Những Lời Nói Dối Ở Công Sở

Ảnh hưởng của việc trung thực và không trung thực đối với công việc


Tôi từng có một người quản lý ở công ty đứng trước bộ phận của chúng tôi và chia sẻ một vài thông tin không mong muốn với tất cả nhân viên. Tin xấu đó là mọi người sẽ phải đảm nhận thêm nhiều công việc và dành nhiều thời gian hơn ở công ty. Quản lý của chúng tôi nói rằng yêu cầu này là do lãnh đạo cấp trên của công ty đưa ra. Mọi người đều cảm thấy khó chịu với một yêu cầu bất công và không chính đáng như vậy.


Tuy nhiên, khi bị ép nói rõ hơn về điều này, người quản lý cuối cùng cũng thừa nhận rằng chính mình đã đưa ra yêu cầu đó chứ không phải là lãnh đạo cấp trên. Hóa ra quản lý của tôi đã nói dối. Một ví dụ nhỏ về sự không trung thực như trên đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực và sâu rộng đáng kinh ngạc.


Không may là nói dối lại chẳng hề khan hiếm ở nơi làm việc. Mọi người có đủ kiểu nói dối ở nơi công sở. Họ nói dối về bằng cấp trong những cuộc phỏng vấn, xin nghỉ ốm khi vẫn khỏe mạnh, phóng đại về hiệu quả công việc, che giấu những sai lầm và thất bại của mình, cướp công của người khác, và phá hoại những người mà họ đang cạnh tranh để được thăng chức và được hưởng những tài nguyên có hạn của công ty.


Đôi khi những người đồng nghiệp trí trá sẽ nói dối một cách thẳng thừng, nhưng thông thường thì họ sẽ sử dụng những mánh khóe mờ ám mà có thể hủy hoại lòng tin và vi phạm khuôn phép đạo đức, sự trung thực và liêm chính của những người đồng nghiệp. Họ thường cố gắng che giấu mục đích thực sự của mình. Hành vi của họ đôi khi có vẻ kỳ lạ, thông thường là do mục tiêu thực sự của họ đang được lấp liếm bởi sự đánh lạc hướng và che đậy. Tất cả các âm mưu này đều vi phạm các phong cách tổ chức và chuẩn mực văn hóa mong muốn.



Hậu quả của việc không trung thực nơi làm việc

Sự thiếu trung thực sẽ làm ô uế và suy đồi nơi làm việc. Không trung thực ngay từ đầu có thể phá hủy toàn bộ công ty. Việc gian dối trong công ty đã kéo theo nhiều hậu quả. Các Hiệp hội của người giám định chứng nhận gian lận ước tính rằng các tổ chức đã thất thoát 3,5 tỷ USD mỗi năm do lừa dối và gian lận.

Mặc dù đây là một con số đáng kinh ngạc nhưng nó không thể hiện được những hậu quả tiềm ẩn mà gian dối ở công sở đã gây ra cho môi trường làm việc, tinh thần và sự hài lòng của nhân viên và cho năng suất của công ty. Khi sự dối trá tràn ngập khắp công ty thì mọi người không còn có thể tin tưởng lẫn nhau nữa. Khi niềm tin trở nên thiếu thốn, mọi người phải cẩn trọng bởi họ sẽ không bao giờ biết chắc được rằng liệu mình sẽ bị lợi dụng, bị hãm hại, bị lừa đảo hay bị ngược đãi hay không. Nói tóm lại, nếu đồng nghiệp không trung thực với nhau thì thứ niềm tin đang dần sụp đổ ấy sẽ khiến cho công ty vận hành không hiệu quả.


Nguyên nhân mọi người nói dối ở công ty


Tại sao một vài người lại lừa dối ở công ty? Một nguyên nhân là do bản chất họ vốn đã không lấy gì làm thật thà cho lắm. Mỗi chúng ta đều có một tính cách đặc trưng, và một vài cá nhân xung quanh ta đơn giản chỉ là ích kỉ, thao túng, thờ ơ và thích lợi dụng hơn chúng ta mà thôi. Những người này coi người khác như những con tốt đen để phục vụ cho lợi ích riêng của họ. Họ không hề ngập ngừng khi phải lừa dối để đạt được thứ họ muốn.


Kim Serota và Timothy Levine đã nghiên cứu về “những kẻ nghiện nói dối” và nhận thấy rằng những người này có nhiều nguy cơ bị khiển trách và sa thải hơn. Và cùng không ngạc nhiên gì khi những cá nhân này cũng không thu được nhiều điều tốt đẹp trong những mối quan hệ tình cảm.


Tuy nhiên, ngay cả một đồng nghiệp trung thực điển hình đôi khi cũng sẽ nói dối. Con người vốn dĩ đều có bản tính hai mặt, thông thường họ sẽ cư xử một cách hợp tác, nhưng đôi khi họ cũng sẽ để lộ ra bản tính cạnh tranh và tư lợi.


Một số yếu tố liên quan đến môi trường làm việc sẽ làm tăng khả năng mà đồng nghiệp của bạn sẽ nói dối. Một trong những yếu tố đó là những kỳ vọng không thiết thực, sự cạnh tranh khốc liệt, và hậu quả tàn nhẫn cho sự thất bại. Nếu một số nhân viên cạnh tranh để đạt được số tiền thưởng có hạn, thì nói dối và gian lận sẽ xảy ra. Chế độ khen thưởng, khích lệ kém cũng dẫn đến việc gian dối.


Mọi người cũng nói dối vì những lý do ít xấu xa hơn. Vài người cảm thấy khó khăn khi phải thành thật bởi họ sợ những lời chỉ trích, họ cảm thấy xấu hổ, hay họ thiết tha được yêu quý và hòa nhập. Các đồng nghiệp cũng nhiều lần nói dối vì những lý do tốt đẹp. Chẳng hạn, để đồng cảm với bạn, một đồng nghiệp có thể sẽ động viên rằng bạn đang làm rất tốt ngay cả khi thực tế không phải là như vậy.

Giữ kín bí mật cũng là một dạng không trung thực có thể gây hại cho một tổ chức. Khi các lãnh đạo và nhân viên che giấu sự thật thì không ai có thể biết được điều gì đang xảy ra. Tôi đã từng làm việc cho những nơi mà ở đó mỗi người chỉ được tiếp cận với một lượng thông tin rất nhỏ. Các lãnh đạo công ty đã sử dụng bí mật để duy trì quyền hành.


Khi sự thật bị che giấu và thực tế bị bóp méo thì làm sao một tổ chức có thể vận hành tốt được? Khi nhân viên có thể cảm nhận được rằng sự thật đang bị che giấu, lòng tin của họ sẽ hoàn toàn sụp đổ.


Xây dựng một môi trường làm việc trung thực


Ai cũng muốn được làm việc với người mà mình tin tưởng. Làm thế nào để chúng ta có thể thiết lập và duy trì một môi trường làm việc như vậy? Các nhà lãnh đạo trung thực là điều kiện tiên quyết cho một môi trường làm việc trung thực và cởi mở. Nếu những người lãnh đạo nói dối thì khả năng cao là cấp dưới của họ cũng sẽ làm như vậy và ít khi cảm thấy tội lỗi về điều đó.


Ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy những ví dụ về các vụ bê bối tham nhũng lớn, chẳng hạn như các công ty Enron, Volkswagen, và Wells Fargo. Tại những công ty này, những nhà lãnh đạo thiếu đạo đức đã trở thành tấm gương không trung thực cho nhân viên cấp dưới của họ, hậu quả là gây ra những thất bại thê thảm cho công ty. Các nhà lãnh đạo thật thà là thành phần quyết định cho những nơi làm việc trung thực.


Nếu các nhà lãnh đạo là chìa khóa để tạo dựng nên một tinh thần trung thực thì tất cả các nhân viên có trách nhiệm phải xây đắp một môi trường được bao trùm bởi tính ngay thẳng và thật thà. Mọi thứ đều xuất phát từ ý định. Bước đơn giản đầu tiên là hãy đề cập đến chủ đề trung thực. Bạn có thể thảo luận về các cách để thúc đẩy sự cởi mở, tính trung thực, và sự liêm chính tại công ty. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo, bạn có thể phát triển và thúc đẩy một hệ thống các chuẩn mực đạo đức mà trong đó sự cởi mở và trung thực là nền tảng. Nghiên cứu về lòng trung thực cho thấy rằng trong một vài trường hợp, một lời nhắc nhở nhẹ nhàng về trách nhiệm đạo đức có thể thúc đẩy hành vi trung thực và đạo đức.


Bạn cũng có thể giảm bớt những hành động chỉ trích và trừng phạt quá mức mà có thể khiến cho nhân viên trở nên thiếu trung thực. Các nhân viên cảm thấy bị đối xử thiếu công bằng ít có khả năng sẽ ủng hộ công ty với một thái độ thật thà.


Trong một bài báo cáo gần đây của tạp chí Harvard Business Review, hàng trăm nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đã được yêu cầu xếp hạng những phẩm chất quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo tài năng. Dĩ nhiên, đặc điểm hàng đầu đó là “có tiêu chuẩn đạo đức đúng đắn”. Kết quả này là một minh chứng rõ ràng cho thấy làm việc một cách trung thực là chìa khóa cho sự tồn tại và vận hành đúng cách của mọi tổ chức. Các nhà lãnh đạo trung thực và tuân theo những tiêu chuẩn đạo đức đúng đắn sẽ củng cố sự tự tin cho nhân viên của họ rằng họ sẽ được đối đãi một cách công bằng. Khi mọi người cảm thấy họ được đối xử một cách trung thực và công bằng thì họ sẽ làm việc hiệu quả hơn.

Thúc đẩy một hệ thống giá trị đạo đức cho tính trung thực khá đơn giản. Nhiều nhà đạo đức học về kinh doanh đều tập trung vào một quy tắc đạo đức cơ bản được phát triển bởi doanh nhân người Mỹ Herbert Taylor. Ông khẳng định rằng quy tắc đạo đức cơ bản này đã giúp định hình lại doanh nghiệp đang chững lại của mình, biến nó thành một mô hình thành công được bảo toàn nhờ nền tảng đạo đức. Quy tắc của ông, được gọi là phép thử bốn chiều, dựa trên bốn câu hỏi đơn giản về suy nghĩ, câu từ và hành động của chúng ta trong công việc:


· Đó có phải là sự thật không?

· Nó có công bằng cho tất cả các bên liên quan không?

· Liệu nó có vun đắp thiện chí và tình bạn không?

· Liệu nó có giúp ích cho tất cả những bên liên quan không?


Bài kiểm tra đơn giản này đã được sử dụng rộng rãi như một quy tắc đạo đức dễ nhớ trong các tổ chức trên toàn thế giới. Nếu một người có ý định nói dối hay hay lừa gạt thì có thể thấy rằng hành vi đó đã vi phạm mọi yếu tố của bài kiểm tra bốn chiều. Hãy xem xét bất cứ một sự lừa dối nào đó ở công ty và kiểm tra xem nó có vi phạm bài kiểm tra bốn chiều hay không.




Sự tin tưởng




Lý tưởng mà nói thì nơi làm việc là một môi trường hợp tác, ở đó mọi người cùng nhau giải quyết một nhu cầu hoặc cung cấp một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó mà một cá nhân riêng lẻ không thể tự tạo ra được. Nền tảng để chúng ta hợp tác làm việc nhóm là sự tin tưởng. Các tổ chức phát triển mạnh mẽ khi có sự tin tưởng. Vậy sự tin tưởng là gì? Sự tin tưởng là một cuộc dàn xếp mà ở đó chúng ta mong đợi và tin rằng người khác chắc chắn sẽ công bằng, trung thực, và tử tế với ta. 


Tương tự như vậy, để người khác tin tưởng chúng ta thì ta phải cho họ thấy mình là người đáng tin cậy. Chúng ta thể hiện điều đó qua hành động chứ không phải là lời nói. Chúng ta phải tuân thủ một tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng, đề cao sự đúng đắn, nghiêm túc, công bằng và chính trực. Khi chúng ta trung thực, chúng ta sẽ tạo điều kiện cho những người xung quanh tin tưởng ta, đồng thời tự cho mình lương thiện để tin tưởng họ. Giá trị của lòng tin là nền tảng tuyệt đối cho những mối quan hệ. Hãy cho tôi thấy bất kì một hình thức quan hệ nào mà không có niềm tin, tôi sẽ cho bạn thấy hai con người không thể làm việc hiệu quả với nhau.


Khi chúng ta biết ai đó không trung thực thì chúng ta sẽ không tin tưởng họ. Chúng ta cảm thấy lo lắng khi phải làm việc với họ. Ngay cả khi mối quan hệ công việc đang tạm thời diễn ra tốt đẹp, chúng ta vẫn cảnh giác, tìm kiếm những bằng chứng cho thấy người không đáng tin đang cố gắng hãm hại hoặc làm chúng ta thất vọng. Nếu chúng ta cảm thấy không thể tin tưởng ai đó, chúng ta bắt đầu thực sự sợ họ. Chúng ta thường xa lánh họ, né tránh gặp gỡ bằng mọi giá. Thực ra, mối quan hệ công sở đã thực sự chấm dứt.


