Những điều mà năm cũ đã dạy chúng ta

Năm vừa qua có lẽ đã lấy đi rất nhiều thứ của chúng ta: tiền bạc, công việc, mối quan hệ… Tuy nhiên, những trải nghiệm không may đó đôi khi lại giúp ta biết quý trọng hơn những gì mình có được, ngay lúc này.


Năm 2021 vừa qua có lẽ là một năm chứa đựng nhiều trải nghiệm khó khăn với hầu hết mọi người. Từ những nỗi lo lắng, bất an bởi vô số vấn đề xảy ra trong cuộc sống như công việc, học tập, mối quan hệ; đến cảm giác sợ hãi, tuyệt vọng, và cả sự bất lực vì “cơn sóng” Covid - 19 của thời đại đi qua đã quét sạch những kế hoạch, dự định và biết bao hoài bão của tất cả mọi người. Thật khó để có thể nhìn lại những hình ảnh của một năm qua đi với quá nhiều mất mát và đau thương, nhưng tôi tin rằng, việc bình tâm đón nhận những được - mất của mình suốt quãng dài thời gian vừa qua - là một cách để chúng ta tự hoàn thiện chính mình.


Năm cũ đã dạy cho chúng ta điều gì? Liệu có bài học nào được rút ra từ những mất mát, nỗi bất an và cảm giác sợ hãi? Thật ra, chính những trải nghiệm tiêu cực mà chúng ta không may có được lại cho mình những bài học và kinh nghiệm trong cuộc sống, dìu dắt ta bước qua chặng đường tiếp theo của năm mới.


1. Kiểm soát những cảm xúc tiêu cực


Giai đoạn khi đại dịch lại một lần nữa bùng phát, những con hẻm, góc đường bỗng trở nên hiu hắt, và hàng loạt hàng quán phải đóng cửa vì lệnh cách ly. Chỉ thị 15, 16 và sau đó là vô số những chỉ thị khác lần lượt ra đời. Tình trạng cách ly, giãn cách kéo dài khiến phần lớn chúng ta đều chìm trong mớ hỗn độn của những cảm xúc tiêu cực. Những ngày tháng khủng hoảng bên bốn bức tường vắng, không tụ tập, không gặp gỡ, sinh hoạt cũng trở nên hạn chế đã làm cho bóng đen của sự giận dữ, lo lắng, khó chịu, và sợ hãi bỗng chốc trỗi dậy bên trong mỗi người.


Không thể phủ nhận rằng, cảm xúc tiêu cực đã ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, nếu đại dịch không xảy ra, những cảm xúc tiêu cực ấy vẫn có khả năng bùng nổ vào bất cứ thời điểm nào trong đời. Covid - 19 chỉ như một chiếc chuông báo cháy - phát đi tín hiệu cho chúng ta biết rằng, những đợt cảm xúc ấy vẫn luôn ẩn hiện bên trong, và chỉ chờ cơ hội thích hợp để tất cả chúng được giải phóng ra bên ngoài. Nhưng ta ngây ngô cứ luôn nghĩ rằng, Covid - 19 vẫn luôn là thủ phạm.


Vậy là, chúng ta bắt đầu nhìn nhận lại những cảm xúc của mình. Có phải trong những phút giây hối hả của cuộc sống, ta đã vô tình bỏ mặc cảm nhận của bản thân? Phải chăng, ta từng phớt lờ cảm giác khó chịu luôn âm ỉ bên trong mỗi khi kẹt xe, hay trễ giờ đến lớp? Liệu ta có xem nhẹ cảm xúc lo lắng, sợ hãi khi bản thân mắc một sai lầm nào đó trong bài kiểm tra? Thật ra, cảm xúc tiêu cực đã xuất hiện trong chúng ta từ rất lâu trước kia, khi mà Covid - 19 còn chưa được “thai nghén”. Tình cờ thay, vào những ngày chung sống cùng Covid, ta nhận ra mình đã vô tình bỏ quên chúng. Thật ra, mọi cảm xúc đều đáng được trân trọng, kể cả những cảm xúc tiêu cực của chính mình.


Những điều mà năm cũ đã dạy chúng ta | Nguồn ảnh: Unplash


2. Vượt qua nỗi đau mất mát


Mất mát luôn là nỗi ám ảnh day dứt trong tiến trình phát triển của mỗi con người. Đau đớn hơn, những sự mất mát bất ngờ luôn để lại một vết thương lòng rất sâu cho những người ở lại. Có những ngày đường phố chỉ nghe mỗi tiếng xe cứu thương, và có những ngày biết bao căn nhà đã phải chìm trong mùi tang tóc. Tôi hình dung cái chết bởi Covid - 19 gây ra đáng sợ hơn bất kỳ cái chết nào mà mình biết được. Bởi trong giây phút ngắn ngủi cuối đời, những người kém may mắn ấy không có cơ hội được nắm tay người thân, và nói ra những lời trăn trối cuối cùng đến đối tượng mà họ muốn nhắn gửi. Vào những giây phút ấy, họ chỉ có thể nằm đó, im lặng, và hít lấy những luồng oxi cuối cùng trong nặng nhọc. Họ chỉ có thể nằm đó, im lặng, và ra đi trong tủi hờn.


Nhưng còn gì đớn đau hơn nỗi đau của những người ở lại? Những cuộc điện thoại đột ngột thông báo về cái chết của cha mẹ, anh chị em của mình sẽ mãi mãi là vết thương, hằn rất sâu vào trong trí nhớ của họ suốt những năm sau này. Nhưng nếu chỉ có thể sống mà đắm chìm trong cảm giác đau khổ, liệu những người ra đi sẽ yên lòng nhắm mắt?


Thế nên, dù muốn dù không, hành trình vượt qua nỗi đau mất mát như là một món quà tạm biệt của những người ở lại, dành tặng cho những người ra đi. Chúng ta đều mong muốn rằng, bản thân sớm có thể vui vẻ và hạnh phúc trở lại, để nhắn gửi với những người thân của mình đã không may ra đi vì đại dịch: Mọi người hãy yên lòng nhé! Con vẫn ở đây, và đã mạnh mẽ để bước tiếp đoạn đường còn lại của mình rồi.


3. Trân trọng những gì mình có được


Năm vừa qua có lẽ đã lấy đi rất nhiều thứ của chúng ta: tiền bạc, công việc, mối quan hệ… Tuy nhiên, những trải nghiệm không may đó đôi khi lại giúp ta biết quý trọng hơn những gì mình có được, ngay lúc này.


Cảm giác xa cách vì đại dịch gây ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ hiện tại. Có những cặp đôi vì không chịu được sự xa cách, không thể gặp mặt thường xuyên mà bắt đầu xuất hiện những đổ vỡ. Tuy nhiên, cũng có những người dù xa nhau nửa vòng trái đất, chênh lệch múi giờ, và hàng ngàn dự định được vẽ ra cùng nhau đều không thể thực hiện vì lệnh hoãn nhập cảnh, thì họ vẫn tiếp tục mối quan hệ hiện có. Mỗi người chúng ta đều biết rằng, trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống, việc có được ai đó luôn đồng hành cùng mình là một điều đáng quý. Còn gì hạnh phúc hơn sau một ngày mệt mỏi, chúng ta lại được cùng nhau huyên thuyên về những niềm vui, vất vả trong ngày, được cùng nhau sẻ chia những kế hoạch cá nhân trong đoạn đường sắp tới.


Dù 2021 đã sắp sửa khép lại trong vài ngày tới đây, nhưng những dư vị ngọt ngào lẫn cay đắng mà chúng ta có vẫn sẽ được gửi gắm qua năm 2022. Mỗi trải nghiệm là một lần lớn lên. Không hy vọng năm mới chúng ta có thể trưởng thành hay mạnh mẽ, bởi dù là mạnh mẽ hay yếu đuối thì cũng đều được cả, nếu chúng khiến ta cảm thấy thoải mái hơn với chính mình. Hãy chỉ hy vọng rằng, bản thân mỗi người vẫn sẽ luôn tin tưởng với mỗi bước đi ở hiện tại, và bình tâm đón nhận bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống.


---


Tác giả: Trúc Phạm


BẢN THẢO
Bài viết liên quan