Những Đứa Trẻ Sớm “Một Mình”, Như Tôi

"Cuộc sống của tôi, đã có lúc phẳng lặng như biển sâu khi không có bão, đôi lúc lại cuồn cuộn trào dâng lâng lâng xúc cảm, khóc thút thít về những điều nhỏ nhặt ngốc nghếch, hay nổi điên với người mình tin tưởng nhất, không vì lý do gì."


Một tháng nay tôi không về nhà, cũng như mọi lần khác, trong nhiều năm, thỉnh thoảng tôi lại về nhà một lần đến nỗi cảm giác ở “nhà” trong tôi không tồn tại rõ. Xa nhà từ những năm 15, 16 tuổi, hôm ở ký túc xá hôm ở nhà bạn, được một hai năm lại chuyển chỗ ở mới, nhà với tôi là một khái niệm không độc lập, cũng chẳng phải bất di bất dịch. Ở đâu thích nghi được, thì đấy là nhà.


Đấy chính là “nhà”, theo khái niệm của tôi.


Mặc dù nhiều lúc nghĩ, nó thật tạm bợ.


Lúc bé thì chỉ có học. Lớn lên xíu nữa thì ngủ riêng, rồi phòng riêng. Hầu hết thời gian tôi đều ở trên trường, rồi tự học trong phòng. Việc phụ bố mẹ làm việc nhà hay việc vặt đều phụ thuộc trong thời gian ngoài giờ học cho phép. Nghĩa là thời gian ở bên bố mẹ từ lúc bé của tôi chỉ khoảng 2 giờ/ngày, là vào những lúc ăn cơm, lúc "có việc" cần nói chuyện.


Bố mẹ tôi không phải tuýp người dễ bộc lộ tình cảm, không thể hỏi han này nọ mà chỉ có thể nhắc nhở tôi khi thực sự cần thiết. Tôi cũng vì vậy mà cũng ít gần gũi với bố mẹ hơn. Rồi cũng tự hiểu, thông cảm và điều tôi nghĩ mình cần làm là học thật giỏi, làm hết sức có thể những việc mà nó làm được.


Lớn lên chút nữa, thời gian dành cho bố mẹ ngày càng ít. Cả thời gian học trung học và đại học đều xa nhà. Những cuộc gọi vội ngắn ngủi. Những chuyến về thăm nhà vài ba hôm thì rời đi. Thêm cả những lần, chuyển chỗ ở mới...


Những lúc thấy mệt mỏi là đi. Khi thì nhà bác nọ, nhà bác này, nhà chị kia. Không một chút đắn đo, suy nghĩ, vì tôi đã quá quen với việc di chuyển rồi. Sống một nơi mới, khả năng thích ứng không thành vấn đề. Nhưng vấn đề ở chỗ cảm giác thân thuộc của ngôi nhà không còn chút nào nữa. Đi đi về về. Ăn chỗ nọ ngủ chỗ kia. Đôi khi lại nghĩ về một nơi nào đó, xa lắm, có thể lại là một nơi khác lạ lẫm, nhưng cũng chẳng còn gì thú vị nữa. Như yêu nhiều sẽ chẳng còn nhiều hưng phấn hào hứng thú vị như mối tình đầu được.


Đó như thể là một sự tạm bợ, tạm bợ nơi để ở, tạm bợ một tuổi trẻ để gửi gắm, tạm bợ một tình yêu để trốn tránh sự cô độc. Nhưng có lẽ sự tạm bợ đó mới dẫn đến sự mong muốn gắn bó lâu dài, một nơi để gắn kết chăm chút lại từ đầu đến cuối, một người để hiểu đậm thấu sâu từ lúc trẻ, cho đến khi về già.


Vì thế mà, sự tạm bợ này lại giúp tôi nhận ra rằng, "một mình" là một trạng thái hữu hình để cảm nhận mọi thứ vô hình một cách xuất sắc nhất

Cũng như gần đây, tôi không cắt nghĩa được lý do vì sao có những lúc muốn ở một mình đến tột bậc, có những lúc lại thèm khát được nói chuyện với "ai đó" đến thế, mặc dù người “ai đó”, họ chưa từng tồn tại.



Cũng đại loại như người ta chẳng tìm được từ khác miêu tả sự thẳm sâu trong tâm hồn ngoài từ "cô đơn". Người ta vẫn hay kêu "cô đơn" như thế, như một gia vị không thể thiếu như phải bỏ i-ốt vào thức ăn hàng ngày.


Cuộc sống cũng vậy đấy, đôi khi không có thứ gia vị ấy, lại trở nên nhạt nhẽo, theo đúng nghĩa của nó. Tôi luôn nghĩ mình không thuộc tuýp hay kiểu người nào hết, như người ta vẫn hay tự gán cho mình là kiểu người hướng nội, hướng ngoại, ít nói hay ám ảnh xã hội,... gì hết.


Cuộc sống của tôi, đã có lúc phẳng lặng như biển sâu khi không có bão, đôi lúc lại cuồn cuộn trào dâng lâng lâng xúc cảm, khóc thút thít về những điều nhỏ nhặt ngốc nghếch, hay nổi điên với người mình tin tưởng nhất, không vì lý do gì.


Cuộc sống của tôi, cũng chẳng đều đều theo nhịp điệu của những làn sóng, cứ nhấp nhô trên biển. Mà đôi khi nó cần một khoảng lặng ở giữa. Để sau đó sẽ là đoạn điệp khúc ngân lên cao vút, hay bị nhấn chìm trong trong ngập ngụa đoạn trầm lắng dịu êm.


Cuộc sống của tôi, nó cứ diễn ra như thế. Như thể, mỗi một nhịp thở, là một giây biến đổi của cuộc sống này. Có điều ở trong cuốn “Tuổi 20 yêu dấu” mà tôi từng đọc qua thấy rất đúng, rằng, chỉ có chúng ta già đi, chứ cuộc sống này vẫn diễn ra theo sự vận hành của nó.


Vì thế mà, giữa cuộc sống đôi lúc ảm đạm hòa lẫn một chút đìu hiu này, chúng ta nên tô một chút ánh nắng, giống như việc: trồng một nhánh hoa trong tâm hồn:


Giữa những ngày thanh nhã, hãy thưởng thức cốc trà, và đằm thắm ngồi ngắm những làn gió, đưa hương mùa thu ghé qua.


Giữa những ngày mát lạnh, hãy vò mình trong đống chăn, day dứt về sự lười biếng vì chẳng còn chút động lực nào dứt ra khỏi lực hút đầy ma mị và quyền lực này.


Thả mình vào những lãng đãng suy nghĩ không kém phần mơ mộng, dưới màn sương trắng hư ảo, cố kìm không cho chúng đi quá giới hạn cùng những xuyên tạc vẩn vơ, chồng chéo chất đầy, không gỡ ra được.


Trôi nổi trong những cái ngáp từ dư vị giấc ngủ lúc nãy để lại, bàn tay huơ huơ ra ô cửa sổ khẽ nắm lấy hạt mưa, không biết từ cơn mưa nào vừa kéo đến.


Cảm giác êm đềm đến khó tả, mà đã bao lâu rồi, bạn chưa có được?


Những hạt mưa tí tách rơi xen kẽ khẽ lùa qua những đầu ngón tay, tê buốt đến lạ.



Xuyên qua tim, mà lần đầu tiên, thấy thổn thức đến lạ thường.


Hay sự “một mình” này cũng khiến nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng mang vào chủ để chính trong tác phẩm nổi tiếng Cánh đồng bất tận:

“Một mình trên đường là nỗi cô đơn tuyệt vời nhất. Bồng bềnh. Phiêu diêu. Cảm giác không ai theo kịp mình, thấy mình như con bướm cứ chập chờn, chập chờn, không ai nắm bắt được. Vậy là không cần diễn, không cần đối phó; vậy là gương mặt cứ mềm ra, ngây ngây; vậy là ý nghĩ mông mênh, vu vơ không ra đầu cuối, đang nhớ người này, sực nhớ người kia…”.


Mà đôi khi, cái một mình ấy như một sự thiết yếu, dẫn đến sự trưởng thành, hình thành nên cái riêng đặc biết trong quá trình tự nhận thức, tự gọt giũa nên bản sắc cá nhân của riêng mình.


Bởi bản chất con người, vốn sinh ra đã là duy nhất, cái duy nhất ấy sẽ ngày càng được thể hiện rõ rệt nếu tự nó nhận ra mình có thể trở nên khác biệt. Như nhánh hoa trong tâm hồn, đủ tình thương chân thành, ắt sẽ tự trổ bông rực rỡ:


Những đứa trẻ sớm một mình, như tôi, luôn cảm thấy lẻ loi, lạc lõng giữa biển người, không có gì khác ngoài con đường tự lực, nghĩa là, muốn có gì, hãy tự mình làm lấy, hãy tự mình, bằng chính năng lực của mình.


Những đứa trẻ sớm một mình, như tôi, nhận ơn từ những người xa lạ, riết rồi thành quen, chỉ biết nhận sự chân thành này để mà trao đi sự trân trọng khác, vô điều kiện, như một vòng tuần hoàn, bắt buộc phải có.


Những đứa trẻ sớm một mình, như tôi, ngoài tin tưởng vào bản thân, không có niềm tin nào khác. Tin bản thân mình sẽ làm được, kể cả đó không phải của mình, nhưng một khi đã giúp, là luôn không hối tiếc, vì chỉ cần bản thân cố gắng, mọi thứ sẽ đều trở nên có ý nghĩa.


Những đứa trẻ sớm một mình, như tôi, đôi khi phải gồng mình lên chịu đựng tất cả, biết chấp nhận sự thiệt thòi, biết học cách vị tha, chẳng phải để bản thân trở nên thánh thiện, bởi vì cuộc đời đã ngắn ngủi thế này, chỉ cố gắng sống tử tế hết ngày hôm nay thôi, chẳng phải đã là một điều kỳ diệu sao?


Và cũng bởi vì sớm một mình, nên mọi thứ xung quanh cũng cảm thấy cô đơn lắm, nhưng vì thế mà được an ủi, mình không phải người duy nhất trên thế giới này “một mình”.


Tác Giả: Yến Nhi

__________________________________


(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT


(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”.




BẢN THẢO
Bài viết liên quan