Sự trung thực và niềm tin hóa ra lại là những công cụ có tác động to lớn ở nơi làm việc. Trong cuốn sách “Lòng tin trong xã hội hiện đại”, giáo sư Barbara Misztal đã đưa ra một lý luận có sức thuyết phục rằng niềm tin vận hành theo ba cách trong các nền văn hóa trên khắp thế giới: Nó khiến cho việc sống với người khác trở nên dễ chịu hơn, nó thúc đẩy ý thức cộng đồng, và nó khiến công việc hợp tác trở nên dễ dàng hơn.


Khi có lòng trung thực và niềm tin thì chúng ta không cần đến sự giám sát liên tục và quản lý vi mô nữa, các tổ chức cũng không còn bị ràng buộc bởi sự cảnh giác và tính đa nghi. Lúc đó các tổ chức có thể phát triển mạnh mẽ. Trong các tổ chức trung thực, mọi người vui vẻ hơn và làm việc chăm chỉ hơn. Khi chúng ta làm việc với người mà mình tin tưởng, chúng ta có thể yên tâm chấp nhận những rủi ro mà có thể giúp công ty đổi mới và phát triển. Khi các đồng nghiệp tin tưởng chúng ta, nghĩa là chúng ta đã có tầm ảnh hưởng. Khi chúng ta tin tưởng họ, chúng ta cũng để họ ảnh hưởng tới chúng ta.


Cần lưu tâm rằng niềm tin ở nơi làm việc là vô cùng mong manh. Có một sự bất cân xứng rõ rệt giữa việc gây dựng niềm tin và phá hủy nó. Niềm tin là một thứ điều quý giá mà phải mất nhiều năm cố gắng mới có thể tạo nên, nhưng chỉ cần làm ngược lại trong 1 khoảnh khắc nhỏ thì ta có thể phá hủy nó rồi. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng niềm tin được gây dựng dựa trên sự trung thực, nhưng James E. Faust đã từng nói, “Trung thực không hẳn chỉ là không nói dối. Trung thực là nói thật, sống thật, và yêu thật.”


Trung thực ở nơi làm việc là một quá trình chủ động và có chủ đích, là quá trình mà chúng ta cố gắng tìm kiếm sự thật, loại bỏ những góc tối ẩn nấp của sự lừa dối và bí mật. Xây dựng nên một môi trường làm việc đề cao sự thật là một nỗ lực mạnh mẽ có thể khôi phục lại bản chất của cuộc sống làm việc. Mọi thứ đều bắt nguồn từ bạn.


Cần lưu tâm rằng niềm tin ở nơi làm việc là vô cùng mong manh. Có một sự bất cân xứng rõ rệt giữa việc gây dựng niềm tin và phá hủy nó. Niềm tin là một thứ điều quý giá mà phải mất nhiều năm cố gắng mới có thể tạo nên, nhưng chỉ cần làm ngược lại trong 1 khoảnh khắc nhỏ thì ta có thể phá hủy nó rồi. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng niềm tin được gây dựng dựa trên sự trung thực, nhưng James E. Faust đã từng nói, “Trung thực không hẳn chỉ là không nói dối. Trung thực là nói thật, sống thật, và yêu thật.”


Trung thực ở nơi làm việc là một quá trình chủ động và có chủ đích, là quá trình mà chúng ta cố gắng tìm kiếm sự thật, loại bỏ những góc tối ẩn nấp của sự lừa dối và bí mật. Xây dựng nên một môi trường làm việc đề cao sự thật là một nỗ lực mạnh mẽ có thể khôi phục lại bản chất của cuộc sống làm việc. Mọi thứ đều bắt nguồn từ bạn.


Dịch: #Zealous

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-nature-deception/201907/lies-in-the-workplace

Ảnh: Sưu tầm

——————

Theo dõi các kênh chính thức của A Crazy Mind tại:

Website: https://acrazymind.vn/

A Crazy Mind (Page): https://www.facebook.com/acrazymindVN/

Viết để trưởng thành (Page): https://www.facebook.com/acm.vietdetruongthanh

A Crazy Mind – Viết để trưởng thành (nhóm công khai): http://bit.ly/Group-VDTT

Câu chuyện điên rồ của tôi (nhóm riêng tư): https://bit.ly/acm-cauchuyendienro

A Crazy Mind – Hỏi đáp tâm lý: http://bit.ly/Group-HDTL

A Crazy Mind – Mỗi ngày một trang sách: http://bit.ly/ACM-MNMTS

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan