Những Kiểu Bạo Hành Cảm Xúc Và Ngôn Từ Bạn Có Thể Không Nhận Ra

Mỗi năm có hơn 3 triệu vụ bạo lực gia đình được ghi lại, và còn nhiều hơn thế nữa không được biết đến. Ngược đãi cảm xúc thường phổ biến hơn những hành động bạo lực, nhưng hiếm khi …

Mỗi năm có hơn 3 triệu vụ bạo lực gia đình được ghi lại, và còn nhiều hơn thế nữa không được biết đến. Ngược đãi cảm xúc thường phổ biến hơn những hành động bạo lực, nhưng hiếm khi được nhắc đến. Cả đàn ông và phụ nữ đều có thể ngược đãi người còn lại, và thật không may, nhiều người thậm chí còn không biết rằng mình đang bị ngược đãi.

Tại sao ngược đãi cảm xúc lại khó nhận ra?

Ngược đãi cảm xúc có thể khó nhận ra vì nó khá tinh vi và vì những kẻ bạo hành thường đổ lỗi cho nạn nhân của họ. Họ có thể hành động như họ không biết tại sao bạn buồn. Ngoài ra, bạn có thể đã bị đối xử theo cách này trong các mối quan hệ trong quá khứ, do đó, bạn sẽ cảm thấy những hành động đó quen thuộc và khó nhận ra hơn. Theo thời gian, kẻ bạo hành sẽ làm cho bạn dần mất lòng tự tôn, khiến bạn cảm thấy tội lỗi, nghi ngờ bản thân và không tin tưởng vào nhận thức của mình.

Các khía cạnh khác của mối quan hệ có thể vẫn ổn: kẻ bạo hành có thể vẫn quan tâm bạn giữa các lần ngược đãi, để bạn quên đi những lần ngược đãi đó. Có thể là bạn không có mối quan hệ lành mạnh khác để so sánh, và khi sự ngược đãi diễn ra không công khai, không có người nào chỉ ra những hành động đó cho bạn.

Tính cách của kẻ bạo hành

Kẻ bạo hành thường muốn kiểm soát và thống trị bằng cách ngược đãi qua ngôn từ. Họ ích kỷ, thiếu kiên nhẫn, vô lý, vô cảm, không biết tha thứ, thiếu sự đồng cảm và thường hay ghen tuông, nghi ngờ và giữ kín mọi suy nghĩ của mình. Để duy trì sự kiểm soát, một số kẻ ngược đãi sẽ “bắt con tin”, nghĩa là họ sẽ cố gắng cách ly bạn khỏi bạn bè và gia đình của bạn. Tâm trạng của họ có thể chuyển từ vui vẻ, lãng mạn sang ủ rũ, tức giận. Một số trừng phạt “con tin” bằng sự tức giận, số khác là sự im lặng – hoặc cả hai. Họ thường hành động theo kiểu “theo thì sống, chống thì chết.”

Bạn có đang bị ngược đãi?

Ngược đãi về mặt cảm xúc có thể bắt đầu một cách vô thưởng vô phạt, nhưng sẽ phát triển khi kẻ ngược đãi chắc chắn rằng bạn sẽ không thể rời bỏ mối quan hệ này. Nó có thể không bắt đầu cho đến sau khi đính hôn, kết hôn hoặc mang thai. Nếu bạn nhớ lại, bạn có thể nhận ra những dấu hiệu của sự kiểm soát hoặc ghen tuông. Cuối cùng, bạn và cả gia đình mình sẽ phải sống một cách dè chừng và thích nghi với lối sống đó để không làm phiền kẻ ngược đãi. Bị ngược đãi tình cảm theo thời gian có thể dẫn đến lo âu, sang chấn, trầm cảm, ức chế ham muốn tình dục, đau mãn tính hoặc các triệu chứng về thể chất khác.

Những người tôn trọng và yêu thương bản thân sẽ không cho phép ai đó ngược đãi họ. Nhiều người cho phép người khác tiếp tục bạo hành mình vì họ sợ phải đối đầu. Thông thường, nạn nhân bị ngược đãi thường là những người mong nhận được sự cảm thông, người chăm sóc, hoặc những người luôn muốn làm hài lòng người khác. Họ luôn cảm thấy có lỗi và tự trách mình. Một số không thể thể hiện sự tức giận và sức mạnh của họ để tự đứng lên, trong khi một số khác lại tranh luận, đổ lỗi và chịu ngược đãi một cách yếu ớt, nhưng cuối cùng họ vẫn không thể đặt ra ranh giới thích hợp để bảo vệ bản thân.

Nếu bạn đã cho phép bản thân tiếp tục bị ngược đãi, thì có thể rằng trong quá khứ, bạn đã từng bị như vậy nhưng không nhận ra. Đó có thể là một người cha nghiêm khắc hoặc nghiện rượu, một người mẹ chuyên quyền hoặc anh chị em thích trêu chọc bạn. Để có thể thoát khỏi việc bị ngược đãi, bạn phải có sự hiểu biết về cách mà bạn đã bị bạo hành, tha thứ cho bản thân mình và xây dựng lại lòng tự tôn và sự tự tin của bạn.

Ngược đãi về mặt cảm xúc là gì?

Nếu bạn tự hỏi liệu mối quan hệ của bạn có phải là mối quan hệ ngược đãi hay không, thì có khả năng cao nó thực sự là vậy. Ngược đãi cảm xúc, khác với bạo lực thể xác (bao gồm xô đẩy, dồn nạn nhân vào đường cùng, đập phá và ném đồ đạc, v.v.), là lời nói hoặc hành vi dẫn tới sự xúc phạm, kiểm soát, trừng phạt hoặc thao túng đối phương. Ngừng yêu thương, giao tiếp, ủng hộ và cung cấp tài chính là những phương pháp gián tiếp để kiểm soát và duy trì quyền lực. Hành vi gây hấn thụ động là mạng che cho sự thù địch, và kẻ có những hành vi như vậy là “một con sói đội lốt cừu.”

Kiểm soát nơi bạn đến, người mà bạn nói chuyện cùng hoặc những gì mà bạn nghĩ là ngược đãi, ví dụ như “Nếu anh/em mua bộ đồ cho phòng ăn thì chúng ta sẽ không đủ tiền cho một kỳ nghỉ” và những câu nói tương tự. Theo dõi, rình rập và những hành vi xâm phạm đến cá nhân, không gian hoặc đồ đạc của bạn cũng được xem là hành vi ngược đãi, vì nó xem nhẹ những giới hạn cá nhân.

Ngược đãi bằng lời nói là hình thức ngược đãi cảm xúc phổ biến nhất, nhưng nó thường không được nhận ra, bởi vì nó khá tinh vi và xảo quyệt. Chúng có thể đến với bạn bằng một giọng nhẹ nhàng, yêu thương, có ẩn ý – hoặc thậm chí được ngụy trang như một câu nói đùa. Dù với vỏ bọc là vui vẻ hay đùa giỡn, mỉa mai hay trêu chọc gây tổn thương đều là những hành vi ngược đãi.

Ngược đãi bằng lời nói một cách rõ ràng và trực tiếp, chẳng hạn như đe dọa, phán xét, chỉ trích, nói dối, đổ lỗi, xúc phạm, liệt kê và tỏ ra giận dữ rất dễ để nhận ra. Sau đây là các kiểu ngược đãi bằng lời nói tinh vi khác cũng gây tổn thương như các kiểu ngược đãi bằng lời nói công khai, chủ yếu là vì chúng khó phát hiện hơn. Qua một khoảng thời gian, chúng có tác động âm thầm và độc hại đến bạn, bởi vì chúng làm bạn bắt đầu nghi ngờ và mất lòng tin vào chính mình.

  • Phản đối: kẻ bạo hành sẽ tranh cãi với bất cứ điều gì bạn nói, thách thức những nhận thức, ý kiến và suy nghĩ của bạn. Kẻ bạo hành sẽ không tình nguyện lắng nghe những suy nghĩ hay cảm xúc của bạn, nhưng lại xem bạn như đối thủ của mình thông qua việc nói “Không” với mọi thứ, vì vậy một cuộc trò chuyện mang tính xây dựng với kẻ bạo hành là điều không thể.
  • Ngăn chặn: Đây là một chiến thuật khác được kẻ bạo hành sử dụng để từ chối đối thoại với bạn. Kẻ bạo hành sẽ chuyển chủ đề, buộc tội bạn hoặc sử dụng những từ thể hiện sự quyền lực như: “Im đi”.
  • Hạ thấp và xem nhẹ: Đây là kiểu ngược đãi bằng lời nói để coi nhẹ hoặc làm tầm thường hóa cảm xúc, suy nghĩ hoặc trải nghiệm của bạn. Đó là một cách để nói rằng cảm xúc của bạn không quan trọng hay chúng là sai lầm
  • Hủy hoại và xen ngang: đó là những câu từ nhắm đến việc bào mòn sự tự tôn và lòng tự tin của bạn, ví dụ như “Anh/em không biết mình đang nói gì đâu,” nói nốt phần của bạn hay thậm chí là nói thay bạn khi chưa được phép.
  • Chối bỏ: Kẻ bạo hành có thể chối bỏ các thỏa thuận hoặc những gì đã hứa với bạn hay cả việc đã xảy ra, bao gồm cả những hành vi ngược đãi trước đó. Và sau đó, kẻ bạo hành sẽ bày tỏ tình cảm hoặc đưa ra tuyên bố về tình yêu và sự quan tâm của họ đối với với bạn. Đây là kiểu hành vi thao túng và gây khó hiểu, khiến bạn dần nghi ngờ về trí nhớ, nhận thức và kinh nghiệm của chính mình. Những kiểu hành vi theo dạng kéo dài này được gọi là hiệu ứng gaslighting, được đặt tên theo bộ phim kinh điển Ingrid Bergman, Gaslight. Trong phim, một người chồng đã âm mưu sử dụng sự chối bỏ để khiến người vợ tin rằng cô ấy đang bị ảo tưởng và nhận thức của mình đang bị mất dần.

Đối mặt với sự ngược đãi

Để đối mặt với sự ngược đãi, điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng mục đích của kẻ bạo hành là muốn kiểm soát bạn và né tránh trò chuyện nghiêm túc với bạn. Những hành vi ngược đãi được dùng như một chiến thuật để thao túng và thể hiện quyền lực của kẻ bạo hành. Nếu bạn tập trung vào nội dung của những hành động này, bạn sẽ rơi vào cái bẫy của việc cố gắng đáp trả một cách hợp lý, phủ nhận những lời buộc tội và thanh minh cho bản thân, và rồi bạn sẽ dần trở nên yếu thế. Lúc đó, kẻ bạo hành đã chiến thắng và sẽ phủ nhận mọi trách nhiệm về việc bạo hành ngôn từ.

Đôi khi, bạn có thể làm chệch hướng chúng bằng sự hài hước. Nó đặt bạn vào vị trí bình đẳng và làm vô hiệu sức mạnh mà kẻ bạo hành mong lấy được từ việc xem thường bạn. Lặp lại những gì họ nói với bạn cũng mang một sức nặng nhất định. Ví dụ: “Anh/em nói anh/em nghĩ rằng em/anh không biết mình đang làm gì sao?” Bạn có thể sẽ lại nhận được một lời xúc phạm mang tính khiêu khích, vậy hãy tiếp tục với “Không đời nào,” hay “Anh/em không thấy nó giống vậy,” hoặc “Anh/em biết chính xác mình đang làm gì.”

Trong một số trường hợp, ngược đãi bằng lời nói được giải quyết tốt nhất thông những lời khẳng định mạnh mẽ như: “Dừng”, “Đừng nói với em/anh như thế”, “Như thế là xúc phạm đấy”,  “Đừng đặt điều”, “Đừng có lên giọng với tôi”, “Tôi không nghe lệnh ai hết”,… Bằng cách này, bạn đã đặt ra một ranh giới về cách bạn muốn được đối xử và giành lại vị thế của mình. Nếu kẻ bạo hành nói lại rằng: “Nếu không thì sao?”, bạn có thể trả lời, “Không nói nữa.”

Thường thì một kẻ bạo hành ngôn từ sẽ ngày càng gia tăng mức độ của hành động đó, và trong trường hợp ấy, bạn có thể tiếp tục đối đầu bằng cách như trên. Bạn có thể nói: “Nếu anh/em còn nói nữa, em/anh sẽ rời khỏi phòng” và hãy làm như vậy nếu tình trạng ngược đãi vẫn tiếp diễn. Với những ranh giới liên tục được đặt ra, kẻ bạo hành sẽ nhận được thông điệp rằng việc thao túng và ngược đãi không có hiệu quả. Mối quan hệ có thể trở nên khá hơn hoặc không, thậm chí còn có khả năng xuất hiện thêm một số vấn đề ẩn sâu khác nữa, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, bạn đang xây dựng lại sự tự tin và lòng tự tôn của mình, và học được các kỹ năng quan trọng trong việc thiết lập ranh giới.

Bạo hành có thể làm xói mòn lòng tự tôn ngày qua ngày. Thông thường, trong một mối quan hệ, cả kẻ bạo hành và nạn nhân đều đã từng bị làm xấu hổ thời thơ ấu và đã bị tổn thương lòng tự tôn. Đối mặt với một kẻ bạo hành, đặc biệt là trong một mối quan hệ lâu dài, có thể rất thách thức. Thường cần đến sự hỗ trợ của một nhóm, nhà trị liệu hoặc một người cố vấn, để có thể kiên định đứng lên chống lại sự ngược đãi. Không có những sự giúp đỡ này, bạn có thể rơi vào trạng thái nghi ngờ nhận thức của mình, cảm thấy tội lỗi và sợ bị mất mối quan hệ này hoặc bị trả thù. Nếu cảm thấy nản chí, bạn có thể thử một cách tiếp cận khác có mang tính giáo dục.

Một khi bạn lấy lại được vị thế và lòng tự tôn của mình, bạn sẽ không cho phép bản thân bị ngược đãi nữa. Nếu sự ngược đãi dừng lại, tức là mối quan hệ đó có thể được cải thiện, nhưng trên thực tế, để có được sự thay đổi tích cực, cả hai bạn đều phải sẵn sàng đón nhận những thay đổi mang tính rủi ro.



A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn: Forms of Emotional and Verbal Abuse You May Be Overlooking

Dịch: Phuong Hoang

Biên tập: #Zealous

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL



BẢN THẢO
Bài viết liên quan