[Review Sách] Dạy Con Trong Hoang Mang – Giải Pháp Dạy Trẻ Trong Thời Đại Mới

Đây là một cuốn sách không nên đọc một lần. Một cuốn sách mà không chỉ bất cứ phụ huynh Việt Nam nào cũng phải có, mà những người trẻ nào cũng phải cần. Vì sao ư? Vì nó giúp …

Đây là một cuốn sách không nên đọc một lần. Một cuốn sách mà không chỉ bất cứ phụ huynh Việt Nam nào cũng phải có, mà những người trẻ nào cũng phải cần.

Vì sao ư? Vì nó giúp chúng ta thay đổi hệ thống những quan niệm cố hữu tưởng chừng như rất hợp lý nhưng lại là những áp lực vô hình đè nén lên những đứa con thơ của mình: “Thời xưa ba thèm là bác sĩ nên nay con phải đi học bác sĩ”, “Mẹ sợ nghèo đói nên con đừng bao giờ trở thành nghệ sĩ”, hay “Ba là nông dân cho nên con phải là luật sư để gia đình nở mày nở mặt”.

Xuyên suốt cuốn sách là một hành trình với những câu chuyện tưởng cũ mà mới, tưởng lý thuyết trừu tượng từ những nghiên cứu khô khan nhưng lại được dẫn dắt với văn phong mềm mại rất sát với văn hóa người Việt. Thật may mắn cho tôi khi được đọc cuốn sách này một cách thật tròn vẹn, và viết lại cảm nhận của bản thân sau một hành trình “khám phá” những kiến thức vừa có chiều sâu vừa đủ độ rộng của tác giả – TS. Lê Nguyên Phương (Tiến sĩ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại University of Southern California. Xem thông tin chi tiết về tác giả tại: http://www.anbooks.vn/tac-gia/ts-le-nguyen-phuong/ ). Cả bộ sách “Dạy con trong hoang mang” bao gồm 02 cuốn. Trong bài viết này, tôi sẽ review về cuốn đầu tiên trước. Dưới đây là những quan điểm chính mà bản thân tôi rút ra được sau khi đọc xong cuốn sách này bằng góc nhìn khách quan nhất, để bạn đọc có thể nắm được những nội dung chính được khai thác trong cuốn sách.

TS. Lê Nguyên Phương (nguồn ảnh: thanhnien.vn)

1. Khuynh hướng giáo dục trong thời đại mới

Xã hội ngày càng phát triển, vì vậy con người luôn phải cố gắng trau dồi kiến thức, cập nhật những cách thức sống phù hợp để đạt được sự thỏa mãn trong cuộc sống cũng như đạt được bình an trong tâm hồn. Hãy thử tưởng tượng, việc chúng ta dễ dàng buồn chán và thất vọng trong thời đại này như thế nào, thì đối với trẻ em – chưa có nhiều trải nghiệm trong xã hội cũng sẽ phải đối mặt như nào khi chúng gặp những vấn đề mới và rắc rối mới, những điều hầu như diễn ra liên tục trong suốt quãng tuổi thơ của trẻ? Phải chăng, cha mẹ đang đặt quá nhiều kỳ vọng vào con trẻ trong khi bản thân họ cũng đang gặp quá nhiều bế tắc với chính mình?

Việc phụ thuộc vào những người thân như cha, mẹ, thầy, cô, anh, chị… đến các hệ thống như trường học, xã hội là một quãng đường dài mà ở đó, trẻ được dạy dỗ một cách phù hợp và đúng đắn. Những nghiên cứu, học thuyết được tác giả đưa ra như những bằng chứng để chứng minh tính “phù hợp” và “đúng đắn” đó là như thế nào. Từ việc hướng dẫn trẻ nên sử dụng các thiết bị máy móc thế nào, đối xử giữa người với người ra sao, đến việc phải làm thế nào để trẻ có thể vượt qua khó khăn trong khả năng của chúng. Từ vai trò “làm gương” của cha mẹ trong việc giải quyết mâu thuẫn ở cuộc sống ảnh hưởng thế nào lên cách trẻ đối mặt với những thách thức, đến việc họ phải ứng xử ra sao khi phát hiện con mình không-giống-những-người-bình-thường-khác (đồng tính; khiếm khuyết về thể xác, tinh thần; bị phân biệt màu da, sắc tộc…). Từ việc xây dựng tình yêu thương giữa trẻ và cha mẹ, trẻ và những người xung quanh (bạn bè, anh chị em, thầy cô, người cao tuổi…) đến việc giáo dục trẻ những đức hạnh cần có của một con người thực thụ như lòng can đảm, tính trung thực, lương thiện, lòng vị tha…

Tất cả đều được trình bày trong cuốn sách cùng những dẫn chứng xác thực từ các nghiên cứu, thực nghiệm, khảo sát… mà tác giả đã rất tâm huyết đưa ra. Thật hiếm có những cuốn sách mang tính khoa học (không phải sách dịch) mà lại phù hợp với văn hóa người Việt đến thế.

Dạy con trong hoang mang - TS. Lê Nguyên Phương – An Nhàn's House

Ảnh: An Nhàn ‘s House

2. Hầu hết cha mẹ chỉ “phản ứng” với con, chưa phải là “dạy dỗ” con

Điểm sáng nhất của cuốn sách này nằm ở chỗ nó phù hợp với hóa người Việt Nam. Chúng ta có thể đã từng đọc rất nhiều nghiên cứu, cuốn sách được dịch về cách nuôi dạy trẻ ở nước ngoài, nên dường như chúng ta rất khó có sự đồng điệu về mặt cảm xúc. Nói cách khác, chúng ta sẽ khó áp dụng hơn những phương pháp được thực hành ở một văn hóa khác vào tập quán của mình. Chính vì sự khác biệt đó, nó khiến các bậc cha mẹ khá lúng túng trong việc đem lại tình yêu thương một cách phù hợp đến với con trẻ. Sự lúng túng này thực chất đến từ chính bản thân cha mẹ. Và cha mẹ, thì nên bắt đầu từ đâu, trên con đường nuôi dưỡng một tâm hồn non trẻ?

Từ việc chuyển hóa chính mình. Bằng cách chấp nhận những sai lầm xảy ra trong cuộc sống, ai cũng có khả năng mắc phải lỗi lầm, quan trọng là cách đối mặt với những khó khăn đó và con trẻ nên được chấp nhận, giải thích những lỗi sai do mình gây ra. Chấp nhận hoàn toàn rằng trẻ em cũng là một các thể độc lập, chúng không sinh ra để tiếp tục thực hiện những mong ước chưa được toại nguyện bởi cha mẹ, không phải để trở thành ai đó để bố mẹ hãnh diện, chúng cũng hoàn toàn không phải một cục đất sét do cha mẹ nhào nặn nên. Chấp nhận rằng trẻ xứng đáng được yêu thương vô điều kiện, trẻ xứng đáng được tha thứ sau những vấp ngã khi chúng chưa ý thức được hậu quả mà chúng gây ra.

Đó cũng là điều quan trọng và phù hợp nhất mà chính bản mỗi cha mẹ đều có thể sửa đổi: chấp nhận chính bản thân mình như thể trẻ cũng cần được cha mẹ đối xử như thế!

Ví dụ như trẻ em có xu hướng bạo lực sau khi xem phim bạo lực quá nhiều, cha mẹ hãy tự đặt câu hỏi cho mình Liệu rằng mình có quá chủ quan không khi cho con xem (hoặc không để mắt tới) những phim bạo lực quá sớm? Mình nên thay đổi hành vi của con bằng cách nào? Nếu mình là con mình sẽ cảm thấy ra sao khi mình cấm nó?… Đó là cách cha mẹ nên làm trước khi có những mong muốn “uốn nắn” con mình.

Dạy con trong hoang mang" | Lao Động Online | LAODONG.VN - Tin tức ...

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương chia sẻ: “Chúng ta nuôi con cái, dạy dỗ học sinh bằng tư duy, bộ óc của chúng ta[…] Khi con cái vui buồn, hỗn láo, ngoan ngoãn, chúng ta phản ứng trong sự không tỉnh thức, phản ứng chứ không giải quyêt. Như vậy, điều quan trọng nhất để có thế hệ mới được hạnh phúc, thành công là phải bắt đầu từ mỗi thầy cô, cha mẹ phải nuôi nấng và dạy dỗ chúng trong sự tỉnh thức”.

3. Lớn lên với môi trường giáo dục không như mong muốn, người trẻ nên làm gì để cải thiện bản thân để nâng cao nhận thức, thay đổi cuộc đời?

Sẽ không ngạc nhiên lắm khi cha mẹ chúng ta cũng có những hành vi, lối ứng xử chưa hề “đúng đắn” trong suốt quãng thời thơ ấu của ta. Và cho đến bây giờ, không ít bạn trẻ bị ám ảnh với “cách nuôi dạy con” của cha mẹ mình. Như nữ nhà văn Agatha Christie nói:

Một trong những điều may mắn nhất có thể xảy ra trong cuộc đời bạn là có tuổi thơ hạnh phúc.

Còn ngược lại thì sao? Tôi không nghĩ sẽ hoàn toàn kém may mắn khi không có một tuổi thơ hạnh phúc, nhưng sẽ quả là kém may mắn với những người không tìm được lối thoát cho chính bản thân mình. Tuổi thơ không hạnh phúc có thể dẫn đến nhiều bi kịch, bởi các phức cảm tiêu cực được hình thành từ thời thơ ấu (thường do chính cha mẹ) gây nên ảnh hưởng không nhỏ lên con cái. Cho đến khi chúng lớn lên, kể cả với những người đã trưởng thành, những xúc cảm tiêu cực ấy vẫn tiếp tục ảnh hưởng lên cuộc sống của họ.

Ấy là khi chúng ta nhìn thấy một người đàn ông luôn chững chạc, ôn hòa nhưng vì không kiểm soát được mình nên đã dùng bạo lực để giải quyết mẫu thuẫn với con nhỏ trong khi nó không đáng bị vậy, ấy là khi người mẹ đổ lỗi việc cô ta làm cháy nồi thịt kho lên đầu đứa con gái 2 tuổi của mình bởi vì ngày bé cô cũng bị mẹ đối xử như vậy…

Không khó để nhìn thấy những trường hợp như thế trong cuộc sống này. Cũng không quá khó để thay đổi bản thân nếu người trẻ biết cách chữa lành cho bản thân. Việc chúng ta có thể làm duy nhất đó là nâng cao nhận thức để thay đổi cảm xúc, hành vi ngày một phù hợp hơn, nhân văn hơn trong cuộc sống của mình. Khi bạn thay đổi, cuộc sống của bạn cũng sẽ thay đổi theo. Hãy đọc sách khi bạn còn trẻ, bởi sau này bạn sẽ rất biết ơn bản thân mình đấy!

Trên đây là cảm nhận của tôi sau khi đọc xong cuốn sách, có lẽ, tôi sẽ đọc lại vào một dịp nào đó trong tương. Nhất định. Bởi như tiêu đề đã viết: Đây là một cuốn sách không nên đọc một lần. Một cuốn sách mà không chỉ bất cứ phụ huynh Việt Nam nào cũng phải có, mà những người trẻ nào cũng phải cần.

Review bởi: Yến Nhi – Founder A Crazy Mind

———————-

Bạn là bên xuất bản và phát hành sách thể loại tâm lý? Bạn muốn giới thiệu những đầu sách đó đến đông đảo độc giả – những người có niềm đam mê tìm hiểu kiến thức tâm lý? Vậy thì mời bạn tham khảo hợp tác truyền thông sách qua link nhé: https://acrazymind.vn/hop-tac-review-sach-cung-a-crazy-mind/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan