Phức Cảm Oedipal: Khi Con Trai Phát Triển Ham Muốn Tình Dục Trong Vô Thức Đối Với Mẹ

Phức cảm Oedipal là một thuật ngữ được Sigmund Freud sử dụng trong học thuyết của ông về các giai đoạn phát triển tâm tính dục, và là thuật ngữ chung cho cả phức cảm Oedipus và phức cảm Electra. …

Phức cảm Oedipal là một thuật ngữ được Sigmund Freud sử dụng trong học thuyết của ông về các giai đoạn phát triển tâm tính dục, và là thuật ngữ chung cho cả phức cảm Oedipus và phức cảm Electra.

Phức cảm Oedipal xảy ra trong giai đoạn dương vật của quá trình phát triển (độ tuổi 3-6), trong đó nguồn dục năng (sinh lực) tập trung ở các vùng khoái cảm của cơ thể trẻ em (Freud, 1905).

Trong giai đoạn này, trẻ em trải qua cảm giác ham muốn vô thức đối với cha mẹ khác giới và cảm giác ghen tị, đố kị với cha mẹ cùng giới.

Phức cảm Oedipus

Phức cảm Oedipus (hay phức cảm Oepidal) là một học thuyết của Sigmund Freud, xảy ra trong giai đoạn dương vật của quá trình phát triển tâm tính dục.

Nó là giai đoạn mà bé trai trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi, trở nên gắn bó với mẹ và thù địch với cha mình (người mà chúng coi là đối thủ) một cách vô thức.

Ở những bé trai nhỏ, phức cảm Oedipus hay chính xác hơn là mong muốn tranh giành, nảy sinh do chúng phát triển ham muốn tình dục trong vô thức (khoái cảm) đối với mẹ.

Sự đố kị và ganh ghét được nhắm vào người cha, đối tượng đón nhận tình cảm và sự chú ý của người mẹ. Những tình cảm này đối với người mẹ và sự ganh đua đối với người cha dẫn đến những mong muốn về việc thay thế cha để sở hữu mẹ mình.

Những cảm giác thù địch đối với người cha dẫn đến nỗi lo bị thiến, một nỗi sợ phi lý của đứa trẻ rằng người cha sẽ thiến (loại bỏ dương vật) của mình như một sự trừng phạt.

Để đối phó với nỗi lo này, người con trai sẽ đồng nhất và hòa hợp với người cha. Điều này có nghĩa là trẻ chấp nhận/tiếp thu những thái độ, thuộc tính và giá trị mà cha mình đang nắm giữ (ví dụ: tính cách, vai trò giới tính, hành vi nam tính của người cha, …).

Người cha sẽ trở thành một hình mẫu chứ không còn là đối thủ của trẻ. Thông qua quá trình đồng nhất hóa mang tính cạnh tranh này, những bé trai bắt đầu hình thành cái siêu tôi và giới tính nam. Chúng sẽ thay thế mong muốn ở bên người mẹ bằng mong muốn được ở bên người phụ nữ khác.

Freud (1909) đã đưa ra nghiên cứu của ông về Little Hans làm bằng chứng về phức cảm Oedipus

Phức cảm Electra

Phức cảm Electra là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những cảm xúc tương tự với phức cảm Oedipus ở bé gái. Nó xuất hiện ở bé gái trong độ tuổi từ 3 đến 6, trở nên vô thức gắn bó với cha và thù địch với mẹ.

Đối với các bé gái, phức cảm Electra bắt đầu với niềm tin rằng mình bị thiếu dương vật. Đứa trẻ sẽ đổ lỗi cho mẹ, phát triển sự oán giận đối với mẹ cũng như xuất hiện cảm giác thèm muốn dương vật. Để bé gái phát triển cái siêu tôi và giới tính nữ của mình, chúng cần phải đồng nhất với người mẹ.

Nhưng quá trình đồng nhất với mẹ của bé gái thường không quá rõ ràng so với quá trình đồng nhất với bố của bé trai.

Kết quả là quá trình đồng nhất với mẹ của bé gái ít hoàn thiện hơn quá trình đồng nhất với cha của bé trai. Vì thế, điều này làm cho cái siêu tôi của bé gái yếu hơn và không có sự liên kết chặt chẽ với bản sắc cá nhân của trẻ, khả năng độc lập kém phát triển hơn.

Đánh giá về phức cảm Oedipal

Freud tin rằng phức cảm Oedipus là hiện tượng trung tâm của thời kỳ sinh dục thời thơ ấu. Nhưng có rất ít bằng chứng ủng hộ cho tuyên bố của ông về sự khác biệt nhân cách của mỗi giới tính (ông cho rằng cái siêu tôi của bé gái yếu hơn so với bé trai). Ví dụ: có thể nói là khả năng chống lại cám dỗ của bé gái mạnh hơn bé trai (Hoffman, 1975).

Theo Horney (1924) và Thompson (1943), thay vì các bé gái muốn có dương vật, điều khiến chúng thực sự ghen tị là nam giới có địa vị xã hội vượt trội hơn. Freud cho rằng phức cảm Oedipus là một hiện tượng phổ biến, nhưng nghiên cứu của Malinowski (1929) về người dân đảo Trobriand cho thấy rằng ở những nơi người cha là bạn đời của mẹ chứ không phải là người dạy bảo con trai (gọi là chế độ quyền ông cậu – avuncular society), mối quan hệ giữa người cha và con rất tốt.

Dường như Freud đã nhấn mạnh quá mức về vai trò của sự ghen tuông tình dục. Nhưng đây vẫn chỉ là một nghiên cứu đơn lẻ, cần có nhiều nghiên cứu về nhiều kiểu xã hội hơn, như xã hội phương Tây và chế độ quyền ông cậu.

Ngoài ra, các nhà lý thuyết tâm động học khác, như Erikson (1950) tin rằng Freud đã phóng đại ảnh hưởng của bản năng, đặc biệt là bản năng tình dục, trong quá trình phát triển nhân cách của một người. Erikson đã cố gắng khắc phục điều này bằng cách mô tả các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội, phản ánh ảnh hưởng của các yếu tố xã hội, văn hóa và lịch sử, nhưng không phủ nhận vai trò của sinh học.

Một chỉ trích lớn khác về lý thuyết Oedipal của Freud là nó chỉ hoàn toàn dựa trên một trường hợp duy nhất: Little Hans (1909). Trên thực tế, lý thuyết Oedipal của Freud đã được đề xuất vào năm 1905 và Little Hans được trình bày đơn giản như là một “Oedipus nhỏ”.

Đây là bệnh nhân trẻ em duy nhất mà Freud nghiên cứu, và bất kỳ lý thuyết về sự phát triển nào cũng cần phải liên quan đến nghiên cứu về trẻ em, Little Hans là một nghiên cứu điển hình quan trọng. Nhưng kết quả của nghiên cứu khá chủ quan, vì cha của Hans (một người ủng hộ các lý thuyết Freud,) là người thực hiện hầu hết các phương pháp phân tâm học, và Freud chỉ đơn giản là quan sát Hans và xác nhận lý thuyết Oedipal của mình.

Ngoài những chỉ trích về độ tin cậy và tính khách quan của phương pháp nghiên cứu trường hợp nói chung, các nhà lý thuyết tâm động học khác đã đưa ra những cách giải thích khác về chứng sợ ngựa của Hans. Chúng bao gồm sự diễn giải lại liên quan đến các học thuyết kèm theo của Bowbly (1973).

Tuy nhiên, Bee (2000) tin rằng nghiên cứu kèm theo cung cấp sự hỗ trợ đáng kể cho giả thuyết phân tâm học cơ bản rằng chất lượng của các mối quan hệ đầu đời của trẻ em ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình phát triển sau này của chúng. Cả Bowlby (1973) và Erikson (1963) đều xem các mối quan hệ đầu đời là nguyên mẫu của các mối quan hệ sau này. Niềm tin vào sự tác động của trải nghiệm đầu đời là một đóng góp quan trọng và lâu dài nhất của học thuyết phát triển của Freud.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn:  https://www.simplypsychology.org/oedipal-complex.html

Nguồn ảnh: Pinterest

Dịch: Phuong Hoang

Biên tập: Hương

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan