Thế Nào Là Rối Loạn Nhân Cách Dạng Phân Liệt?

Nhiều người vẫn nhầm lẫn Rối loạn nhân cách dạng phân liệt với chứng Tâm thần phân liệt, nhưng hai rối loạn này không phải là một. Sự nhầm lẫn này là do cả hai chứng bệnh đều có cùng …

Nhiều người vẫn nhầm lẫn Rối loạn nhân cách dạng phân liệt với chứng Tâm thần phân liệt, nhưng hai rối loạn này không phải là một. Sự nhầm lẫn này là do cả hai chứng bệnh đều có cùng những triệu chứng âm tính [1], chẳng hạn như giảm bộc lộ cảm xúc và giảm năng động (avolition), là tình trạng suy giảm động lực để có thể khởi sự những hoạt động có mục đích. Tên gọi schizoid cũng gây nhầm lẫn vì nó bắt đầu với từ “schizo” khiến mọi người liên tưởng tới cái tên schizophrenia (tâm thần phân liệt). Vậy đâu là điểm khác biệt giữa hai chứng bệnh này?

Tâm thần phân liệt là một chứng rối loạn tâm thần mà người mắc bệnh nhìn nhận thực tại một cách dị thường thông qua những hoang tưởng và ảo giác. Bệnh nhân tâm thần phân liệt có khuynh hướng nói năng và hành xử vô tổ chức. Trong khi đó, theo Sổ tay Thống Kê và Chẩn Đoán các Rối loạn tâm thần, những bệnh nhân có rối loạn nhân cách dạng phân liệt có “một dạng kiểu mẫu chung là tách rời khỏi các mối quan hệ xã và sự giới hạn trong phạm vi bộc lộ cảm xúc trong những bối cảnh tương giao với người khác” (Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, 2013).

Tiêu chuẩn chẩn đoán chứng rối loạn nhân cách dạng phân liệt bao gồm:

  1. Thiếu cảm giác vui thích và khao khát trong việc xây dựng các mối tương quan gần gũi, thậm chí với cả người trong gia đình.
  2. Ưa chuộng những hoạt động và công việc có tính cô độc.
  3. Sự suy giảm mong muốn có những trải nghiệm liên quan đến tính dục với người khác.
  4. Cảm thấy ít, thậm chí là không cảm thấy thỏa mãn trong các hoạt động.
  5. Tỏ vẻ lạnh lùng và xa cách mọi người.
  6. Có ít, hoặc không có bạn bè.
  7. Lãnh đạm trước sự khen ngợi cũng như phê bình từ mọi người.

Chứng rối loạn nhân cách dạng phân liệt bắt đầu vào đầu lứa tuổi trưởng thành. Những người mắc chứng này trông có vẻ cô đơn và gần như không thấy họ hiện diện bên cạnh ai khác, ngoài những người thân cận trong gia đình. Người ta cũng thường coi người mắc chứng rối loạn này như những kẻ nông cạn, hời hợt bởi vì họ hiểu trật lất những tín hiệu xã giao và phản ứng không phù hợp. Họ cũng không đáp lại những biểu cảm trên gương mặt và cử chỉ, như là gật đầu, của người đang nói chuyện với họ.

Một trong những đặc điểm chính của chứng rối loạn này là cảm thấy bị suy giảm tới mức không thấy thỏa mãn trong những trải nghiệm về thể lý và cảm giác. Ví dụ như không thấy vui thích gì khi đi dạo trong một khu rừng xinh đẹp hoặc khi quan hệ tình dục. Một đặc tính khác đó là không thấy phiền hà gì với những điều người khác nghĩ về họ. Những người mắc chứng này cho biết họ hiếm khi cảm nhận được những cảm xúc như là giận dữ hay hạnh phúc. Trong vài trường hợp mà họ có cảm xúc thì thường liên quan tới những cảm nhận tiêu cực trong các tương tác xã hội.

Chứng rối loạn tâm thần này có thể được chẩn đoán như một rối loạn đơn độc nhưng có thể đồng xuất hiện với chứng rối loạn loại phân liệt (schizotypal disorder), rối loạn nhân cách hoang tưởng (paranoid personality disorder), và rối loạn nhân cách tránh né (avoidant personality disorder). Mặc dù rối loạn nhân cách dạng phân liệt bắt đầu trong thời đầu tuổi trưởng thành, nó có thể thể hiện ở thời thơ ấu với biểu hiện là các mối quan hệ nghèo nàn và biểu hiện kém trong học tập. Rối loạn này chưa được thấu hiểu đầy đủ, nhưng các nhà khoa học khám phá ra bằng chứng rằng nó có mối liên hệ về mặt di truyền với bệnh tâm thần phân liệt. Điều đó có nghĩa là chứng rối loạn này có thể tăng tỉ lệ lưu hành (tỉ lệ mắc) ở những người mà có họ hàng bị tâm thần phân liệt.

Chứng rối loạn này thường hiếm gặp trong bối cảnh lâm sàng vì những người mắc phải hầu như không thấy bản thân mình có vấn đề gì. Tìm cách điều trị xem ra không phải là sự chọn lựa của họ bởi vì điều đó có nghĩa là họ sẽ phải tương tác với người khác. Vì vậy, có rất ít nghiên cứu được thực hiện về việc điều trị chứng rối loạn nhân cách dạng phân liệt. Có quan điểm cho rằng liệu pháp Nhận thức – Hành vi có thể giúp tái cấu trúc những suy nghĩ và hành vi xoay quanh những tương tác mang tính xã hội, trong khi đó liệu pháp tâm lý nhóm có thể giúp học hỏi các kỹ năng xã hội. Không cần phải kê đơn thuốc, trừ khi có những rối loạn khác hiện diện, chẳng hạn như rối loạn lo âu.

Hy vọng rằng các nghiên cứu sẽ sớm được thực hiện để hiểu rõ hơn về chứng rối loạn tâm thần này và cho ra thêm những lựa chọn trong việc điều trị. Tôi mong rằng bài viết này có thể giúp bạn hiểu hơn về chứng rối loạn này. Xin hãy đóng góp ý kiến ở phần bình luận nhé.

Tài liệu tham khảo:

Hiệp Hội Tâm Thần Hoa Kỳ (2013). Sổ tay Thống Kê và Chẩn Đoán các Rối loạn tâm thần (phiên bản thứ 5). Washington, DC.

Chú thích của editor:

[1] Triệu chứng âm tính có thể hiểu là những triệu chứng cho thấy việc thiếu mất ở người bệnh những biểu hiện mà người bình thường có.

Dịch: Savio

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: GoOn

Nguồn ảnh: unplash

Nguồn bài viết:  https://psych2go.net/schizoid-personality-disorder-what-is-it/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan