Nỗi sợ bị tổn thương là nguyên nhân giết chết tình yêu

"Khi chúng ta càng cô lập bản thân, càng từ chối tiếp nhận hay thực hiện các hoạt động mang lại niềm vui, cảm giác hạnh phúc, ta lại càng vô tình khiến cho bản thân và người chúng ta yêu tổn thương nhiều hơn. Chúng ta tạo ra tấm khiên chắn giữa bản thân và đối phương, ngăn cản những xúc cảm tình yêu từ họ chạm tới mình."


Mọi thứ trong tình yêu đều khiến ta dễ bị tổn thương. Nó có thể khiến ta mạnh mẽ nhưng cũng có thể biến ta thành kẻ hèn nhát. Nó khiến ta lạc quan hơn về cuộc sống nhưng cũng khiến ta dễ cảm thấy đau đớn hơn bao giờ hết. Khi cảm nhận được một điều không mấy vui vẻ sắp xảy đến, cảm giác tình yêu đang dần phai nhạt, hay mối quan hệ có những vấn đề cần được giải quyết, để tránh cho bản thân không bị tổn thương, không phải đối chọi với những mất mát, đau đớn sâu sắc, chúng ta thường lựa chọn khoác lên hành động của mình "những lớp áo choàng" và vô thức cho rằng làm thế chúng ta sẽ không cảm thấy đau đớn. Vậy những lớp áo choàng đó là gì?


Cô lập


Mọi người thường chống lại cảm giác bị tổn thương bằng cách cô lập bản thân. Chúng ta thu mình và hạn chế giao tiếp, trở nên tách biệt và khó gần. Ta tập trung vào nội tâm, hướng về bản thân mình thay vì hướng về thế giới bên ngoài hay người ta yêu thương.


Có những lúc chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương không phải vì mối quan hệ đó đang gặp vấn đề, mà là bởi vì mối quan hệ đó mang lại cho ta quá nhiều hạnh phúc. Điều này nghe có chút kì cục phải không? Vì nó khiến ta quá vui vẻ, nên càng khiến ta sợ hãi và vì sợ hãi một ngày nào đó sẽ mất đi thứ cảm giác hạnh phúc đang có, chúng ta lựa chọn cô lập để bảo vệ bản thân, để khi thứ cảm giác sung sướng kia không còn nữa, ta sẽ bớt khổ sở và đau đớn hơn. Có một tên gọi khoa học cho sự sợ hãi phi lý này đó là Cherophobia (chứng sợ hãi hạnh phúc). Có thể hiểu một cách đơn giản đó là những người mắc chứng Cherophobia sợ phải trải qua hay tham gia vào bất cứ điều gì mang lại cho họ sự vui vẻ và cảm giác hạnh phúc. Một số người mắc chứng Cherophobia không phải lúc nào cũng buồn. Họ đơn giản chỉ né tránh các sự kiện, hoạt động mang lại niềm vui.



Nhưng khi chúng ta càng cô lập bản thân, càng từ chối tiếp nhận hay thực hiện các hoạt động mang lại niềm vui, cảm giác hạnh phúc, ta lại càng vô tình khiến cho bản thân và người chúng ta yêu tổn thương nhiều hơn. Chúng ta tạo ra tấm khiên chắn giữa bản thân và đối phương, ngăn cản những xúc cảm tình yêu từ họ chạm tới mình.


Kiểm soát hành vi


Cuốn sách Daring to Love của hai tác giác Robert và Tamsen Firestone cho rằng một số người bảo vệ bản thân bằng cách cố gắng kiểm soát đối tác và mối quan hệ để duy trì một khoảng cách an toàn. Kiểu kiểm soát này có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp. Cả hai hình thức này đều có thể khơi dậy nỗi sợ hãi hoặc cảm giác tội lỗi trong một đối tác.


Có người trực tiếp thực hiện các hành vi độc đoán và hạ thấp, biểu lộ sự đồng tình hoặc không đồng tình với người họ yêu. Một số người cố gắng đe dọa đối tác của mình bằng cách nói những lời hăm dọa như sẽ bỏ rơi hoặc hắt hủi người mình yêu. Có những người thì sẽ áp đặt những hình phạt về thể chất và cảm xúc lên đối tác.


Có người thì lại kích động cảm giác tội lỗi một cách gián tiếp với người đối tác yếu thế hơn. Hành động áp đặt lên người yếu thế hơn này mang lại hiệu quả rất cao. Ví dụ như khi một cô gái cho rằng mình đóng vai trò là nạn nhân trong một mối quan hệ, cô gái đó sẽ có những hành động hủy hoại bản thân như khóc lóc, bỏ ăn, rời bỏ các thú vui hàng ngày, không chăm sóc bản thân hoặc có hành vi tự tử nhằm đổ hết mọi sự bất hạnh của mình lên người yêu.


Theo như hai tác giả, trong đầu chúng ta tồn tại một tiếng nói gọi là Critical Inner Voice (tạm dịch: tiếng nói chỉ trích xuất phát từ nội tâm) và tiếng nói này khuyến khích chúng ta thực hiện kiểm soát hành vi. Nó khiến ta có những suy nghĩ tiêu cực và đầy chỉ trích về bản thân, về đối tác và các mối quan hệ. Nó khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang bị yếu thế, đang phơi bày bản thân quá mức, đang bị khinh thường và biến thành kẻ ngốc nghếch, vì vậy mà ta cần phải kiểm soát hành vi của đối tác.


Cho dù cố gắng kiểm soát hành vi của của đối tác theo cách nào thì cũng đều gây ra những tổn hại lâu dài cho cả hai bên. Việc khủng bố cảm xúc của người khác có thể mang lại hiệu quả nhưng cái giá mà người gây ra những khủng bố cảm xúc đó phải trả lại rất đắt.


Ngoài ra còn có một hiện tượng tâm lý gọi là Lời tiên tri tự hoàn thành (tiếng anh: Self-fulfilling prophecy). Khi một người phải trải qua hiện tượng tâm lý này, họ tự đưa ra một sự suy đoán và có niềm tin mãnh liệt vào nó. Niềm tin và kỳ vọng của họ gây ảnh hưởng đến hành vi, rút cuộc biến điều mà họ tự suy đoán thành hiện thực. Như ví dụ về cô gái phía trên, cô tự cho rằng rồi mình sẽ bị tổn thương, sẽ gặp phải đau khổ và tin rằng điều đó rồi sẽ đến, sau đó bắt đầu kiểm soát hành vi của đối tác bằng cách đổ hết mọi tội lỗi lên đối tác. Đến cuối cùng, khi người đối tác không thể chịu đựng được nữa, niềm tin mình sẽ bị bỏ rơi và gặp khải đau khổ của cô đã trở thành sự thật.



Từ chối


Đã bao giờ bạn từ chối thực hiện một hành động mà đối tác của mình yêu thích? Ví dụ như người bạn yêu rất thích hoa và bạn tặng hoa cho cô ấy mỗi ngày, nhưng đột nhiên một ngày bạn quyết định không tặng hoa cho cô ấy nữa dù biết cô ấy sẽ buồn? Có vẻ như đó là lúc bạn đang muốn né tránh và chạy trốn tình yêu. Bạn chạy trốn bằng cách từ chối thực hiện hành vi mà đối tác của bạn yêu thích. Cảm giác sợ bị tổn thương khiến ta không muốn bộc lộ và thể hiện tình yêu ít đi. Nếu một cặp đôi thích đùa giỡn với nhau, một đối tác chỉ cần dừng việc tỏ ra vui vẻ, cởi mở và đột nhiên hai người họ sẽ không còn có nhiều niềm vui như trước kia nữa. Nếu một cặp đôi thường thể hiện rất nhiều tình cảm, một đối tác chỉ cần trở nên dè dặt và lạnh lùng hơn một chút, tình cảm giữa họ sẽ nhanh chóng trở nên lạnh nhạt. Nếu một cặp đôi thích cùng nhau thực hiện các hoạt động, một đối tác chỉ cần ít tham gia vào các hoạt động đó hay trở nên bận rộn, chẳng mấy chốc họ sẽ nhận ra họ đang dành ít thời gian bên nhau hơn. Sự từ chối âm thầm gây ảnh hưởng lên các cặp đôi, nó dần dần làm chết đi cảm giác phấn khích, đam mê và sự hấp dẫn ban đầu hai đối tác dành cho nhau.


Không hề khó để nhận ra một loạt các hành vi từ chối mà nam giới và nữ giới thực hiện. Trong thực tế, những hành vi như vậy phổ biến đến nỗi mọi người coi nó là một việc bình thường. Đối với một số người, việc từ chối có thể là thường xuyên trễ hẹn, chần chừ trong việc thực hiện một lời hứa, không quan tâm đến tài chính gia đình hoặc không chia sẻ trách nhiệm nuôi con. Sự từ chối cũng có thể đơn giản chỉ là không cười hoặc không hòa hợp với nhau.


Tất cả những gì chúng ta làm suy cho cùng cũng là để bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương sâu sắc, hoặc ít nhất là ngăn cho những điều muộn phiền đến chậm hơn một chút. Chúng ta thường coi việc chấp nhận bị tổn thương, đối diện với những rủi ro, nguy cơ trong tình yêu là một điều tiêu cực. Nhưng cảm xúc bị tổn thương thật ra là một trạng thái thích nghi cần có vì nó giúp làm tăng khả năng đi tìm kiếm và duy trì hạnh phúc của chúng ta. Trong cuốn sách Sự liều lĩnh vĩ đại (Tiếng anh: Daring Greatly), Brene Brow giúp độc giả biết đến một quan niệm mới: "Tổn thương không phải là điểm yếu và chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đối mặt với nó. Mức độ làm chủ và gắn kết với sự tổn thương của bản thân sẽ quyết định độ sâu của lòng dũng cảm và sự rõ ràng trong mục tiêu của chúng ta". Chạy trốn luôn dễ dàng hơn với việc chấp nhận và đối diện, nhưng chạy trốn sẽ không bao giờ khiến ta tốt đẹp hơn mà chỉ ngăn cản ta tìm được hạnh phúc. Chỉ khi phá vỡ được lớp phòng thủ của mình và chấp nhận việc bị tổn thương, chấp nhận những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra, chúng ta mới có thể khôi phục, duy trì, sửa chữa mối liên kết yêu thương, tìm lại sự vui vẻ và hạnh phúc.


Tác giả: Minh Nguyệt

BẢN THẢO
Bài viết liên quan