[Review sách] Mặc Kệ Thiên Hạ - Sống Như Người Nhật: Phương Pháp Diệt Trừ "Mầm Mống" Lo Âu

"Xúc cảm của bản thân luôn là điều trân quý và đáng giá hơn tất cả những lời phán xét và ánh nhìn của người khác."

Chúng ta – những người trẻ đang lớn – chập chững bước vào đời trong nỗi hốt hoảng, lo âu. Khi ta hãy còn chênh vênh, lạc lối, cuộc đời như một vòng xoáy vô tận kéo con người ta vào trong vũng lầy của hiện thực. Đời vốn chẳng hề bao dung, nó sẽ chẳng bao giờ đợi ai đủ “lớn”. Cứ thế chúng ta dần mất đi điểm tựa, ta chơ vơ, lạc lõng trong chính tâm hồn mình. Đó cũng là khi con người ta dễ dàng mắc phải những sai lầm khiến ta cứ mãi quẩn quanh trong vòng lặp của cảm xúc mà chẳng thể tìm ra lối thoát. Vậy hãy để “Mặc kệ thiên hạ - Sống như người Nhật” trở thành “cuốn hộ chiếu vào đời” đi cùng chúng ta qua những tháng ngày chênh chao ấy.


Cuốn sách như một tấm gương phản chiếu hiện thực, nơi ta có thể tìm thấy chính bản thân mình trong đó. Tác giả chỉ ra những suy nghĩ sai lầm của con người khiến ta cứ mãi chìm trong phiền muộn và đau khổ: mưu cầu sự “xoa dịu” và sống theo “quan điểm của người khác”. Để rồi từ đó, tác giả dẫn lối người đọc mở ra một lối thoát: diệt trừ tận gốc “mầm mống” lo âu bằng phương pháp “từ bỏ”.


“Quan điểm của người khác sẽ chỉ mang tới cho bạn sự băn khoăn, phiền muộn và ngày càng dồn ép bạn.

 

Quan điểm của bản thân sẽ giúp bạn tự tin, thoải mái hơn và cổ vũ bạn bước tiếp.”


Cuốn sách dành cho những người trẻ đang lo lắng, sợ hãi bởi cái nhìn hay những lời phán xét của người khác, dành cho những ai khao khát được sống là chính mình. Hãy để “Mặc kệ thiên hạ - Sống như người Nhật” giúp bạn nhận ra sai lầm của bản thân, tìm ra cho mình một lối đi đúng đắn và hướng tới những mục tiêu, ước mơ của đời mình.


Qua 4 chương sách, tác giả dẫn dắt người đọc kiếm tìm nguyên căn của những lo âu, phiền muộn và gửi gắm những lời khuyên, thói quen hữu ích giúp chúng ta vượt qua cơn khủng hoảng ấy.


Chương 1: Kiếm tìm sự xoa dịu chỉ khiến bạn càng thêm tổn thương


Trong cuộc sống bộn bề lo âu như hiện nay, chúng ta thường có xu hướng kiếm tìm một nơi để dựa dẫm, kiếm tìm một nguồn an ủi. Ta khao khát được vỗ về, được chữa lành những tổn thương phải chịu đựng. Nhưng chính điều đó lại càng khiến cho chúng ta thêm mệt mỏi. Tác giả đã chỉ ra rằng việc tìm kiếm sự “xoa dịu” chỉ giúp con người ta tạm quên đi nỗi phiền muộn, tạm quên đi những vấn đề bản thân phải giải quyết. Để rồi sau đó, khi ta lại một lần nữa phải đối mặt với những khó khăn vẫn còn chồng chất ấy, con người ta lại càng chìm sâu hơn vào bế tắc. Tất cả như một vòng luẩn quẩn mà muốn thoát ra đòi hỏi chúng ta phải tự đối mặt với vấn đề của bản thân, phải nhận ra sai lầm của chính mình.


“Hãy nhớ rằng, càng cảm thấy khổ sở, bạn càng không được tìm đến sự “xoa dịu”. Nếu vấn đề của bản thân chẳng thể giải quyết được, bạn sẽ chìm sâu vào đau khổ, và thậm chí con đường đầy chông gai phía trước sẽ còn gập ghềnh trắc trở hơn nhiều so với hiện tại”


Cuốn sách như một lời cảnh tỉnh người đọc đừng mưu cầu sự an ủi từ người khác, đừng hi vọng ai đó có thể thay chúng ta giải quyết vấn đề của chính mình. Và việc đầu tiên ta cần làm trên con đường thay đổi lối sống của bản thân là thừa nhận rằng chúng ta đang sống theo quan điểm của người khác.


“Nếu bạn không thay đổi bản thân, muộn phiền vẫn sẽ đeo bám bạn.”


Chỉ khi chúng ta tự nhận thức được sai lầm của chính mình, ta mới có hi vọng thay đổi được nó.


(CHƯƠNG 1. 9 - "HÃY NHẬN RA RẰNG BẠN ĐANG SỐNG THEO QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC")


Chương 2: Vượt qua cảm giác bất lực

 

Phần tiếp theo của cuốn sách cho ta cái nhìn chân thực nhất về những khó khăn mà chúng ta luôn gặp phải:


1. Cảm giác bất lực liên quan đến năng lực.


2. Cảm giác vô năng khi không thể kiểm soát được sự việc.


3. Cảm giác trống rỗng không ai có thể hiểu được.


Tác giả giúp người đọc nhận ra rằng chỉ khi ta nắm bắt được bản chất của cảm giác bất lực, nắm bắt được nỗi lo âu, phiền muộn trong lòng, chúng ta mới có thể thấu hiểu tâm hồn mình và giảm nhẹ áp lực cho nó.


Vừa phải đối mặt với nỗi phiền muộn trong lòng, vừa phải hứng chịu cái nhìn, sự đánh giá từ người khác, đôi khi chúng ta chẳng thể chống đỡ nổi mà rơi xuống “đáy vực”. Nhưng đôi khi chạm đáy của sức chịu đựng sẽ giúp con người ta khám phá ra giới hạn của bản thân, thấu hiểu bản thân mình hơn. Ta biết được mình nên từ bỏ điều gì để giúp cho tâm hồn thanh thản, giúp cho chính bản thân ta thoát khỏi những ràng buộc không đáng có.


“Đừng bi quan khi thấy mình rơi vào tình trạng tồi tệ. Nếu bạn có thể thẳng thắn đối diện với bản thân và thoát khỏi những điều đang giam cầm bạn, bạn sẽ trở thành con người có chính kiến, biết quý trọng hơn và đặt những cảm xúc của bản thân lên trên ánh nhìn của người khác.”

 


Chương 3: Gỡ bỏ những điều người khác áp đặt

 

“Thánh thần

Xin người hãy cho con can đảm

Để thay đổi những điều có thể thay đổi được

Xin người hãy cho con thanh thản

Để chấp nhận những điều không thể đổi thay”

 

Đôi khi, thay vì tìm cách thay đổi mọi thứ, chúng ta nên học cách chấp nhận rằng có những thứ sẽ chẳng bao giờ thay đổi được. Hãy chấp nhận toàn bộ con người mình và hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Đừng để những cái mác do người đời gán lên trở thành rào cản khiến ta chùn bước. Bởi lẽ “dù trong bạn có tồn tại những yếu tố trói buộc bạn hay không, bạn vẫn là bạn.”


Đừng để những đánh giá của người khác kéo chân bạn trên con đường theo đuổi đam mê. Đừng ngại ngần tìm tòi, học hỏi và dám thực hiện những phép thử. Chỉ có vậy bạn mới khám phá ra điều mình yêu thích và tìm được con đường phù hợp với bản thân. Khi ấy chúng ta mới thực sự sống là chính mình.


Chương 4: Sống giấc mơ đời mình


Cuốn sách đã phần nào giúp cho chúng ta xác định được những mục tiêu, những mơ ước của bản thân. Vậy nhưng điều thật sự đáng quý đó là tác giả mong muốn người đọc thấu hiểu rằng hãy chấp nhận những khó khăn trên còn đường theo đuổi đam mê. “Cả thèm chóng chán” hay hiện thực phũ phàng phía sau những điều ta mơ ước đều là những việc rất phổ biến. Đừng vì vậy mà tự phủ nhận bản thân mà hãy tiếp tục nỗ lực và cố gắng vượt qua nó. Hãy bắt tay vào làm những điều mình có thể để tiến xa hơn trên con đường mình theo đuổi.


Tác giả gửi gắm tới người đọc “Bảy thói quen nâng cao sự tự nhận thức cá nhân” nhằm giúp cho mỗi chúng ta tự tin vào bản thân mình hơn, có chính kiến cá nhân hơn. Khi ấy, bạn sẽ biết cách tin tưởng vào người khác và tin tưởng vào chính bản thân mình. Những mục tiêu và mơ ước sẽ nằm trong tầm với.


“Những người từng đi qua thương tổn chắc chắn sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc và tìm thấy điều trân quý.”


Cuộc đời của bạn không thuộc về bất kì ai khác mà thuộc về chính bản thân bạn. Hãy thông qua cuốn sách này tìm kiếm một lối thoát cho những bế tắc, phiền muộn của bản thân, khám phá giá trị trong sâu thẳm trái tim mình. Hãy sống với tất cả niềm tin về một tương lai tươi đẹp đang chờ đợi phía trước. Cuộc sống thực ra cũng chỉ có vậy mà thôi.


Mặc kệ thiên hạ.

Sống như người Nhật.


BẢN THẢO
Bài viết liên quan