Những giấc mơ đi lạc

Lúc đó, tôi hối hận khi lựa chọn mà không suy xét kĩ càng và giờ tôi thực sự muốn biết bản thân muốn gì, có thể làm tốt điều gì, đam mê cái gì và có thể sống tốt phần đời còn lại với nó hay không. Thế là tôi quyết định có một “gap year” cho mình.

Cuộc sống của tôi sau khi lên đại học ít nhiều đã thay đổi. Không còn những ngày đến lớp sớm, tự tay mở cửa rồi ngồi chờ đám bạn rủ đi ăn sáng, cũng không còn những khi trao đổi bài tập gấp gáp để kịp giờ kiểm tra, hay những lúc căng thẳng đến khó thở sợ bị gọi lên trả bài. Năm nhất đại học, không còn ai dẫn dắt tôi nữa, tuy có chút bỡ ngỡ nhưng tôi dần quen với điều đó.


Thời gian đầu, chưa quen nhiều bạn chung lớp đại học, tôi thường đi với nhỏ bạn bên khoa khác. Nhỏ học một ngành nghe tên thấy cũng hơi mông lung, nó không cụ thể như Sư phạm, Luật hay Thiết kế. Thế nên tôi mới hỏi vu vơ nhỏ một câu khi hai đứa đang nhâm nhi ly nước ở căng tin: “Sau này ra trường, mày muốn làm nghề gì?”.


Nhỏ không ngần ngại một giây nào mà trả lời: “Tao không biết nữa”.


Tôi hơi ngớ ra nhưng rồi cũng im lặng. Chẳng lẽ tất cả những cố gắng để vào đại học của nhỏ chỉ là để vào đại một ngành nào đó cho có danh là “học đại học” thôi sao?



Giảng đường đại học là nơi bắt-buộc-phải-đến, và ở đó có những người loay hoay tìm ước mơ


Có lẽ đây cũng là tình trạng chung của không ít những bạn học sinh cuối cấp khác. Nói đâu xa xôi, lớp 12 của tôi hồi xưa cũng đầy những đứa ghi đại vài nguyện vọng nào đó cho có hồ sơ, để mong đậu vào đại học, và chỉ vậy thôi. Ít ai mơ ước hay nghĩ xa xôi rằng sau khi học xong đại học, chúng ta sẽ đi đâu, làm gì. Và tôi cũng từng như thế.


Năm đó, tôi điền đại nguyện vọng của mình vào một ngành Sư phạm, chỉ vì tôi cảm thấy tôi học môn đó cũng được, mọi người cũng đều nghĩ thế về tôi. Tôi tập trung ôn thi đấy, nhưng kết quả lại rớt. Mọi người khuyên tôi xét nguyện vọng 2, vào đại một trường nào đó học cho nhanh, tôi lại thấy sao mà hời hợt. Lúc đó, tôi hối hận khi lựa chọn mà không suy xét kĩ càng và giờ tôi thực sự muốn biết bản thân muốn gì, có thể làm tốt điều gì, đam mê cái gì và có thể sống tốt phần đời còn lại với nó hay không. Thế là tôi quyết định có một “gap year” cho mình.


Tôi nghe nói rằng ở phương Tây, “gap year” rất phổ biến ở giới trẻ. Họ nghỉ học một năm, đi làm nhiều công việc khác nhau ở nhiều lĩnh vực, trải nghiệm, đi du lịch, tìm hiểu nhiều điều, đến khi họ nhận ra họ muốn gì, cần gì, họ sẽ quay lại và có cho mình một quyết định quan trọng là vào đại học, một học viện nào đó hoặc là dấn thân vào ngành nghề đó luôn. Tôi thường thắc mắc tại sao giới trẻ Việt Nam mình lại không làm như vậy, có lẽ là do khác biệt văn hóa. Nhưng vì thiếu trải nghiệm sống, không có bên mình những kiến thức, đam mê vững chắc mà đa phần các học sinh lại chọn đại, chọn sai ngành mình học ở đại học, cao đẳng.


Thế là trong “gap year” đó, tôi đi vài nơi, tìm hiểu vài ngành nghề khác nhau, đọc nhiều sách, nhận ra mình vẫn thích sư phạm, nhưng tôi đã chọn một môn khác. Ban đầu khi biết ý định ôn thi lại của tôi, đa số thầy cô, bạn bè đều phản đối, họ cho rằng tôi suy nghĩ thiếu chín chắn và rảnh rỗi quá mức. Tôi bỏ ngoài tai và tập trung vào việc mình làm.


Dĩ nhiên, tôi đậu đại học và tiếp tục hành trình của mình. Lúc đầu, tôi cũng sợ rằng mình quyết định sai khi vào ngành này. Nhưng càng học càng thích, tôi như cá gặp nước, thể hiện hết đam mê và khả năng của bản thân trong các giờ học, ở các phong trào của lớp, của trường. Từng học kì trôi qua, tôi kết thân được nhiều người bạn đáng yêu cùng đam mê, tư vấn nhiều em nhỏ để các em không lạc lối với ước mơ của mình, và ngày càng vững chắc vào ước mơ của bản thân.



Và trong quá trình đó, tôi cũng nhận ra, hình như giới trẻ ngày nay (kể cả tôi) thường tập trung vào những giá trị vật chất xung quanh mà quên đi giá trị thật của bản thân. Họ thường không hiểu bản thân muốn gì, có ưu điểm, nhược điểm gì, càng không biết bản thân cần gì để trưởng thành, để trở nên tốt hơn mỗi ngày. Họ mặc kệ mọi thứ chảy xuôi dòng thời gian, buông thả để cuộc sống cuốn họ đi giữa những bận rộn mỗi ngày. Nhiều lần bạn tôi cũng hay than thở: “Tao chả biết bản thân giỏi cái gì, muốn làm gì nữa. Tao nản quá!” khi vừa trải qua một ngày vừa học vừa làm mệt mỏi.


Tôi tự hỏi vì sao lại có nhiều người vướng vào cùng vấn đề như thế này? Phải chăng từ nhỏ tới lớn, chúng ta đã quen có ba mẹ, người thân định hướng, để rồi tới khi tự bước đi, chúng ta lại ngập ngừng, lo sợ vì không ai che chở, chỉ đường cho ta nữa? Hay vì chúng ta chưa bao giờ thực sự để tâm đến những nhu cầu, tiềm năng của bản thân nên khi cần đến, ta lại chẳng biết chúng nằm ở đâu và rồi lạc lối giữa vô vàn con đường tương lai?


Hoặc đơn giản hơn, vì chúng ta chưa đủ niềm tin vào chính bản thân mình.


Tôi biết tôi chưa trưởng thành đủ để đưa ra lời khuyên cho mỗi người. Tôi chỉ mong trên vạn nẻo đường phía trước, bạn hãy vẽ cho mình một tương lai có màu mình thích, có cỏ hoa mình ưa chuộng, và có ai đó để yêu thương. Tương lai của mình là mình định đoạt, nhưng định đoạt thế nào thì trước tiên, hãy học cách thấu hiểu bản thân ngay từ bây giờ. Dành thời gian tìm hiểu mình để biết mình muốn gì, cần gì, có gì, từ đó chuẩn bị hành trang bước vào cuộc phiêu lưu dài phía trước. Đọc sách, xem phim, đi du lịch, trải nghiệm nhiều thứ, nhiều lĩnh vực,… biết đâu bạn lại bắt gặp bản thân mình đâu đó ngoài kia, giữa nhiều dòng người lướt đi vội vã.


Mong mỗi người trong chúng ta tìm thấy hạnh phúc trên mỗi đoạn đường mình đi, ngẩng đầu lên thấy bầu trời xanh trong đầy đam mê, kiêu hãnh, cúi đầu xuống thấy con đường vững chắc của tương lai trải dài. Tôi không mong đoạn đường suôn sẻ, thuận lợi, chỉ mong dù có khó khăn, thử thách nào, tôi cùng bạn cũng sẽ dũng cảm vượt qua bằng chính sức mình. Đó mới là tuổi trẻ, đó mới là nhiệt huyết một thanh xuân.


Mong ta mãi giữ vững niềm tin thuở ban đầu, cái thời ngây thơ, hồn nhiên, vô tư vô lo, ấy thế mà ta lại mơ những giấc mơ đẹp đến thế.


Dẫu biết lớn lên, niềm tin phai nhạt đi ít nhiều, mộng mơ cũng bị thời gian vùi lấp, nhưng chẳng lẽ ta lại để vụt mất tương lai của chính mình trong bộn bề cuộc sống sao?


Tác giả: Ngọc Huyền

------------------

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: [http://bit.ly/CuocthiVDTT]

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả - Nguồn: A Crazy Mind - Viết Để Trưởng Thành”

BẢN THẢO
Bài viết liên quan