người Hướng Ngoại

Tôi đứng giữa đám đông trước sân khấu của một câu lạc bộ âm nhạc nhỏ bé. Hai người bạn của tôi – cả hai đều là người hướng ngoại – đang lắc lư và vui đùa theo điệu nhạc …

Tôi đứng giữa đám đông trước sân khấu của một câu lạc bộ âm nhạc nhỏ bé. Hai người bạn của tôi – cả hai đều là người hướng ngoại – đang lắc lư và vui đùa theo điệu nhạc của ca sĩ Indie. Vui vẻ được một lúc, giờ đây tôi đã sẵn sàng để trở về nhà và ngả lưng trên chiếc giường của mình. Tiếng nhạc ầm ĩ, đám đông những người xa lạ và những cuộc trò chuyện phiếm tối nay khiến tôi cảm thấy kiệt sức. Có quá nhiều thứ diễn ra trong thời gian quá lâu đối với một người hướng nội như tôi.

Tôi thích đắm chìm trong sự đơn độc đầy yên tĩnh trong căn hộ của mình. Chỉ một mình tôi, không có tiếng ồn, cùng một cuốn sách hay hoặc Internet để giúp tôi nạp lại năng lượng hướng nội là đủ. Tuy nhiên, những người bạn hướng ngoại của tôi có thể ở lại buổi hòa nhạc, trò chuyện rất lâu sau khi ca sĩ đã hát xong nhiều bài. Họ vẫn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng khi rời đi và không cần bất kỳ thời gian phục hồi nào. Vậy, tại sao tôi lại phản ứng khác biệt so với những người bạn hướng ngoại của mình như vậy? Câu trả lời nằm ở một số khác biệt chủ yếu trong cách mà não bộ của người hướng nội vận hành.

Sự khác biệt về dopamine

Sự khác biệt lớn nhất trong não bộ của người hướng nội và người hướng ngoại chính là cách chúng phản ứng với chất dẫn truyền dopamine. Dopamine là một chất hóa học được sản sinh trong não bộ giúp ta có động lực tìm kiếm những các phần thưởng ngoại lai như kiếm tiền, sự thăng tiến về địa vị xã hội, khả năng thu hút bạn đời hoặc được chọn làm việc cho một dự án cấp cao. Khi dopamine được tiết ra, cả người hướng nội và người hướng ngoại sẽ nói nhiều hơn, nhạy bén với môi trường xung quanh hơn, đồng thời có động lực hơn trong việc chấp nhận rủi ro và khám phá những cơ hội mới.

Điều này không có nghĩa là người hướng nội có nồng độ dopamine trong não bộ ít hơn người hướng ngoại. Thực chất, cả người hướng nội và người hướng ngoại có nồng độ dopamine ngang nhau. Sự khác biệt nằm ở hoạt động của mạng lưới phần thưởng dopamine. Mạng lưới này sẽ hoạt động tích cực hơn trong não bộ của người hướng ngoại, Scott Barry Kaufman, giám đốc khoa học của The Imagination Institute (tạm dịch: Viện Tưởng Tượng), cho biết.

Dù là mong đợi cuộc gọi từ người ấy, hay được thăng tiến trong công việc, người hướng ngoại sẽ cảm thấy tràn trề năng lượng hơn người hướng nội. Họ trở nên phấn khích với những cảm xúc tích cực, trong khi người hướng nội lại cảm thấy bị kích động quá mức.

Đối với những người bạn hướng ngoại của tôi, tiếng ồn và đám đông tại buổi hòa nhạc chỉ đơn giản là một niềm vui của họ. Trên thực tế, cường độ của kích thích này đã đóng vai trò như một tín hiệu cho biết họ đang đạt được mục tiêu của mình (phần thưởng của việc giao tiếp xã hội và một đêm vui vẻ). Tuy nhiên, đối với tôi, khi màn đêm buông xuống, mọi thứ trở nên khó chịu và mệt mỏi, tôi thậm chí cảm thấy bị trừng phạt khi bị kích thích quá mức.

Đối với người hướng nội, acetylcholine chính là thứ tạo nên sự khác biệt

Những người hướng nội thích sử dụng một chất dẫn truyền thần kinh khác gọi là acetylcholine – theo Christine Fonseca trong cuốn Những đứa trẻ thầm lặng: Giúp đứa trẻ hướng nội của bạn thành công trong một thế giới hướng ngoại. Tương tự như dopamine, acetylcholine cũng liên quan đến niềm vui; sự khác biệt là, acetylcholine làm cho chúng ta cảm thấy tốt khi được sống trong thế giới nội tâm của chính mình. Nó nâng cao khả năng suy nghĩ sâu sắc, khả năng suy ngẫm về bản thân và khả năng tập trung cao độ vào một việc trong một khoảng thời gian dài. Điều này cũng lý giải vì sao những người hướng nội thích môi trường yên tĩnh. Chúng ta cảm thấy tịnh tâm hơn khi thoát khỏi những kích thích từ môi trường bên ngoài. Khi tôi ở nhà một mình trong sự cô độc yên tĩnh, đắm chìm vào một cuốn sách hay những thước phim trên Netflix, tôi đã thả mình trong những tác dụng dễ chịu mà acetylcholine mang lại.

Sự khác biệt trong hệ thần kinh

Một mảnh ghép khác của bức tranh hướng nội – hướng ngoại có liên quan đến hệ thần kinh – theo như tiến sĩ Marti Olsen Laney viết trong cuốn sách Lợi thế hướng nội: Cách phát triển trong thế giới hướng ngoại. Acetylcholine được liên kết với phía đối giao cảm của hệ thần kinh, có biệt danh là ‘throttle down’ hay ‘phản ứng nghỉ ngơi và tiêu hóa’. Khi phần đối giao cảm của não bộ hoạt động, cơ thể tích trữ năng lượng, ta thu mình lại với môi trường bên ngoài. Cơ bắp của chúng ta thư giãn; năng lượng được lưu trữ; thức ăn được chuyển hóa; đồng tử co lại để hạn chế ánh sáng; đồng thời nhịp tim và huyết áp của ta cũng thấp hơn. Về cơ bản, cơ thể chúng ta đã sẵn sàng để nằm lì một chỗ và chìm vào những suy tư sâu lắng, đó là hai trong số những điều mà người hướng nội thích nhất.

Cả người hướng nội và người hướng ngoại đều sử dụng cả hai phía của hệ thần kinh vào những thời điểm khác nhau, tựa như việc họ đều sử dụng cả hai chất dẫn truyền thần kinh. Tuy nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi những người hướng ngoại có xu hướng thiên về phía đối diện của hệ thần kinh: phía giao cảm, được biết đến là hệ ‘full throttle’ hay hệ ‘phản ứng chiến hay chạy, hoặc đóng băng’. Phần này thúc giục chúng ta khám phá những điều mới và khiến chúng ta năng nổ, táo bạo và tò mò hơn. Não bộ trở nên nhạy bén và tập trung cao độ vào môi trường xung quanh. Lượng đường trong máu và lượng axit béo gia tăng để cung cấp cho chúng ta nhiều năng lượng hơn và quá trình tiêu hóa bị chậm lại. Chúng ta suy nghĩ ít lại và sẵn sàng đưa ra quyết định nhanh chóng. Khi phần giao cảm của não bộ hoạt động, dopamine sản sinh những cảm xúc tích cực ở người hướng ngoại, giúp họ phát triển mạnh; tuy nhiên, đối với chúng tôi, những người hướng nội, điều đó khiến chúng tôi cảm thấy khá ngột ngạt.

Người hướng nội có ghét con người không?

Nếu bạn không hiểu rõ tính cách hướng nội, bạn có thể hiểu nhầm rằng những người hướng nội thường chống đối xã hội hay thô lỗ. Ở buổi hòa nhạc, tôi lao nhanh ra khỏi cánh cổng trước mặt mình và bỏ mặc những người bạn hướng ngoại lại phía sau. Tôi tưởng tượng được rằng có lẽ họ sẽ rời đi một cách miễn cưỡng khi bài hát cuối cùng kết thúc, khi đèn sân khấu vụt tắt và bác bảo vệ thô lỗ bắt đầu ‘lùa’ mọi người ra ngoài cổng. Tuy nhiên, khi đã hiểu rõ cách não bộ của một người hướng nội như tôi hoạt động, tôi cảm thấy hoàn toàn bình thường khi muốn rời khỏi đó sau hàng giờ xã giao và chịu đựng sự kích thích. Điều đó không đồng nghĩa với việc tôi không thích con người, chỉ là việc xã giao tốn rất nhiều công sức của tôi so với những người hướng ngoại khác. Thu mình lại ở nhà, trong một môi trường yên tĩnh và quen thuộc giúp tôi cảm thấy thoải mái và thư giãn. Hiển nhiên, tôi sẽ muốn tham gia một buổi hòa nhạc khác và đi chơi cùng vội hội bạn hướng ngoại, nhưng chỉ sau khi tôi nạp đầy năng lượng cho mình.

Dịch: Hoàng Anh

Biên tập: Catthi

Minh họa: Weisomniac

Nguồn bài viết: https://www.huffpost.com/entry/the-scientific-reasons-why-introverts-and-extroverts-are-different_n_566eedf6e4b011b83a6be33a

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan