….vì có lẽ đối với nó, chỉ cần mình ở đâu, thì nơi đó chính là nhà


Tôi từng đọc đâu đó rằng: chúng tôi là những đứa trẻ lạc lõng, lao mình vào dòng đời và theo đuổi hoài bão. Người ta hỏi chúng tôi có nhớ nhà không? Biết phải trả lời sao đây, khi định nghĩa “nhà” trong tôi là nơi mà bản thân mình cảm thấy tự do, vì thế nơi nào tôi đi, “nhà” đều đi theo tôi vì tôi biết mình là mái che, là lò sưởi, là chăn ấm, và cũng là cánh cửa luôn đón nhận mình trở về.


Với một người hơn hai mươi mấy tuổi mà vẫn nhận mình là trẻ con như tôi, rời xa gia đình năm 18 tuổi và được quăng đến một vùng trời xa lạ, nơi mà người ta gọi là “vùng đất của những giấc mơ”, là sứ xở sương mù, là bầu trời quanh năm xám xịt. Từ đó, “nhà” chính là 2 chiếc vali cỡ vừa với 4 bánh xe. Là một balo đầy sách và chiếc tai nghe luôn vừa vặn nằm ở 2 bên tai, và hơn một nửa thời gian trong số đó là không bật nhạc. 







Chúng tôi, những đứa trẻ giả vờ như mình không muốn bị làm phiền, chỉ vì sợ hãi ánh mắt thương cảm của người khác.


THÁNG MƯỜI HAI, ÁNH ĐÈN GIÁNG SINH VÀ NHỮNG ĐÊM ĐÔNG GIÁ RÉT 


Nếu có ai hỏi chúng tôi rằng đâu là những ngày tâm hồn lạnh lẽo nhất trên hành trình cô độc ấy? 


Tôi chắc sẽ trả lời rằng: mùa giáng sinh - khoảng thời gian mà đối với những cư dân bản địa ở đó chính là mùa lễ hội, mùa đoàn viên, mùa của những ánh nến lung linh và những ánh đèn xanh đỏ lấp lánh. Của vòng quay ngựa gỗ như truyện cổ tích đặt giữa khu công viên hằng ngày vẫn trống trải, mùa của pháo hoa và bàn tiệc đầy gà Tây. 




Đối với một số người, đó là thời điểm lấp lánh ánh sáng, nhưng với những đứa trẻ như tôi, đó lại là mùa của sự cô đơn. 


Khi mà bạn bè cùng lớp liên tục truyền tay nhau những tấm thiệp đính kim tuyến và hẹn gặp lại sau kì nghỉ đông; khi mà thầy cô tặng chúng tôi một bài luận văn dài để ôm ấp trong kì nghỉ lạnh giá; khi mà mọi người đều tất bật trở về với gia đình để cùng quây quần tận hưởng những bữa tối bên ghế sofa trải lông cừu, cùng chuyện trò rơm rả khi ngoài trời là những bông tuyết không ngừng rơi. Thì những đứa trẻ như chúng tôi sẽ ngồi trên chiếc giường đơn chỉ đủ chỗ cho một người, trong một căn phòng chỉ vỏn vẹn 2-3 mét vuông, tự ôm lấy “căn nhà” của mình và quấn chăn chặt lấy nó, cố trùm chăn khắp cơ thể để cả mình và “nhà” cùng sưởi ấm cho nhau. 


Đó là thời điểm mà mọi cửa hàng đều thắp sáng tất cả các ánh đèn vàng, là lời bài hát “Last Christmas” vang vọng khắp mọi quán cà phê và trung tâm mua sắm. Là bầu trời dần đổi từ xám đến đen mịt vào lúc 3 giờ chiều. Là đôi bàn tay thô ráp của những người trẻ da vàng với khả năng chịu lạnh kém hơn người bản địa. Là những bước chân độc hành đi ngược chiều dòng người băng qua con đường đá vài ngàn năm tuổi, ngẩng đầu nhìn ngắm những ô cửa với ánh đèn vàng ấm, nhưng không có ánh đèn nào là dành cho những đứa trẻ độc hành như chúng tôi. 


THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG NGƯỜI LỮ HÀNH ĐƠN ĐỘC 




Ở Cambridge nơi tôi theo học, một thành phố cổ nổi tiếng với nhiều nghiên cứu khoa học, cũng là cái nôi sinh ra nhiều nhân tài vĩ đại của thế giới, trong đó có thể kể đến như Isaac Newton hay Stephen Hawking. Một thành phố với diện tích không lớn nhưng có trên 30 trường đại học, cao đẳng và hàng trăm các trường học khác. Số người bước đi trên thềm đá cổ hằng ngày đều là sinh viên từ các trường đại học, là giáo sư và các nhà tri thức từ khắp nơi trên thế giới về dự thính hay tham gia các buổi giới thiệu nghiên cứu mới ở những căn phòng gỗ đậm chất lịch sự học thuật. Tôi gọi Cambridge là thành phố định sẵn cho những kẻ lữ hành đơn độc. 


Là nơi mà ai bước đến cũng biết trước rằng họ sẽ rời đi. Họ là những lữ khách với nhiều màu tóc, màu da và ngôn ngữ khác nhau, cùng đến với khu phố phủ màu thời gian này với tâm thế của một người qua đường theo đuổi và tìm kiếm chính mình ở một vùng đất xa lạ. Có lẽ ai trong số chúng tôi đều biết chắc rằng sẽ có ngày phải rời đi, rằng những người họ gặp và trót lỡ thân thuộc đều sẽ trở thành kí ức vĩnh viễn. Và lời hứa hẹn gặp lại có lẽ sẽ đến khi đôi mắt của chúng tôi đề đã phủ màu thời gian. 


Vì thế, mùa giáng sinh đến cũng là lúc mọi người kéo vali - những “ngôi nhà nhỏ” của riêng họ ra bến tàu và tạm bỏ lại một thành phố im lìm trên nền tuyết, và những đứa trẻ không có nơi để về như chúng tôi. 


Khu kí túc xá tôi ở vào năm 2 đại học nằm sát ngay bến tàu. Mỗi ngày trước kì giáng sinh, tôi đều thức dậy nhìn qua cửa sổ, trên tay là ly cà phê và bài nhạc lo-fi yêu thích văng vẳng bên tai. Tiếng kéo vali trên nền đá cứ mỗi chốc lại xuất hiện, tôi cứ nhìn những bóng dáng lướt qua với khuôn mặt hạnh phúc và mong mỏi được về nhà đó, tôi không biết lúc đó mình đã nghĩ gì. 


TÔI MANG “NHÀ” THEO KHẮP MỌI HÀNH TRÌNH MÌNH ĐI 


Đêm 30 tháng 12 dương lịch, ngày cuối cùng của năm. Tôi ngồi một mình ở sân bay tại một đất nước xa lạ, một vùng đất mà từ lâu tôi đã ao ước được đặt chân đến và hít thở khí trời của xứ sở bước ra từ giấc mơ thưở ấu thơ. Hành trình đến sân bay của tôi từ nhà một người bạn mà tôi ở “ké” tại Lyon đến phi trường vào buổi chiều cuối cùng của năm, thực ra không hề trơn tru cho lắm. Mọi chuyến xe buýt đều đã định sẵn lịch trình, các chuyến tàu đều kéo dài hơn số trạm thường thấy để cắt giảm bớt số tàu vận hành cuối cùng trước đêm giao thừa. Tôi đã chuẩn bị và căn tính thời gian rất sớm, thế nhưng lúc bước ra khỏi khoang tàu vẫn không khỏi bỏ quên chiếc bánh mì thịt nướng mua vội ở cửa hàng Việt Nam - một món quà mà tôi dành tặng cho chính mình vào ngày đầu năm mới để gặm nhấm trên đường về kí túc xá. 


Xung quanh tôi lúc đó là những khuôn mặt khác, cũng kéo theo những chiếc vali nhỏ như tôi, mỗi nét mặt suy tư mệt mỏi của họ phản chiếu ẩn hiện qua tấm cửa kính sáng bóng ở sân bay. Có lẽ trong số họ cũng có người đang mong mỏi được bắt chuyến bay cuối về với gia đình, cũng có lẽ họ giống như tôi, lặng lẽ tận hưởng thời gian độc hành và trở về với căn phòng nhỏ, nơi chờ đợi mình là chiếc giường đơn và công tắc lò sưởi vẫn chưa được bật. 


