Nỗi sợ về sự thân mật

Bạn có gặp khó khăn với các mối quan hệ về thể xác và tình cảm không?


Bạn định nghĩa sự thân mật như thế nào? Tình dục sao? Một cách biểu hiện thông qua việc tiếp xúc cơ thể? Hay là một mối quan hệ tình cảm? Maisha Johnson, biên tập viên bản tin tại Healthline Media cho rằng thân mật là sự gần gũi giữa mọi người trong các mối quan hệ cá nhân. Nó hình thành qua thời gian và có thể bao gồm sự gần gũi thể chất hoặc tình cảm, hay thậm chí là sự kết hợp giữa cả hai.


Vậy bạn có thấy bản thân mình trong tình huống nào dưới đây không?

  • Bạn có nhiều bạn bè nhưng không thật sự mở lòng với họ.
  • Bạn ổn với việc tìm kiếm một mối quan hệ nhưng bạn không có hứng thú với việc tiến xa hơn.
  • Bạn dễ dàng tin tưởng người khác nhưng cũng dễ trở nên xa cách.


Những tình huống này có thể là dấu hiệu cho thấy bạn sợ gần gũi với người khác. Nó có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố: sợ bị bỏ rơi, lo âu, trải nghiệm quá khứ và cảm giác bức bối khi bị kiểm soát. Những điều này nghe có quen thuộc với bạn không? Bạn có gặp khó khăn với các mối quan hệ về thể xác và tình cảm không? Hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận về nỗi sợ thân mật và những cách có thể giúp bạn vượt qua.


Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nếu bạn nhìn thấy mình trong bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, vui lòng hiểu rằng phản hồi này không phải là một sự công kích nhằm vào bạn. Bài viết này mang tính định hướng phát triển bản thân cho những người đang cảm thấy bế tắc. Bạn có thể làm được!


1. Đừng hối thúc bản thân.


Kiên nhẫn với chính mình là một việc rất quan trọng. Bạn có thể muốn thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi của bản thân, điều này hoàn toàn có thể hiểu được, nhưng bạn nên biết rằng con người không rớt xuống đáy vực chỉ trong một đêm. Do đó, sự phục hồi cũng sẽ không đến chỉ trong một sớm một chiều (Stockton, 2018). Bạn có thể thử đặt ra những mục tiêu nhỏ tùy theo tiến độ cá nhân và không ép bản thân làm những điều mình không thích. Bạn có phải là kiểu người hay cảm thấy lo sợ mỗi khi hẹn hò không? Nếu có, bạn có thể thử tìm hiểu đối phương trước qua email, tin nhắn và gọi video cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái với việc gặp mặt trực tiếp. Chúng tôi cũng khuyến khích bạn nên có một nhóm hỗ trợ hoặc nhóm bạn vì họ có thể giúp đỡ bạn trong suốt khoảng thời gian diễn ra quá trình này.


Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash


2. Thừa nhận các vấn đề của bạn.


Bạn gặp khó khăn trong việc kết nối về mặt cảm xúc và thể chất với gia đình, bạn bè, người thương mà không thể xác định được nguyên nhân dẫn đến điều đó? Hiểu được các lý do đằng sau nỗi sợ của bạn là việc vô cùng có lợi vì nó có thể giúp bạn nhận ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến nỗi sợ đó. Một số nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi về sự thân mật bao gồm:

  • Sợ bị từ chối
  • Sợ bị bỏ rơi
  • Trải nghiệm quá khứ về sự chia ly
  • Trải nghiệm quá khứ về bạo hành thể chất hoặc bạo hành thông qua lời nói
  • Sợ bị kiểm soát
  • Rối loạn nhân cách tránh né
  • Rối loạn lo âu
  • Lạm dụng tình dục thời thơ ấu

 

Nếu bạn đang gặp khó khăn với bất cứ nguyên nhân nào kể trên, hãy liên hệ với một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt chuẩn hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để hỗ trợ bạn trong quá trình hồi phục. Bạn có thể cảm thấy khó mà chấp nhận những cảm xúc này, nhưng hãy nhớ rằng xung quanh bạn luôn có sự giúp đỡ. Đừng bỏ cuộc!


3. Biết giá trị của bản thân.


Tại sao sự từ chối lại gây tổn thương nhiều đến vậy? Là do thể diện sao? Hay là nó ảnh hưởng đến lòng tự trọng của bạn? 


Guy Winch (một nhà tâm lý học ) cho biết khi chúng ta bị từ chối, các vùng não của chúng ta sẽ được kích hoạt tương tự như khi chúng ta trải qua nỗi đau về thể xác. Đó là lý do tại sao ngay cả những hình thức từ chối nhỏ nhất bắt nguồn từ crush hay người thương cũng đều ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta. Ý thức được giá trị của bản thân với tư cách là một cá nhân vô cùng quan trọng. Khi bạn thực sự có thể nhìn nhận tất cả những gì mình đang có và tất cả những gì bạn phải cống hiến, sự tự tin của bạn sẽ tăng vọt (Schafer, 2017). Điều này có thể giúp bạn hiểu ra rằng việc kết thúc một mối quan hệ không nói lên giá trị con người bạn (Pietrangelo, 2019), mà đây là cơ hội để bạn phát triển.


Photo by Content Pixie on Unsplash


4. Tin tưởng vào những ai xứng đáng.


Bạn thật sự tin tưởng bao nhiêu người trong vòng bạn bè của mình? Nhiều người không dám tiết lộ thông tin quan trọng về bản thân khi tiếp xúc với những người khác bởi họ sợ sự gần gũi. Tiến sĩ Ellen Hendriksen (nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm chuyên về chứng Lo âu và Rối loạn Liên quan (CARD) của Đại học Boston) khẳng định rằng nỗi sợ về niềm tin phổ biến đến mức trở thành một hội chứng chính thức với tên gọi “nỗi sợ tin tưởng (pistanthrophobia)”. Gây dựng niềm tin với những người mà bạn cho là xứng đáng có thể là một bước tốt để bạn dần thoát khỏi sự sợ hãi. Để làm được điều này, bạn có thể thử nhờ ai đó giúp đỡ từng chút một và xem cách họ phản ứng với điều đó ra sao. Bạn cũng nên ngừng tìm kiếm lý do bao biện cho hành vi xấu của người khác và hiểu rằng bạn xứng đáng được ở bên những người đáng tin cậy (Hendriks, 2021). Bạn cũng có thể thử đọc bài viết “6 cách để thoát khỏi các vấn đề về niềm tin của bạn” để tìm hiểu thêm về chủ đề này.


5. Đặt ra những ranh giới của riêng mình. 


Mở lòng với mọi người không phải là chuyện đơn giản. Những gì người khác cho là thoải mái chưa chắc là dễ chịu đối với bạn, và điều này cũng như vậy với rất nhiều người. Bạn đã bao giờ làm một việc đó chỉ vì bạn không thể hoặc không biết cách từ chối chưa? Điều đó khiến bạn cảm thấy thế nào? Tìm ra ranh giới của bản thân cũng là một phần không thể thiếu để vượt qua nỗi sợ gần gũi. Khi đã xác định được bản thân thoải mái và không thoải mái với điều gì, bạn có thể tự tin hơn trong việc tiếp xúc với các tình huống xã hội. Bạn có ổn với một nụ hôn sau buổi hẹn hò đầu tiên không? Nếu câu trả lời là không thì bạn nên nói điều này với đối phương trước khi họ làm bất cứ điều gì khiến bạn không thoải mái. Nếu có, bạn có thể tiếp tục và cũng có thể hỏi xem liệu họ có ổn không. Việc thiết lập ranh giới không chỉ áp dụng cho các tình huống lãng mạn. Nếu bạn bè của bạn đòi hỏi bạn nói về các chủ đề riêng tư, bạn có thể trả lời một cách lịch sự về sự e dè của mình và khiến họ hiểu quan điểm ​​của bạn.


Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash


6. Đừng ngần ngại lên tiếng.


Bạn có cảm thấy tội lỗi khi từ chối lời thỉnh cầu của một người bạn không? Đây có phải là thách thức luôn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của bạn không? Tiến sĩ Emily Anhalt (nhà tâm lý học lâm sàng và là nhà đồng sáng lập của Coa - một câu lạc bộ sức khỏe tinh thần trực tuyến) cho biết: “Như cách mà các sinh vật khác muốn trở thành một phần của đám đông, chúng ta cũng muốn giữ gìn các mối quan hệ của mình. Do đó, có thể chúng ta đành đồng ý chỉ vì không muốn bị coi là người khó tính” (Tartakovsky, 2021). Bạn có thể từ chối lịch sự bằng cách diễn đạt rõ ràng về hành động từ chối của mình, bày tỏ lòng biết ơn, giải thích ngắn gọn (tùy vào bạn) và đưa ra một giải pháp thay thế. Ví dụ:


“Tôi rất xin lỗi nhưng tôi sẽ phải từ chối thôi. Tôi dự định sẽ nghỉ ngơi hôm nay, dù sao cũng cảm ơn bạn đã nghĩ tới tôi!

Nếu bạn muốn, tôi có thể giúp bạn liên hệ với ai đó biết cách giải quyết vấn đề của bạn.”


Ngoài việc nói không, việc đặt câu hỏi cũng cực kỳ quan trọng. Biết ranh giới của người khác cũng quan trọng như biết ranh giới của chính bạn. Bạn có thể thử hỏi đối phương về thói quen thể chất và cảm xúc của họ. Họ cảm thấy thoải mái khi nói về những chủ đề nào? Họ thích những hoạt động ra sao? Họ không thích cái gì? Làm thế nào để họ thể hiện bản thân một cách tốt nhất? Điểm mấu chốt là việc cởi mở khi nói về nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi của bạn có thể dẫn đến mối quan hệ lành mạnh hơn với người khác và với chính bạn. Đừng sợ và cố gắng tập luyện điều này.


7. Đừng ngại thử lại lần nữa.


Thất bại và bị từ chối là những điều bình thường của cuộc sống. Nếu bạn là một người sợ nuôi dưỡng các mối quan hệ sâu sắc về tình cảm và thể chất, việc chấp nhận những tình huống này có thể giúp ích cho bạn. Chấp nhận thất bại là một lựa chọn có ý thức để vượt qua nỗi đau (Ye, 2020). Với sự nhận thức và việc kiên trì nhẫn nại, bạn có thể thực hiện những bước nhỏ để hướng tới các mục tiêu nằm ngoài vùng an toàn của bạn. Ví dụ, bạn có thể dần bộc lộ thông tin về bản thân với những người mình yêu quý, nắm tay và khoác vai với người thương, hoặc thậm chí tập tin tưởng một thành viên trong gia đình khi trải lòng về một bí mật nào đó. Quá trình phục hồi là sự kết hợp giữa bản thân bạn, nhóm hỗ trợ và những hạn chế hiện tại của chính bạn. Những hạn chế này sẽ dần biến mất theo thời gian nhờ có sự kiên nhẫn. Không có giới hạn thời gian hay thời hạn nào cả, bởi đây là cuộc sống của bạn, bạn xứng đáng được trưởng thành và vượt qua nỗi sợ hãi về sự thân mật. Vì vậy, trong lần tiếp theo, nếu có ai đó hỏi:


“Bạn không tin tôi sao?” 


Đừng sợ hãi, hãy hít một hơi thật sâu và trả lời:


“Vẫn chưa, nhưng tôi sẽ dần có niềm tin nơi bạn.”


Photo by Dim Hou on Unsplash


Bạn nghĩ gì sau khi đọc bài viết này? Bạn có nghĩ rằng mình sợ sự thân mật không? Điều gì đã khiến bạn nhận ra nó? Hãy chia sẻ trải nghiệm của bạn với chúng tôi. Chúng tôi sẽ rất cảm kích khi được lắng nghe câu chuyện của bạn. Nếu bạn muốn đọc thêm về chủ đề này, bạn có thể xem bài viết “7 lý do tại sao chúng ta tránh gần gũi”, “7 ​​dấu hiệu bạn sợ gần gũi” và xem video của chúng tôi về “7 dấu hiệu cho thấy bạn sợ sự thân mật”.


---


Dịch bởi: Stew

Biên tập: Khuynh Thần

Ảnh bìa: Photo by brooklyn on Unsplash

Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash

Nguồn bài gốc: The Fear of Intimacy and How To Overcome It. Psych2go.net. (2021). Retrieved from https://psych2go.net/the-fear-of-intimacy-and-how-to-overcome-it/.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan