[Quan điểm] BREAK

Chưa bao giờ, trong suốt quãng thời gian tồn tại, mình từng nghĩ về từ “break” - theo nghĩa là “tạm nghỉ” khỏi cuộc đua công việc, cuộc sống.

BREAK


Chưa bao giờ, trong suốt quãng thời gian tồn tại, mình từng nghĩ về từ “break” - theo nghĩa là “tạm nghỉ” khỏi cuộc đua công việc, cuộc sống. Nhưng những sự kiện gần đây, mình muốn nói là nó như “giọt nước tràn ly”, khiến mình vừa cảm thấy lo lắng, vừa vỡ òa về điều mình “ngờ ngợ” ra trước đó khá lâu nhưng không thực sự để ý - rằng cách giải quyết vấn đề của mình đang sai, đang rất “nhanh”, lý thuyết và “cóp nhặt”. “Có những thứ nhỏ nhặt thôi lại ám ảnh mình đến mức mình cũng không thể tưởng tượng nổi”. Đối mặt với điều này chưa bao giờ là dễ dàng với mình, ngay cả khi mình đã chấp nhận là bản thân đang như vậy.


Mình thường nghĩ, người ta phải trải qua giông tố cuộc đời, muôn trùng khó khăn và đạt những điều nhất định, lúc đó mới nghĩ đến chuyện “break”. nhưng bên cạnh đó, mình nhận ra, để có sự “break” - “nghỉ hưu”, chuyển hướng như thế, hẳn họ cũng đã trải qua rất nhiều đoạn “break” nhỏ để thực sự thấu hiểu mình là ai. Mình nghĩ khoảng thời gian này bản thân đang trải qua việc nhìn nhận, quyết định có thực hiện sự “break” đó hay không. Thực ra, mình tự bảo rằng bản thân sẽ cố gắng không phán xét đúng sai trong việc nhìn nhận này, và nó cũng “không nên serious” như thế. Bản thân này, lần này hãy làm khác đi một chút xem sao, để những việc không thể kiểm soát theo cách tự nhiên nó xảy ra, xem cách phản ứng của mình với những điều bất định, không dự trù trước là thế nào. Dĩ nhiên, mình vẫn mường tượng về cả những điều có thể và không thể kiểm soát, nhưng rất có thể, sự đánh giá rủi ro này sẽ và nên được dựa trên nền tảng nhận thức rõ hơn về bản thân. Dò dẫm từng bước một, điều đó thật phiền muộn nhỉ, gian nan nữa, và kéo dài. Không phải cái gì lúc mình vừa chia sẻ xong cũng thấy nhẹ nhõm, không phải điều mình nhận ra ngay khi ấy là chân lý. Không phải mình sợ bản thân đi ngược với người khác, mà mình sợ bản thân không có dũng cảm để làm điều đó. 



Hôm trước, mình tình cờ đọc được đoạn này: 


“Có nhiều người cho rằng chỉ cần bỏ đi, tới một miền đất khác sống thì đời họ sẽ khác. Nhưng cách đó không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bởi dù ở đâu chăng nữa, bạn vẫn sẽ mang theo chính mình." - Câu chuyện nghĩa địa, Neil Gaiman.

 

Mình chợt nhớ đến việc mình đã từng “break” sự nhàm chán của bản thân hồi cấp 3 bằng việc tìm đến một chân trời mới, một việc làm mới, một hướng đi xa lạ ngoài việc học. Còn trẻ, làm “sai” như thế, chẳng có ai bảo gì mình hết, bởi thế giới vốn như thế, vốn là vận hành theo kiểu “you suddenly disappear? nobody will miss you such”. Mình hiểu ra, mình sẽ chẳng thấy câu thoại trên đúng nếu mình không từng khát khao tìm kiếm “cơ hội đổi đời” hồi ấy. Mình có ứng tuyển lần thứ 3 vào một tổ chức mà thời cấp 3 đã từng phỏng vấn. Mình vẫn trượt. Mình bảo tâm thế của mình đã khác; một cô học sinh lạc lõng cố bám vào một sợi dây giúp đỡ thời ấy, so với một cô sinh viên vừa biết lại vừa không biết gì bây giờ. “Có đôi thứ phải thật lâu sau này mình mới nghiệm ra” - chính là điều này đây. Con số 3 chẳng ít mà cũng chẳng nhiều, nhưng nó “to” vì làm mình tỉnh ngộ, rằng mình có vào tổ chức hướng nghiệp nào đi chăng nữa, mình vẫn mang theo những mông lung, những kỳ vọng, mộng ảo nếu bản thân chẳng hề tự nhận thức được.



Giờ mình đang nghĩ sẽ “break” theo một cách nào đó, nhưng chưa rõ ràng. Câu thoại trên cũng lại làm mình “nghi ngờ”, rằng nếu không phải là một thú vui, một mảnh đất, một màu tóc,... một không khí mới, thì mình sẽ làm cái gì, nghĩ điều gì khác để “đời khác”? Mình thật sự đã sai, khi quay trở về một vòng tròn vòng vo: tiếp tục vội vàng lên “plan”, kế hoạch với không ít những thói quen, hoạt động “fancy” mà không biết “root cause”, nguyên nhân thực sự của bản thân ở đâu. Vì thế mà, lưng chừng kế hoạch ấy, mình đã dừng lại, định xóa hết đi, nhưng chợt nhớ đến lời của một người chị, “đừng quá nghiêm khắc với bản thân”. Mình lại ngồi lặng, lúc thấy giận vì sao mình lại khó khăn trong việc đối diện đến thế, nhưng cũng có lúc thấy thương cái cô tên N này. Một lối “sắp mòn” đang hình thành trong suy nghĩ, rồi bất chợt va vấp với những niềm tin khác, khiến cô muốn buông xuôi. Nhưng cô cũng may mắn, khi có người “kéo” cô lại.



Mình luôn có thể chia sẻ với ai đó về tình trạng hiện tại. Chia sẻ trong im lặng khi nhìn ảnh gia đình, hoặc trò chuyện với người khiến mình thoải mái, và cả việc giãi bày qua con chữ. Cảm giác nhẹ nhõm ngay lúc ấy có thể nhanh chóng lấp đầy sự trống rỗng trong mình, nhưng bản thân biết rằng, những điều đó cũng chỉ có thể là tác động bên ngoài, là những tâm hồn để trú ngụ, ẩn náu, còn con người mình vẫn lấp ló, vẫn mang sự dựa dẫm đó.


Định nghĩa “break” của mỗi người khác nhau. Có ngày, mình nghĩ “break” là việc không điện thoại, không máy tính, không deadline, thả hồn vào quyển sách nhỏ bé, hoặc chìm trong dòng xe cộ cũng được, để cảm nhận cuộc sống sống động trong cả trang sách và hiện thực. Nhưng lại có những “dịp” như bây giờ, “break” là một điều gì đó lớn lớn, thậm chí là “bỏ” một cái gì đó, là việc đấu tranh với cám dỗ “tham việc”, là rèn mình ngồi yên và viết lại. “Break” không phải là dừng lại hoặc “làm lại từ đầu” mà là thực sự lọc những điều cần thiết, đúng với năng lực của bản thân để tận hưởng, để làm tốt nhất có thể ở thế gian thiên đường này.


Mình nói ở trên rằng, mình không sợ đi ngược với người khác, vì bản thân hay đang “ngược”. Hồi cấp 3, bè bạn tập trung ôn thi, mình rong ruổi quên lối về. Giờ, bạn bè tranh nhau việc để làm, mình bảo mình “break”. Trong thâm tâm, cô gái tên N vẫn muốn có những thành tựu, vẫn muốn “hòa” vào một cộng đồng, muốn có những trải nghiệm đáng nhớ như người khác, nhưng đó có phải là những điều cô thực sự muốn không? Mình sẽ bảo với cô một câu: “đừng cố cóp nhặt những gì tươi sáng nhất ở cuộc đời người khác rồi chèn nó vào bất kì chỗ nào trong timeline cuộc đời cậu. Cậu hãy tự quyết định cuộc đời mình đi nhé.” 


Vẫn còn là một cô học sinh, những áp lực, những đấu tranh hiện tại có thể vượt sức, nhưng mình tin nó là một cuộc chạy thử, một thử thách cần phải có trước khi bước ra ngoài kia và thực sự đối mặt với rất nhiều vấn đề khác. Vẫn không thể thoát khỏi guồng quay, nhưng nhờ thất bại, mình học cách chọn đúng guồng để quay. “Break” đâu cần lớn hay nhỏ, đâu cần già hay trẻ, khi nào thấy cần “break”, just do it, làm tới thôi. Mình nghĩ rằng, thường thì khi đi quá điểm “break”, điểm giới hạn rồi ta mới biết mình đã cần “break”. 


_____________________________

Tác giả: liberatesoul

Theo dõi tác giả tại: chuyện của N

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO