Những điều luyến tiếc ở tuổi 34

34 tuổi, 1/2 đời người rồi. Đã 10 năm từ lúc bắt đầu công việc như công dân gương mẫu, rời xa giảng đường với cuộc đời vô lo. Chiêm nghiệm lại cuộc sống mình những năm qua, tôi cảm thấy hối tiếc điều gì? Điều gì chưa bắt tay, hoặc cứ bắt tay mãi mà chưa hoàn thành, để lại những tiếc nuối đến bây giờ.
34 tuổi, 1/2 đời người rồi. Đã 10 năm từ lúc bắt đầu công việc như công dân gương mẫu, rời xa giảng đường với cuộc đời vô lo. Chiêm nghiệm lại cuộc sống mình những năm qua, tôi cảm thấy hối tiếc điều gì? Điều gì chưa bắt tay, hoặc cứ bắt tay mãi mà chưa hoàn thành, để lại những tiếc nuối đến bây giờ.

1/ Học anh văn

Lớn lên từ một thị trấn nhỏ của tỉnh, tôi tiếp xúc với tiếng Anh theo kiểu truyền thống và thụ động. Từ những ngày bước vào Đại học, hơn ai hết, tôi biết phải cố gắng thay đổi và học lại tiếng Anh để giao tiếp cho tốt, sau này sẽ thêm thuận lợi khi ra trường. Nhưng thực sự chưa đủ quyết tâm. Tình trạng cứ ẩm ương kéo dài đến khi rời khỏi ghế nhà trường. Đi làm được 3 năm, tôi hứng chí muốn đi du học (đó lại là câu chuyện khác). Và tất nhiên, tiếng Anh, cụ thể là IELTS là điều kiện cần dù chưa đủ. Tôi lại khăn gói, lấy tiền dành dụm đi học IELTS, mua sách vở... Một khóa, hai khóa, ba khóa. Đi thi. Điểm thì thường thường bậc trung do cũng chả chăm chỉ ôn luyện lắm. Và rồi tôi chuyển khoa/ phòng làm việc, công việc mới thú vị hơn, nhiều thử thách hơn nên tôi lại bỏ quên ý định học anh văn. Đến bây giờ dù nghe nói tiếng Anh cũng tàm tạm nhưng hoàn toàn chưa được 1/10 như tôi mong đợi. Nhìn lại, đã 7 năm từ lúc tôi biết IELTS là gì, đã đủ lâu để tôi biết mình thiếu gì và cần gì. Ấy vậy mà tôi vẫn chưa đạt được. Gen Z đang nổi lên với sự phát triển vượt bậc, thông minh, nhanh nhạy, sáng tạo và đầy năng lượng. Tôi ước giá mà đã xuất phát và kiên trì đeo đuổi mục tiêu của mình hơn, thì có lẽ giờ đây tôi đã tự tin hơn với khả năng giao tiếp của mình.



2/ Đi du học

Như đã nói ở trên, có một dạo tôi tha thiết muốn đi du học. Ấy là những năm 25 tuổi, khi quá chán ngấy công việc nhàm chán lặp đi lặp lại suốt ba năm. Cũng đã liên hệ và suýt thành công với một vài giáo sư trong chuyên ngành. Thiếu gì cơ? Thiếu anh văn như đã kể ở trên. Trong quá trình luyện anh văn kiếm cho đủ điểm IELTS, tôi lại tự nhiên cảm thấy hài lòng hơn với công việc ở phòng ban mới. Ở tuổi ấy, chuyên ngành của tôi vẫn cần nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế hơn, và nơi làm việc mới thực sự là lựa chọn hoàn hảo. Tôi say mê chinh phục thử thách trong công việc ấy, vượt qua những cung bậc stress, thử thách, và quan trọng là sự tiến bộ vượt bậc. Thế rồi tôi quên mất khát khao du học. Đến khi công việc mới rồi cũng thành lối mòn, tôi lại nghĩ đến khát khao ấy, một lần rồi lại một lần. Du học, dù cũng lắm chông gai, nhưng đó sẽ là trải nghiệm thú vị ở vùng đất mới, văn hóa mới, những con người mới. Mỗi khi phải tự mày mò trong đống bài báo và những nghiên cứu, tôi lại ước giá mà mình đi du học, mình sẽ tiếp cận với những bài báo chuyên ngành và được dạy bảo chính quy hơn. Mỗi khi nhìn thấy các bạn trẻ hơn đạp xe trên những con đường xanh mướt thênh thang ở trời Âu, tôi lại nghĩ về ước mơ đến Hà Lan hoặc Úc. Mỗi khi xem đi xem lại House MD, Good Doctor, tôi lại ước chi được dù chỉ một lần mình là một trong số các nhân vật ấy, được tiếp cận nền y học hiện đại và tiên tiến nhất.

Hiện tại không cho phép tôi dễ tung bay với ước mơ do vướng bận gia đình, kinh tế. Mỗi khi nghĩ đến du học, tôi lại phải nghĩ kèm theo biết bao trăn trở khác...



3/ Trau dồi chuyên môn nhanh hơn để... kiếm tiền

Một nhược điểm của công việc hiện tại là nó khiến tôi cảm thấy yên ấm, an toàn quá. Tiến bộ ư? Chắc chắn sau ngần ấy năm tôi có tiến bộ đấy chứ. Nhưng quá chậm. Quá chậm để tự tin ra đứng riêng trong một môi trường khác năng động và thách thức hơn. Quá chậm để cảm thấy mình đủ trưởng thành giải quyết các khó khăn, thay vì vậy cứ hài lòng với chăn ấm nệm êm ở nơi đây. Và một sự thật rằng, quá chậm để nhận ra thu nhập quá kém so với công sức mình đã đổ vào, để nhận ra cuộc sống không chỉ có "lý tưởng làm nghề" mà còn nhiều thứ khác. Phải thấy mình xứng đáng được nhiều hơn hiện tại, thay vì tiết kiệm thì nên đầu tư hơn. Chỉ còn chừng 20 năm nữa để đeo đuổi nghề, vậy khi nào mình mới dám bứt phá để tự yêu lấy chính mình?



4/ Có một cái blog- nghiêm- túc

Đó là vào mùa dịch, tôi mắc kẹt ở nhà và nhận ra... mình không có nguồn khác để lo cho thu nhập gia đình. Tự hỏi lại ngày xưa mình đã từng có nghề tay trái hay sở thích đặc biệt nào, à, viết lách. Tiếp tục mày mò trên các hội nhóm facebook và bắt đầu tìm hiểu về blog, về MMO (make money online). Tôi lọ mọ làm một chiếc blog nghiêm túc để phát huy vốn tự có, đọc và ứng dụng các kinh nghiệm người đi trước. Tôi nhận ra các blogger đa số còn trẻ lắm, hoặc bắt đầu từ khi còn rất trẻ. Các bạn viết hay, có thâm niên trong nghề và có nhiều kinh nghiệm hay ho đáng để học hỏi. Không như cái thời ngày xưa ấy, được làm cộng tác viên của báo này nọ là "oai" lắm, bây giờ các bạn làm chủ chính mình. Blog là nơi phát triển bản thân và giới thiệu bản sắc của mình. Hơn nữa, làm blog tốt còn là nguồn thu nhập hiệu quả và lâu dài.



Kết:

Trễ rồi vậy có nên buông xuôi? Tất nhiên là không. Chỉ là ước ao một chút về quãng thời gian "thanh xuân" của mình - quả thật ngắn ngủi và nông cạn như "một tách trà" bé tí. Ước ao được quay lại, làm tốt hơn, vượt qua những trở ngại và sức ì tâm lý. Nhưng tất nhiên thời gian vốn là con đường một chiều. Cái quan trọng của việc nhìn lại là để đi tiếp con đường còn lại có ý nghĩa hơn, nếu được, hoàn thành nốt những dự định, ước mơ còn dang dở với hết khả năng của mình, sao cho 10 năm tiếp theo sẽ không phải nhìn lại với nỗi hối tiếc như hiện tại.


Tác giả: Kat Lê

Biên tập: Mei

Nguồn ảnh: Unplash

BẢN THẢO
Bài viết liên quan