Công sở có phải là nơi tranh đấu?

Nếu bạn thấy mình đang phải đấu tranh sứt đầu mẻ trán chốn văn phòng, hãy nhìn nhận lại liệu mình có đang quá 'hiếu chiến' hay đó thực sự là một môi trường không phù hợp với mình

Thời mới có kinh nghiệm đi làm công sở được 2-3 năm, mình vẫn cho rằng mình không tham gia vào hội nhóm nào trong công ty thì mình sẽ được yên thân, mình sẽ không mắc kẹt vào những cuộc đấu đá thị phi (hội nhóm ở đây không phải mấy hội nhóm yêu đọc sách hay đạp xe cuối tuần đâu nhé, ý mình là hội nhóm lợi ích ấy). Sau nhiều chuyện, rốt cuộc mình đã biết đó là một nhầm lẫn nguy hại. Mình ở trong môi trường công sở đó thì dù bất kỳ điều gì diễn ra trong nó, mình không thể bàng quan phủi tay nói 'Tôi vô can' được. Dù mình cố gắng phủ nhận thì mình vẫn luôn là một phần trong nó.



Hôm nay có một em đang đi thực tập hỏi mình rằng 'Chị có nghĩ môi trường công sở là nơi tranh đấu?'. Nói thật nghe xong câu hỏi đó mình bối rối không biết trả lời thế nào cho đúng. Nếu nói công sở là nơi khua gươm bạt kiếm thì tiêu cực một chiều quá, nhưng nếu nói nó là chốn mọi người thân ái, hoà nhã, yêu thương lẫn nhau thì thật là giả dối. Mình lúc đó đã trả là 'Còn tuỳ,' nhưng bản thân mình không thoả mãn với chính câu trả lời này. Nó mơ hồ như chính thái độ lập lờ của mình ở nơi làm việc vậy.


Công sở là nơi làm việc chung, nó cần phải là môi trường mà mọi người phát huy tinh thần hợp tác vì lợi ích chung của tập thể, nhưng không biết từ bao giờ nó lại trở thành nơi mưu hèn kế bẩn sát phạt lẫn nhau. Ai cao tay hơn người đó áp đảo.


Từ lúc chúng ta bắt đầu nhận thức được những thứ xung quanh, chúng ta đã được dạy cuộc sống là sự cạnh tranh. 'Con không ăn nhanh thì XYZ sẽ ăn hết phần đấy,' 'Nhìn đi, XYZ điểm cao hơn con đấy,' v.v... Những sự so sánh liên tục này vô hình chung tạo nên áp lực phải tranh đấu. Không tranh đấu chắc chắn sẽ phải chịu thua thiệt, sẽ bị loại khỏi đường đua. Cho nên cũng không có gì sai trái khi chúng ta tìm mọi cách 'vượt mặt' người khác. Ở đâu có quyền lợi ở đó có sự ganh đua. Chốn công sở cũng vậy. Mình cũng vậy và bạn cũng thế.


Nhưng cũng ở nơi làm việc, mình đã gặp được những người bạn thực sự. Mình nghĩ nhiều người cũng giống mình. Vậy rốt cuộc câu trả lời cho câu hỏi 'Công sở có phải nơi tranh đấu?' là có hay không? Giờ mình không nói 'còn tuỳ' nữa đâu. Câu trả lời là 'Không phải!'.


Ngồi hơn tám tiếng đồng hồ ở công ty mà đều là tranh đấu, nhìn ai cũng là đối thủ thì có mà mệt chết. 'Ẩn thân' như mình từng làm trước kia cũng không có gì hay ho. Mình coi nơi làm việc là chiến trường nên mới sợ bị dính tên bay đạn lạc, mới tìm cách núp cho kỹ. Thái độ bàng quan chỉ là cái cớ nguỵ biện, che giấu cho sự yếu đuối không dám lên tiếng khi cần thiết và thái độ thiếu trách nhiệm đối với công việc của bản thân mình mà thôi.


Rốt cuộc đó chẳng phải là nơi chúng ta phải chiến đấu hay hi sinh gì cả. Dưới đây là một vài quy tắc bỏ túi mình luôn tự nhắc nhở bản thân để mỗi ngày đến văn phòng làm việc chứ không phải là đi gây hấn:


(1) Làm đúng công việc được giao một cách có trách nhiệm;


(2) Chẳng ai thực sự lắng nghe người khác, họ chỉ nghe những gì họ muốn. Vì vậy không cần phải tốn công giải thích. Hãy lên tiếng bên ngoài, tự tại bên trong.


(3) Lên tiếng khi cần để giải quyết công việc một cách hiệu quả, hợp lý và nhanh chóng. Chỉ lên tiếng vì kết quả công việc, không phải để thể hiện cái tôi 'luôn đúng' vì làm gì có ai chấp nhận được người khác đúng, mình sai;


(4) Phân định rõ ràng giữa công việc và quan hệ đồng nghiệp. Đừng nhầm lẫn giữa việc có mối quan hệ tốt thì phải nể nang, lấp liếm sai lầm cho nhau (Xem lại điều 1). Rời công việc lại là bạn, còn vào công việc lại là hai người với những trách nhiệm và nghĩa vụ phải hoàn thành vì một lợi ích chung của công ty.


Nếu bạn thấy mình đang phải đấu tranh sứt đầu mẻ trán chốn văn phòng, hãy nhìn nhận lại liệu mình có đang quá 'hiếu chiến' hay đó thực sự là một môi trường không phù hợp với mình?


Tác giả: Mộc Yên


_

BẢN THẢO
Bài viết liên quan