Những niềm tin vô hình từ gia đình đang kìm hãm bạn

Một số niềm tin từ gia đình giống như gánh nặng vô hình mà bạn phải mang trên vai.

Nhiều niềm tin mang tính hạn chế và phi lý trí mà bạn thừa hưởng từ những người khác vẫn nằm trong tâm trí bạn. Chúng ta đang nói về một hồ sơ tâm lý phủ quyết hoàn toàn tiềm năng của bạn.


Có thể bạn không biết nhưng một số niềm tin từ gia đình có thể đang kìm hãm bạn. Chúng giống như một gánh nặng vô hình mà bạn phải mang trên lưng, chứa đựng các mệnh lệnh và thông điệp thầm lặng được thiết lập trong tâm trí bạn từ khi bạn còn là một đứa trẻ. Hơn nữa, chúng ngăn cản bạn phát triển. Tuy nhiên, việc vô hiệu hóa chúng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Đó là bởi vì chúng đã bắt rễ từ tận sâu trong tâm lý của bạn.


Albert Ellis, nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng và người sáng lập ra liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT), đã đưa ra cách tiếp cận của ông dựa trên việc loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực như vậy. Trên thực tế, sức khỏe tâm lý của bạn phụ thuộc phần lớn vào khả năng tách rời bản thân khỏi mọi suy nghĩ phi lý và hạn chế. Tuy nhiên, cách bạn diễn giải thực tế thường được định hình bởi những lời nói của người khác – những lời nói mà bạn tiếp xúc trong nhiều năm.


Bạn cần phải thay đổi, bởi vì những người khác đã thay đổi bạn trở thành người mà bạn tin là bản thân bạn bây giờ. Thực tế, đây là những tiếng nói từ quá khứ vẫn đang tiếp tục có quá nhiều ảnh hưởng đến bạn. Vì vậy, đã đến lúc bạn phải loại bỏ chúng, vì sức khỏe và sự an vui của chính bạn.


Bạn là người duy nhất trong tâm trí của bạn! Bạn là sức mạnh và quyền lực trong thế giới của chính mình.

-Louise Hay-


Photo by Sasha Freemind on Unsplash


Những niềm tin của gia đình kìm hãm bạn


Rất nhiều thứ bạn nói, quyết định, làm (và không làm) là kết quả của những gì bạn nghĩ. Có thể bạn cho rằng khi đưa ra quyết định và xử lý thông tin, bạn làm vậy một cách tự nhiên và không bị gò bó. Bạn cho rằng “bạn” là người chỉ huy và điều phối mọi thứ trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, điều này không phải là sự thật. Thực chất, nhiều suy nghĩ của bạn được dựa trên những niềm tin chưa được chọn lọc kỹ lưỡng

Ý kiến, quan điểm và nhận thức của bạn không chỉ bị giới hạn bởi niềm tin của gia đình mà xã hội, bạn bè và môi trường cũng góp phần định hình những yếu tố đó. Đây là một điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn có thể phát hiện ra loại suy nghĩ (niềm tin) này.


Đại học Osnabrück (Đức) đã thực hiện nghiên cứu chứng minh một điều đặc biệt quan trọng trong khía cạnh này. Nghiên cứu khẳng định rằng tư tưởng của chúng ta là hệ thống niềm tin chúng ta tin tưởng là đúng. Một cách để vô hiệu hóa các kiểu mẫu giới hạn này là thông qua quá trình siêu nhận thức (meta awareness).


Để làm được điều này, bạn có thể bắt đầu với việc tìm xem những kiểu niềm tin nào từ gia đình có thể đang cản trở bạn.




1. Bạn sẽ không giỏi việc này, không có ai trong gia đình như vậy cả. Tốt nhất là đừng thử.


Nếu tâm trí bạn là một mảnh đất màu mỡ thì có những niềm tin nhất định từ phía gia đình giống như cỏ dại cần được nhổ bỏ. Có một thực tế đáng buồn là việc bố mẹ, ông bà, cô dì chú bác,... gắn mác cho những đứa trẻ từ khi còn nhỏ diễn ra rất phổ biến. “Peter vô vọng với môn toán y như bố nó.” “Marta giống hệt chị nó, không giỏi thể thao chút nào.”


Việc so sánh và đánh giá thấp trẻ nhỏ chỉ vì ở một thời điểm chúng không thực sự giỏi cái gì đó là một sai lầm thường xuyên bị mắc phải. Khi đến tuổi trưởng thành, chúng có thể tiếp tục cho rằng tốt hơn là không nên thử làm một vài việc nhất định vì có người từng nói rằng chúng không hề giỏi việc đó.


Photo by Alexander Dummer on Unsplash




2. Đừng tin tưởng người khác


Bố mẹ thường “lây” sự ngờ vực của mình sang con cái họ. Sự e ngại và định kiến có xu hướng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Quả thực, một trong những niềm tin được thừa hưởng phổ biến nhất là sự khó tin tưởng người khác. Đó là bởi – theo bố mẹ bạn – đến một thời điểm nào đó những người khác sẽ luôn phản bội bạn.




3. Gia đình là “số một”


Đương nhiên, gia đình là một trụ cột quan trọng trong cuộc sống của tất cả mọi người. Dù vậy, điều này không nên được coi là tuyệt đối. Đôi khi, một số hoàn cảnh có thể lý giải việc rời xa gia đình, chẳng hạn như những lý do liên quan đến sức khỏe tâm thần. 

Nhiều khi niềm tin của bạn khiến bạn cho rằng bạn có nghĩa vụ chịu đựng mặc dù có những thành viên trong gia đình đối xử tệ với bạn.


Photo by Rosie Sun on Unsplash




4. Sẽ không có ai yêu bạn


“Sẽ chẳng có ai yêu con người thật của cậu cả.” “Nhìn con xem, nếu con không bắt đầu chăm chút ngoại hình hơn thì sẽ không có ai thích con đâu”. Rất nhiều người luôn mang theo hình ảnh méo mó về bản thân bên mình và đó là sự phản chiếu về tất cả những thông điệp tiêu cực họ nhận được trong thời thơ ấu và thời niên thiếu.


Trên thực tế, đôi khi, niềm tin của gia đình là trung gian tác động đến cách bạn nhìn nhận bản thân. Giờ đã đến lúc bạn phải vô hiệu hóa chúng.


Hãy cẩn thận, bởi nếu bạn không quan sát thật kỹ những niềm tin từ gia đình mà bạn đang có và tạo ra sự thay đổi thì chúng có thể sẽ giam cầm bạn mãi mãi.



5. Cuộc sống này rất khó khăn, hãy bằng lòng với những gì nó trao cho bạn.


Thật vậy, cuộc sống không phải một chuyến cưỡi ngựa xem hoa. Cuộc sống là một hành trình ẩn chứa những sự kiện không thể lường trước. Tuy vậy, bạn không được để chúng làm mình bỏ cuộc khi bạn thậm chí còn chưa bắt đầu. Hơn nữa, việc nghĩ rằng bạn không nên thử một số việc nhất định và chỉ nên bằng lòng với những gì mình có không bao giờ là một điều tốt. Nó không giúp ích gì cho sự phát triển bản thân của bạn.


Trường Đại học California đã tiến hành một nghiên cứu liên quan đến những niềm tin vô lý hoặc phi lý trí. Nghiên cứu nói rằng có một số quan niệm mà chúng ta giả định và coi là điều hiển nhiên mà không hề nghĩ ngợi hay suy ngẫm về chúng. Hơn nữa, để tránh sự bất hòa nhận thức, chúng ta thậm chí không thừa nhận với bản thân rằng những quan niệm này có thể mâu thuẫn với nhau.


Điều này lý giải tại sao niềm tin của gia đình thường khiến bạn ở yên trong vùng an toàn của mình. Bởi vì thử thách những gì đã quen thuộc với bạn cần có sự can đảm cũng như đối mặt với lược đồ tâm lý của bạn. Tuy nhiên, đó là điều cần phải làm.


Photo by Noralí Nayla on Unsplash




6. Bạn không có tài năng gì cả, nên đừng mơ ước những điều không thể


Đừng mơ mộng, đừng ở trên mây nữa, và hãy dừng xây chiếc lâu đài ảo tưởng. Bạn chẳng có tài năng gì cả nên đừng nực cười như vậy. Việc bạn cần làm là tìm những điều thiết thực gì đó mà bạn có thể thực hiện.


Đôi cánh của rất nhiều người lớn đã bị lấy đi từ rất sớm. Đó là bởi mọi người bảo họ mơ mộng và chẳng có năng lực gì. Việc dập tắt ước mơ của một đứa trẻ là một trong những thứ gây tổn hại nặng nề nhất. Nếu bạn tin rằng ước mơ và nguyện vọng của mình sẽ không bao giờ thành hiện thực thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên xám xịt và quá đỗi tầm thường.



7. Những niềm tin từ gia đình được coi là hiển nhiên đúng: đừng than phiền nữa, bạn cần phải mạnh mẽ trong cuộc sống này


“Đừng khóc, đừng than phiền, đừng rầu rĩ như vậy nữa… Cuộc sống rất khó khăn. Bạn phải chịu đựng nó!”. Những niềm tin từ phía gia đình kiểu này mà bạn đã nghe từ khi còn nhỏ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.


Nghĩa vụ phải luôn mạnh mẽ và có thể làm mọi thứ là nền tảng của tâm lý đau khổ. Đừng bao giờ quên rằng bạn có quyền nhạy cảm, phàn nàn, khóc và cảm thấy buồn nếu bạn bị tổn thương. Hơn nữa, hãy đảm bảo rằng bạn loại bỏ tất cả những loại suy nghĩ có hại này khỏi tâm trí và bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc.


---

Dịch bởi: Stew

Biên tập: Phoebe Trịnh 

Ảnh bìa: Photo by Aliko Sunawang on Unsplash

Nguồn bài gốc: Family Beliefs That Hold You Back and Make You Unhappy

Available at: Family Beliefs That Hold You Back and Make You Unhappy. Exploring your mind. (2021). Retrieved from https://exploringyourmind.com/family-beliefs-that-hold-you-back-and-make-you-unhappy/.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan