[Review sách] Thắp đèn gas: Một bệnh dịch mới?

Tại sao việc thắp đèn gas lại phổ biến như vậy? Tại sao ngay cả những người thông minh, mạnh mẽ và thành đạt cũng có thể bị vướng vào những mối quan hệ độc hại như vậy?… Cùng A …

Tại sao việc thắp đèn gas lại phổ biến như vậy? Tại sao ngay cả những người thông minh, mạnh mẽ và thành đạt cũng có thể bị vướng vào những mối quan hệ độc hại như vậy?… Cùng A Crazy Mind tìm hiểu thêm về hiệu ứng này thông qua cuốn sách Hiệu ứng đèn gas nhé!

Hiệu ứng đèn gas là gì?

Hiệu ứng “đèn gas”- hay còn gọi là gas-lighting có thể nghe rất quen thuộc với một số bạn đọc tìm hiểu về tâm lý học. Như “Dấu hiệu bố mẹ đang áp dụng hiệu ứng gas lighting lên con cái”, “Người thái nhân cách và hiệu ứng gas-lighting”… Vậy nó là gì? Tại sao nó lại xảy ra? Và làm cách nào để tránh?

Hiệu ứng gas-lighting, xuất phát từ bộ phim cùng tên (Gaslight) ra đời năm 1944, do Ingrid Bergman, Charles Boyer và Joseph Cotten đóng vai chính. Hiệu ứng gas-ligtinglà hiện tượng lạm dụng tâm lý và tình cảm, trong đó kẻ lạm dụng, hay còn gọi là kẻ thắp đèn gas sử dụng những thông tin thiếu chính xác và bị bóp méo để khiến nạn nhân nghi ngờ về chính nhận thức và bản thân. Theo như tác giả Robin Stern, người đã đề xuất cách gọi này và cũng đồng thời là tác giả cuốn sách, hiệu ứng gas-lighting là một mối quan hệ được tạo nên từ hai phía mà bà gọi là Điệu Tango Đèn Gas. Phải, nó chính xác là cần sự tham gia và tương tác giữa cả nạn nhân và người lạm dụng. Thật kỳ lạ phải không? Tại sao nạn nhân lại muốn mình bị lạm dụng cơ chứ? Vâng, chính xác là vậy, không ai muốn mình bị lạm dụng cả. “Vậy tại sao bạn lại nói có cả sự tham gia của nạn nhân?”. Bởi vì chúng ta không hiểu bản thân nhiều như chúng ta nghĩ. Chúng ta trong vô thức đã để điều đó xảy ra với bản thân. Và hiệu ứng gas-lighting cực kỳ nguy hiểm vì những ảnh hưởng của nó sẽ được tăng lên gấp bội bởi đối tượng của hành vi thắp thắp đèn gas, nạn nhân, không chỉ phải đối mặt với sự thao túng của người lạm dụng mà họ còn tin rằng mọi người xung quanh đều nghĩ vậy. Hơn nữa, hiệu ứng gas-lighting rất khó nhận diện, đây chính là một trong các lý do mà Robin Stern, tác giả cuốn sách đã đặt tên cho hiệu ứng, “Bạn phải gọi tên nó để chế ngự được nó”, bà nói.

Khi đọc những lời giới thiệu đầu về hiệu ứng này, tôi lập tức liên tưởng tới bộ phim The Glass, một bộ phim tâm lý cũng rất hay theo quan điểm của cá nhân tôi. Tại sao lại vậy? Theo bài đánh giá bộ phim Zero Dark Thirty của báo The Week, kỹ năng thấm vấn được nhắc tới như một cách sử dụng hiệu ứng này, vì người thẩm vấn hiểu rằng không có nhiều điều có thể gây mất ổn định như việc khiến người bị thẩm vấn không còn tin vào hiểu biết về thực tại của bản thân nữa. Quay lại phim The Glass, có một phân cảnh khiến tôi cực kỳ hâm mộ nhân vật chuyên viên tâm lý Ellie Staple, thủ vai bởi Sarah Paulson, cô đã bẻ gãy ý chí của cả một vị anh hùng thầm lặng lẫn một quái nhân khét tiếng chỉ bằng lời nói. Như việc David Dunn, một siêu anh hùng với khả năng nhìn vào trí nhớ của những người hay thậm chí là vật mà ông chạm vào, nhờ đó mà ông đã tìm ra được quái nhân Kevin khét tiếng. Nhưng Sarah đã dễ dàng phủ nhận điều đó, bằng cách chỉ ra một dấu vết mà không ai để ý tới-những vệt bụi gạch bám trên quần áo của Kevin. David ngay lập tức nghi ngờ siêu năng lực của mình. Bồi thêm sau đó, nhân vật Sarah đã chứng minh rằng điểm yếu “mất năng lực khi ở dưới nước” của ông là do sự cố ở suýt chết đuối ở bể bơi tạo ra sang chấn khiến ông trở nên quá sợ hãi với nước. Còn quái nhân David thì sao? Anh ta là một kẻ mang trong mình 24 nhân cách, và một trong số đó là The Beast, một nhân cách với sức mạnh phi thường, khả năng bám tường, leo trèo và tất cả những ký năng khác của những loài vật hoang dã. Vâng, Sarah cũng dễ dàng đánh gục sự tự tin của David, hay thậm chí là cả The Beast. Bằng cách chỉ ra rằng “Kevin”, cách tôi gọi chung sự tồn tại của cả 24 nhân cách vì anh ta dù sao cũng là nhân cách chính, hay là “host” của Bầy Người- tên gọi chung của 24 nhân cách, đã xem rất nhiều video về động vật trong thời gian ở sở thú dẫn đến hành động bắt chước và hoang tưởng, Sarah đã khiến cả sơ Patricia, một nhân cách mưu mô, xảo quyệt, quyết đoán và tàn nhẫn lẫn và ngay cả The Beast, nhân cách hoang dại nhất, điên cuồng và ít suy nghĩ nhất cũng nghi ngờ về sự tồn tại của bản thân mình. Điểm chung giữa hai người họ là gì? Họ đều rất muốn chứng minh cho mọi người về con người họ. Như David, ông muốn chứng minh rằng mình là một người hùng do cảm giác tội lỗi là kẻ duy nhất còn sống sau vụ tai nạn tàu, ông muốn chứng minh khả năng của mình. Hay The Beast, “nó” muốn chứng minh sự tồn tại của bản thân, muốn tự do và thể hiện sự đáng sợ của mình. Và họ, cả David và “Kevin” đều không thể phủ nhận những dẫn chứng Sarah đưa ra. Họ không thể nhớ chính xác liệu có đúng mình đã làm, thấy hay trải qua điều đó không, nhưng họ lại không có bằng chứng để phủ nhận những lời nói đó. Và, họ đành phải tự tạo ra một False Memory-Ký Ức Giả mà trong đó những lời nói đó là thật. Điều đó cũng xảy ra tương tự với việc ép cung nạn nhân của các FBI, khiến cho những người bị ép cung phải nhận những tội danh KHÔNG THUỘC VỀ MÌNH, đó là lý do tại sao một số người đang phản đối cách tra khảo này.Các bạn có cảm thấy mình từng trải qua một điều tương tự? Một người bố/mẹ luôn nói lời yêu thương bạn cho dù việc làm của họ, mắng chửi, đánh đập,… lại phản ứng điều ngược lại khiến bạn phải tin những hành động đó thể hiện tình yêu? Dẫn tới việc bạn sau này thể hiện tình cảm của mình với người thân yêu theo cách tương tự? Hay một người bạn trai luôn cằn nhằn việc bạn thật lẳng lơ và khiêu gợi những người đàn ông qua đường dù bạn chỉ đang cố gắng tỏ ra thân thiện với tất cả mọi người, cả nam và nữ? Và bạn tự nghi ngờ phải chăng điều đó có là thật?

Vậy người lạm dụng và nạn nhân có thể là những cặp quan hệ nào? ĐÓ CÓ THỂ LÀ BẤT KỲ KIỂU MỐI QUAN HỆ NÀO! Bạn bè, thầy cô-học trò, vợ chồng, bố mẹ-con cái,… Và luôn luôn, luôn luôn có một đặc điểm trong mối quan hệ này:

“Người thắp đèn” luôn cần được khẳng định mình, khẳng định nhận thức của mình, hay như tác giả đã viết “sự chắc chắn của một người càng lớn- và có thể, tính tự yêu mình của anh ta càng lớn- anh ta càng cảm thấy thoải mái hơn khi bám lấy thực tế của chính mình”. Còn nạn nhân thì luôn lý tưởng hóa, khẩn thiết, thèm khát sự công nhận, sự yêu thương của “người thắp đèn”. Giống như phim The Glass, cả David và Kevin đều rất tôn trọng nhân vật Sarah như một người hỗ trợ tâm lý, họ muốn nói tất cả cho Sarah để chứng minh và nhận sự công nhận của Sarah về trải nghiệm của họ. Tại sao lại vậy? Vì đa nhân cách vốn là một triệu chứng tâm lý vẫn còn tranh cãi đến tận bây giờ rằng có hay không sự tồn tại của nó. Và cả sức mạnh siêu nhiên của The Beast hay David đều thật khác thường, họ chưa từng gặp ai khác giống như họ, đó là lý do họ dễ dàng bị lung lay và luôn cố gắng chứng minh bản thân mình. Nhưng không phải “người thắp đèn” nào cũng là kẻ xấu, vì họ có thể còn không nhận thức được rằng mình đang làm điều đó. Họ chỉ đơn giản là nói ra quan điểm của mình và bảo vệ nó. “Một người thắp đèn gas có ý thức sai lầm về bản thân đến mức họ không thể chịu đựng được sự phản đối, dù nhẹ nhàng nhất, đối với cách họ nhìn nhận sự việc”, tác giả Robin viết. Họ có thể không chủ ý làm tổn thương hay làm thay đổi niềm tin của bạn, họ chỉ đơn giản là bảo vệ niềm tin cố hữu của mình. Và thậm chí ngay cả bạn, nạn nhân, người bị lạm dụng, người bị thắp đèn gas cũng có thể chính là người lạm dụng. Hay theo như tác giả viết về mối quan hệ giữa một cặp người thắp đèn và người bị thắp đèn, “Mỗi người trong các bạn vẫn cố gắng để là người đúng hoặc giành được sự công nhận của người kia-nhưng là trong những chủ đề khác nhau”.

Tại sao ta lại để bản thân bị thắp đèn gas?

1) Nỗi sợ Tận thế cảm xúc

Tận thế cảm xúc là gì? Đúng như tên gọi, nó vô cùng đáng sợ, kinh khủng và xảy ra rất dữ dội. Nó là cảm giác khiến ta vô cùng sợ hãi khi phải đối mặt, và vì vậy, ta cố gắng, BẰNG MỌI GIÁ, tránh để điều đó xảy ra. Nó khiến ta cảm thấy hoảng sợ, ám ảnh và co rúm lại mỗi khi nghĩ về nó. Ví dụ như một người con sợ sự thất vọng đến từ bố mẹ, người bạn gái sợ cơn tức giận của người bạn trai của mình, một người nhân viên sợ sự thất bại trong công việc,… Và họ, luôn luôn cố gắng tránh điều đó xảy ra: làm theo mọi lời nói và yêu cầu từ bố mẹ, chiều theo ý người bạn trai, không dám phản kháng ông sếp khó tính và cục cằn,… Hay đơn giản hơn là sự đồng cảm của bạn đối với họ. Khi bạn và đối phương cãi nhau, kết quả là anh/cô ấy tỏ ra thật buồn bã, chán nản và rầu rĩ khiến bạn cảm thấy bản thân thật tồi tệ và vô cùng kinh khủng. Vì vậy nên bạn tránh việc khiến anh/cô ta phải buồn thêm một lần nào khác nữa.

Nó có thể chưa xảy ra, chỉ xảy ra một lần hoặc thậm chí là không bao giờ xảy ra, nhưng nỗi sợ hãi của ta về nó còn khủng khiếp hơn cả chính nó. Vì nó đến từ chính trí tưởng tượng của ta! Stephen King, tác giả của những tiểu thuyết kinh dị nổi tiếng, mà có thể kể đến chính là IT, Doctor Sleeps… từng nói: “Thứ đáng sợ và tồi tệ nhất của tôi?” “Vâng, chính là trí tưởng tượng của chính tôi”. Chúng ta có thể tránh được Hiệu ứng đèn gas nếu chúng ta thẳng thắn phản đối ý kiến sai lầm của đối phương, chúng ta có thể tránh được Hiệu ứng đèn gas nếu chúng ta tảng lờ đi vì biết đó chỉ là vì vấn đề của chính họ, không phải do ta. Nhưng ta lại sợ nếu ta làm vậy có thể khiến dẫn tới những thứ tồi tệ hơn là Tận thế cảm xúc.

2) Thôi thúc hòa nhập

Mặc dù “hòa nhập” có ý nghĩa rất cụ thể trong tâm lý học phân tích nhưng ở đây tác giả dùng với ý nghĩa là cảm giác được trạng thái đồng thuận hoàn toàn, không mâu thuẫn. Đó là nhu cầu, là cảm giác muốn được sự công nhận của người thắp đèn gas mà chúng ta đã lý tưởng hóa. Chúng ta cần có sự công nhận đó để thấy bản thân mình là người tốt, là có giá trị và đáng quý trọng như chúng ta muốn. Vì chúng ta cần điều đó nên chúng ta tránh hoàn toàn việc mâu thuẫn, bất đồng với đối phương. Và hãy nhớ: “Chúng nào còn có phần nào đó trong bạn tin rằng bạn cần có người thắp đèn gas của mình để cảm thấy tốt hơn về bản thân, để tăng sự tự tin hoặc để củng cố ý thức về việc bạn là ai trong thế giới này, thì bạn sẽ mở đường cho hành vi thắp đèn gas”-dòng 6, trang 111, chương 2,Điệu Tango đèn gas.

Hiệu ứng đèn gas- từ tồi tệ đến tồi tệ hơn!

Những loại người thắp đèn gas được tác giả chia thành ba loại:

• Người thắp đèn gas Mê hoặc:

Mọi chuyện có thể thật sự hoàn hảo cho đến khi trục trặc nhỏ đầu tiên xảy ra. Nhưng dù sao thì anh ta/cô ta vẫn thật hấp dẫn và tuyệt vời. Nếu là bạn trai, anh ta có thể cực kỳ ngọt ngào, quan tâm, chăm sóc và che chở cho bạn, có thể sẵn sàng “chờ đợi” bạn hàng tiếng đồng hồ, dù bạn chẳng thể biết liệu anh ta có đợi hay làm gì lúc đó. Nếu là bạn gái, cô ấy có thể luôn mang lại cho bạn niềm vui, sự bất ngờ và biết lắng nghe, chia sẻ với bạn. Nhưng… họ cũng có thể làm điều đó với rất nhiều người khác nữa. Phải, đó chính là việc mà cư dân mạng vẫn hay quen thuộc với cách gọi “thả thính”. Mọi thứ thật đẹp cho đến khi bạn biết được sự thật…

• Người thắp đèn gas Tử tế:

Kiểu người này sẽ luôn tỏ ra có lí và “tử tế”, nhưng dù sao thì, họ vẫn sẽ luôn là người đúng! Hay theo cách gọi của chuyên gia trị liệu tâm lý Lester Lenoff, đó là “sự phục tùng thiếu tôn trọng” của người “tử tế”. Nhân vật Sarah trong phim The Glass chính là ví dụ điển hình cho nhân vật này, bà đến nói chuyện với tư cách là một người tư vấn, một nhà tâm lý học và với mục đích để giúp đỡ David và Kevin vượt qua sự hoảng loạn và hoang tưởng. Chính bởi vì David lẫn Kevin tin điều này nên những lời nói của Sarah đều rất ảnh hưởng tới hai nhân vật, và cũng rất đáng tin, thậm chí còn đáng tin hơn trí nhớ mơ hồ của chính họ. Có thể lấy ví dụ điển hình là nhân vật Sonia Kaspbrak, mẹ của Eddie Kaspbrak, người bị ám ảnh bởi vi khuẩn và lầm tưởng bản thân bị hen suyễn trong phim IT. Bà luôn nói dối về tình trạng sức khỏe của Eddie, về thứ thuốc giả(placebos) luôn cung cấp cho Eddie. Ngay cả khi Eddie nói thẳng với mẹ rằng đã biết thứ thuốc đó là giả, Sonia, mẹ của Eddie, vẫn khẳng định lại thứ thuốc đó giúp cho cậu và nói: “I have to protect you” (Ta có nghĩa vụ phải bảo vệ con). Có thể thấy rõ việc đó xuất phát từ nỗi sợ sẽ mất đi nốt người con trai của mình sau cái chết của người chồng, nhưng bà lại mượn một cái lý do cao cả hơn đó là “bảo vệ con cái”. Trong xã hội hiện nay còn rất nhiều kiểu người thắp đèn gas Tử tế như này:thầy bói, bà đồng, bố mẹ, người yêu,… Họ đều luôn thể hiện rằng họ làm vậy là “vì chúng ta”, điều đó khiến chúng ta dễ mất cảnh giác và tin vào lời nói của họ hơn.

• Người thắp đèn gas Đe dọa: Loại tồi tệ nhất!

Không như hai kiểu người ở trên, Mê hoặc và Tử tế, khó có thể nhận biết vì luôn có sự bù đắp mặt cảm xúc cho bạn trong những hoàn cảnh khác, người thắp đèn gas kiểu Đe dọa sẵn sàng bộc lộ trước mặt bạn một cách rõ ràng: la hét, làm nhục, lạnh nhạt, tiêm nhiễm cảm giác tội lỗi và những kiểu trừng phạt cũng như cách đe dọa khác. Nhưng bạn vẫn cố gắng bám trụ mối quan hệ vì bạn cảm thấy có điều gì đó ràng buộc với họ.

Tương tự vậy, việc thắp đèn gas cũng được chia thành 3 giai đoạn:

• Giai đoạn 1: Hoài nghi

Ở giai đoạn này, nó có thể rất mờ nhạt tới mức bạn không thể phát hiện hay không để tâm đến nó. Bạn có thể cho rằng người thắp đèn gas không cố ý nói hay cư xử tồi tệ như vậy đối với bạn. “Hẳn là anh ấy chỉ đùa thôi”, bạn nghĩ. Đó là đặc điểm của giai đoạn 1. Người thắp đèn gas nói điều gì đó tổn thương bạn, “Em có thể ngừng vẽ vãn những người đàn ông đi ngang qua được chứ? Anh cảm thấy rất tệ và ghen tức khi thấy điều đó”. Bạn nghĩ có thể bạn hiểu sai, hoặc anh ta hiểu sai, hay đó chỉ là lời nói đùa thôi và bạn có thể cho qua nó vì thường thì anh ta không như vậy, hay chí ít là theo bạn nhớ thì thế. Và ở giai đoạn này, mặc dù bạn thích có được sự công nhận của người thắp đèn gas nhưng cảm giác đó lại chưa quá tha thiết hay mãnh liệt. Các mối quan hệ có thể rất ổn trong vài tháng, hoặc thậm chí nhiều năm trước khi việc thắp đèn gas bắt đầu. Hoặc có thể nó cũng đã xảy ra từ đầu nhưng rất hiếm hay chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra. Nhưng rồi một biến cố xảy đến:ly dị, người thân qua đời hay ám ảnh vì tuổi già,… khiến người thắp đèn gas thấy bị đe dọa tới khả năng kiểm soát cuộc sống của mình. Hoặc người bị thắp đèn đột nhiên liều lĩnh hơn nhằm có được sự công nhận của người thắp đèn. “Sự tuyệt vọng của bạn làm người đó cảm thấy bất lực”. Và đó là lúc mọi thứ bắt đầu, là lúc hai người bước vào giai đoạn một của mối quan hệ không lành mạnh này- giai đoạn hoài nghi.

• Giai đoạn 2: Tự vệ

Đây là giai đoạn mà bạn đã bắt đầu chú ý đến việc thắp đèn. Bạn để ý tâm tới lời nói của anh/cô ta. Và bạn cảm thấy bản thân cần phải tự vệ trước những nhận xét hay hành động làm bạn tổn thương đó. Bạn tìm kiếm bằng chứng để chứng tỏ người thắp đèn gas của bạn sai và tranh cãi với anh/cô ta một cách ám ảnh, nhưng thường xảy ra trong đầu. Bạn nghĩ thầm trong đầu những bất mãn và những điều phi lý mà anh/cô ta vừa nói. Bạn sẽ biết bạn ở giai đoạn 2 nếu bạn thấy bản thân thường xuyên cảm thấy bị ám ảnh, đôi khi là tuyệt vọng.
Ở giai đoạn 2 này, kiểu người Đe dọa sẽ bắt đầu công kích kịch liệt. Anh/cô ta có thể sử dụng một hoặc nhiều thủ đoạn để gây cho bạn cảm giác Tận thế cảm xúc. Họ có thể la hét, tiêm nhiễm cảm giác tội lỗi, hạ thấp giá trị của bạn, giữ im lặng trong một khoảng thời gian dài, đe dọa kết cục xấu có thể xảy đến,… và mọi cách khác để bạn có thể thấy bạn sẽ gánh hậu quả khủng khiếp như nào nếu chống đối lại họ. Ví dụ như người sếp dọa rằng sẽ đuổi việc bạn nếu bạn không tin tưởng và cáo buộc ông ta vô cớ, người bạn trai gắt gỏng với bạn và dọa rằng việc bạn nói khi anh ta đang lái xe có thể gây ra tai nạn cho dù bạn chỉ đang cố khuyên anh ta đi chậm lại, và anh ta thậm chí còn tỏ thái độ tức giận, có thể lớn tiếng bất cứ lúc nào với bạn nếu bạn không làm theo.

Loại người thắp đèn Mê hoặc và Tử tế thì khó nhận ra hơn rất nhiều ở giai đoạn này. Vì họ luôn tỏ ra rằng họ đối xử tốt như nào đối với bạn. Và điều đó rất dễ khiến bạn nghĩ mọi chuyện là do lỗi của bạn. Có thể họ tặng bạn một món quà bạn không hề thích, nhưng khi bạn từ chối thì họ lại trở nên hờn dỗi và lôi đủ thứ khác ra cằn nhằn như muốn nói rằng bạn đang làm khó hay trêu chọc, không xem trọng họ. Cả họ và loại người Tử tế ở chỗ, họ sẽ luôn chuẩn bị sẵn một lý do “chính đáng” cho hành động của mình là “vì bạn”. Nhưng thay vì cằn nhằn hay phê bình trực tiếp, kiểu người Tử tế sẽ tỏ ra là nhường nhịn bạn với thái độ bất mãn, thường có thể thấy hành vi này ở những người có tâm lý nạn nhân. Còn kiểu người Mê hoặc sẽ thường gây cảm giác tiêu cực cho bạn nhưng bồi ngay sau đó là một hành động ngọt ngào và tuyệt vời.

Ở cả ba kiểu người trên, trong giai đoạn này, việc duy nhất và quan trọng nhất họ muốn làm, đó là: khiến bạn lung lay, đắn đo rằng bản thân có nên chống lại họ không. Vì có thể, “Có thể anh có lí”.

• Giai đoạn 3: Trầm cảm!

Đúng vậy, trầm cảm. Nó là giai đoạn khó khăn và kinh khủng nhất, và cũng là giai đoạn cuối cùng của mối quan hệ này. Tại thời điểm này, bạn luôn cố gắng chứng minh người thắp đèn gas là đúng và thuận theo ý muốn của người thắp đèn gas. Vì dù sao thì, việc chấp thuận và làm theo lời họ cũng dễ dàng và bớt mệt mỏi hơn khi phải cố gắng tranh cãi và bảo vệ ý kiến của bản thân. Tới lúc này, mỗi khi bị thắp đèn, bạn sẽ trở nên tuyệt vọng, cảm thấy bản thân vô dụng và không thể đưa ra quyết định vì sợ sẽ làm phật ý người thắp đèn. Bạn “lang thang trong một sa mạc mênh mông, chưa được khám phá, chưa có dấu chân người hay những mốc dấu định vị”. Thậm chí bạn còn có thể quên đi con người trước kia của mình?! Ở giai đoạn này, bạn cảm thấy kiệt sức và quá mệt mỏi với việc tranh cãi. Vậy nên bạn đã chọn từ bỏ. Tất cả những gì bạn có thể nghĩ ở giai đoạn này đó là: “Tất cả là lỗi của tôi!”

Thắp đèn gas: Một bệnh dịch mới?

Tại sao việc thắp đèn gas lại phổ biến như vậy? Tại sao ngay cả những người thông minh, mạnh mẽ và thành đạt cũng có thể bị vướng vào những mối quan hệ độc hại như vậy? Tại sao nó lại quá khó để nhận biết và tránh né? Theo như tác giả, có ba lý do khiến việc thắp đèn gas ngày càng lan rộng như một bệnh dịch, thậm chí còn lan nhanh hơn cả corona:

• Sự thay đổi sâu sắc vài trò của phụ nữ:đi làm, đi học và giao tiếp bên ngoài. Điều đó khiến vị thế của đàn ông dần trở nên mất đi, tạo nên những phản ứng dữ dội chống lại nó nhằm bảo vệ vị trí của mình trong mối quan hệ.

• Chủ nghĩa cá nhân quá khích và sự cô lập: trong một xã hội ủng hộ chủ nghĩa tiêu dùng, thế giới của chúng ta bị cô lập và thu hẹp lại trong không gian làm việc và gia đình. Ta có ít thời gian đi chơi và làm quen những người mới hơn, ít có thời gian chăm sóc và nghĩ về bản thân nhiều hơn. Do đó chỉ có thể nghe được nhận xét và ý kiến từ một số nhóm người nhất định xung quanh chúng ta.

• Văn hóa thắp đèn gas: chung ta liên tục bị tấn công liên tục bởi một mớ bòng bong những tin vịt hay tin không chính xác, hay nói nhẹ nhàng hơn là “những sự thật chọn lựa”(alternate facts: là những điều được người ta LỰA CHỌN LÀ THẬT để thay thế những sự thật vốn có)

Vậy làm sao để phòng và thoát khỏi hiệu ứng này?

Việc đầu tiên bạn cần làm là xác định và đánh tan những nỗi sợ, những nguyên nhân khiến bạn để bản thân rơi vào tình huống thắp đèn gas. Dưới đây là một vài ví dụ:

• Lo lắng về vật chất
• Sợ bị bỏ rơi và cô đơn
• Sợ bị bẽ mặt
• Ảo tưởng về bản thân và đối phương
• …
Khi đã xác định được những điều đó, bạn hãy tự nhủ với bản thân rằng cho dù việc đó có xảy ra cũng chẳng ra sao cả. Dường như bạn đã nghe lời khuyên sáo rỗng này cả trăm ngàn lần, nhưng hãy tin tôi, nếu bạn cứ tâm niệm điều đó, rồi bạn sẽ vượt qua được nỗi sợ của mình, và bạn có thể dần thấy những cơ hội khác bản thân có thể nắm lấy sau những cái gọi là Tận thế cảm xúc. Sau khi đã phần nào trấn áp được nỗi sợ, hãy thử xem xem liệu bạn có đang bị thắp đèn gas trong các mối quan hệ không và đề phòng việc bị thắp đèn gas bằng cách:

• Xác định mục tiêu của bạn. Xác định mối quan hệ bạn muốn có với đối phương: liệu bạn có muốn thân mật hơn hay giữ như hiện tại là đủ hay… nên chấm dứt nó.

• Cẩn trọng: Bạn cần duy trì mối liên hệ với cảm xúc và phản ứng của chính bạn, không để bị người khác làm ảnh hưởng đến chúng.

• Động lòng trắc ẩn: Hay nói cách khác là hiểu cho tình cảnh của đối phương. Có thể hơi mâu thuẫn ở phía trên vì chính lòng trắc ẩn và sự cảm thông đã khiến chúng ta khiến đối phương tiếp tục áp đặt lên chúng ta. Nhưng ý tôi nói lòng trắc ẩn ở đây chính là hiểu rằng đó là vấn đề của họ, và họ có nguyên do của mình khi làm điều đó. Và hơn thế nữa là lòng trắc ẩn với chính bản thân bạn, hãy bỏ qua một vài sai lầm của cả hai và đừng để tâm tới nó. Ví dụ như trường hợp của mẹ Eddie, có lẽ vì cái chết của chồng bà gây ra cú sốc quá lớn đối với bà khiến cho bà sợ mất đi những người thân yêu. Dù sao thì hành động của bà ban đầu cũng là vì một lý do khá chính đáng và đáng thương.

• Thể hiện sự cứng rắn: Hãy khước từ và bác bỏ ngay lập tức, cho người thắp đèn thấy rằng họ đang khiến bạn cảm thấy tồi tệ.

• Hỏi ngược vào trọng tâm: Hãy hỏi thẳng vào vấn đề khi thấy người thắp đèn sử dụng lý do đó để lôi cả tá thứ khác vào chỉ trích bạn.

Và nếu bạn muốn thoát khỏi mối quan hệ trong cặp đôi tango đèn gas này thì dưới đây là giải pháp:

• Quyết định tắt gas: Bạn hãy sẵn sàng rời bỏ mối quan hệ nếu cảm thấy đối phương đã đi quá xa.

• Tha thứ cho bản thân: Hãy tin rằng ai cũng có lúc phạm sai lầm. Bạn không hề cố ý làm họ tổn thương. Vậy nên bạn không đáng để bị trừng phạt và khiển trách!

• Trao quyền cho bản thân mình: Hãy nghĩ tới những ưu điểm khác của bản thân để thấy rằng bạn không vô dụng và tồi tệ như đối phương nói. Và dù có hay không sự công nhận của họ thì bạn vẫn có giá trị.

• Sàng lọc thông tin: Hãy cảnh giác và nhận biết điều nào là sự thật và điều nào là được thêm thắt vào câu chuyện để buộc tội bạn.

• Tập trung vào cảm xúc thay vì quyết định ai đúng ai sai.

• Xác định Công tắc đèn gas: xác định xem điều gì có thể dễ kích thích xung đột của hai người và tình huống thắp đèn gas và sau đó là… tránh nó! Hãy tránh để những tình huống như vậy xảy ra.

• Chấp nhận rằng mỗi người có một quan điểm: Vì vậy nên bạn không cần phải tranh cãi hay cố thuyết phục đối phương khi họ có ý kiến khác bạn. Hãy tảng lờ nó đi!

• Tận tâm: Bạn cần sửa lại cách cư xử của bản thân và cả cách cư xử của đối phương(nếu được).

Tạm kết

“Hiệu ứng đèn gas” là một cuốn sách dễ hiểu, dễ đọc và dễ ngấm. Những ví dụ được đưa ra rất cụ thể và gần gũi tới mức bạn thậm chí thấy cả bản thân mình trong tình huống đó. Trong sách còn có những bảng câu hỏi và nêu lên đặc điểm để bạn nhận biết xem mình có đang bị thắp đèn gas hay không, người đang thắp đèn gas của bạn là kiểu người gì (Mê hoặc, Tử tế hay Đe dọa), những “vũ khí”, cách thức mà người thắp đèn gas hay dùng để khống chế bạn… Mặc dù tác giả có nói rằng việc thắp đèn gas xảy ra ở cả hai giới và ở nữ giới xảy ra nhiều hơn nhưng tôi thấy trong sách bà đã đưa các ví dụ về việc bị thắp đèn gas ở nữ giới lấn át hơn hẳn. Có lẽ là vì bà phần nào cũng là phụ nữ nên cảm thấy đồng cảm với phụ nữ nhiều hơn. Và việc bà sử dụng “anh ta” (dù đã xin phép độc giả ở đầu sách) để chỉ người thắp đèn nhưng nó phần nào có thể khiến người đọc đặt ra một định kiến rằng HẦU NHƯ LUÔN LUÔN người thắp đèn gas là nam, và đối với những độc giả là nam giới cũng khó có thể nhận biết được tình hình của mình, đặc biệt là trong quan hệ tình cảm (trong quan hệ sếp và nhân viên hay bố mẹ và con cái thì có thể dễ thấy tương đồng hơn một chút). Nhưng nó là một cuốn sách đáng để đọc. Kiến thức đi từ cơ bản tới nâng cao, từ cụ thể các ví dụ cho tới bao quát cái chung và cả những kiến thức chuyên ngành cho những người muốn theo đuổi ngành tâm lý học.

Tác giả review: Master Mind
Đặt sách tại:
Tiki: https://bom.to/5Slbgn
Fahasa: https://bom.to/2K5Gn5

Nguồn ảnh: Internet

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan