Những đứa trẻ vô cảm có thể sống tốt hơn trong môi trường học đường hoặc gia đình khắc nghiệt

Một đứa trẻ vô cảm có thể có khả năng thích nghi với áp lực tốt nhất. Đối với các bậc phụ huynh và các nhà hoạch định chính sách, chúng ta nên hiểu rằng những gì đứa trẻ cần trong một môi trường có nhiều biến động (ví dụ như gia đình vừa trải qua một cuộc ly hôn ồn ào) không giống như những gì trẻ cần khi nó đang sống trong môi trường êm ả và dễ chịu.

Một đứa trẻ vô cảm có thể có khả năng thích nghi với áp lực tốt nhất.


Trong giai đoạn mà hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn con cái của họ sẽ trở thành những người biết cảm thông, tốt bụng, quan tâm đến người khác thì một số nghiên cứu đáng e ngại về học sinh tiểu học được thực hiện bởi Thomas Boyce và cộng sự tại Đại học British Colombia (không quá xa so với địa điểm của Thế vận hội mùa đông 2010) được ra đời. Trong quá trình thực nghiệm kiểm tra phản ứng với căng thẳng bằng cách sử dụng các dấu hiệu sinh học như nồng độ cortisol, Boyce và cộng sự đã chỉ ra rằng những đứa trẻ nhạy cảm về mặt sinh học (cảm thấy xúc động nhẹ hoặc dễ bị lo lắng) thường làm tốt hơn những đứa trẻ ít trải qua căng thẳng trong chính môi trường của chúng. Nếu bạn có thể cung cấp mái ấm hạnh phúc và môi trường học tập dễ chịu cho một đứa trẻ, nó sẽ làm tốt hơn so với những người bạn cùng trang lứa (những đứa trẻ ít trải qua áp lực). Nguyên nhân có thể xảy ra là những đứa trẻ như vậy thường có khả năng sáng tạo, và những đặc điểm đó khiến chúng được cha mẹ và giáo viên yêu mến. Tin tốt là nếu bạn có một đứa trẻ biết cảm thông thì nó sẽ làm tốt, miễn là thế giới của nó an toàn và mọi rủi ro đều được dự báo trước.



Tuy nhiên, một đứa trẻ dửng dưng, không có cảm giác lo lắng, lãnh đạm, hoặc thậm chí hung hăng thường là đứa trẻ có thể chịu đựng tốt hơn khi gặp áp lực, và chúng làm tốt hơn nhiều so với những đứa trẻ có sự đồng cảm. Thế nhưng, ưu điểm trên chỉ được thấy trong môi trường căng thẳng, nơi đứa trẻ có khả năng đang bị đe dọa. Khi gia đình xuất hiện sự mâu thuẫn, hoặc xảy ra sự xung đột giữa hàng xóm với nhau, những đứa trẻ ít bộc lộ cảm xúc qua hình thức sinh học lại có thể sống sót qua ngày một cách tốt đẹp. Tính cách hung hăng lãnh đạm đó cũng tạo ra bức màng bảo vệ cần thiết khi cuộc sống ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn.


Tôi đã thấy một vài nhận định tương tự có trong các nghiên cứu qua nhiều nền văn hóa của mình về khả năng tự phục hồi. Điểm mạnh (chẳng hạn như ít biểu lộ cảm xúc) tồn tại trong những tình huống rủi ro cao mà một đứa trẻ đang phải chịu áp lực không thực sự có lợi cho chúng trong những môi trường ít rủi ro hơn. Hãy nghĩ về tấm bằng tốt nghiệp trung học và bạn có thể hiểu được ý của tôi. Sau khi trải qua khoảng thời gian cấp 3, một đứa trẻ hiếu học xuất thân từ gia đình trung lưu lành mạnh chắc chắn sẽ làm điều gì đó để giúp ích cho tương lai của mình, nhưng như chúng ta đã biết thông qua câu chuyện của những người như Bill Gates, tất cả chúng ta không thực sự cần phải đi học đại học để trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng bạn là một đứa trẻ sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi có tỷ lệ hoàn thành chương trình trung học phổ thông là 10%. Ưu thế to lớn của bạn là trải nghiệm sinh tồn trong môi trường cấp 3 khắc nghiệt, thứ giúp bạn gặt hái được thành công trong tương lai. Nó còn tốt hơn cả việc một đứa trẻ trung lưu thành thị (vốn đã có nguồn tài nguyên to lớn từ gia đình, cộng đồng và thậm chí đã được trau dồi về nhân cách) có được tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.


Khi nghĩ về khả năng tự phục hồi của một đứa trẻ, chúng ta cần nghĩ đến những gì mà chúng đang phải đương đầu. Những đặc điểm tính cách giúp ích trong môi trường này có thể gây bất lợi hoặc kém hữu ích hơn ở môi trường khác. Đối với các bậc phụ huynh và các nhà hoạch định chính sách, chúng ta nên hiểu rằng những gì đứa trẻ cần trong một môi trường có nhiều biến động (ví dụ như gia đình vừa trải qua một cuộc ly hôn ồn ào) không giống như những gì trẻ cần khi nó đang sống trong môi trường êm ả và dễ chịu.


-------------

Người dịch: YM

Biên tập: Khuynh Thần

Nguồn ảnh: Kelly Sikkema on Unsplash, Edi Libedinsky on Unsplash

Nguồn bài viết: <https://www.psychologytoday.com/intl/blog/nurturing-resilience/201002/insensitive-children-survive-stressful-homes-and-schools-better


BẢN THẢO
Bài viết liên quan