NHỮNG ĐIỀU TỚ (VÀ CÓ THỂ CẬU) CHƯA TỪNG NGHĨ TỚI VỀ COVID

🔻 Vì sao cần tiêm vaccine? Miễn dịch cộng đồng với vaccine hoặc tuyệt hơn là sự xuất hiện của thuốc đặc trị trong tương lai có thể là lựa chọn duy nhất để chúng ta quay trở lại cuộc sống bình thường.

NHỮNG ĐIỀU TỚ (VÀ CÓ THỂ CẬU) CHƯA TỪNG NGHĨ TỚI VỀ COVID


Sáng nay mở mắt dậy tớ thấy câu chuyện VTV chỉ trích những người ra đường mùa dịch. VTV cũng bị chỉ trích khi sử dụng học thuyết lỗi thời 60 năm để lên án nhiều người - trong đó có cả những ai chúng mình gọi là đồng bào.


Tối qua đi ngủ tớ có xem bác Đam phát biểu trong một cuộc họp rằng Vaccine bây giờ quý từng liều một. Vì trận chiến này còn kéo dài, và nếu có thể thì trước mắt xin các thành phố khác nhường cho thành phố Hồ Chí Minh.


Hôm kia tớ đọc thêm cả những bài viết kiểu riết rồi sự ưu tiên sẽ dành cho tư bản cả thôi, như cách Vingroup xin Vaccine vậy. Rồi hôm trước nữa là những bài như: Sao phải nhường nhau, sinh mạng thì ai cũng quý. Cấm ra đường mãi trong được bao lâu? Các tỉnh chưa căng nhưng cũng phải giãn cách, chỉ người giàu mới coi đây là khoảng thời gian sống chậm, còn người nghèo thì chết chậm mà thôi.


Tất cả những điều này đều là cái tớ chưa nhìn thấy bằng mắt trong mùa dịch, cũng chưa cảm nhận nổi tính sát thương của nó. Tớ cá là các cậu cũng thế. Vì chúng mình chưa đặt chân vào tuyến đầu cuộc chiến này. Nhưng thôi cứ giữ chân ở nhà cũng tốt.



Gần đây tớ có đọc một cuốn tên là Dịch Hạch của tác giả Albert Camus - người từng nhận Nobel 1957. Các câu biết không, dịch hạch có thể khác Covid về mặt bệnh lý, nhưng sức tàn phá của chúng đối với tinh thần chúng ta thì như nhau: bọn mình có vẻ cũng chưa tiến hóa hoàn toàn để phản ứng với dịch bệnh một cách bình thản như với cảm cúm đâu. Dù nhiều lúc thờ ơ thật sự.


Dịch hạch xuất hiện tại thành phố Oran, ban đầu người ta không nhận ra nó. Thậm chí, ngay cả những người nhận ra nó như bác sĩ Rieux cũng chần chừ khi công bố dịch bệnh. Bởi lẽ, thảm họa này đã hủy diệt hàng loạt các thành phố lộng lẫy trong lịch sử. Mạnh mẽ tới mấy, chúng ta cũng đều có lúc mất bình tĩnh và e sợ trước linh tính về thứ mình sắp phải đối mặt. Kể cả khi Oran hiểu họ đang bị bao vây bởi dịch hạch, người ta vẫn đi cafe, vẫn đi nhà thờ, vẫn cầu nguyện. Trong lúc tuyệt vọng họ tìm thấy tôn giáo, không phải tất cả đều tin rằng đây là sự trừng phạt của chúa trời nhưng ít ra niềm tin cho phép người ta kéo dài sự lạc quan. Trong những ngày Oran bị cách ly, có người đã tự thành lập tổ y tế tại chỗ nhưng cũng có người tìm đủ cách để ra khỏi nơi này - như cách tớ từng rời Hà Nội về nhà, như cách bao người lao động mắc kẹt ở Sài Gòn đang loay hoay. Trên cả việc hiểu dịch bệnh sẽ giết chết chúng mình bằng cách nào, tớ và cậu và mọi người đều cảm nhận rõ hơn dịch bệnh đã chia cắt chúng mình như thế nào. Thế nên người ta vật vã để được trở về. Thế nên dịch bệnh càng tàn nhẫn.


Ban đầu người ta phẫn nộ vì không được tiễn đưa người thân của mình chết trong khu cách ly. Sau này người ta thấy may mắn vì mỗi người chết được nằm riêng một quan tài. Tiếp đó người ta chôn chung đàn ông với đàn ông, đàn bà với đàn bà và quan tài được tái sử dụng. Cuối cùng người ta chôn lẫn cả đàn ông và đàn bà với nhau, thậm chí khâm liệm trong đêm để bớt đi nhiều thủ tục.


Ban đầu, có những người phẫn uất tới mức đốt nhà vì mất đi công việc, mất đi thân thích và mang danh kẻ nhiễm bệnh. Những người khác chỉ dửng dưng đứng xem. Sau rồi chẳng còn ai đứng xem nữa, người ta lao vào các căn nhà đang cháy để nhặt nhạnh cơ may thứ gì đó giá trị còn sót lại. Người ta thôi cười cợt người đốt nhà, vì hóa ra ngày mai hay ngày kia có khi họ cũng làm thế cả.


Sau cùng, Albert viết điều ghê gớm nhất của dịch hạch là làm người ta từ bỏ tình yêu, vì tình yêu thì cần có tương lai. Với những người mắc bệnh, họ dành cả ngày để mê man ngủ cho đến khi bị cơn đau gọi dậy. Có lúc, người ta nhớ cả cơn đau ấy bởi chúng cho họ phút giây tỉnh táo hiểm hoi để nghĩ về gia đình và nhiều điều quan trọng khác. Niềm vui trong cơn bệnh chính là được bệnh hành.


Ăn đứt chủ nghĩa dân chủ, trước dịch bệnh ai cũng công bằng. Yep, những dòng này chỉ trong một quyển sách hoặc đang xảy ra đâu đó trên trái đất, chúng mình đều không nhìn thấy nhưng ai dám nói nó sẽ không thành hiện thực? Nhỡ mà thành hiện thực với chúng ta thì sao?


Vì sao cần tiêm vaccine? Phải tiêm đủ 2 liều và sau một thời gian vaccine mới giúp sinh kháng thể. Ngay cả khi đã tiêm, khả năng nhiễm bệnh vẫn còn đó, nhưng triệu chứng cùng sự lây nhiễm sẽ nhẹ nhàng hơn và điều này giảm thiểu gánh nặng tối đa cho ngành y tế. Miễn dịch cộng đồng với vaccine hoặc tuyệt hơn là sự xuất hiện của thuốc đặc trị trong tương lai có thể là lựa chọn duy nhất để chúng ta quay trở lại cuộc sống bình thường. Cơ mà biết sao giờ, chúng mình đâu thể có vaccine cùng một lúc? Và đã có những người chết sau khi tiêm? Đến mẹ mình cũng kiên quyết là sẽ không tiêm vì có bệnh nền mà mình chưa tìm ra cách nào để nói cho mẹ hiểu. Ai là người được tiêm trước và quyền lợi của chúng mình trước vaccine là gì? Tất cả những câu hỏi này, giờ tớ mới nghĩ đến đó.


Ở Việt Nam, tớ thấy nhìn rõ nhất là chúng mình có cực kỳ nhiều tình yêu và nơi đâu tình yêu cũng nảy nở. Không phải toàn bộ nhưng chỗ nào cũng có. Thiệt đấy, tớ khá vui khi bạn bè tớ chẳng ai lên tiếng những câu kiểu như “Sao phải nhường”, “Vaccine nhập Trung Quốc đểu lắm”, “Chính phủ giấu dịch”, “Lũ ra đường là đám vô ý thức”,... Có những người cuộc đời họ gắn với con đường, như cô bán xôi từng xuất hiện trên cái page này á. Bảo họ rời xa thứ nuôi sống mình vô điều kiện đâu phải dễ dàng đúng không nào? Trong lúc này, nếu so với mắng nhau thì im lặng cũng là một loại yêu thương đó. Nếu được thì đừng lấy hết trứng trong siêu thị, đừng chỉ trích các “con giời đi ra ngoài” khi chúng mình chưa rõ lý do, đừng biến bản thân thành các “con giời” thật sự. Đừng tùy tiện nói lời ác ý!


Trong dịch bệnh, chúng mình không nhìn thấy hết các cuộc đời khác, càng chẳng nhìn được thế giới xung quanh. Nhưng chúng mình vẫn có thể chọn sẽ muốn thấy thứ gì trên mạng xã hội và lờ đi những điều mình cần phải biết cũng là một kiểu lỗi lầm ấy. Xin được trích dẫn cái sự này để kết bài:


“Trong đời, điều ác hầu như là luôn luôn do sự dốt nát mà ra, vậy nên thiện chí có thể gây ra nhiều điều tổn hại không kém thói hung bạo, nếu thiện chí không được soi sáng. Người đời vốn tốt, nhiều hơn xấu, và đây không phải vấn đề đặt ra, quả thật vậy. Nhưng người đời thiếu hiểu biết, không nhiều thì ít, và đó là điều thiên hạ gọi là tánh lành hoặc tật xấu, tật xấu làm nản lòng nhất là tật dốt nát, tưởng mình biết tất cả nên tự cho phép mình thành kẻ sát nhân”.


Hôm nay là tranh của @tatianakawkaw

Tác giả: hà nguyễn

BẢN THẢO
Bài viết liên quan