Vẫn còn 2 tiếng trước giờ lên máy bay. Tôi gọi điện cho 2 người bạn đang ở quê nhà, nói là gọi điện nhưng tôi chỉ có thể nhìn được mặt họ mà không nghe thấy gì, vì ở Việt Nam lúc ấy là 11h khuya - mọi người đang chen lẫn vào đám đông nhộn nhịp cùng chờ đón khoảnh khoắc giao thừa. Vẻ mặt họ như muốn hỏi rằng tôi có cô đơn không? Tôi giơ điện thoại xung quanh và cười nhẹ rằng: xem đi, tôi không phải là người duy nhất! 






Tôi là một kẻ lữ hành cô độc, đôi lúc lạc lối, nhưng tôi không cô đơn. Tôi có chính mình làm bạn. Tôi có đôi bàn tay ấm có thể tự đặt lên má mình để xoa dịu cơn gió mang theo tuyết lạnh buốt. Tôi có chiếc khăn choàng cổ tự tặng cho chính mình giúp tôi giữ ấm qua những ngày đông. Tôi cũng có một tâm hồn đã từng lạc lỏng nhưng đang dần tìm được đường về với ánh sáng ngập tràn. 



Máy bay hạ cánh lúc 1h sáng ngày đầu tiên của năm mới. Ở điểm dừng này, tuyết đã ngừng rơi, chỉ còn hơi rét và thỉnh thoảng tôi có thể nhìn thấy khói toả ra từ hơi thở của chính mình. 


Kéo vali vội vã bước về phía xe buýt, là chuyến cuối cùng của năm cũ và cũng là chuyến đầu tiên của năm mới. Tôi thật có lỗi với bác tài khi là một trong những hành khách mua vé vào dịp mà đáng nhẽ bác phải được cuộn tròn trong tấm chăn đỏ trên sofa. Nhưng vì lác đác vài kẻ thích lang thang như chúng tôi, mà bác phải đưa chúng tôi về nhà. 


Qua khung cửa sổ của chiếc xe khách, tôi nhìn thấy pháo hoa rực loé một vài khoảnh khắc rồi chớm tàn, rồi lại có ngọn pháo khác bùng rực lên từ một căn nhà ở hướng khác. Tôi nhìn thấy vài vị khách khác trên xe, mỗi người đều cách xa nhau vài hàng ghế, đều chọn cho mình một ghế riêng để được một mình độc chiếm không gian của riêng mình. Ngoại trừ một vài người tựa đầu vào cửa kính nghỉ ngơi, tôi nhìn thấy vài ánh mắt hướng nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Những người vô gia cư vẫn nằm lim dim bên vỉa hè ở giữa thủ đô tráng lệ bậc nhất lục địa già, những người như bị bỏ lại bên rìa cuộc sống phồn hoa hiện đại tại thủ đô Luân Đôn nổi danh với nền văn minh đi đầu thế giới.






Hoá ra, thế giới này không hề có thiên đường ở nhân gian như người ta vẫn nghĩ về các nước Tây Âu; hoá ra “thiên đường” cũng có những linh hồn lạc lối!


Căn phòng nhỏ của tôi nằm trong một khu kí túc xá hiện đại gồm nhiều toà nhà được thuê bởi các trường đại học khác nhau trong thành phố. Chỉ 5 phút kéo vali đi bộ là đã có thể tra chìa khoá điện tử vào toà nhà, lại thêm một lần tra chìa nữa để vào cụm kí túc gồm 10 phòng ngủ được ngăn cách đối diện nhau bằng một hành lang trải thảm ở giữa. Vào ngày đầu năm mới hoặc kì nghỉ như thế này, một mình tôi được ôm trọn căn bếp rộng lớn mà 10 người chúng tôi thường ngày sẽ chia nhau sinh hoạt. Cũng như những sinh viên khác, các bạn kí túc xá của tôi đều đã về với gia đình chỉ sau ngày thi cuối cùng của học kì. 


Những ngày ấy, tôi được độc chiếm cả một khu nhà rộng, thậm chí có thể nghe được cả tiếng thở của riêng mình hay tiếng nói chuyện cười đùa vang vọng từ toà kí túc đối diện. Những ngày cô đơn mà không cô độc, tôi tự hài lòng và bình thản sống cùng với cảm giác lạc lỏng chậm rải của chính mình… Vì chúng tôi là những đứa trẻ không nhà, vì định nghĩa “nhà” của chúng tôi chính là tâm hồn sâu thẳm bên trong mình.


Nguyễn Lê Hoài Thương 

Psychological facts – Tâm lý học Việt Nam 

Ảnh: Google

Photo by Stijn Dijkstra from Pexels



BẢN THẢO
Bài viết liên quan