[Review Sách] 12 Quy Luật Cuộc Đời – Thần Dược Cho Cuộc Sống Hiện Đại

Lời đầu tiên, tôi xin chân thành cảm ơn dịch giả Bùi Cảm Tú. Cảm ơn chị vì đã dịch một cuốn sách hay như này, và cảm ơn chị vì văn phong dịch của chị rất tự nhiên, rất …

Lời đầu tiên, tôi xin chân thành cảm ơn dịch giả Bùi Cảm Tú.Cảm ơn chị vì đã dịch một cuốn sách hay như này, và cảm ơn chị vì văn phong dịchcủa chị rất tự nhiên, rất lôi cuốn, rất “Việt”, nó khiến cuốn sách trở nên dễ đọcvà dễ hiểu hơn, có cảm xúc hơn những cuốn sách dịch trước đây tôi từng đọc. Vàvề phần cuốn sách, tôi phải đồng tình với Bryan Appleyard của nhật báo TheTimes, khi bỏ đi cái mác sách “kỹ năng” (self-help), thì cuốn sách này sẽ vôcùng lôi cuốn. Tôi thành thật khuyên những bạn độc giả có ý định đọc cuốn sáchnày hãy làm như vậy. Đây là cuốn sách mà tôi highlight nhiều hơn tất thảy nhữngcuốn khác. Thậm chí chỉ riêng những câu được bôi đậm thôi cũng có thể đủ để viếtthành một bài văn. Chỉ đơn giản là nó quá hay, tôi không thể nào thay thế, rútgọn hay chuyển thành lời văn của tôi mà không làm mất đi ý nghĩa hay giảm đicái “chất” của nó. Và vì đây là một cuốn sách khá dài nên trong phần này tôi sẽtạm chỉ nhận xét về 6 chương đầu tiên của cuốn sách.

6 chương đầu tiên của cuốn sách, không biết vô tình hay hữu ý, được sắp xếp theo đúng một trình tự, đi từ cái tôi, cái riêng, từ bản thân hướng ra thế giới, bao gồm: trở nên tự tin- đối tốt với bản thân- kết bạn với những người tốt đẹp- so sánh với chính mình- cách dạy con cái- điều bạn cần chuẩn bị trước khi bạn muốn “chấn chỉnh” cái thế giới bên ngoài. Mà trong số đó, từ quan điểm hạn hẹp của chính bản thân mình, tôi cho rằng, bạn và tôi, chúng ta nên đặc biệt quan tâm tới quy luật 2 và 3 mà tác giả nói tới, đó là: Đối tốt với bản thân và Kết bạn với những người tốt đẹp. Nhưng giá trị của những quy luật khác cũng không phải là thấp.

12 Quy Luật Cuộc Đời - Muốn thoát khỏi vòng xoáy hỗn loạn và trọn ...
Ảnh: Cafebiz

Tôi đã ấn tượng ngay từ phần dẫn nhập của tác giả Peterson. Tôi đã luôn hỏi một câu hỏi, “Liệu việc nhiều tôn giáo có cần thiết? Hay, nếu hợp nhất tất cả để tạo ra một tôn giáo toàn thiện và toàn vẹn thì sao?” Tôi vẫn thường suy nghĩ về những hậu quả của việc xung đột tôn giáo, những cuộc chiến tranh, cái chết, sự nổi loạn, khủng bố,… hay gần gũi hơn là xích mích vợ chồng vì tôn giáo, sự ngăn cách-một người theo đạo Thiên Chúa sẽ chỉ nên lấy người cùng tôn giáo với mình, để tình cảm của họ cho Chúa không bị phai nhạt, theo những gì tôi được nghe là vậy. Ngay cả sự cần thiết của tôn giáo, tôi đã từng nghi hoặc nó, bởi vì chẳng phải nó khiến con người yếu đuối, lệ thuộc và mỏng manh hơn sao? Theo thống kê thì những đất nước càng giàu có khi tỉ lệ dân số theo tôn giáo càng ít, vì họ phải luôn cố gắng đấu tranh cho chính bản thân mình. Nhưng thực sự câu nói của tác giả khiến tôi như bật tỉnh, “Con người sẽ dễ hiểu nhau hơn khi cùng chia sẻ một hệ thống tín niệm”. Phải, bỏ qua việc xung đột với các tôn giáo bên ngoài, thì những người cùng theo một đạo thực sự niềm nở, tin tưởng và rất chân thành với nhau. Không chỉ thế, tôn giáo cũng giống như pháp luật, nó CHẮC CHẮN giúp cuộc sống con người tốt hơn. Bởi vì “con người cần quy luật và trật tự, nếu không họ sẽ bị cuốn vào vòng xoáy hỗn loạn”. Phải, chúng ta cần tự do, cần sự phóng thích, nhưng nếu không được quản lý, chúng ta sẽ bị giam hãm trong sự hỗn loạn. Bởi vì ngay bản thân từ “Thiên Đường”, hay “paraidaeza” cũng có nghĩa là rào hoặc tường bảo vệ, một hình ảnh của sự trật tự và quy củ. Theo như tác giả nói, “trật tự cũng có thể quá giới hạn và điều này thì không hề tốt, nhưng hỗn loạn cũng có thể kéo ta xuống bùn lầy- và điều đó cũng không khả quan”, nhiệm vụ của chúng ta là đứng giữa hai bên, một chân bên trật tự, một chân bên hỗn loạn. Có lẽ không phải tự nhiên mà con người được phác họa là hình ảnh, là hiện thân của cả Chúa và Quỷ cùng lúc. Và chính quan điểm này sẽ là nền tảng của tất cả các bài học trong sách.

