Nỗi nhớ và quên

Hy vọng, một ngày nào đó, khi người chị trong lời kể xa lắc hỏi “Em có nhớ chị không?”, tôi sẽ khảng khái đáp: “Nhớ chứ, chị là người đặc biệt với em mà.”

Có lần tạt ngang nhà nội, bà chị mấy năm ròng chưa gặp í ới hớn hở, còn kề vai bá cổ như thể thân thiết thuở nào. Tôi hơi né cái ôm, không ngờ khoảng cách thời gian lại đẩy người ta xa nhau đến thế. Ngược lại, hì hì chị chỉ cười, “Con bé nó lớn nhanh đến mức không nhận ra nữa rồi kìa. Quên chị rồi hả?”


Phải công nhận, nỗi nhớ và quên là điều gì đó rất khiên cưỡng khi nhắc đến, chớp nhoáng kí ức lụi tàn, chớp nhoáng cuộc vui mới mời gọi. Người ta dễ dàng nguôi ngoai điều cũ và rất nhanh thôi, bày biện công việc mới gia nhập, người bạn mới quen, cái túi mới mua ở vị trí trung tâm; cầm lên đặt xuống như hẫng, chiêm ngưỡng, xuýt xoa không ngớt. Thành ra họ lại dễ quên và y như rằng, coi đó là đặc quyền riêng của lối sống hiện đại vì bộn bề trăm ngả, vì “ăn kỉ niệm có sống được không.”


Nên trong suốt thời xanh trẻ, kí ức thuộc về mái tóc phong rêu mẹ cài, chiếc áo ních người từng mặc hay mái ngói hung bạc ngoài hiên. Tuyệt nhiên chẳng liên quan tới mình mà chỉ thực sự hiện hữu nếu lưu dấu đồ vật; cũng tương tự khắc tên vinh danh trên bia đá nhằm nhắc nhở những ai chịu ơn phải tảo mộ hằng năm. Tự bao giờ, việc nhớ bỗng quy về trách nhiệm, nghĩa vụ vậy nhỉ.


Chị tôi, nhiều người lớn tuổi nữa có chăng là nhóm thiểu số bị mắc kẹt ở quá khứ, khi mà họ luôn mang bên mình tập album ảnh, ấp ủ hoài niệm. Đôi lần tỉ tê chuyện ngày xưa, hơi thịt sát rạt, trải mảnh chiếu giữa sàn, tôi hơi ngờ ngợ, là lạ. Vì ồ, hoá ra lúc nhỏ mình nào có kiêng dè lấy một chút. Đến cảm giác thân thuộc ấy mình còn chẳng nhớ nữa là, nói chi.


Lôi xấp hình cũ lem nhem, bà đề trước “Quý lắm nha!”, truyền tay bà chị đang gật gù ‘phải, phải’. Chất giấy èo uột, chấm nhỏ hoen ố, tôi gần như muốn đánh số âm cho cột giá trị vật chất. Có điều, chất lượng của một sản phẩm quả thực cần lắm một người công tâm, xét toàn diện mọi mặt, nhất là nguồn năng lượng cuộn trào nơi bức ảnh: những câu chuyện sống động, cái hồn của một khoảnh khắc vô tình. Có cảm tưởng, tá người tưởng đã phai màu theo năm tháng ấy vẫn sống dậy. Nhẽ nào họ luôn tồn tại ở đó, sinh hoạt, chơi đùa tường tận trước mắt như thế. Chỉ có tôi là tảng lờ.


Nhặt hồi ức lúc năm tuổi, hình ảnh tôi cùng chị tắm mưa xối xả đến cảm nặng trải dài phía đồng ruộng, cười khì tôi thử hỏi chị còn nhớ không. Chị lắc đầu nguầy nguậy, dằn lại tấm hình rồi giả vờ mặt nặng mất nhẹ, bảo “Ơ hay, con bé này lại quên nữa rồi hử.” Hôm nọ, là hai chị em hăng say bày đủ trò đùa dại quá, xui sao lỡ trượt té u đầu làm chị ta khốn đốn phải chạy vạy khắp nơi. “Mệt bở hơi tai”, chị sì sụp húp tô mì, tưởng tượng cảnh bả hốt hoảng, mặt cắt không còn hột máu chắc hài dữ. 


Nhưng chị bảo: “Nghĩ lại thì kỉ niệm đó là đáng nhớ nhất. Hy vọng nó cũng là điều đặc biệt với em”. Lời tâm sự ấy đánh trúng tim đen khiến tôi hơi sượng. Bởi dường như những ngăn não tôi lâu nay chỉ phục vụ cho mỗi việc thăng tiến, thăng tiến lên đỉnh cao, nào là số liệu dài dặc, mối quan hệ hữu ích và cả cố nhồi mấy tin đồn đâu đâu. Tôi chỉ chọn lọc một vài phần thế giới để nhớ sau khi mãi băn khoăn tầm quan trọng thực tế của nó. Cứ thế để cốt lõi tinh thần mai mục đi, giá tôi có thể làm được gì.

Gian nhà sáng đèn đến tận khuya, kể theo đó bao sử tích từ đời nảo đời nao, bao chuyện tôi chưa hay, bao quên lãng chôn vùi đến nhiều chuyện ngỡ thấu kĩ lắm hoá ra chỉ như bề nổi của tảng băng chìm. Ông bán kem dạo mỗi trưa nực lại ghé, tiếng “ting ting” kìa ngõ xa cho tới lúc chạm cửa nhà, sự chờ đợi ấy không lúc nào vơi đi niềm phấn khích tột độ của mấy đứa nhóc. Thế mà bà lại nhớ khác. Dáng vẻ lóc chóc, loạt nảy mình tưng tưng y trò banh đũa của tôi xưa kia mới là dấu ấn sâu sắc của bà về một mùa hè góc quê. “Hồi xưa, cháu thích nũng nịu, đáng yêu lắm. Ước gì con mãi bé bỏng như thế.” Tôi biết chứ, tính đãng trí, nhớ và quên đặt sai chỗ đang dần bào mòn đi chính tôi của quá khứ.


Vậy đó, có lẽ lòng yêu thích, chú ý dành cho một điều nào đó sẽ khắc sâu vô số “định kiến” cho nhận thức, trí nhớ của tôi và các cá nhân, dẫn đến cách thức mã hoá thông tin khác nhau. Về lý mà nói, một khi trọng tâm của sự việc lệch vị trí, như tôi quan tâm xe kem hơn và bà chỉ điểm mặt niềm vui cho cô cháu nhỏ thì ắt hẳn cho dù chứng kiến, người ta vẫn thường có xu hướng bỏ sót. Tôi biết, nó sẽ không thể vẹn nguyên.

— — —


Rồi lần khác, ghé mảnh vườn xum xuê vào một ngày xa tít, sân nhà vắng tanh, trái trĩu cành chẳng ai buồn hái. Suối tóc đen nhánh giờ đây sao xơ xác, đồng thời báo hiệu cho tôi biết mình vừa qua đầu ba. Nhìn mọi thứ lũ lượt rời đi mà bỗng thấy chạnh lòng vô cùng. Cây cổ thụ dày rễ nghe nói bị đốn đi để xây khu dân cư. Hàng xóm mới phất, san sát những chiếc ô tô dọc lối vào hẻm. Và, trơ trọi mình chị ở đó, ráng giữ nụ cười nồng thấm thuở nào.


Con bé này, em còn nhớ chị chứ?


Từ khi bà mất, những mảnh vỡ còn sót lại của một thời đã qua loáng cái được dọn sạch, mấy chú công nhân khăng khăng nên đưa nó đến bãi rác tái chế, “Còn dùng được đâu, phải nhường chỗ cho những điều tân tiến hơn chứ.” Chí lí, chí lí chứ, nhưng song đó, tôi cảm giác rõ con dao cứa vào hồn ta, chia năm xẻ bảy, tôi thấy trống rỗng đi một phần.


May thay, nghề “bảo tồn kí ức” đã được nội kịp truyền lại. Thiếu trí nhớ mẫn tiệp nhưng câu chuyện chị kể luôn khơi dậy cảm xúc chân thực nơi tôi và mấy đứa nhỏ, như thể được hoà vào bối cảnh, trọn vẹn lần đầu tiên. Chị được gọi là một người vận chuyển, một nhân chứng sống và một họa sĩ. Bởi nàng ta bao quát được mọi sự kiện, thổi hồn cho tổng thể chứ không chỉ chăm chăm mỗi chi tiết. Giống như bồn chồn một kỉ niệm, con người ta chỉ thường quan tâm đến phản ứng lúc ấy thế nào, ai thèm để ý cảnh vật hay mặt mũi ra sao đâu.


Người có “kí ức tự truyện” phong phú nọ hằng được nhiều người trong xóm nhắc tới lắm. Chị cứ tưởng việc mình làm bình thường nhưng chị không biết mình được trân quý lắm, nhờ chở những dấu yêu nay đã mất trở lại. Cả những thói quen tưởng chừng đã lạc, vẫn ngấm sâu trong máu, từ cách chị cặm cụi bóc vỏ hạt điều tiếp đãi khách, cách chị nhấm nháp nắng sớm với tách trà và cách ghi chép lại hết tất cả tinh tế của cuộc sống này. Có lẽ, chị luôn giữ một phần bóng dáng người đã khuất như thế.


Sau này, tôi tung cánh bay xa hơn nữa, bay tận châu lục xa xôi, ở đó nhiều cơ hội chào đón với những lời săn đón, chẳng hạn “Tương lai bạn sẽ nở hoa nếu abc xyz.” Ừ thì, mọi người tiếp tục sống là vì tương lai mà, ai lại muốn đi thụt lùi chứ phải không. Chỉ là, đôi khi, một số trải nghiệm thơ ấu, một số lời chào, một số tạm biệt, tôi không nghĩ chúng là một quả tạ nặng lòng. Mà đối với tôi, đó là bệ phóng cho những cú nhảy vọt mai sau.


Hy vọng, mọi người đều có thể quên bớt nỗi lo “cơm áo gạo tiền” và nhớ thứ thực sự ý nghĩa, tình cảm dành tặng người thân yêu; những hồi tưởng về tấm bé sẽ mãi nuôi dưỡng cho cái cốt tâm hồn ta thời điểm hiện tại và lâu sau nữa. Hy vọng, một ngày nào đó, khi người chị trong lời kể xa lắc hỏi “Em có nhớ chị không?”, tôi sẽ khảng khái đáp: “Nhớ chứ, chị là người đặc biệt với em mà.”


—————

Tác giả: Cát Phương

BẢN THẢO
Bài viết liên quan