[Quan điểm] Có Nên So Sánh Bản Thân Với Người Khác Hay Không?

Con người không thể tự đánh giá bản thân một cách độc lập. Chúng ta chỉ có thể định nghĩa bản thân khi đặt trong mối liên hệ với người khác, khi chúng ta có một điểm chuẩn.

Đầu tiên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lý do tại sao chúng ta lại so sánh bản thân với người khác? 


Theo học thuyết so sánh xã hội được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1950 bởi nhà tâm lý học Leon Festinger, con người đánh giá bản thân và khả năng của mình bằng cách so sánh với người khác bởi hai lý do. Lý do thứ nhất là để giảm sự không chắc chắn trong lĩnh vực mà chúng ta đang có sự so sánh. Lý do thứ hai là để học cách định nghĩa bản thân. Festinger đã chỉ ra rằng con người không thể tự đánh giá bản thân một cách độc lập. Chúng ta chỉ có thể định nghĩa bản thân khi đặt trong mối liên hệ với người khác, khi chúng ta có một điểm chuẩn. Ông còn đưa ra một số nghiên cứu khác hết sức thú vị. 


Trước tiên Festinger đã chỉ ra rằng khi sự khác biệt trong quan điểm, ý kiến và khả năng giữa chúng ta với người khác tăng lên, đồng nghĩa với việc so sánh giữa chúng ta với họ giảm đi. Nói cách khác, chúng ta có xu hướng so sánh với người khác ở một số khía cạnh cả đôi bên có nhiều sự tương đồng mà chúng ta cho là quan trọng. Điều này có nghĩa rằng chúng ta thường tự so sánh bản thân với đồng nghiệp ngang cấp hơn là so sánh với quản lý cấp cao hay giám đốc. Chênh lệch giữa bạn với sếp là quá lớn trong khi sự khác biệt so với các đồng nghiệp thì không đáng kể. Điều này khiến cho việc so sánh với họ dễ san bằng và trở nên thú vị hơn. 

Festinger cũng chỉ ra rằng, như trong ví dụ so sánh với một đồng nghiệp ngang cấp, khi việc so sánh khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ về bản thân, chúng ta sẽ ngừng so sánh với người đó, thay vào đó sẽ là cảm xúc phẫn nộ, thù địch hoặc coi họ như không tồn tại. Giống như bạn đã từng cảm thấy ghen tị với một người nào đó gần gũi với mình, và sau đó nhận thấy rằng bản thân đang chống lại họ một cách tinh vi trong tâm trí. Nghe có vẻ quen thuộc không?


Qua những lý thuyết ở trên của Festinger, chúng ta đã biết con người có nhu cầu tự nhiên so sánh bản thân. Chúng ta đã biết rằng chúng ta có xu hướng so sánh mình với những người tương tự như chúng ta. Chúng ta biết rằng chúng ta so sánh khả năng và ý kiến của mình với các nhóm mà chúng ta cho là quan trọng. Và chúng ta cũng biết rằng sự so sánh đó thường tạo ra một số cảm giác khó chịu. Vậy thì sao? Chúng ta có nên so sánh bản thân với người khác hay không? Hãy xem xét những điều sau đây.





1. So sánh lành mạnh và so sánh không lành mạnh


Bạn hãy để ý mà xem, khi bạn quan tâm đến lĩnh vực nào thì bạn sẽ tìm kiếm hay để ý tới bất cứ thông tin trên mạng có liên quan tới lĩnh vực đó. Đôi khi xem những clip của một vài người, bạn sẽ thấy hào hứng và tự hào, "Mình làm hoàn toàn tốt hơn mấy người này!". Nhưng khi xem những clip khác, bạn lại cảm thấy chán nản, bối rối, "Sao mình lại không giỏi được như những người này? Sao họ làm được như vậy còn mình thì không?" Khi chúng ta so sánh bản thân với những người khác, chúng ta thực chất đang làm hai việc, cố gắng tìm ra được những điều mà bản thân có thể làm tốt và cố gắng làm cho bản thân cảm thấy dễ chịu hơn.


Nhận biết sự khác biệt giữa hai điều trên là chìa khóa để tách biệt so sánh lành mạnh với so sánh không lành mạnh. Hãy cùng quay trở lại với ví dụ so sánh với đồng nghiệp ngang cấp tại công ty. Giả sử bạn so sánh mình với cô X làm cùng vị trí sales marketing, cùng tuổi, cùng trình độ. Trong cả phòng, cô X này là đối tượng so sánh lý tưởng nhất vì cô ấy có nhiều điểm tương đồng và dễ đạt tới được nhất, ngoài ra cô ấy cũng thuộc nhóm trong công ty có ý kiến quan trọng đối với bạn. Vậy là trong những cuộc họp, bạn sẽ thường tự động ngầm so sánh bản thân với cô X, 'Liệu mình có thể thuyết trình lưu loát, rõ ràng, trình bày khoa học như cô ấy hay không? Liệu mọi người có lắng nghe và tán thưởng mình giống như đối với X hay không?'


Hãy chú ý, ẩn sau những câu hỏi này là hai động cơ hoàn toàn khác nhau. 


Nếu bạn so sánh khả năng thuyết trình của mình với X và bạn đang cố gắng tìm hiểu xem bài thuyết trình của cô ấy có điểm gì thú vị hay không, làm sao để bài của mình có thể tốt hơn được nữa. Khi bạn quan sát những thành viên tham dự buổi họp phản hồi về những đề xuất của cô ấy, bạn cố gắng đánh giá xem cảm nhận của họ ra sao, bạn sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp đó để câu trả lời của bạn có tính thuyết phục hơn. Thì khi đó cô X trở thành một chuẩn mực để bạn đo lường và hoàn thiện bản thân. Đây là một sự so sánh hết sức cần thiết.


Trường hợp thứ hai, nếu bạn so sánh mình với cô X để có cảm nhận rằng mình được ưu ái hơn, mình giỏi hơn thì lúc đó cách so sánh của chúng ta có vấn đề. Bạn so sánh mình với cô bạn để định nghĩa, xây dựng khái niệm về khả năng của bản thân. Bạn không so sánh mình với X để học hỏi, hoàn thiện bản thân, bạn chỉ đang so sánh để nâng cao lòng tự trọng của bản thân mà thôi. Kiểu so sánh này thường khiến chúng ta có cái nhìn méo mó về bản thân, nó nghiêng về phán xét người khác nhiều hơn. Tệ hơn nữa là sự so sánh còn khiến bạn nhận ra những tổn thương mà bạn không muốn đối mặt khiến trong bạn xuất hiện những cảm xúc tiêu cực như ghen ghét, đố kỵ, xấu hổ, và rồi chúng ta có thể bắt đầu cố gắng tìm kiếm những sai sót của người kia để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn.. 


Cần lưu ý một vấn đề là khi chúng ta so sánh bản thân, chúng lại thường vô thức đan xen cả hai việc trên. Chúng ta cần so sánh với những người khác để đo lường sự tiến bộ của mình. Nhưng cũng thông qua việc đo lường đó, chúng ta thường tự thổi phồng bản thân quá lên, tự hạ mình xuống hoặc chuyển đổi qua lại giữa hai cái.




2. Chúng ta thường so sánh bản thân với một ý kiến nhất định đã có trong đầu


Thêm một lý do khác mà việc so sánh bản thân với người khác thường khiến chúng ta không hài lòng và nó liên quan đến những ý tưởng mà chúng ta đã có về bản thân. Hãy nhớ rằng chúng ta đã học cách so sánh bản thân với người khác từ hồi còn là những đứa trẻ. Điều này có nghĩa là chúng ta đã có một thời gian rất dài, qua rất nhiều năm hình thành những ý tưởng về bản thân - tất cả mọi thứ, từ tài năng, chuyên môn, cho đến quan điểm đạo đức. 


Những ý kiến đó là những gì tạo nên khái niệm và lòng tự trọng của chúng ta. Các nhà tâm lý học gọi những niềm tin cốt lõi này là quan điểm của bản thân, và chúng ta mang chúng theo mọi lúc mọi nơi. Quan điểm về bản thân của chúng ta cực kỳ quan trọng. Chúng giúp chúng ta hiểu thế giới xung quanh và cho phép chúng ta điều hướng thế giới đó theo cách an toàn, mạch lạc và ổn định. Ví dụ, nếu bạn có quan điểm tự cho rằng tôi là một chuyên gia có năng lực, thì niềm tin đó có khả năng giúp bạn tự tin bước vào văn phòng, xử lý mọi nhiệm vụ khó khăn. Ngược lại, nếu bạn có quan điểm về bản thân rằng tôi không đủ khả năng để ở vị trí hiện tại, thì niềm tin đó có thể sẽ khiến văn phòng trở thành một nơi căng thẳng, bạn sẽ có xu hướng lùi lại phía sau trong các cuộc họp và thoái thác trách nhiệm. Nhưng điều thú vị ở đây là: bất kể bạn có giữ quan điểm nào về bản thân, thì quan điểm đó đều cho phép bạn hiểu về thế giới của mình.


Dù theo cách nào, quan điểm mà bạn nắm giữ về bản thân sẽ giữ cho thế giới của bạn nhất quán. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những quan điểm về bản thân này rất quý giá đối với chúng ta. Chúng ta cần chúng. Và bởi vì chúng ta cần chúng, tâm trí của chúng ta trở nên rất lo lắng khi những niềm tin đó bị đe dọa. Chúng ta cần liên tục củng cố, xây dựng chúng. Bởi vì chúng ta sẽ là ai nếu chúng ta không có những suy nghĩ về chính mình này? Đúng hơn là chúng ta không phải là một tấm bảng trắng, chờ đợi so sánh để biết được rằng mình là ai. Chúng ta đã có những khái niệm mà chúng ta nghĩ rằng là mình - và sau đó so sánh bản thân với người khác để xác nhận niềm tin đã có từ trước đó.  


Nói tóm lại, tất cả những điều trên có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Có hai ý chính!


Thứ nhất, khi chúng ta so sánh mình với người khác, chúng ta không thực sự so sánh mình với người khác. Những gì chúng ta thực sự đang làm là so sánh ý tưởng của chính mình về bản thân với người khác - sau đó sử dụng những ý kiến về người khác để xác thực những ý tưởng đã có từ trước. Chúng ta chỉ so sánh ý tưởng của mình về chính bản thân mình với một người khác.


Đặc biệt trong thời đại ngày nay, với sự phát triển mạnh như vũ bão của các mạng xã hội, thì khi chúng ta so sánh mình với người khác, chúng ta thực sự chỉ đang so sánh mình với phiên bản của người khác - phiên bản mà họ chọn để đưa ra thế giới. Những hình ảnh trên mạng xã hội không phải là con người thật của họ. Sự so sánh của chúng ta càng trở nên tệ hơn, một sự so sánh không công bằng khi chúng ta không bao giờ có thể hiểu được đầy đủ về cuộc sống của người khác. Khi chúng ta so sánh cuộc sống của mình với của người khác trên không gian mạng, chúng ta đang so sánh điều tốt nhất và tồi tệ nhất của mình, với sự hoàn hảo trước công chúng của người khác. Việc này thường chỉ mang đến cảm giác thiếu thốn và thất bại và khiến chúng ta đánh giá thấp về những thành tựu của chính mình; giết chết động lực cố gắng.


Thứ hai, khi so sánh bản thân với người khác, chúng ta thường chỉ xác nhận những ý tưởng chúng ta đã có về bản thân, chứ không phải để phát triển những khái niệm mới. Đối với hầu hết chúng ta, viết lại những khái niệm cơ bản về bản thân sẽ rất đáng sợ. Vì vậy, chúng ta chỉ tiếp tục củng cố và chứng thực những cái chúng ta đã có, và chúng ta thậm chí còn không nhận ra điều đó.




Sẽ thật là tuyệt nếu chúng ta có thể tắt được công tắc so sánh ở trong đầu mình nhưng nhưng thật không may đó là một trong những hành vi tự nhiên vốn có của con người. Vì vậy, khi bạn ý thức được rằng mình đang so sánh bản thân với người khác và nếu việc so sánh khiến bạn đau khổ, thì hãy trung thực với chính mình, tự hỏi bản thân xem động cơ so sánh của bản thân thực sự là gì?


Đó là để đánh giá khả năng và quan điểm của chính bạn?


Đó có phải để nâng cao ý thức của bạn về những khả năng và ý kiến của bạn? Hay là để xác minh niềm tin mà bạn đã có về những khả năng và ý kiến đó?


Nhiều người trong chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi những động cơ ẩn giấu bên dưới sự so sánh mà chúng ta đang thực hiện hàng ngày.


Ngoài ra, hãy dành thời gian để suy nghĩ xem liệu tiêu chuẩn mà bạn đang so sánh có phải là tiêu chuẩn mà bạn đang thực sự phấn đấu hay không. Các mục tiêu mà bạn đã đặt ra cho chính mình, vì bạn thực sự muốn chúng (không phải vì bạn nghĩ rằng bạn muốn chúng vì đó là những gì những người khác đang làm) mới chính là thước đo thành công thực sự.


Kết luận lại, với nhận thức đủ về bản thân cùng sự kiên nhẫn, cuối cùng bạn có thể học cách sử dụng sự so sánh đó không phải để tự hủy hoại bản thân một cách bất công hoặc thổi phồng hình ảnh bản thân một cách giả tạo, mà là để tìm ra những ý tưởng nào bạn đang có về bản thân thực sự chính xác qua thực tế, và nó sẽ cảnh báo bạn về sự cần thiết phải tập trung vào cuộc sống, vào hành trình của chính bạn. Đây là câu trả lời cho câu hỏi đã đưa chúng ta đến với bài viết này, chúng ta hãy điều hướng cẩn thận các so sánh và biến chúng trở thành động lực, chất xúc tác để cải thiện bản thân, đồng thời sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với việc đạt được những mục tiêu đó.


Người viết: Mộc Yên

BẢN THẢO