Tiếp đến là quy luật 1: Đứng thẳng hiên ngang- nói cách khác, tự tin. Ở quy luật 1, hay chương 1, bạn sẽ phải nhận ra một sự thật khắc nghiệt là: Những kẻ chiến thắng sẽ càng chiến thắng nhiều hơn, những kẻ giàu sẽ càng giàu và ngược lại. Và “những người nghèo khổ, sống trong căng thẳng luôn là người chết trước”. Luật Price và luật Pareto 80-20, thậm chí còn khiến mọi thứ nghe thậm chí còn tồi tệ hơn nữa. 80% tài sản trên toàn thế giới thuộc về những kẻ giàu có, và 20% còn lại thuộc về người nghèo. Một phần rất nhỏ các nhạc sĩ lại cho ra đời hầu hết mọi ấn phẩm âm nhạc thương mại… Vậy thì liên quan gì tới việc tự tin? Bạn cần phải tự tin để giành lấy những thứ thuộc về mình. Nó sẽ giống như một vòng lặp, “phần nguyên thủy trong bộ não- chuyên đánh giá mức độ thống trị- sẽ quan sát xem người khác đối xử với bạn ra sao” “dựa trên bằng chứng ấy, nó sẽ đưa ra kết luận về giá trị của bạn và ấn định cho bạn một trạng thái”, và để được như vậy, trước hết bạn cần tự tin. Nói ngắn gọn là, khi bạn tự tin, bạn sẽ có sự tôn trọng, não bộ công nhận bạn, bạn đạt được giá trị của mình và điều ấy càng làm bạn tự tin hơn. Còn nếu bạn sợ hãi, sợ hãi và tiếp tục sợ hãi, nó sẽ khiến cuộc sống của bạn xuống dốc tệ hại bởi thứ hiệu ứng quyền lực và đáng sợ được gọi là “hồi tiếp dương”. Nó sẽ khiến nỗi sợ của bạn lan rộng ra cả những điều thậm chí không liên quan hay liên quan rất ít. Tôi có một người bạn, cô ấy từng rất mạnh mẽ, rất cá tính, rất độc, rất riêng, cô ấy từng dám nói rằng “Hừ, kì quặc thì cứ nói thẳng ra là kì quặc đi, lời nói hoa mỹ thì để làm gì cơ chứ, cách suy nghĩ của tôi kì quặc thật đấy, con người tôi cũng kì quặc đấy. Sao nào, muốn tôi làm gì bây giờ? Thay đổi bản thân ư? Các người nghĩ các người quan trọng vs tôi đến mức mà tôi phải từ bỏ con người của mình sao?”, và cô ấy hiện tại…chỉ như một con tôm hùm bại trận, co rúm trong những nỗi sợ làm phật ý người khác, vô cùng đáng thương và đau khổ.

12 quy luật cuộc đời: Thần dược cho cuộc sống hiện đại | Saigon Books
Ảnh: SAIGON BOOKS

Tới chương 2, tôi thực sự bị ấn tượng, bị cuốn hút, bị hấp dẫn từ bức tranh ở đầu chương. Đó là tranh vẽ một cậu bé đang chú ý nhìn vào một bức tranh phải nói là…đáng sợ. Bức tranh cậu bé đang nhìn vẽ ba con người đang đứng lõa thể, trong đó người đàn ông gầy gò tới da bọc xương, phần mặt gầy nhìn như một cái đầu lâu, tay ông ta cầm chiếc đồng hồ cát. Hai người phụ nữ, một già một trẻ thì nhìn nhau đầy khó chịu. Dưới chân họ là một đứa bé đang cầm vào đầu của một vật sắc nhọn mà không chút e dè. Khung quanh xung quanh thì u tối và quái dị. Tôi đã ngay lập tức muốn hỏi ý nghĩa của bức tranh này là gì? Nếu bạn đọc cuốn sách, thì bạn sẽ thấy nội dung bức tranh đầu mỗi chương sẽ luôn liên kết với nội dung của chương đó, luôn luôn là vậy. Hóa ra, chúng ta, cũng như cậu bé đang nhìn bức tranh kia, đều bị cuốn hút bởi những thứ tồi tệ và xấu xí, hay chính xác hơn là ảnh hưởng tiêu cực tới chúng ta, chúng ta luôn muốn ngược đãi bản thân mình. Tại sao? Một phần là do chúng ta đã quá mù quáng hướng theo những điều răn dạy trong các tôn giáo. Chúng ta lấy hình ảnh của Chúa hay Phật, hay những người đứng đầu tôn giáo ra như một hình mẫu để hướng tới. Tác giả đã nói “cái chết kiểu mẫu của Đức Giê-su vẫn tồn tại như một ví dụ về cách chấp nhận sự hữu hạn, phản bội và bạo lực mang tính hào hùng”. Điều này khiến tôi liên tưởng tới điển tích về đức Phật, về những khổ hạnh mà ngài và những người theo ngài đều phải chịu. Phải chăng điều đó phần nào khiến ta hướng tới sự khổ cực? Vì nó là sự tự phạt, vì nó giúp ta thanh lọc cơ thể, thanh lọc những tội lỗi? Nhưng liệu đó có phải quyết định đúng đắn? “Bạn không thể tiếp tục chịu đựng việc bị chèn ép và chôn vùi quá lâu vượt quá khả năng đối phó của mình”.

Vậy chúng ta phải làm gì? Yêu thương chính mình. Quay trở lại với cô bạn mà tôi vừa đề cập ở trên, cô ấy luôn cho rằng bản thân ích kỷ, nhỏ nhen và chuyên tổn thương người khác. Vì lý đó, cô ấy chấp nhận mọi thứ tồi tệ xảy đến với mình bởi cái suy nghĩ “mình đáng bị như vậy”. Tôi cũng vậy, tôi cũng bị quá khứ tồi tệ khiến bản thân bị xiềng xích trong những suy nghĩ phải “đền tội”, phải chịu đựng hậu quả của mình, những suy nghĩ rằng “tôi không đủ tốt”, “tôi không xứng đáng”, đến mức tôi đã bị mắc chứng self-harm mức độ nhẹ, khiến tôi luôn phải kìm nén những ham muốn sử dụng những đồ vật có thể để làm thương bản thân. Nó là một cuộc chiến tồi tệ, đáng sợ và mệt mỏi! Và tôi dám chắc trong số những người đang đọc bài viết này, một trong số các bạn cũng đã, đang hoặc sẽ nghĩ như vậy. Nhưng bạn à, chúng ta xứng đáng được đối xử tốt hơn thế. Ngay cả bản tuyên ngôn độc lập cũng nói con người có quyền mưu cầu hạnh phúc cơ mà, nếu một người vì tội lỗi của mình mà không được quyền đó, vậy chẳng lẽ bạn đang biến bạn, tôi và tất cả mọi người trở thành một thứ gì đó không phải người? (Về bản chất thì tất cả chúng ta đều đã mắc tội dù nặng hay nhẹ). Ngay cả trong kinh thánh cũng nói, “Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng, Đức Giê-hô-va phán vậy”. Liệu đó có đơn thuần là một lời cảnh cáo rằng “Cẩn thận đấy vì ta sẽ trừng phạt ngươi”? Liệu việc bạn tự trừng phạt bản thân trước thì sẽ được giảm nhẹ hơn so với người khác khi mà chính việc bạn làm khổ bản thân khiến cho những người yêu thương bạn đau khổ theo, và nó khiến bạn càng thêm tội lỗi?  Đâu phải tự nhiên mà tự tử lại là tội lớn nhất trong Phật giáo?

12 Quy Luật Cuộc Đời - Muốn thoát khỏi vòng xoáy hỗn loạn và trọn đời an yên nhất định bạn phải đọc!

Còn một lý do thứ hai mà mọi người vẫn chịu đựng không hay xảy đến với mình, đó là để có được điều tốt đẹp hơn? Chúng ta nín nhịn người bạn trai bảo thủ và hay ghen để mối quan hệ êm đẹp và được duy trì. Chúng ta kiềm lòng khi bị bố mẹ trút lên tức giận lên đầu vì cãi lại sẽ khiến gia đình đổ vỡ, xích mích. Chúng ta nhẫn nhịn một người bạn độc hại để không làm hỏng mối quan hệ của hai người. Chúng ta nhẫn nhịn sự vô lý của giáo viên hay cấp trên vì nếu chống lại sẽ ảnh hưởng tương lai của chúng ta sau này, điểm số, tiền lương, sự thăng tiến. Phải, tôi đồng ý nhẫn không phải là xấu, người biết nhẫn là người mạnh mẽ, đủ để kiềm chế cảm xúc tiêu cực trong người. Nhưng nếu lật ngược lại vấn đề thì sao? Nếu một người nhẫn nhịn vì sợ, vì không vượt qua được những cảm xúc tiêu cực đó, vì họ quá yếu đuối tới mức không dám đứng lên đòi lấy hạnh phúc cho mình? Nhưng “việc hiến thân ta…để đổi lấy điều tốt đẹp…không có nghĩa là phải nín nhịn và sẵn sàng chịu đựng khi có ai hay tổ chức nào liên tục đòi hỏi thêm ở mình nhiều hơn những gì họ có thể mang lại cho bạn”– một câu thực sự đắt giá. Sẽ ra sao nếu bạn càng nhún nhường, người bạn trai của bạn càng kiểm soát, càng ghen nhiều hơn? Anh ta có thể nghĩ tại sao cô ta có thể chấp nhận điều đó chứ, hẳn là điều anh ta nghi ngờ là sự thật. Sẽ ra sao nếu bậc phụ huynh càng ngày càng trút giận lên bạn nhiều vì điều đó quá ư là đơn giản? Vì bạn chẳng chống đối gì cả! Như tác giả đã viết, “Nếu tôi là bạn bè, thành viên trong gia đình hoặc là tình nhân của một người nào đó, thì về phương diện đạo đức, tôi phải có nghĩa vụ mặc cả cứng rắn nhân danh chính bản thân mình”. “Nếu không như thế”, tác giả viết, “tôi sẽ biến thành một nô lệ, còn người kia là một bao chúa. Điều đó có gì tốt?” Bởi vì lý do đó, tôi luôn muốn cô bạn gái đã nói ở trên thể hiện sự tức giận của mình với tôi. Bởi vì lúc đó tôi có thể hiểu cô ấy rõ nhất, thấy cô ấy rõ nhất, rằng giới hạn của cô ấy là đâu, điều gì khiến cô ấy buồn bực… và rõ ràng điều đó sẽ khiến một mối quan hệ bền vững hơn là việc hai người cứ cố gắng nhường nhịn lẫn nhau. “Hãy tham vấn sự oán giận bên trong mình”, một câu được trích từ chương sau đó nhưng tôi thấy rất phù hợp để đặt vào đây. Bộ ba xấu xa: kiêu căng, lừa dối, và oán giận là thứ gây tổn hại rất lớn. Nhưng việc kìm nén nó thay vì thay đổi thì còn tồi tệ hơn.

Và việc yêu thương, công nhận bản thân có quyền mưu cầu hạnhphúc mới là bước đi đầu tiên. Song, chúng ta còn một trở ngại lớn hơn cả, nỗi sợ,hay nói cách khác, sự hỗn loạn. Thực sự đó, nó không dễ gì cả. Ngay cả tôi cũngchưa thể hoàn toàn vượt qua nỗi sợ tiến vào vùng hỗn loạn của mình. Con ngườichúng ta luôn muốn ở trong vùng trật tự, nơi mọi thứ rõ ràng và minh bạch, nơimà bạn biết trước kết quả giống như khi tính 1+1 hẳn sẽ phải bằng 2, rất nhanh,rất đơn giản và không có nghi ngờ gì nữa. Nhưng… vấn đề là, chúng ta phải bướcra khỏi Safe Zone, bước vào nơi hỗn mang bất định kia để đạt được thứ hạnh phúcmình muốn. Đó chính là lý do các nhà khoa học, những nhà cải cách, nghệ thuậtgia,… những người đổi mới đều đem đến thành tựu to lớn, vì họ dám mạo hiểm. Tôihiểu cảm giác e sợ của bạn. Tôi cũng vẫn đang rất sợ đây. “Những điều tôi khôngbiết, nó có thể tạo ra vô vàn khả năng có thể xảy ra, không, tôi nhất quyết sẽkhông thử đâu, nếu nó tệ hơn thì sao?” Nỗi sợ đó là hiển nhiên, là thứ giúploài người chúng ta sinh tồn và tiến hóa, “nếu mày thấy cái gì đó lạ, tránh xanó ra!”. Một trong số những người tôi từng tư vấn, rất muốn thay đổi! Rất nhiềulần hỏi tôi rằng bản thân phải thay đổi những gì, cần cải thiện điều gì. Nhưngđến khi tôi nói ra thì họ lại sợ phải thay đổi. Vì biết đâu thay đổi sẽ khiến mọithứ tệ hơn. Vì lý đó, họ chấp nhận mọi thứ “tệ như hiện tại”, vì cơ bản là nhữngđiều ấy “vẫn trong giới hạn”, hay “vẫn chịu đựng được”. Phải chăng bạn cũng vậy?Nhưng bạn à, điều mà bạn đúng ra nên làm, là “xét xem điều gì thực sự tốt cho bảnthân”, nó không phải những gì bạn muốn, không phải “tôi muốn như hiện tại”,không phải điều gì khiến bạn hạnh phúc. Vì hạnh phúc có thể hấp dẫn đó, ngọtngào đó, nhưng “hạnh phúc chưa bao giờ đồng nghĩa với tốt đẹp”. Bởi, theo tácgiả ví von, sẽ luôn có một mụ phù thủy xấu xa chờ đợi trong ngôi nhà bánh kẹongọt ngào. Bạn cần phải suy xét về tương lai để chọn lấy con đường đúng đắn nhất.

Và khi bạn đã chuẩn bị tâm lý để sống tốt hơn, thì bạn không thể làm thế nếu xung quanh bạn toàn những người ảnh hưởng xấu tới bạn. Điều đó dẫn chúng ta đến với bài học thứ 3, Kết bạn với những ai mong muốn điều tốt đẹp nhất cho bạn. Phải, chính xác đó là điều tiếp theo chúng ta phải làm. Bởi, từ trước đến nay, khi chúng ta tìm cách tự ngược bản thân, chúng ta đã vô thức tạo nên mối quan hệ với rất nhiều người độc hại với mình. Tôi không hề có ý nói những người đó là xấu, họ cũng giống bạn và tôi, đều có những vấn đề riêng tạo nên họ như hiện tại. Tôi chỉ muốn nói họ độc hại VỚI BẠN. Có thể họ cũng muốn những điều tốt cho bạn, nhưng đó là dựa trên quan điểm của họ. Những điều tốt ở đây phải từ định nghĩa của bạn. Nếu vì những mối quan hệ đó mà bạn không được sống là chính mình, vì những người xung quanh ấy mà bạn phải kìm nén những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, vì những mối quan hệ của mình mà bạn phải sống giả với những Persona, hay những chiếc mặt nạ. Nếu là vậy thì không đáng chút nào. Có thể bạn sẽ ngần ngại, những người bên cạnh bạn bao lâu vậy rồi, chịu đựng bạn bao nhiêu rồi, liệu những mối quan hệ mới có thể như vậy? Liệu những người mới sẽ đối xử với bạn tốt hơn? Liệu bạn có tìm được người muốn điều tốt với bạn? Nhưng giống như lời khuyên ở trên, bạn cần chấp nhận rùi ro bởi “bên trong sự hỗn loạn là những tiềm năng khả dĩ mới. Mọi người, bao gồm cả bạn, không thể vùi mình trong những quan niệm cũ kĩ.”

Giải thích sâu hơn ý muốn tự ngược khiến cho mỗi cá nhân chọn các mối quan hệ độc hại, tác giả đã hỏi “Tại sao cậu ta (Ed, một người mà ấn tượng của tác giả là thông minh và sáng láng) – giống như em họ mình và những người bạn khác của tôi- cứ liên tục chọn ở bên những người và những nơi chẳng mấy tốt đẹp?”. Để rồi ông kết luận, “Đôi lúc, khi người ta có nhận định thấp kém về giá trị của chính họ, hay có lẽ khi họ từ chối nhận trách nhiệm về cuộc sống của mình – họ sẽ chọn một người bạn mới và chính xác là kiểu người gây rắc rối trong quá khứ”, có lẽ đây là lý do nhiều người thường chọn mẫu bạn trai/bạn gái giống với hình ảnh tồi tệ của người cha/người mẹ trong quá khứ. Liệu rằng đây là, tác giả viết, “Từ chối học hỏi? Hay là có động cơ từ chối học hỏi?”

Còn một lý do nữa khiến chúng ta chọn những mối quan hệ độc hại, không ít thì nhiều cũng liên quan tới cảm giác tự hại ở trên, đó là vì việc đó khiến chúng ta trở nên vượt trội, thánh thiện hơn. Bởi vì chúng ta thấy bản thân đáng tội nên mới chịu khổ, và khi ở cạnh những người tồi tệ, khi ta chịu đựng họ, có nghĩa là phẩm giá của ta được tăng lên? Vì ta đã khoan dung cho họ? Đã đối tốt ngay và với kẻ tồi tệ? Không! “Khi sự thật thà ngây thơ không chỉ duy nhất, thì sự cố gắng cứu giúp ai đó thường được tiếp thêm bởi tính tự phụ và ái kỷ”. TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU VẬY! Chúng ta luôn cho rằng bản thân cần giải quyết rắc rối của ai đó, THEO CÁCH CỦA MÌNH. Cả bạn và tôi, chúng ta đều sai, sai nghiêm trọng. Chúng ta chỉ đơn giản là đang giúp họ để khiến cảm thấy bản thân mình tốt đẹp hơn mà thôi. Tôi thấy rõ hình ảnh của bản thân khi đọc đến đoạn này. Tôi đã luôn tìm người để tư vấn tâm lý, tại sao lại vậy? Vì trước đây khi được nhờ tư vấn, tôi cảm thấy tự tin hơn về mình. Đến cả giáo viên, người lớn tuổi hơn hay những người xa lạ quen trên mạng cũng nhờ tôi tư vấn cơ mà, điều đó không chứng minh rằng tôi đáng tin và tốt đẹp sao? Thật là một suy nghĩ sai lầm. Không có gì sai khi bạn muốn làm những thứ giúp mình tự tin hơn, nhưng nó sẽ sai khi điều đó khiến tình trạng tinh thần và tâm lý của bạn tệ hơn, thậm chí là cả thể chất nữa!

“Trước khi giúp đỡ ai đó, bạn nên khám phá lý do người đó gặp rắc rối. Bạn không nên đơn thuần cho rằng họ là nạn nhân đáng thương của các tình huống bất công và bị lợi dụng”. Thực sự đọc đến đây tôi đứng hình, gần như bỏ rơi cuốn sách, vì nó quá đúng với tôi. Tôi đã luôn cho rằng một ai đó cần phải sửa những điều gì, cho dù tôi còn chưa tìm hiểu tại sao họ lại như vậy. Tôi đã tin rằng câu chuyện khủng khiếp cứ tự nó xảy ra, và người tôi tư vấn chỉ đơn giản là nạn nhân cho điều đó, họ không hề có tội gì cả, tôi thậm chí còn bao che cho họ, nói rằng vì họ đã bị như này như nọ nên mới thành ra như hiện nay. Nhưng điều đó có nghĩa là tôi đang vô tình “chối bỏ mọi điều ở người ấy trong quá khứ”, đồng nghĩa với việc tôi đã “tước hết mọi sức mạnh nơi họ”. Tôi đã không hiểu rằng “nối thống khổ là thứ vũ khí mà bạn huơ lên” trước sự tiến bộ của người khác, để chứng minh sự bất công của thế giới này và từ chối tội lỗi của mình. Phải, bạn thể hiện và sống với sự thống khổ không có nghĩa là bạn đang đền tội hay đối mặt với nó, thực ra, ngược lại, bạn đang trốn tránh nó. Nếu bạn đã đọc tới đây, tôi mong bạn hay thay đổi suy nghĩ ấy, cái suy nghĩ tự dằn vặt bản thân.

Người thành công thấu suốt '12 Quy Luật Cuộc Đời': Đứng thẳng hiên ...

Thực sự thì chương 3 rất đáng để đọc với những người tư vấn, bất kể lĩnh vực nào. Tôi đã học được rất nhiều từ quan điểm của tác giả, đặc biệt là khi muốn giúp ai đó, “chí ít tôi nên đợi đến khi biết chính xác rằng bạn muốn được giúp đỡ trước khi tôi giúp bạn”. Một thời gian trước, tôi đã cố gắng giúp đỡ một cô gái vì cho rằng tình trạng của cô ấy đang rất nghiêm trọng. Nhưng kết quả thì, bởi vì sự nông nổi chưa tìm hiểu trước, bởi vì sự chủ quan và kiêu ngạo, tôi đã làm mọi thứ rối tung lên, và điều đó thực sự khiến tôi áy náy. Và vì vậy, tôi đã tự nhắc bản thân từ đó, giống như Peterson viết, “không thể bắt đầu một mối quan hệ trị liệu nếu người kiếm tìm sự trợ giúp không muốn khá lên”. Có thể bạn cũng giống tôi, bạn cũng đang trong một mối quan hệ không lành mạnh nhưng không thể từ bỏ, có lẽ vì bạn không đủ mạnh mẽ và quyết đoán để rời bỏ. Có lẽ bạn đã nhận ra điều đó nhưng không muốn chấp nhận nó. Vì vậy, cả tôi và bạn, đều cố gắng tiếp tục giúp đỡ đối phương và tự an ủi bản thân trong sự giày vò vô nghĩa.

Tiếp tục ở chương 4,5,6 là những cách để bạn bắt đầu cải thiện từ bản thân cho tới xã hội. Ở chương bốn, tác giả muốn nhắc nhở bạn rằng, bạn nên so sánh với chính bản thân mình của ngày hôm qua chứ không phải ai khác. Bởi, “bất kể bạn tài giỏi đến đâu trong một lĩnh vực, bất kể thứ bậc về thành tựu của bạn thế nào, sẽ luôn có ai đó khiến bạn cảm thấy mình kém cỏi”. Và tôi đã đề cập ở trên, về cái vòng lặp giữa việc bộ não đánh giá bạn và giá trị bạn tạo ra, nếu bạn cứ cảm thấy mình kém cỏi thì bạn sẽ trở nên kém cỏi! Thực sự vậy. Lời tiên tri tự ứng nhiệm hay tự kỷ ám thị không phải là một lời đe dọa chơi, nó có thật! Bởi lẽ đó mà “ảo tưởng tích cực” là điều mà các nhà tâm lý học xã hội tin tưởng để có một tâm trí và cuộc sống khỏe mạnh. Nếu bạn muốn sống một cuộc sống có “ý nghĩa” thì hãy so sánh với chính mình hôm qua, vì “bản thân cụm từ “ý nghĩa” đã đòi hỏi sự khác biệt giữa tốt lên và tệ đi”, nó không hề bao hàm “tốt hơn” hay “kém hơn”, và bởi vì “trưởng thành mới là hình thái chiến thắng quan trọng nhất”. Việc cứ so sánh với người khác có thể khiến bạn “sợ hãi và giả vờ có đạo đức”, vì bạn phải làm vậy mới được họ công nhận, phải làm vậy mới bằng họ. Tôi xin nhấn mạnh: Bạn không cần làm vậy! Làm ơn, hãy ngưng cái suy nghĩ ấu trĩ và độc hại ấy ngay lúc này. “Bạn kiên nhẫn chịu đựng, hoặc giả vờ thích thú bổn phận và nghĩa vụ là vì điều gì?” Hãy lấy bản thân làm mốc, hãy tham vấn từ chính bản thân, hãy phát triển so với bản thân ngày hôm qua chứ không phải bất cứ ai ngày hôm nay! “Có thể những thứ bạn thật sự cần đang ở ngay trước mắt, nhưng bạn không thể nhìn thấy chúng bởi đang mải nhắm đến những thứ khác”. Hãy hỏi bản thân, “Điều gì khiến mình phiền lòng?”, “Có điều gì mà mình khắc phục được?”, và “Mình có sẵn sàng khắc phục nó không?”, nếu bạn trả lời “không” cho bất cứ câu hỏi nào trong số trên, thì hãy thay đổi mục tiêu, một mục tiêu tạm thời khác hoặc tiêu chí thấp hơn. Hãy tìm xem điều gì bạn cần để được động viên và thực hiện công việc bạn đang làm.

Bài học thứ 5 là về cách dạy dỗ những đứa con của mình, tôi chưa có trải nghiệm trong việc này nên không thể bình luận sâu, có thể sau này tôi sẽ có một quan điểm khác về dạy con cũng không biết chừng, có thể mềm mỏng hơn, có thể nghiêm khắc hơn. Nhưng điều mà bạn cần nhớ rằng là trẻ em có thể làm bất cứ điều gì kể cả nguy hiểm hay độc hại để thu hút sự chú ý, mang lại quyền lực hoặc bảo vệ chúng tránh phải thử bất kỳ điều gì mới mẻ. Và nếu ngay cả bạn còn không thể yêu thương con mình, tức giận với chúng thì xã hội ngoài kia sẽ còn đối xử tệ như nào với chúng sau này nữa? Hãy chấp nhận rằng, “Giống như cảm xúc tích cực, các cảm xúc tiêu cực cũng giúp chúng ta học hỏi. Chúng ta cần phải học hỏi vì chúng ta khờ dại và rất dễ sa ngã”.

Bài học thứ 6 thì được viết ngắn hơn những bài học trên, bởi vì cơ bản nó là một điều rất chung, một điều mà khi áp dụng với mỗi người cần phải được xử lý và áp dụng một cách khác nhau, đó là “Hãy tự chỉnh sửa bản thân trước khi bạn muốn chỉnh sửa thế giới”. Anh trai tôi vẫn luôn nói với tôi một điều, lặp đi lặp lại, “Tại sao quá khứ và hoàn cảnh của một người lại có thể là lời lý giải cho hành động sai trái của người đó cơ chứ? Một sự bao biện ngu ngốc, yếu ớt và vô dụng!” Tôi biết là lời lẽ của ổng rất khó nghe, thực sự tôi nhiều lúc cũng không thể nuốt nổi những lời khuyên đay nghiến đó nhưng nó rất đúng. Cô chủ nhiệm cấp 3 của tôi từng nói, chính cách dạy của các phụ huynh đã tạo nên tâm lý như vậy. Phụ huynh luôn hỏi đứa trẻ tại sao nó lại làm như vậy, lâu dần đã tạo ra một tâm lý đổ lỗi cho đứa nhỏ, thay vì tìm cách giải quyết, đứa trẻ tìm lý do và đổ hết trách nhiệm cho điều đó. (Điều này khiến ta một lần nữa nên quay lại chương 5 để đọc và ngấm về cách dạy con để rút ra bài học cho mình cũng như đối chiếu với cách bố mẹ dạy dỗ chúng ta khi xưa). Và trong chuyện này, không chỉ phụ huynh, mà cả đứa nhỏ cũng có trách nhiệm. Nó có thể chọn cách sửa chữa thay vì trả lời câu hỏi đó. Đúng vậy! Khi một sự việc không tốt xảy ra, hãy nhìn nhận nó như một phần trách nhiệm của chính chúng ta thay vì cố gắng than trách số phận như Chí Phèo. Nếu bạn đang có một tâm lý Chí Phèo, hãy thay đổi, một chút một thôi mỗi ngày, hãy tìm cách sửa thay vì tìm lý do, nhé!

Review bởi Master Mind – A Crazy Mind team

Bạn là bên xuất bản và phát hành sách thể loại tâm lý? Bạn muốn giới thiệu những đầu sách đó đến đông đảo độc giả – những người có niềm đam mê tìm hiểu kiến thức tâm lý? Vậy thì mời bạn tham khảo hợp tác truyền thông sách qua link nhé: https://acrazymind.vn/hop-tac-review-sach-cung-a-crazy-mind/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan