[Quan điểm] Vì sao cần nhận thức về sự phức tạp của thế giới bên trong?

Không nên và cũng không thể tiếp tục hát mãi những bài ca ngợi lý tưởng chung, không nên và cũng không thể mãi dựng những tượng đài về con người lạc quan, can trường, mạnh mẽ.

Vì sao cần nhận thức về sự phức tạp của thế giới bên trong?


Từng có một cuộc “xoay sở” diễn ra trong giới văn học nghệ thuật vào những năm sau chiến tranh. Những năm đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc, một số các tác gia nhạy cảm đã nhận ra văn học nghệ thuật không thể tiếp tục theo quán tính ca ngợi một chiều trong thời kỳ chiến tranh. Không nên và cũng không thể tiếp tục hát mãi những bài ca ngợi lý tưởng chung, không nên và cũng không thể mãi dựng những tượng đài về con người lạc quan, can trường, mạnh mẽ. Và vì thế mới dẫn đến một cuộc “xoay sở” mà có thể nói là kéo dài tới mười năm, cho đến dấu mốc năm 1986 mới chính thức thiết lập sứ mệnh đổi mới văn học nghệ thuật. Khi chiến tranh kết thúc, không thể tiếp tục khám phá thế giới nội tâm của con người với chỉ một mặt, một chiều, một nửa sự thật, chiến tranh đã khiến chúng ta dành nhiều năm tháng để lãng quên nhiều phần khuất lấp trong tâm hồn con người. Những phần khuất lấp đó bị để ngỏ, những bóng tối, những thương đau, những ham muốn, những tuyệt vọng bị để ngỏ, nhường phần cho nhiệm vụ phục vụ cuộc chiến của dân tộc. Sau, văn học nghệ thuật lại trở về với nhiệm vụ ban đầu của nó: khám phá con người như là con người.


Nhưng dường như cuộc xoay sở đó không nên chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, cũng không nên chỉ dừng lại ở cột mốc năm 1986, mà nên tiếp diễn ngay ở hiện tại, ngay với những cá nhân bình thường đang sinh hoạt ở cõi sống này. Chúng ta dường như chỉ có những ý niệm mơ hồ về thế giới nội tâm bên trong. Chúng ta dường như coi “thế giới nội tâm” chỉ là thứ được đề cập trong các bài văn phân tích các tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta phải viết khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng ta dường như coi đó là một địa hạt xa lạ, một địa hạt thuộc về những người giàu xúc cảm và suy tư. Nhưng, nếu chúng ta thừa nhận mỗi người đều sở hữu thế giới nội tâm phong phú và đa dạng, vậy thì vì sao chúng ta lại cho rằng chỉ một vài cá thể dành mối quan tâm đặc biệt cho nó và có khả năng khám phá nó? Ấy là chuyện của giới nghệ sĩ, từ cổ xưa đã vậy, phải không? Và nếu mới mẻ hơn nữa, thì là chuyện của các nhà nghiên cứu tâm lý, phải không?


Rõ ràng thực tâm chúng ta luôn muốn tìm hiểu chính mình, rõ ràng, một cách không ý thức, chúng ta vẫn luôn cố gắng đi tìm những mô tả cho thế giới bên trong của chính mình. Chúng ta tìm đến lý giải tính cách dựa trên các cung hoàng đạo, tìm đến lý giải thế giới bên trong dựa trên nhiều bài test khác nhau, tìm đến lý giải các quyết định dựa trên Tarot. Cho dù không ai khẳng định với chúng ta về tầm quan trọng của việc tìm hiểu thế giới nội tâm, chúng ta vẫn vô thức làm vậy.



Chúng ta đều nên nhận thức rằng thế giới nội tâm thực sự phức tạp, chúng ta không phải là những cá thể “nguyên phiến” có thể gắn những nhãn dán cố định “con ngoan trò giỏi”, “năng động tích cực”, “tốt bụng hiền hòa”, và những người mà chúng ta không ưa cũng không phải là những cá thể “nguyên phiến” sống cả đời với những nhãn dán cố định “xấu tính”, “tự mãn”, “ích kỷ”. Tôi từng đọc ở đâu đó nói rằng, khi càng hiểu về sự tinh vi của thế giới nội tâm, thì người ta buồn nhiều hơn và bớt giận đi. Người ta buồn vì hiểu một vài hành xử tồi tệ ở người khác có thể xuất phát từ những đè nén mà tự thân người đó không biết cách đối diện, không biết cách chuyển hóa. Người ta buồn vì hiểu rằng sau mỗi hành vi, mỗi cách phản ứng đều có lý do mà người đó thậm chí không hay biết.


Chúng ta đều nên nhận thức rằng thế giới nội tâm thực sự phức tạp, chúng ta không có toàn quyền làm chủ hành vi và suy nghĩ của chính mình như chúng ta vẫn tưởng. Vì thế đôi khi chúng ta luôn sa vào những câu hỏi: Tôi là người ôn hòa… nhưng sao lại nổi cáu khi tham gia giao thông? Vì sao tôi không thể tập trung, thay vào đó, cứ vài phút tôi lại xem điện thoại? Tại sao tôi hay nước đến chân mới nhảy? Tại sao tôi lại cư xử ngốc nghếch vào những thời khắc quan trọng? Tại sao tôi luôn rầu rĩ và không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của tuyệt vọng và thương tổn? Có phải câu trả lời chỉ đơn giản là chúng ta lười biếng, kém cỏi và ngờ nghệch hay không? Chúng ta tưởng mình là người làm chủ mà không hay biết về những “người chủ” khác ẩn dưới phần vô thức, duỗi những bàn tay vô hình đưa chúng ta vào hành xử mà thậm chí chúng ta khó lòng lý giải.

Nhận thức về sự phức tạp của thế giới bên trong có lẽ sẽ đẩy chúng ta vào một cú shock, vì những điều tin tưởng bấy lâu lại trở thành những lầm tưởng. Ta tưởng là ta hiểu mình, hóa ra ta cũng không hiểu mình. Ta tưởng là ta hiểu người, hóa ra ta cũng không hiểu người. Nhưng một tin tốt là, bởi vì tạo hóa đã tạo nên trong mỗi con người một kỳ quan thế giới nội tâm, nên bên cạnh những phần khuất lấp mà chúng ta chưa chạm tới được, cũng có vô số tiềm năng mà chúng ta chưa khai phá. Điều đó cũng đồng nghĩa là con người có muôn vàn khả thể, như kịch tác gia Hy Lạp cổ Sophocles từng viết trong một tác phẩm của mình:* “Trong bao cái kỳ diệu, cái kỳ diệu lớn nhất là con người”.*


Tác giả: Thu Giang

------------------

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần.

Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: [http://bit.ly/CuocthiVDTT]

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành.

Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả - Nguồn: A Crazy Mind - Viết Để Trưởng Thành”

BẢN THẢO