Nô lệ của nỗi đau

Khi ta muốn vượt lên nghịch cảnh thì nỗi đau lại càng hằn sâu. Và rồi, ta đắm chìm trong mớ bòng bong luẩn quẩn do chính mình bày ra...


Đã bao giờ bạn rơi vào đau khổ, tuyệt vọng? Đã bao giờ bạn để cho nỗi đau chi phối tất cả suy nghĩ, hành động của bản thân mình? Mời bạn lắng nghe một đoạn hội thoại ngắn giữa nhân viên ngành “sale” với khách hàng tiềm năng của mình:


-  Chào chị. Thời buổi này, chị em phụ nữ phải dành thời gian thảnh thơi để làm đẹp, nghỉ ngơi, mua sắm. Chị đừng cứ mải miết làm lụng vất vả nữa.


-  Chị cũng muốn nghỉ ngơi lắm chứ nhưng đâu có được em. Chồng chị thì đi làm cả ngày, chị mà không nội trợ thì lấy ai mà làm.


-  Có gì khó đâu chị. Chị hãy nghe em, mua về các thiết bị gia đình như: máy giặt, máy rửa bát, máy hút bụi. Thời buổi công nghệ số rồi. Hiện tại bên em đang có chương trình trả góp với lãi suất 0% để hỗ trợ cho gia đình mình nữa.


-   Ừ! Rất cảm ơn em. Bấy lâu nay chị cũng đang định nói với chồng chị về nỡi khổ này nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Để chị về bàn lại với chồng rồi sẽ liên hệ với em nhé!


Câu chuyện có vẻ rất hợp lí vì mục đích chính đáng của cả người mua và người bán đều sắp thực hiện được. Thế nhưng, một trong những chiến lược kinh doanh chính là xoáy sâu vào nỗi đau của khách hàng. Thay vì giới thiệu về tính năng của sản phẩm, người bán sẽ nói về những khoảng trống trong tâm hồn mỗi người và liệu pháp để lấp đầy chúng. Bởi lẽ, ai trong mỗi chúng ta đều mong muốn vượt qua nỗi đau và có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Bằng chứng sống động là các “video” về sinh hoạt của những quý cô sành điệu thường có lượt xem cao ngất ngưởng từ cả nam giới và nữ giới. Khi tôi xem chúng, những giây đầu tiên là sự tò mò, thích thú; kế đến là trầm trồ, ngưỡng mộ; sau cùng là nỗi buồn tủi khi ngẫm đến phận mình. Những lúc đó, mảnh hồn nhỏ của tôi khẽ thổn thức rồi ngày đêm rên rỉ, kêu gào vì thực tại không như mong đợi.


Để khỏa lấp nỗi buồn thua kém, mỗi chúng ta thường dành hàng giờ để làm những điều vô nghĩa. Tôi cũng thường xem các sản phẩm giày, dép, túi xách hàng hiệu và rồi chờ đến ngày chúng được giảm giá. Khi có một chiếc đầm đẹp, tôi nâng niu trong chốc lát rồi lại thẫn thờ nghĩ đến những món khác đắt giá hơn, hợp trào lưu hơn. Đến một ngày nào đó, tôi phát hiện ra niềm mong đợi của mình trở nên không có điểm dừng. Chúng hóa thành lớp trầm tích mang tên niềm đau, vô tình cản bước chân tôi tiến về phía trước. Niềm đau chỉ thật sự đến khi chúng ta không hài lòng với cuộc sống mà mình đang có. Khi ta muốn vượt lên nghịch cảnh thì nỗi đau lại càng hằn sâu. Và rồi, ta đắm chìm trong mớ bòng bong lẫn quẫn do chính mình bày ra...



Để người khác lợi dụng đã là tệ hại nhưng điều ấy còn chưa bằng việc chính chúng ta tự đào hố để mình sa vào. Bạn biết không? Nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ nhưng lí do chính không hẳn là do người chồng hay vợ không được tốt mà vì tâm lí không bằng lòng thực tại. Khi đó, hãy dừng oán trách kẻ thứ ba vì chính chúng ta đã cho phép họ làm điều đó. Hội chứng chối bỏ hiện tại cứ như con quỷ vô hình đeo bám những tâm hồn quạnh quẽ. Ta không biết đâu là tốt, đâu là xấu; chỉ biết rằng nó được dán mác là “new” – “mới” mà thôi. Những điều mới luôn làm ta sợ hãi, đề phòng nhưng cũng đồng thời làm ta mê đắm. Ta như kẻ mù quờ quạng rồi chệnh choạng ngã vô số lần giữa dòng đời đầy va vấp. Liệu ta đã quá tham lam chăng? Ta không bao giờ nghĩ thế. Ta tự nhủ rằng mưu cầu hạnh phúc chưa bao giờ là sai trái. Điều sai lầm ở đây có lẽ là do chúng ta không biết điểm dừng.


ĐÂU MỚI LÀ ĐIỂM DỪNG CỦA SỰ HÀI LÒNG?


Ta luôn mong cầu điều tốt đẹp nhất mà mình xứng đáng đạt được và dường như chưa bao giờ có điểm dừng. Đó cũng là lí do khiến cho bản thân mỗi người không ngừng khắc khoải, âu lo. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ tại sao lại là mình? Tại sao người khác lại được như thế mà mình thì không? Tại sao có nhiều em bé sinh ra đã ở vạch đích còn ba mẹ mình thì vẫn phải ngày ngày vất vả mưu sinh. Đã từng có một khoảng thời gian, tôi chán nản vô cùng khi liên tiếp bị loại trong các kì thi năng khiếu. Trong khi đó, những đứa bạn của tôi thì tài hát hay, vẽ đẹp, nói năng lưu loát đủ cả. Tôi mệt nhoài khi nghĩ rằng cuộc sống của mình quá tầm thường. Thế nhưng, thời gian đã trả lời rằng suy nghĩ đó của tôi là sai. Người giàu có cũng chưa chắc sẽ có được hạnh phúc, kẻ có tài năng cũng chưa chắc sẽ thành công. Nếu quá cầu toàn và so sánh với kẻ khác thì mỗi người sẽ luôn bất an. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ hối hận mà nhận ra vô vàn giá trị tốt đẹp mà mình đã lướt qua và bỏ lỡ.


Bạn sẽ đợi bao lâu trước khi bạn yêu cầu điều tốt nhất cho bản thân?” (Epictetus)


Đây là câu nói nổi tiếng đến từ trường phái triết học Stoicism (khắc kỷ) ở Athens. Theo đó, chúng ta hãy tự đưa những việc xung quanh mình vào ba nhóm. Nhóm một bao gồm những điều chúng ta có thể can thiệp và tác động; nhóm hai bao gồm những điều chúng ta không thể thay đổi dù bằng cách này hay cách khác; nhóm ba bao gồm những điều mà chúng ta có thể kiểm soát một phần. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu có thể thay đổi theo hướng tích cực, mình sẽ đấu tranh hết khả năng. Đối với những việc không thể thay đổi, tôi sẽ cố gắng không bận lòng đến nó nữa. Đôi lúc, chấp nhận sự thật cũng sẽ mang đến cho mỗi chúng ta cảm giác tuyệt vời.


Tự nhủ như thế nhưng tôi biết rằng con đường hiện thực hóa sẽ chẳng thể dễ dàng. Một khi nỗi đau ùa đến, cảm xúc khó chịu bủa vây thì có mấy ai còn đủ minh mẫn và sáng suốt. Liệu chính mình có đang trở thành một nô lệ của nỗi đau? 


Tác giả: Kiều Giang

——————

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng / lần.

Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/cuocthiVDDT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trường Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành"

BẢN THẢO
Bài viết liên quan