Nói về chuyện “dũng khí”

Một cuộc sống thành công không chỉ cần năng lực, mà còn cần cả dũng khí. Một cuộc sống thành công là như thế nào? Đó là cuộc sống mà ta biết bản thân muốn gì, có dũng khí để làm những điều đấy và dám chịu trách nhiệm với mọi điều xảy ra sau này. Tại sao lại thật khó để sống một cuộc đời thành công như vậy?...

Một cuộc sống thành công không chỉ cần năng lực, mà còn cần cả dũng khí. 


Một cuộc sống thành công là như thế nào?


Đó là cuộc sống mà ta biết bản thân muốn gì, có dũng khí để làm những điều đấy và dám chịu trách nhiệm với mọi điều xảy ra sau này. 


… 


Dạo gần đây, tôi cảm thấy hoang mang tột cùng khi nghĩ về một chuỗi biến cố sắp ập đến đời mình. Từ sâu thẳm, tôi biết mình hoàn toàn có khả năng né được những điều tệ hại đó, nếu tôi chịu vứt bỏ giá trị và con đường riêng biệt mình đang đi. Tôi chỉ cần lại đâm đầu vào cày cuốc thâu đêm, chịu đựng những áp lực bóp lấy trái tim tôi đến nghẹt thở, và bỏ mặc chuyện sống cho hiện tại để tập trung trí óc cho tương lai. Chỉ cần vậy thôi… Đúng thế, chỉ cần vậy thôi là những thử thách kia sẽ chẳng là gì đối với tôi cả, như cách mà tôi đã từng sống trong suốt mười mấy năm trước đây… 


Tôi hèn nhát như vậy đấy… 


Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã không được dạy cách sống cho hiện tại và cho bản thân mình. Mà đúng hơn là chúng ta đã chẳng bao giờ có quyền sống như vậy. Khi ta muốn học vẽ, muốn học viết, hay muốn làm bất cứ điều gì ta mong muốn, bố mẹ liền bảo ta rằng, bây giờ là lúc để học hành. Sau này thành đạt rồi, ta sẽ được làm những điều mình muốn mà thôi. Nhưng sự thật là học hành vất vả bao năm, lời đảm bảo đó cũng đâu có thành sự thật. Học xong đại học, ta lại đâm đầu vào tìm một công việc cho ta lương cao hoặc được mọi người kính trọng. Và thế là ta vẫn chẳng biết bản thân thực sự muốn gì. Tất cả chỉ dựa vào các quy chuẩn mà cả xã hội công nhận. Lâu dần, có lẽ đến khi cuộc đời này kết thúc, đứa trẻ được bố mẹ chỉ bảo, cô sinh viên tốt nghiệp đại học được xã hội chỉ dạy, hay một kẻ già yếu gần đất xa trời, vẫn luôn sống mà luồn cúi trước ánh mắt người đời. Có lẽ, họ đều đã bất lực mà quên đi cái hy vọng được sống vì bản thân, vì hiện tại kia rồi. 


Vậy đó, hầu hết chúng ta vẫn luôn sống một cuộc đời cho kẻ khác, chứ không phải bản thân mình. Đó là lý do ngay cả những người với mong muốn tột cùng được sống cho bản thân, cũng nhiều lúc bị lung lay giữa các mối nghi ngờ của người đời và nghi ngờ của chính bản thân mình. Người ta thường lấy số lượng để chứng minh cho sự đúng đắn. Nếu bạn đang đi trên một con đường mà chẳng mấy ai đi, thì tự nhiên họ sẽ coi là không phù hợp hoặc sai trái mà thôi. Tất nhiên, đánh giá này sẽ đúng và sai trong những trường hợp khác nhau.  


Nếu con đường bạn đi khác với mọi người, nhưng nó bắt nguồn từ niềm tin vào một giá trị và sự hiểu thấu đáo về bản thân mình, thì chẳng việc gì phải quan tâm đến mấy lời bình phẩm kia. Nhưng nếu con đường đó bắt nguồn từ những tiêu cực như tổn thương, sự chống đối, nỗi tuyệt vọng, thì không chừng bạn nên cẩn thận suy xét lại những điều “khác biệt” mình đang làm đi nhé. Ranh giới giữa “khác biệt” và “dị biệt” quả thực rất mong manh. 


Gần đây tôi đang đọc một cuốn tiểu thuyết của Natsukawa Sosuke. Cuốn sách có tên là “Bệnh án của thần linh”, được viết bởi một bác sĩ. Nó xoay quanh cuộc sống của chàng bác sĩ Kurihara Ichito, vốn luôn được coi là kẻ lập dị với lối ăn nói đậm chất thơ văn cổ, sống ở một trang viên trông cũng cổ và kỳ dị không kém. Song, bản tính khác người đó còn được khắc hoạ rõ nét hơn khi anh quyết định vứt bỏ cơ hội thăng tiến lên làm việc tại bệnh viện trường đại học. Đó là nơi có thể cho anh mức đãi ngộ tốt hơn nhiều so với bệnh viện địa phương Houjou - cái bệnh viện đã bắt một bác sĩ nội khoa như anh đi làm bác sĩ cấp cứu và chữa đủ loại bệnh trên đời. Dẫu vậy, anh vẫn lựa chọn ở lại bệnh viện Houjou, bởi Ichito hiểu rõ bản thân muốn gì và trân trọng điều gì ở đó. Hơn hết, anh có dũng khí để làm những điều mình muốn mặc cho xã hội vẫn luôn ngờ vực và buông lời đàm tiếu về anh. 


Hiếm có ai được như bác sĩ Kurihara Ichito lắm. Tôi tin là vậy! Trên thực tế, những câu nói tọc mạch của mấy kẻ lạ mặt về cuộc sống của ta đều sẽ là vô nghĩa nếu ta đã có dũng khí để sống cuộc đời ta mong muốn. Suy cho cùng, họ cũng đâu thể sống thay ta được! Ta muốn sống thế nào là việc của ta, miễn là ta có trách nhiệm với mọi điều xảy ra sau đó. 


Một cuộc đời thành công, như tôi đã nói, cần cả năng lực lẫn dũng khí. Ta cần có đủ năng lực để nhận ra giá trị mình muốn theo đuổi và để hiểu thấu đáo về bản thân. Ta cũng cần có dũng khí để dám sống một cuộc sống bỏ mặc ánh mắt bình phẩm của người đời. Dũng khí là thứ khó đạt được nhất. Bởi kể cả khi đã đạt được rồi, nó vốn vẫn rất dễ lung lay, vì vậy cần một ý chí đặc biệt mạnh mẽ và một trái tim bao dung để vực nó dậy mỗi khi giông bão tương lai bủa vây cuộc đời. 


Ngay lúc này đây, tôi cầu mong mình sẽ có đủ dũng khí để tiếp tục sống cuộc đời bản thân mong muốn. Mong rằng tôi sẽ không lại nhảy vào vũng bùn mà xưa kia mình từng vẫy vùng đau khổ. Mong rằng những ai đọc được bài viết này cũng có thể bắt đầu, hoặc tiếp tục, chặng đường sống cho bản thân, sống vì hiện tại mà họ mong muốn. 


Tác giả: Diệu Nguyễn

Nguồn ảnh: Pinterest


BẢN THẢO
Bài viết liên quan