[Review sách] Thư - Rào cản vô hình mang tên thành kiến

Cái mác đơn giản chỉ đơn giản là cái mác mà thôi, nó có thể treo trước thân phận của một ai đó, nhưng không đồng nghĩa nó tả thực về con người họ.


(bài viết có tiết lộ nội dung tác phẩm)


Được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám” của xứ sở mặt trời mọc – Nhật Bản, Keigo Higashino đã đem đến cho người đọc những cuộc phiêu lưu phá án kỳ thú, cảm giác hồi hộp, kịch tính và suy ngẫm về tình người lẫn sự đời. Đối với tôi, tác phẩm của ông không chỉ đơn thuần là một câu chuyện trinh thám, mà lồng trong đó luôn là giá trị nhân văn, những góc khuất được ẩn sâu trong tâm hồn con người khiến người đọc không thôi ám ảnh và suy nghĩ về thế đời. Thư cũng thế, mở đầu tác phẩm là một tình huống gay cấn khiến độc giả cho rằng đây là câu chuyện về một vụ án hình sự, tuy nhiên, càng về sau, Keigo Higashino lại đưa người đọc dõi theo một cuộc đời đầy éo le, bi kịch, bị chèn ép dưới định kiến xã hội chứ không hẳn là những bước điều tra đòi hỏi tư duy, rượt đuổi nghẹt thở.


Vì cuộc sống quá tù túng nhưng muốn em trai có tiền thực hiện ước mơ học lên đại học, Takeshima Tsuyoshi quyết định đột nhập vào nhà bà Ogata với ý định trộm tiền. Mục đích ban đầu của anh chỉ là tiền, một ít tiền đủ để em trai vào đại học. Tuy nhiên, sau khi đã hoàn thành mục đích đó, anh lại chú ý đến đồ dùng lạ mắt trong nhà, đặc biệt là túi hạt dẻ và nhớ đến cậu em trai của mình. Chính vì sự chần chừ đó mà khi Tsuyoshi sắp đào tẩu được thì bị bà Ogata phát giác. Trong lúc giằng co, Tsuyoshi đã dùng tuốc nơ vít đâm vào cổ bà Ogata khiến bà tử vong ngay tại chỗ. Sau đó, Tsuyoshi đã bị cảnh sát bắt giữ. Anh bị xử mười lăm năm tù vì tội cướp của giết người. Tuy vậy, những gì anh chịu đựng và thứ em trai anh mất còn nhiều hơn như thế. Tsuyoshi bị mất quyền tự do, chỉ có thể kết nối với em trai qua các bức thư. Thư không chỉ là phương tiện liên lạc mà còn là nơi chứa tâm tư, tình cảm tha thiết và sự lo lắng của anh dành cho người em trai.


Tác phẩm không đề cập nhiều đến thời gian trong tù của người anh mà tập trung vào cuộc sống của người em trai – Naoki. Vì cái mác em trai của kẻ cướp của giết người, Naoki đã phải trải qua một đời đầy sóng gió, với biết bao nhiêu lần bị tước mất cơ hội do tội lỗi anh trai mình gây ra. Con đường vào đại học khép lại, anh bắt đầu bước vào con đường mưu sinh và đã nhiều lần bị đồng nghiệp nhìn bằng ánh mắt e ngại. Tuy vậy, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Cái mác “em trai của kẻ tù tội” đã đeo bám Naoki gần như cả đời. Anh không thể đến với người anh yêu vì chênh lệch gia thế, không thể trở thành ca sĩ cùng những người bạn anh vô cùng trân quý vì không có khán giả nào lại chấp nhận một ca sĩ có anh trai là tội phạm. Tất cả cơ hội đều nói “Không thể!” với Naoki. “Xã hội này chẳng thể loại bỏ nổi sự phân biệt đối xử”. Chính Naoki đã thốt lên câu nói này khi bị anh bị loại bỏ khỏi ban nhạc, bị chấm dứt ước mơ trở thành ca sĩ của mình. Anh luôn sống trong bất công, lo âu và chịu đựng cái nhìn kỳ thị của mọi người xung quanh. Anh chưa bao giờ được sống trong giây phút vô lo vô nghĩ, lúc nào cũng sợ sệt, không phải vì sợ tù tội mà sợ đến cái ngày người khác sẽ phát hiện ra bí mật lớn nhất đời anh, rồi sẽ lại từ chối anh như bao lần trước. Rồi đến khi anh tìm được công việc tốt, lập gia đình có cô con gái đầu lòng, thành kiến vẫn chưa thôi đeo bám dai dẳng. Tội lỗi của anh trai không phá hoại cuộc đời người em, mà còn ảnh hưởng cả đến cuộc sống của cô cháu gái bé nhỏ. Có chú là kẻ sát nhân đáng để bị xa lánh hay sao? Có người chú đang chịu cảnh tù ngục có đáng để một cô bé ngoan ngoãn và gia đình của em bị cô lập hay không? Cả nhà Naoki đã phải chiến đấu, thậm chí là chạy trốn để tránh những lời bán tán, dị nghị của mọi người, để tìm một cuộc sống mới bình yên, rũ bỏ được cái quá khứ không ai muốn nhớ đến. Tôi cũng không biết nên đánh giá là đáng thương hay đáng trách cho anh trai Naoki, bởi anh ta cũng vì muốn lo cho em trai vào đại học mà bồng bột làm việc trái với luân thường đạo lý. Cứ ngỡ đâu hành vi của mình sẽ mở ra cánh cửa học vấn đại học cho em trai, ai ngờ lại khép chặt các cánh cửa khác của cuộc đời người em.



“Dù sao thì tôi đã quen với việc từ bỏ rồi. Naoki cười nhạt”. Câu văn khiến người đọc phải dừng lại vài giây để suy tư. Con người ta luôn theo đuổi và nắm bắt cơ hội, ấy thế mà việc phải từ bỏ lại trở nên quen thuộc với Naoki. Nụ cười nhạt anh buông là nụ cười chua chát, bi đát cho số phận của đầy nghịch cảnh của mình. Cơm áo gạo tiền không còn là gánh nặng của Naoki mà khó khăn nhất với anh là chống chọi với thành kiến và đàm tếu. Bởi mới thấy, đôi khi vật chất không gây khó người ta mà chính những áp lực tinh thần, định kiến tốn tại bấy lâu nay mới chèn ép con người đến mức ngạt thở. Tội lỗi của một người mà lại khiến cuộc sống của nhiều người bị tước đi sự bình yên vốn có. Thế nên, Naoki đã nhiều lần muốn cắt đứt liên lạc với anh trai – cắt đứt sợi dây dẫn giữa quá khứ và hiện tại, giữa áp lực định kiến và cuộc sống bình thường. Thế nhưng không thể nói cắt là cắt, sợi dây tình thân lại là bền chặt nhất.


Xuyên suốt hành trình của Naoki, người đọc không khỏi suy tư và đôi lúc cảm thấy nghẹn ngào, bởi một con người với ý chí vươn lên, luôn khát khao một cuộc đời an yên lại luôn bị tước đoạt những điều đó. Cái mác “em trai hung thủ cướp của giết người”, “anh trai là kẻ tù tội” đã dồn ép Naoki đến mức không thở nổi, buộc anh phải chạy trốn, phải quy hàng. Cuộc sống hiện đại cũng vậy, mọi thứ đã phát triển vượt bậc, mặc nhiên vẫn sẽ còn đâu đó định kiến len lỏi và chực chờ “ăn tươi nuốt sống” con người ta. Đôi khi chúng ta không muốn nhận, cũng không hề “ưa” cái mác mọi người đặt cho, tuy nhiên không phải không muốn là sẽ không đến! Như Naoki, anh chỉ muốn là một sinh viên bình thường, một nhân viên bình thường và có một gia đình nhỏ bình thường, giản đơn. Vậy mà đời anh có bao giờ bình thường được đâu? Thứ anh muốn không hề xa xỉ, chỉ là những thứ vô cùng nhỏ nhặt với người khác, ấy thế mà Naoki lại chật vật, loay hoay mãi vẫn không có được. Naoki đâu có cướp của, cũng không giết người, đi tù lại càng không. Ấy thế mà có khi cậu lại ganh tỵ với người anh đang trong nhà giam của mình, vì chắc hẳn anh ấy chỉ cần ăn no rồi cải tạo, không phải đối diện với vô số mớ hỗn độn đổ lên người mỗi ngày. Đó mới thấy rõ được sức tàn phá của cái mác khi gắn lên một người. Những người đã, đang và sẽ xa lánh Naoki cùng gia đình, họ vừa đang kỳ thị mà cũng vừa đang bung ra một lớp phòng vệ, có điều lớp phòng vệ này dày quá đáng. Kẻ sát nhân cũng sẽ có lúc quay đầu, có lúc ăn năm và khao khát trở về cuộc sống bình thường. Thế nên không có lý do gì để cô lập họ chỉ vì họ từng phạm tội hay có liên quan đến người có tiền án. Ai cũng có quyền sống và được hưởng cuộc sống an lành, hạnh phúc. Vậy nên, hãy thôi để ý đến những cái mác, những cái tên, những danh hiệu không mấy hay ho mà đoạt đi quyền vốn có của họ. Ngoài đời, sẽ có rất nhiều Naoki, anh trai của Naoki và gia đình anh, vì vậy hãy dang rộng vòng tay để hòa nhập cùng họ, đừng để có quá nhiều cuộc đời bi kịch nối tiếp bi kịch như Naoki đã từng. Cái mác đơn giản chỉ đơn giản là cái mác mà thôi, nó có thể treo trước thân phận của một ai đó, nhưng không đồng nghĩa nó tả thực về con người họ.


Tác giả: Thảo Nguyên


——————

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: https://tinyurl.com/cuocthiVDTT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành"

Với mong muốn lan toả điềm đam mê viết lách người trẻ Việt, A Crazy Mind hiện tại đang tuyển dụng liên tục các tác giả trên cả nước. Thông tin chi tiết về tuyển dụng vui lòng xem tại: https://tinyurl.com/tacgiaACM

BẢN THẢO
Bài viết liên quan