[Quan điểm] Bình Đằng Giới - Câu Chuyện Muôn Thuở

Trong tư tưởng của mẹ và chị gái tôi, gia đình là trên hết. Đôi lúc, họ quên mất bản thân, họ muốn gì, cần gì, có ước mơ gì. Cuộc sống của họ thu nhỏ lại trong gia đình.

Tôi thường nghe nhiều về vấn đề bình đẳng giới. Nó hiện hữu trong đời sống hằng ngày, trong công việc, trong hôn nhân, trong mỗi nếp nhà. Có lẽ, bất bình đẳng giới, đặc biệt với phụ nữ, đã có từ xa xưa. Thời nguyên thủy, với chế độ mẫu hệ, phụ nữ đảm đương hầu hết các việc như dệt vải, trồng trọt, chăm sóc con. Phụ nữ có vai trò kinh tế lớn nên nắm quyền chỉ đạo. Nhưng từ khi kim loại xuất hiện, người phụ nữ dần đánh mất vị thế của mình. Mọi việc chỉ thu gọn lại trong nhà, từ cơm nước, giặt giũ đến lo cho con cái. Đặc biệt, thời phong kiến, khi chế độ quân chủ chuyên chế lên cầm quyền, phụ nữ bị coi thường, khinh rẽ. Thời phong kiến, người phụ nữ phải có đủ công dung ngôn hạnh, tam tòng tứ đức. Người phụ nữ đã đi lấy chồng rồi thì như bát nước đổ đi, bên cha mẹ đẻ không quan tâm nữa. Người phụ nữ thời đó lệ thuộc vào đàn ông và số phận của họ do đàn ông định đoạt. Phụ nữ không được học hành và tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài. Thế là, cái tư tưởng yên phận của họ đã bắt đầu từ đấy. Như một con voi bị xích lâu ngày, nó không còn nghĩ tới việc phá xích nữa. Rồi thế hệ sang thế hệ khác, người phụ nữ vẫn mang tư tưởng bảo thủ ấy. Chế độ phong kiến đúng là nặng nề, cướp đi những quyền mà phụ nữ đáng lẽ được hưởng.


Rồi trong thời hiện đại, phụ nữ đã được giải phóng phần nào cả về thể xác lẫn tinh thần. Phụ nữ được học hành, được tham gia các hoạt động xã hội, thậm chí còn tham gia vào bộ máy nhà nước. Phụ nữ làm chủ cuộc đời mình, làm những việc mình thích, biết chăm sóc bản thân và ngày càng hiện đại hơn. Phụ nữ làm những việc mà mọi người nghĩ không phù hợp vơi phụ nữ như phi công, cảnh sát. Phụ nữ ngày càng chứng tỏ bản thân mình nhiều hơn. Một nửa thế giới đang đấu tranh vì quyền lợi của mình. Nhưng đâu đó, vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ hay “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, đặc biệt ở nông thôn.


Người ta vẫn quan niệm sinh con trai để thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Người ta vẫn cho rằng con gái học chi cho lắm, cũng để lấy chồng, chăm con thôi. Đâu đó vẫn thấp thoáng hình ảnh các bà mẹ tảo tần, đầu bù tóc rối vì công việc nhà. Họ không biết lo cho bản thân, họ cũng chả biết ước mơ của mình là gì. Họ chỉ sống vì chồng, vì con. Họ không biết phấn son hay thời trang, hay tận hưởng cuộc sống này. Ở nông thôn, vẫn còn tồn tại tập quán đàn ông thì được ăn trên ngồi trước, nhất là cúng giỗ, còn phụ nữ thì lui cui dưới bếp. Họ hy sinh nhiều thứ để gia đình được yên ấm. Tàn dư phong kiến vẫn còn tồn tại ở nông thôn, đã đè nén người phụ nữ, khiến họ chịu biết bao sự bất công, thiệt thòi. Người ta nói: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô là thế. Mẹ và chị gái tôi cũng là những người phụ nữ cam chịu như vậy. Mẹ và chị gái tôi dành hầu hết thời gian cho công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Trong tư tưởng của mẹ và chị gái tôi, gia đình là trên hết. Đôi lúc, họ quên mất bản thân, họ muốn gì, cần gì, có ước mơ gì. Cuộc sống của họ thu nhỏ lại trong gia đình.


Tạo hóa đã tạo ra một nữa thế giới là phụ nữ, một nữa thế giới là đàn ông. Ai cũng có quyền lợi và trách nhiệm như nhau. Ai cũng có cơ hội ngang nhau trong công việc, trong cuộc sống. Tại sao phụ nữ nông thôn vẫn không chịu thoát ra khỏi cái tư tưởng phong kiến ấy. Phụ nữ phải mang nặng đẻ đau, vất vả rất nhiều. Phụ nữ dễ bi bệnh tật hay sức khỏe không bằng đàn ông. Đành rằng, phụ nữ phải biết làm công việc nhà. Nhưng chúng ta đừng giành quá nhiều thời gian vào đó. Chúng ta hãy đi ra ngoài, hãy tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình. Ta hãy tạo ra sự khác biệt, cá tính riêng của mình. Phụ nữ hãy tự tin vào bản thân mình hơn nữa, hãy vững bước trên đôi chân mình. Phụ nữ hãy dám ước mơ, dám hành động. Hãy là một bông hoa có hương, có sắc. Cái ngày xưa qua lâu lắm rồi, ta đừng nên ám ảnh bởi những định kiến trong quá khứ, hãy sống cho hiện tại và tương lai. Hãy nói với một nữa còn lại rằng: “Tôi là người phụ nữ hiện đại, trẻ trung, năng động, có ước mơ, có lý tưởng, hoài bão, khát khao cống hiến cho xã hội”. Hãy yêu thương và trân trọng những người phụ nữ.


(Tên tác giả: Nguyễn Thị Yến Ngọc)

——————

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

BẢN THẢO