Những dấu hiệu cho thấy ai đó muốn nói chuyện với bạn

Làm thế nào để nhận ra rằng ai đó muốn nói chuyện với bạn? Trong bài viết này, bạn sẽ được tìm hiểu về 12 dấu hiệu cho thấy ai đó muốn nói chuyện với bạn, kể cả từ trước khi bạn tiếp cận lẫn khi bạn đang nói chuyện với người đó.

Những dấu hiệu cho thấy ai đó muốn nói chuyện với bạn

Bất cứ khi nào bạn chuẩn bị bắt chuyện với ai đó, hãy chú ý tới những dấu hiệu sau đây để biết rằng họ có hứng thú với cuộc trò chuyện này hay không?


1. Họ có đáp lại nụ cười của bạn không?


Điều này sẽ rất tuyệt nếu bạn đang cảm thấy ngại ngùng.


Liệu người đối diện trong căn phòng đông đúc ấy có đang nhìn về phía bạn không? Nếu ánh mắt hai bạn chạm nhau, hãy mỉm cười, và chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Nếu người đó cười lại thì đó chính là một dấu hiệu chắc chắn rằng họ đang rất thoải mái để có thể trò chuyện với bạn. Mỉm cười thường được hiểu là một dấu hiệu báo trước của lời chào.


Hãy cẩn thận khi giao tiếp bằng ánh mắt với nhau và bạn sẽ không nhìn chằm chằm vào đối phương bằng con mắt thèm thuồng.


2. Họ có hướng về phía bạn không?


Tuỳ thuộc vào bối cảnh lúc ấy, có thể bạn đang được vây quanh bởi nhiều người. Nếu có người đang đứng ở phía ngoài nhóm người ấy, có thể họ đang hướng về phía bạn. Con người là một sinh vật xã giao, nên rất có thể là họ muốn được tham gia cùng.


Hoặc một tình huống khác ở một quán cà phê, và bạn đang ngồi một mình. Nếu người đó ngồi ngay gần bạn và hướng về phía bạn, bạn có thể coi như đó là một dấu hiệu vô thức cho thấy người đó có thành ý muốn giao tiếp với bạn. 


Cơ thể của chúng ta không biết nói dối. Nếu ai đó hướng về phía bạn, đừng ngại ngần khi phải nói gì đó hay bắt đầu cuộc trò chuyện. Rất có thể, họ đang đợi bạn mở lời.




3. Họ có bỏ những đồ vật đang ngăn cách giữa họ và bạn ra không?


Bạn phải đặc biệt chú ý tới điều này. Nói về ngôn ngữ cơ thể, bạn có để ý thấy rằng đồ vật, người, hay những vật cản trở giữa bạn và người kia đã được dịch chuyển ra chỗ khác không? Nó có thể đơn giản như là một cốc bia giữa hai người được đem ra chỗ khác, một cái gối trên cái ghế dài nằm giữa hai bạn hay là vị trí của chiếc túi xách.


Việc loại bỏ bất cứ thứ gì, dù lớn hay nhỏ, từ vị trí giữa bạn và người kia là một dấu hiệu cho thấy rằng đối phương đã sẵn sàng để tiến gần bạn hơn. Đây là một cách thể hiện rất tinh tế và diễn ra trong vô thức.


4. Họ có ở đây vì lý do giống bạn không?


Bối cảnh là điều mấu chốt ở đây. Bạn đang tham dự một bữa tiệc tối ấm cúng tại nhà một người bạn hay là một bối cảnh tương tự?


Nếu tìm thấy nhau ở cùng một không gian, bạn và họ sẽ tự nhiên có cùng chung sở thích. Điều đó có nghĩa là bạn nên tự hỏi bản thân mình những câu hỏi như, “Tại sao tôi lại ở đây?” Nếu câu trả lời như kiểu “Để ăn mừng người này người kia", bạn đã đi được nửa quãng đường. Các bạn đang cùng tụ tập ở một nơi cho một mục đích cụ thể và có rất nhiều người vây quanh. Có thể bạn đang tham gia một đám cưới, hay là một buổi trình diễn của một band nhạc mà bạn rất thích.


Sử dụng bối cảnh xã hội của bạn là cách để đánh giá mối quan tâm của những người xung quanh. Rất có thể, vì các bạn đang ở cùng một địa điểm nên các bạn có điểm chung và có cùng chủ đề để thảo luận.


Nhìn chung, khi chúng ta có điểm chung với ai đó, chúng ta sẽ cởi mở hơn với các cuộc trò chuyện. Cuộc nói chuyện này sẽ dễ dàng hơn, và chúng ta thường tò mò với việc tại sao chúng ta đều kết thúc ở cùng một địa điểm, cùng nhau. Hãy để bối cảnh làm công việc này cho bạn, và mở ra một cuộc trò chuyện bằng cách quan sát căn phòng xung quanh bạn.


Nói theo một cách khác: Nếu lí do mọi người ở đó giống với bạn, họ sẽ có nhiều khả năng muốn được giao tiếp với bạn hơn.


5. Họ có nhìn vào cùng một hướng với bạn không?


Yếu tố lớn nhất trong việc quyết định người kia có muốn trò chuyện với bạn hay không là người đó có sẵn sàng để giao tiếp không. Để biết được nếu người ta có thấy thoải mái và sẵn sàng, bạn cần phải tinh ý.


Hãy dành một chút thời gian, và quan sát người đó. Họ có bận tâm đến những điều gì khác có vẻ quan trọng không? Hay mắt của họ có nhìn lướt quanh căn phòng, và tìm kiếm người trò chuyện?


Khi họ nhìn vào cùng một hướng giống bạn, đó là một dấu hiệu họ cởi mở với cuộc giao tiếp. (Trừ khi bạn nhìn vào những gì bên cạnh bạn, như là màn hình TV)


Thỉnh thoảng mọi người cảm thấy ngại, và tỏ vẻ như là không quan tâm vì họ cảm thấy không thoải mái, không phải bởi vì họ không muốn nói chuyện!


Bởi vậy, tôi có những đề xuất như sau:


Nếu họ nhìn về cùng một hướng với bạn, đó là dấu hiệu cho thấy họ muốn nói chuyện với bạn. Tuy nhiên, nếu họ có vẻ lơ đễnh, đó có thể chỉ là do họ cảm thấy lo lắng.


Bạn vẫn có thể bắt đầu cuộc nói chuyện với họ và sử dụng những dấu hiệu dưới đây để nhận ra rằng họ chỉ đang lo lắng hay thật sự là không muốn bị làm phiền.


Những dấu hiệu cho thấy ai đó muốn kéo dài cuộc trò chuyện với bạn


Hãy nhìn vào những đặc điểm này để biết rằng người đó có muốn nói chuyện cùng bạn khi bạn và họ đang đối thoại hay không.


1. Họ có đi sâu vào câu chuyện không?


Ngay khi bạn bắt đầu câu chuyện, hãy tự hỏi bản thân rằng người kia có đang cố gắng tìm hiểu con người bạn hay những gì bạn nói hay không. Nói theo một cách khác, họ có đi sâu vào câu chuyện không?


Sau những câu chào xã giao ban đầu, cách tốt nhất để nhận ra liệu người ấy có hứng thú hay không đó là theo dõi xem họ hỏi bạn bao nhiêu câu hỏi. Họ có đang cố gắng không? Hay bạn có đang cảm thấy nặng nề và hỏi người ấy suốt không? 


Nếu trong suốt cuộc trò chuyện bạn chỉ có bạn lên tiếng và đặt câu hỏi và bạn chẳng thấy chút cố gắng nào từ họ để duy trì cuộc nói chuyện, đấy là dấu hiệu cho thấy họ không muốn nói chuyện.


Phần lớn mọi người không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với một người mới quen. Vì vậy, tôi thường duy trì cuộc trò chuyện khoảng 5 phút ban đầu trước khi cả hai đi sâu vào những chủ đề khác. Trước đó, có thể họ cũng muốn nói chuyện nhưng lại quá căng thẳng để nghĩ ra nên nói những điều gì.


Nhưng nếu tôi đã nói suốt hơn năm phút và vẫn chỉ có tôi nói, tôi sẽ xin phép và rời đi.


Một cuộc đối thoại nên đến từ hai phía. Người bạn đang nói chuyện cùng cần phải muốn hiểu thêm về bạn - và cách tốt nhất để làm được điều đó là đặt ra những câu hỏi.


2. Họ có chia sẻ về bản thân họ không?


Người ta càng muốn duy trì cuộc trò chuyện thì sẽ càng chia sẻ nhiều thông tin về bản thân họ. Họ muốn thu hút sự chú ý từ BẠN. Vì vậy, khi bạn đang cố gắng đặt câu hỏi cho họ, họ sẽ đảm bảo rằng những gì bạn nhận được từ họ xứng đáng với thời gian bạn bỏ ra. Nếu câu trả lời của họ như rơi vào ngõ cụt, có thể họ muốn bạn dừng việc đặt câu hỏi, và kết thúc cuộc trò chuyện.


Ngược lại, hãy chắc chắn rằng bạn cũng cởi mở hơn khi chia sẻ về bản thân bạn. Khi chúng ta thoải mái, cuộc nói chuyện sẽ trở nên thú vị hơn và chúng ta tạo cơ hội cho tình bạn được trở nên khăng khít hơn.


Một vài người chỉ không cảm thấy thoải mái khi chia sẻ mọi điều về họ. Nói cách khác, nếu ai đó chia sẻ rất nhiều chuyện về bản thân họ cho bạn, đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ muốn nói chuyện với bạn. Nếu họ chỉ nói một hai điều về họ, điều đó có thể cho thấy họ đang muốn chấm dứt cuộc trò chuyện. Tôi khá thích dấu hiệu này cùng với việc nhìn về hướng chân của họ.


3. Chân của họ có chĩa về hướng bạn không?


Bạn đã bao giờ nghe câu nói “Nếu một người cảm thấy hứng thú với bạn, họ sẽ hướng mũi bàn chân của họ về phía bạn trong lúc bạn đang nói" chưa?




Đây là một thủ thuật khá lâu đời, nhưng có một sự thật đằng sau câu nói cũ ấy. Nếu hai bạn đang nói dở câu chuyện, hãy dành chút thời gian nhìn xuống phía dưới. Mũi chân của bạn hướng về phía nào, và của người ấy hướng về phía nào?


Nếu chúng chĩa về phía bạn, đây là một dấu hiệu tuyệt vời. Nếu chúng chĩa về cùng hướng với chân của bạn, nó cũng là một dấu hiệu tuyệt vời. Có thể là họ đang làm những điều giống bạn, như điều tôi muốn đề cập phía dưới, hoặc họ muốn di chuyển về cùng hướng với bạn.


Tuy nhiên, nếu chân họ chĩa về hướng xa bạn hoặc đơn giản là không cùng hướng với chân bạn, nó là một dấu hiệu chắc chắn rằng họ muốn kết thúc cuộc nói chuyện càng nhanh càng tốt.


4. Họ có đang bắt chước những gì bạn đang làm không?


Trong lúc đang nói, hãy chú ý đến cơ thể của bạn. Bạn có thể nhận thấy rằng cử chỉ và tư thế tay của bạn đang phản chiếu lại bạn. Các nghiên cứu cho thấy khi chúng ta ấn tượng với người khác, chúng ta dường như muốn bắt chước mọi cử chỉ của người đó.


Chúng ta không thể kiểm soát được điều đó, chúng ta muốn làm mọi thứ để khiến người mà ta muốn trò chuyện cảm thấy yên tâm, và cho họ thấy xứng đáng với những gì họ đóng góp vào cuộc đối thoại này. Đó là cách chúng ta thể hiện thiện chí muốn giao tiếp.


Mặt khác, nếu chúng ta đang cử động tay còn người kia khoanh tay, đó có thể là dấu hiệu họ muốn kết thúc cuộc trò chuyện, đặc biệt nếu chân người đó hướng ra chỗ khác.


5. Họ có cười một cách chân thành không?


Cười là một cách tốt nhất để kết nối với nhau, và đôi khi, chúng ta không nhất thiết phải trở nên hài hước để có thể thu hút sự phấn khích của ai đó. Mọi người thường rất dễ cười với bất kỳ thứ gì sau mấy phút đầu của cuộc nói chuyện.


Khi bạn đang trong cuộc trò chuyện, đừng ngại thể hiện cá tính của mình, và hãy vui vẻ. Nếu họ cười một cách chân thành về trò đùa của bạn, đó là một tín hiệu tốt cho thấy họ muốn tiếp tục được trò chuyện với bạn. Nếu họ cười một cách lịch sự và kết hợp với việc nhìn ra xa hay đảo mắt quanh căn phòng, điều đó cho thấy bạn cần phải kết thúc cuộc trò chuyện.


6. Họ có lắng nghe bạn một cách chăm chú không?


Bạn có thể nhận ra ai đó có đang chăm chú lắng nghe bạn hay không: Bạn có cảm nhận được họ đang hoàn toàn tập trung sự chú ý vào bạn.


Ở một thời điểm khác, mọi người có thể nhận ra điều gì đó trong tâm trí họ: Biểu cảm và phản ứng trên khuôn mặt của họ có thể xảy ra hơi chậm và có một chút giả dối. Khi bạn nói điều gì đó, họ phản hồi lại như kiểu “Ồ, vậy à", như là họ đang nói theo kịch bản hơn là họ thực sự nói ra điều đó từ trái tim họ.


Nếu phản hồi của họ có vẻ gượng gạo, đó có thể là tín hiệu cho thấy tinh thần của họ đang có sự thay đổi, họ cảm thấy trống rỗng và muốn kết thúc cuộc trò chuyện.


7. Bạn có chắc chắn rằng họ không cần thiết phải rời đi không?


Rất khó để biết nếu một ai đó chỉ cảm thấy không thoải mái hay họ không muốn nói chuyện. Tôi có một câu hỏi thường dùng để hỏi khi tôi cảm thấy khó khăn:


“Bạn có đang cần phải đi đâu không?” (Bằng một giọng thân thiện, để nó không trở thành TÔI MUỐN họ rời đi ngay lập tức)


Khi tôi hỏi câu hỏi này, tôi cho họ một đường lui nếu họ, thật sự, muốn kết thúc cuộc trò chuyện, mà không phải trở nên thô lỗ. Mặt khác, nếu họ THỰC SỰ muốn duy trì cuộc đối thoại, họ có thể trả lời những câu kiểu như


“Không, tôi không cần phải vội đâu" hay là Đúng vậy, nhưng tôi có thể tạm gác lại chuyện đó một chút"


Dịch bởi: Bò.

Biên tập: Ori

Ảnh: Burst

Tham khảo: https://socialpronow.com/blog/can-see-someone-wants-continue-talking/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan