[Review sách] "Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?"

"Sự hiện diện và tồn tại của chúng ta đang được định nghĩa lại. Nếu ta không có tài khoản Facebook, Instagram hay Twitter, ta không tồn tại."



"Sự hiện diện và tồn tại của chúng ta đang được định nghĩa lại.

Nếu ta không có tài khoản Facebook, Instagram hay Twitter, ta không tồn tại."


"Con người hiện đại luôn phải xác định họ không sống trong chỉ một môi trường mà đa môi trường. Chỉ riêng việc ta truy cập vào Instagram hay Facebook đã là bước vào một môi trường mới…"

--------

Tik...tik… bạn có một tin nhắn.

Chắc hẳn bạn đã từng rơi vào tình huống này, bạn vừa lên quyết tâm sẽ tập trung học bài nhưng khi nghe thấy tiếng chuông đầy mê hoặc ấy, bạn không thể cưỡng lại cám dỗ, lập tức tò mò xem tin nhắn ấy của ai? Một lời comment, một lượt chia sẻ hay một inbox chat…

Thế hệ của chúng ta sinh ra trong bầu khí quyển công nghệ, nơi mà chúng ta có thể dễ dàng kết nối, chuyện trò thậm chí có thể khám phá mọi lĩnh vực chỉ gói gọn trong một chiếc smartphone. Chính ở nơi ta cảm thấy thuận tiện nhất chính là nơi thiếu an toàn nhất. Không thể phủ nhận những điểm tích cực mà mạng xã hội định nghĩa giới trẻ ngày nay nhưng những hệ lụy đằng sau bức màn hào nhoáng mà mạng xã hội phơi bày, thiết nghĩ chúng ta vẫn cần một tấm bản đồ chỉ lối để ta vẫn là chính ta trong một thế giới ảo biến động từng ngày. “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?” của Nam Lâm chính là một tấm bản đồ như thế!

Cuốn sách đã đem đến cho mình những góc nhìn đa chiều về tính hai mặt của mạng xã hội. Và trả lời cho những câu hỏi quan trọng được đặt ra:

Làm sao để dung hòa bản sắc cá nhân và hòa đồng theo dòng chảy xã hội?

Làm sao để cân bằng giữa đời sống “thực” và “ảo”?

Xây dựng thương hiệu cá nhân đã khó, vậy làm sao để phát triển và duy trì?

Liệu có nên theo đuổi đam mê, chấp nhận rủi ro hay sống trong sự an toàn của công việc ổn định?

-----------

Thế hệ Z là thế hệ dung nạp. Bởi chúng ta đứng trước quá nhiều những lựa chọn và cám dỗ.

Thế hệ Z là thế hệ phiêu lưu. Bởi chúng ta có thể học tập, làm việc ở bất cứ đâu thậm chí trở thành chuyên nghiệp trong bất kì ngành nghề lĩnh vực nào mình muốn.

Thế hệ Z là thế hệ của hi vọng. Bởi chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”, chúng ta sống không chỉ vì bản thân mà còn suy nghĩ về giá trị của cộng đồng. của môi trường, của những người yếu thế…

Nhưng…

Thế hệ Z lại là thế hệ bị tổn thương. Những nỗi đau tinh thần bởi tâm bệnh. Của những căn bệnh rối loạn tâm lý, rối loạn cảm xúc. Vết thương ấy không thể chữa lành bằng dược phẩm nhưng sẽ được hàn gắn bởi tình yêu thương.

Thế hệ Z lại là thế hệ chưa đủ bản lĩnh. Chúng ta thiếu sự ổn định, sự kiên nhẫn để đi đến cùng. Chúng ta thường dễ dàng đánh mất đi những kết nối thực thụ. Những cám dỗ, những hành vi thiếu đạo đức thông qua mạng xã hội được lan truyền, lòng đố kỵ, sự ghen ghét thì thấy người khác hơn mình,... Sự hào nhoáng đã khiến “cái tôi” của chúng ta khao khát sự nổi tiếng để rồi trở về đời thực chúng ta lại chán ghét bản thân mình…

Cuốn sách gồm ba tấm biển chỉ đường:

Chương một: Nhận diện

Chương hai: Trong rừng thẳm

Chương ba: Đi cùng ánh sáng

Đọc qua ba tiêu đề nhỏ, mình nhìn thấy một cách tiếp cận quen thuộc của tác giả khi đi từ thực trạng, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp. Nhưng một điều đặc biệt, đó là mỗi bài viết là một câu chuyện thực tế về những người trẻ, có người trẻ khát khao sống và cống hiến, họ biến mạng xã hội trở thành đòn bẩy để thành công, có những người liên tục nhảy việc và rơi vào trầm cảm vì không thể hòa hợp với môi trường mới, những câu chuyện rất đời mà tưởng như ta thấy mình trong đó.

Sẽ có lúc bạn lạc trong rừng sâu nhưng nếu đủ dũng cảm đến kiên trì tìm kiếm, đường ra sẽ luôn xuất hiện, ánh sáng sẽ đồng hành cùng ta. Dù có chênh vênh, lạc lối nhưng khi tìm ra lí tưởng ta lại cảm thấy may mắn, tự hào. Cơ hội luôn đi liền với rủi ro nhưng nếu vì sợ hãi mà ta không dấn bước, ta đã thua ngay từ khi chưa bắt đầu.

Ngắt kết nối để sạc lại năng lượng cho chính mình bạn nhé!


Người viết: Lily Trương

Ảnh: Nhã Nam


BẢN THẢO
Bài viết liên quan