[Quan điểm] Có Thế Hệ Nào Hơn Thế Hệ Nào?

Thế hệ nào cũng thế, trẻ hay già thì cũng đều cho mình là khổ nhất, hội kia sướng hơn mình mà thôi. Ai cũng chỉ thấy những điều vui vẻ, dễ dàng, thành công của người khác mà nào biết được những thách thức, khó khăn trong quá trình đạt tới và 'tận hưởng' chúng.

Mình tình cờ thấy bài viết có tựa đề Gen Z một thế hệ ngạt thở vì những chuẩn mực, tò mò muốn biết về các vấn đề của giới trẻ và cách họ nhìn nhận, đối diện chúng ra sao nên mình nhấn đọc. Đọc được nửa bài thì những lập luận của tác giả đã chọc đúng vào điểm khó chịu của mình. Mình thấy bực mình ghê, nếu những khó khăn như bạn nêu ra thì dựa vào đâu bạn đánh giá rằng gen Z đang phải chịu áp lực hơn 8x, 9x. Ngồi bình tâm lại, mình tự hỏi sao mình lại cảm thấy bức xúc như vậy? Bạn đó chỉ đang chia sẻ cảm xúc của một người trẻ trước những khó khăn khi trưởng thành thôi mà. Vậy lí do là gì?


Kỳ vọng ở người lớn dành cho thế hệ kế tiếp thời nào cũng có, chỉ khác ở cách thể hiện mà thôi. Người lớn trong nhà thời nào mà chẳng ra rả rằng phải cố lên là con ngoan, trò giỏi, làm công ty tập đoàn lớn, lương cao ổn định, nói vui là phải đầy đủ khả năng tề gia, trị quốc, bình thiên hạ mới không làm xấu mặt gia đình, dòng họ. Thời nào thì cũng phải oằn vai với những kỳ vọng của người khác và của chính mình. Đúng vậy, cả của chính mình nữa. Từ bé mấy đứa trẻ đã được nuôi dưỡng và giáo dục trong cái vòng tiêu chuẩn mặc định cho nên chúng cũng tự kỷ ám thị bản thân rằng nếu không đạt được tới những chuẩn đó, chúng là kẻ thất bại. Đây chắc là căn bệnh di truyền qua nhiều thế hệ luôn rồi!





Gen Z đang phải đối diện với một thời đại thay đổi chóng mặt và cạnh tranh cao, họ phải chạy hết tốc lực mới theo kịp được nhịp phát triển? Đây mới chính là quan điểm làm mình bức xúc nhất. Viết đến đây mình đã biết ngoài vấn đề cá nhân có sẵn, mình còn đang ghen tị. Ghen tị vì gen Z có tuổi trẻ, họ vẫn đang ở thời điểm đỉnh cao để trải nghiệm, học hỏi - thứ mà mình thấy bản thân đã lãng phí mất rồi. Một phần do chính bản thân mình, một phần cũng do nền giáo dục cũ mà tầm nhìn và nhận thức của mình đã bị hạn chế rất nhiều. Từng câu từng chữ của bạn ấy như phản chiếu rõ ràng những khúc mắc trong lòng mình. Các bạn ấy sợ bị tụt hậu ư? Thế những người thuộc thế hệ 8x, 9x không sợ? Khả năng bắt kịp xu hướng còn chẳng bằng gen Z. Mình gần đây có cập nhật về thị trường công việc, mình bị choáng ngợp bởi những loại hình mới mẻ, đa dạng và linh hoạt, mình còn trầm trồ là các bạn trẻ bây giờ có thật nhiêu cơ hội và lựa chọn, nhìn xa mới biết biển nhiều cá. Thời của mình đến việc đi làm thêm còn kiếm đỏ mắt chẳng có mấy.


Gen Z áp lực phải có đủ các loại kỹ năng, bằng cấp chứng chỉ trong hồ sơ xin việc. Đúng là thời mình đi xin việc không cần đến chứng chỉ Ielts, Toeic hay SAT nhưng tất cả những kỹ năng bạn nhắc đến đều là những kỹ năng cần thiết cho công việc mà thời nào cũng cần (Test IQ thì từ cả chục năm trước ứng tuyển vào các tập đoàn đa quốc gia đã phải làm rồi, chẳng phải giờ mới có.) Nếu không tự trau dồi thì không thể đảm nhận được công việc theo thời gian và thăng tiến. Chưa kể giờ mà đam mê biết thêm kỹ năng thì còn làm nghề tay trái tăng thêm thu nhập. Tuyệt thế còn gì. Bên cạnh đó, thế giới giờ không còn ranh giới, hầu hết kho kiến thức khổng lồ của nhân loại đều bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ phổ biến khác. Muốn phát triển tri thức thì bản thân chẳng cách nào là phải có ý thức tự học thông thạo tối thiểu một ngoại ngữ chứ chẳng cần phải công ty nào yêu cầu. Những đàn anh của mình 7x còn đã rất nhiều người tự mày mò học tiếng Anh để đọc sách, tìm tài liệu chuyên ngành. Gen Z có chăng nên nhìn đây là một cơ hội để họ trở thành công dân toàn cầu thì đúng hơn. Mọi thứ hỗ trợ tuyệt đối cho công cuộc khám phá và phát triển bản thân không ngừng, chỉ là có muốn hay không mà thôi.



Một ví dụ điển hình là các cơ hội xin học bổng đi du học. Hồi sinh viên việc du học với mình nó xa vời vợi, du học chỉ dành cho những đứa nhà cực giàu hoặc cực giỏi, nguyên cái suy nghĩ đó đã che mắt mình bao nhiêu năm, để mình không nhận ra rằng thời thế đã thay đổi, nhiều cánh cửa cơ hội đã mở ra chứ không còn duy nhất một cánh cửa hẹp như trước.


Kể lể dài dòng là như vậy nhưng kết luận mà mình đưa ra là thế hệ nào cũng thế, trẻ hay già thì cũng đều cho mình là khổ nhất, hội kia sướng hơn mình mà thôi. Ai cũng chỉ thấy những điều vui vẻ, dễ dàng, thành công của người khác mà nào biết được những thách thức, khó khăn trong quá trình đạt tới và 'tận hưởng' chúng. Cho nên đâu đó chúng ta lại được nghe bài ca than thở.


Tác giả: Mộc Yên

BẢN THẢO