Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial personality disorder)

Rối loạn nhân cách chống xã hội là một loại rối loạn có tính thách thức đặc biệt, đặc trưng của nó là hành vi bốc đồng, vô trách nhiệm và thường mang tính tội phạm.

Rối loạn nhân cách là tình trạng sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến cách một người suy nghĩ, nhận thức, cảm nhận hoặc quan hệ với người khác.


Rối loạn nhân cách chống xã hội là một loại rối loạn có tính thách thức đặc biệt, đặc trưng của nó là hành vi bốc đồng, vô trách nhiệm và thường mang tính tội phạm.


Người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường lôi kéo, lừa dối và liều lĩnh, và sẽ không quan tâm đến cảm xúc của người khác.


Giống như các dạng rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách chống đối xã hội nằm trên một phổ rộng (spectrum), có nghĩa là nó có thể được xếp theo mức độ nghiêm trọng: từ hành vi xấu nhưng không thường xuyên; đến nhiều lần vi phạm pháp luật và phạm tội nghiêm trọng.


Kẻ thái nhân cách được coi là một dạng rối loạn nhân cách chống đối xã hội nghiêm trọng.


Dấu hiệu của rối loạn nhân cách chống đối xã hội


Một người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể:


  • lợi dụng, thao túng hoặc vi phạm quyền của người khác
  • thiếu sự quan tâm, hối hận hoặc ăn năn về sự đau khổ của người khác
  • cư xử thiếu trách nhiệm và coi thường các hành vi xã hội bình thường
  • khó duy trì mối quan hệ lâu dài
  • không thể kiểm soát cơn giận của mình
  • thiếu cảm giác tội lỗi, hoặc không học hỏi từ những sai lầm của họ
  • đổ lỗi cho người khác về các vấn đề trong cuộc sống của họ
  • liên tục phạm luật


Một người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ có tiền sử rối loạn hành vi trong thời thơ ấu, chẳng hạn như trốn học, phạm pháp (ví dụ, phạm tội hoặc lạm dụng chất kích thích), và các hành vi gây rối và hung hăng khác.



Rối loạn nhân cách chống đối xã hội ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới | Ảnh: @thecallumskelton - Unplash




Ai phát triển chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội?


Rối loạn nhân cách chống đối xã hội ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới.


Nguyên nhân một số người phát triển chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội vẫn chưa rõ hoàn toàn, nhưng cả di truyền và trải nghiệm thời thơ ấu đau thương, chẳng hạn như lạm dụng hoặc bỏ rơi trẻ em, được cho là có vai trò nhất định.


Một người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn.


Một hoặc cả hai cha mẹ có thể lạm dụng rượu, giữa cha mẹ có xung đột, và cách nuôi dạy con cái khắc nghiệt, không nhất quán là điều phổ biến.


Do những vấn đề này, các nhóm công tác xã hội có thể tham gia vào việc chăm sóc trẻ.


Những khó khăn kiểu này trong thời thơ ấu thường sẽ dẫn đến các vấn đề về hành vi trong thời kỳ niên thiếu và trưởng thành.



Ảnh hưởng của rối loạn nhân cách chống đối xã hội


Hành vi phạm tội là đặc điểm chính của chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội và có nhiều nguy cơ người mắc chứng rối loạn này sẽ phạm tội và bị bắt giam vào một thời điểm nào đó trong đời.


Đàn ông mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội được phát hiện có nguy cơ lạm dụng rượu và ma túy cao gấp 3 đến 5 lần so với những người không mắc chứng rối loạn này và tăng nguy cơ tử vong sớm do hành vi liều lĩnh hoặc cố gắng tự tử.


Những người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội cũng có nhiều khả năng gặp các vấn đề về mối quan hệ khi trưởng thành, cũng như vấn đề thất nghiệp, vô gia cư.



Chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội


Để được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, một người thường sẽ có tiền sử rối loạn ứng xử trước 15 tuổi.

Rối loạn nhân cách chống xã hội được chẩn đoán sau khi thực hiện kiểm tra, đánh giá tâm lý nghiêm ngặt.


Ta chỉ có thể chẩn đoán người đó mắc rối loạn này nếu người đó từ 18 tuổi trở lên và có áp dụng ít nhất 3 trong số các tiêu chí sau:


  • liên tục vi phạm pháp luật
  • liên tục lừa dối
  • bốc đồng hoặc không có khả năng lập kế hoạch trước
  • cáu kỉnh và hung dữ
  • khinh suất, coi thường sự an toàn của họ hoặc sự an toàn của người khác
  • luôn vô trách nhiệm
  • thiếu sự ăn năn, hối hận


Những dấu hiệu này không được là một phần của giai đoạn tâm thần phân liệt hoặc hưng cảm – chúng phải là một phần của tính cách hàng ngày của người đó.


Hành vi này thường trở nên cực đoan và thách thức nhất trong giai đoạn cuối của thanh thiếu niên và đầu những năm 20 tuổi. Nó có thể cải thiện khi người đó đến tuổi 40.



Điều trị chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội


Trước đây, rối loạn nhân cách chống đối xã hội được cho là một chứng rối loạn kéo dài suốt đời, nhưng không phải lúc nào cũng vậy và đôi khi nó có thể được quản lý và điều trị.


Bằng chứng cho thấy hành vi có thể cải thiện theo thời gian nhờ liệu pháp, ngay cả khi các đặc điểm cốt lõi như thiếu sự đồng cảm vẫn còn.


Nhưng rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một trong những loại rối loạn nhân cách khó điều trị nhất. Một người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội cũng có thể miễn cưỡng tìm cách điều trị và chỉ có thể bắt đầu trị liệu khi có lệnh của tòa án.


Việc điều trị được khuyến nghị cho người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh của họ, có tính đến các yếu tố như tuổi tác, tiền sử vi phạm và liệu có bất kỳ vấn đề nào liên quan, chẳng hạn như lạm dụng rượu hoặc ma túy.


Gia đình và bạn bè của người đó thường sẽ đóng vai trò tích cực trong việc đưa ra quyết định về việc điều trị và chăm sóc họ.


Trong một số trường hợp, các dịch vụ điều trị việc lạm dụng chất kích thích và chăm sóc xã hội cũng có thể cần tham gia vào trị liệu người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội.



Các liệu pháp thường được sử dụng:


Liệu pháp nói chuyện


Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioural therapy – CBT) đôi khi được sử dụng để điều trị chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Đó là một liệu pháp trò chuyện nhằm mục đích giúp một người quản lý các vấn đề của họ bằng cách thay đổi cách họ suy nghĩ và hành xử.


Liệu pháp dựa trên sự lý trí hóa (Mentalisation-based therapy – MBT) là một loại liệu pháp nói chuyện khác đang trở nên phổ biến hơn trong điều trị chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội: Nhà trị liệu sẽ khuyến khích người bệnh xem xét cách họ suy nghĩ và trạng thái tinh thần của họ ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của họ.



Cộng đồng trị liệu mang tính dân chủ (Democratic therapeutic communities – DTC)

Bằng chứng cho thấy các chương trình dựa vào cộng đồng có thể là một phương pháp điều trị lâu dài hiệu quả cho những người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, và ngày càng trở nên phổ biến trong các nhà tù.


DTC là một loại liệu pháp xã hội nhằm giải quyết nguy cơ xúc phạm của người đó, cũng như các nhu cầu về tình cảm và tâm lý của họ.

Nó dựa trên các nhóm trị liệu lớn và nhỏ và tập trung vào các vấn đề cộng đồng, tạo ra một môi trường mà cả nhân viên và tù nhân đều đóng góp vào các quyết định của cộng đồng.


Người mắc chứng rối loạn cũng có thể có cơ hội làm công việc giáo dục hoặc dạy nghề.


Thời gian điều trị được khuyến nghị là 18 tháng, vì cần có đủ thời gian để một người thay đổi và áp dụng các kỹ năng mới vào thực tế. Động lực của bản thân là một yếu tố quan trọng khác để được chấp nhận trong loại chương trình này. Ví dụ, người đó phải sẵn sàng làm việc như một phần của cộng đồng, tham gia vào các nhóm và tuân theo quy trình dân chủ.



Dược phẩm


Có rất ít bằng chứng ủng hộ việc sử dụng thuốc để điều trị chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, mặc dù một số loại thuốc chống loạn thần và chống trầm cảm có thể hữu ích trong một số trường hợp.


Carbamazepine và lithium có thể giúp kiểm soát các triệu chứng như hung hăng và hành vi bốc đồng, và một nhóm thuốc chống trầm cảm được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) có thể cải thiện sự tức giận và các triệu chứng rối loạn nhân cách nói chung.



Về rối loạn nhân cách nói chung


Rối loạn nhân cách ảnh hưởng đến cách một người suy nghĩ, nhận thức, cảm nhận hoặc quan hệ với người khác. Chúng ở mức từ nhẹ đến nặng.


Các dấu hiệu thường xuất hiện ở tuổi thiếu niên và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Những người bị rối loạn nhân cách thường có các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, đặc biệt là trầm cảm và lạm dụng chất kích thích.


Rối loạn nhân cách có thể liên quan đến các yếu tố di truyền và gia đình, và trải nghiệm đau khổ hoặc sợ hãi trong thời thơ ấu, chẳng hạn, trường hợp phổ biến là bị bỏ rơi hoặc lạm dụng.


Mặc dù rối loạn nhân cách có thể xảy ra trong gia đình, nhưng thái nhân cách bệnh lý (psychopathy) được cho là có thành phần di truyền cao hơn.


Điều trị rối loạn nhân cách thường bao gồm một đợt trị liệu tâm lý.


Vân Anh dịch và tổng hợp - Viện Tâm lý học & Truyền thông

Nguồn: https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/antisocial-personality-disorder/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan