Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế (OCD) – Phần 1 : Định Nghĩa Và Triệu Chứng

1. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?  Người bình thường hẳn ai cũng từng có lần kiểm tra lại phích cắm bàn ủi xem đã được rút ra chưa, hoặc lo sợ tiếp xúc với vi khuẩn, hay …

1. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì? 

Người bình thường hẳn ai cũng từng có lần kiểm tra lại phích cắm bàn ủi xem đã được rút ra chưa, hoặc lo sợ tiếp xúc với vi khuẩn, hay đột nhiên có những ý nghĩ khó chịu, bứt rứt . Nhưng nếu bạn mắc OCD thì những suy nghĩ ám ảnh và những hành vi có khuynh hướng cưỡng chế đó nhiều đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn.

OCD là một hội chứng rối loạn lo âu, biểu hiện qua việc không kiểm soát được suy nghĩ,  và tự thúc ép bản thân phải thực hiện lặp đi lặp lại những hành vi mang tính hình thức, khuôn mẫu. Nếu là một OCD, bạn có thể nhận ra sự vô lý trong những ý nghĩ và hành vi đó, nhưng cho dù vậy, bạn vẫn cảm thấy không thể nào ngăn cản hay thoát khỏi sự cưỡng chế đó. 


OCD khiến cho một ý nghĩ hoặc một sự thôi thúc nào đó mắc kẹt lại trong đầu bạn và ép bạn lặp đi lặp lại hành động đó đến mức khó chịu. Ví dụ, bạn kiểm tra bếp lò hơn 20 lần vì bạn lo cháy nhà; bạn rửa tay quá nhiều đến mức da tay trở nên thô ráp, thậm chí là trầy xước vì bạn sợ vi khuẩn. Mặc dù lặp đi lặp lại những hành vi đó không mang lại cảm giác dễ chịu gì cho bạn, nhưng chúng có thể đem đến sự nhẹ nhõm và tạm thời xoa dịu được nỗi ám ảnh.

2. Dấu hiệu và triệu chứng của OCD 

Chỉ vì bạn có những ý nghĩ ám ảnh hoặc thực hiện những hành vi có xu hướng cưỡng chế KHÔNG có nghĩa bạn mắc phải OCD. Đối với OCD, những ý nghĩ và hành vi đó gây khó chịu kinh khủng, phải tốn rất nhiều thời gian (ít nhất một giờ mỗi ngày) và chúng can thiệp vào cuộc sống thường nhật cũng như các mối quan hệ của người bệnh.

Mặc dù hầu hết những người mắc phải OCD vừa có cả những ý nghĩ ám ảnh và những hành động lặp đi lặp lại, nhưng có một số trường hợp chỉ gặp một trong hai vấn đề trên. 

Những suy nghĩ ám ảnh thường thấy của OCD là: 

  • Sợ bẩn do tiếp xúc với vi khuẩn hoặc những yếu tố khác; 
  • Sợ mất kiểm soát và gây hại cho bản thân và những người xung quanh; 
  • Sợ mất hoặc không có được những thứ mình có thể cần đến; 
  • Những ý nghĩ/quan niệm rạch ròi và ám ảnh về tình dục; 
  • Tập trung quá mức vào những quan niệm về tôn giáo hoặc đạo đức;
  • Ám ảnh với trật tự và trục đối xứng, có thể mê tín về may rủi, những con số, màu sắc, hoặc cách sắp xếp nào đó.

Những hành vi có khuynh hướng cưỡng chế của OCD là: 

  • Kiểm tra lại nhiều lần những thứ là như ổ khóa, thiết bị điện tử, và công tắc điện, bếp;
  • Liên tục kiểm tra người thân xem họ có an toàn không; 
  • Đếm, gõ nhịp, lặp lại một vài cụm từ nhất định, hoặc làm những việc vô nghĩa khác nhằm trấn an bản thân; 
  • Dành nhiều thời gian tắm rửa và lau chùi; 
  • Sắp xếp và xếp đặt mọi thứ ngay ngắn và cẩn thận. 
  • Cầu nguyện nhiều lần hoặc tham gia vào những nghi lễ vì nỗi sợ tôn giáo; 
  • Tích trữ “rác” như giấy báo cũ hoặc những lon rỗng vì luôn sợ lúc cần đến lại không có.

    (Nguồn ảnh: reviewit.pk )

Triệu chứng OCD ở trẻ nhỏ:

Mặc dù OCD thường khởi phát từ độ tuổi dậy thì đến lúc trưởng thành, trẻ nhỏ đôi khi vẫn có những triệu chứng giống với OCD. Tuy nhiên, những triệu chứng của hội chứng rối loạn khác có thể bị nhầm lẫn với OCD, như là Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit hyperactivity disorder – ADHD), tự kỷ, và Tourette(một bệnh lý hệ thần kinh khiến trẻ bị co giật). Vì vậy, trẻ cần được khám sức khỏe tổng thể cả về thể chất lẫn tâm thần ở các cơ sở y tế đáng tin cậy trước khi đưa ra kết luận.

3.Những cách giúp đỡ người mắc phải OCD 

Cách bạn phản ứng với người thân mắc phải OCD có thể tác động mạnh đến kết quả điều trị và quá trình phục hồi của họ. Những bình luận tiêu cực hoặc những lời chỉ trích có thể khiến OCD nặng thêm; trong khi đó, thái độ bình tĩnh và đầy cảm thông có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh lý:

  • Tránh những lời chỉ trích mang tính cá nhân. Hãy nhớ rằng những hành vi của người bệnh chỉ là triệu chứng của bệnh, chứ không phải thói xấu chủ động của họ. 
  • Đừng mắng nhiếc người mắc phải OCD hoặc bảo họ ngưng thực hiện những hành vi lặp đi lặp lại. Họ không thể kiểm soát được những triệu chứng, cho nên áp lực bạn đặt ra sẽ chỉ khiến họ cảm thấy bản thân thật tồi tệ và rắc rối. Với tư duy đó, tình hình của bệnh nhân sẽ càng tệ thêm. 
  • Hòa nhã và kiên nhẫn hết mức có thể. Mỗi người bệnh đều cần vượt qua những vấn đề tùy theo khả năng của họ. Hãy khen ngợi bất cứ thành công nào của họ trong nỗ lực kháng cự lại OCD, và tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống của họ. 
  • Không được giúp đỡ họ thực hiện những hành vi cưỡng chế. Thuận theo những “nguyên tắc” của bệnh nhân OCD hoặc giúp họ trong việc thực hiện những hành vi cưỡng chế sẽ chỉ khiến cho bệnh nặng thêm. Hãy ủng hộ bệnh nhân, chứ đừng ủng hộ hành vi của họ. 
  • Giữ thái độ giao tiếp tích cực và rõ ràng. Vì giao tiếp khá quan trọng cho nên bạn có thể tìm một sự cân bằng giữa việc ủng hộ bệnh nhân và chống lại những triệu chứng của OCD mà không khiến họ buồn lòng. 
  • Hài hước một cách khôn khéo. Cùng nhau cười đùa về sự hài hước và vô lý của một vài triệu chứng OCD có thể giúp cho bệnh nhân gián đoạn được những triệu chứng. Chỉ cần đảm bảo rằng trong câu chuyện cười đó, bệnh nhân vẫn cảm thấy được tôn trọng và không phải mục tiêu của sự đùa cợt.
  • Đừng để OCD xâm chiếm cuộc sống gia đình. Cả gia đình hãy cùng nhau ngồi xuống và nghĩ cách giải quyết những triệu chứng của bệnh nhân. Hãy cố gắng giữ cuộc sống gia đình bình thường và ít áp lực nhất có thể. 

———————————–

Dịch: ivvimcmxcix 

Biên tập: Mai

Nguồn ảnh: Pinterest

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan