Rối loạn tâm thần hàng loạt có phải là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại?

Khi toàn xã hội tách rời khỏi thực tế và rơi vào ảo tưởng, đó là lúc chứng rối loạn tâm thần hàng loạt xảy ra. Sự thật lịch sử về những cuộc truy đuổi phù thủy và sự trỗi dậy của chủ nghĩa toàn trị là hai ví dụ điển hình nhất cho chứng bệnh đáng sợ này.



“Tất cả những người xung quanh ta đều trải qua những nỗi sợ không được kiểm soát và không thể kiểm soát được. Những bệnh nhân trong các nhà thương điên sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi họ sợ hãi hơn là khi tức giận hay căm phẫn.”

(Carl Jung, Tâm lý học và tôn giáo )


Theo nhà tâm lý học Carl Jung, mối đe dọa lớn nhất đối với một nền văn minh không nằm ở các thế lực tự nhiên hay bất kỳ căn bệnh thể chất nào mà là do chúng ta không có khả năng kiểm soát sức mạnh tâm hồn của chính mình. Chúng ta là kẻ thù lớn nhất của chính mình như ngạn ngữ Latinh đã nói rằng “Loài người là sói đối với chính giống loài mình”.


Trong Civilization in Transition (Văn minh trong thời kỳ quá độ), Jung nói rằng câu tục ngữ này “là một sự thật đáng buồn nhưng vĩnh cửu” và khuynh hướng giống loài sói của chúng ta nổi bật nhất vào thời điểm khi bệnh tâm thần trở thành tình trạng xảy ra thường xuyên chứ không còn là ngoại lệ trong xã hội. Tình trạng này được Jung gọi là đại dịch tâm thần. Ông viết :


“Thật vậy, điều đó càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi không phải nạn đói, động đất, vi trùng, hay ung thư mà chính con người mới là mối nguy hiểm lớn nhất đối với chính giống loài. Lý do đơn giản là không có biện pháp bảo vệ thích hợp chống lại đại dịch tâm thần, thứ còn có sức tàn phá khủng khiếp hơn thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất ”.


Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu mối nguy lớn nhất trong tất cả các đại dịch tâm thần là chứng rối loạn tâm thần hàng loạt. Rối loạn tâm thần hàng loạt là một bệnh điên loạn, xảy ra khi phần lớn xã hội tách rời thực tế và rơi vào tình trạng ảo tưởng. Hiện tượng như vậy không phải là hư cấu mà có thật trong lịch sử. Hai ví dụ về chứng loạn thần hàng loạt là các cuộc săn lùng phù thủy của người Mỹ và người châu Âu vào thế kỷ 16 và 17 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa toàn trị trong thế kỷ 20. Trong cuộc săn lùng của phù thủy, hàng ngàn người, chủ yếu là phụ nữ, đã bị giết khi không gây ra bất cứ tội ác nào. Họ bị giết do trở thành vật tế thần của một xã hội cuồng loạn:


"Tại một số ngôi làng ở Thụy Sĩ, hiếm có phụ nữ nào còn sống khi cơn điên cuồng qua đi."


Các thí nghiệm về chế độ độc tài của thế kỷ 20 là một ví dụ mới hơn và chết chóc hơn về chứng rối loạn tâm thần hàng loạt. Ở Liên Xô, Đức Quốc xã, Triều Tiên, Trung Quốc và Campuchia, sự tách rời thực tế hàng loạt và sa vào ảo tưởng hay hoang tưởng mở đường cho sự trỗi dậy của các chính phủ toàn trị toàn năng đã hủy hoại cuộc sống của hàng trăm triệu người :


“. . .các hệ thống chuyên chế của thế kỷ 20 đại diện cho một loại rối loạn tâm thần tập thể. Dù từ từ hay đột ngột, lý trí và phép tắc thông thường của con người không còn tồn tại trong một hệ thống như vậy. Thay vào đó là một bầu không khí sợ hãi lan rộng và hình ảnh “kẻ thù” được tưởng tượng luôn “ở giữa chúng ta”. Do đó, tự thân xã hội phụ thuộc vào các nhà cầm quyền.”





Khi một cơn rối loạn tâm thần hàng loạt xảy ra, hậu quả vô cùng tàn khốc. Jung đã nghiên cứu kỹ lưỡng về hiện tượng này và viết rằng những người tạo nên xã hội bị bệnh “trở nên kém cỏi về mặt đạo đức và tinh thần”, họ “chìm sâu vào một trình độ dân trí thấp kém một cách vô thức”, họ trở nên “vô lý, vô trách nhiệm, dễ xúc động, thất thường và không đáng tin cậy”. và tệ nhất là


“Những tội lỗi mà một người không bao giờ có thể chịu được đều do cả nhóm phạm phải [bị đánh gục bởi sự điên rồ ].”


Điều tồi tệ hơn là những người mắc chứng rối loạn tâm thần hàng loạt không nhận thức được điều gì đang xảy ra. Cũng giống như một người điên không thể bước ra khỏi tâm trí để quan sát những sai lầm theo cách của mình, những người sống qua cơn rối loạn tâm thần hàng loạt không thể quan sát được cơn điên loạn tập thể của mình. Jung viết về bệnh dịch tâm linh đã tràn qua nước Đức dưới sự cai trị của Hitler:


“Hiện tượng mà chúng ta đã chứng kiến ​​ở Đức chẳng khác gì một đợt bùng phát dịch bệnh mất trí. . . Không ai biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Ít nhất là trong số tất cả những người Đức, họ cho phép mình bị điều khiển bởi những kẻ tâm thần hàng đầu, giống như những con cừu bị thôi miên để đưa đến lò mổ”.


Điều gì gây ra chứng loạn thần hàng loạt và điều gì khiến một xã hội dễ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tàn khốc này tới như vậy? Để có câu trả lời, chúng ta phải bắt đầu từ những điều cơ bản. Chúng ta cần giải thích khái niệm và nguyên nhân khiến một người rơi vào trạng thái điên loạn. Từ đó, ta có thể biết quá trình này diễn ra như thế nào trên phạm vi rộng.


Rối loạn tâm thần được định nghĩa là sự tách rời khỏi thực tế hoặc mất đi mối quan hệ thích ứng với thực tế. Thay vì có những suy nghĩ và niềm tin phù hợp với thực tế, người loạn thần bị chế ngự bởi những ảo tưởng vốn là những niềm tin sai lầm dù cho có bằng chứng chứng minh điều ngược lại. Joost Meerloo định nghĩa ảo tưởng chính là :


“… mất đi thực tế độc lập có thể kiểm chứng được, với hậu quả là trở về một giai đoạn nhận thức sơ khai hơn.”


Ảo tưởng có thể có nhiều dạng. Một số người bệnh nảy sinh hoang tưởng và tin rằng họ liên tục bị theo dõi, tìm kiếm hay quan sát. Những người khác, chẳng hạn như người mắc chứng tâm thần phân liệt catatonic, hình thành ảo tưởng về khả năng thay đổi trạng thái của vũ trụ chỉ bằng chuyển động của cơ thể họ. Do đó họ thu mình lại trong những dáng giống tượng. Với người bình thường, ảo tưởng là sai bởi nó không tuân theo lẽ tự nhiên của thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, với người mắc chứng rối loạn tâm thần, chúng lại được coi là đúng, do đó ảnh hưởng đến cách họ tương tác với thế giới và với người khác. Giống như Jung đã viết:


“Nếu một người tưởng tượng rằng tôi là kẻ thù không đội trời chung của anh ta và giết tôi thì tôi chết bởi tưởng tượng đơn thuần. Các tình huống giả tưởng thực sự tồn tại và chúng có thể giống như thật ,có hại hoặc nguy hiểm như các điều kiện thực sự hiện hữu. Tôi thậm chí còn tin rằng chứng rối loạn tâm thần còn nguy hiểm hơn nhiều so với dịch bệnh (bệnh trên cơ thể) hay động đất ”.


Tuy việc sa vào những ảo tưởng này có nhiều tác nhân như sử dụng quá nhiều ma túy hoặc rượu, chấn thương não và các bệnh khác nhưng ta sẽ không quan tâm tới những nguyên nhân thể chất này ở đây. Mối quan tâm của chúng ta là những tác nhân tâm lý, do đây là nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn tâm thần hàng loạt. Nguyên nhân phổ biến nhất là do dòng cảm xúc tiêu cực như sợ hãi hoặc lo lắng, khiến một người rơi vào trạng thái hoảng sợ. Khi ở trong trạng thái hoảng sợ, theo bản năng con người sẽ tìm cách giải tỏa vì tinh thần và thể chất quá kiệt quệ để tiếp tục tồn tại trong trạng thái siêu cảm xúc này một thời gian dài. Để thoát khỏi nỗi sợ hãi và lo lắng của trạng thái hoảng sợ này, cần có một phản ứng tích cực hoặc tiêu cực xảy ra và có dạng sau:


“ Cần tạo ra một nỗ lực lớn hơn. Mỗi người sẽ phải trở nên mạnh mẽ và ý chí hơn, cố gắng vượt qua trở ngại hoặc nguồn cơn của mọi đau khổ thông qua nỗ lực về thể chất, trí tuệ và đạo đức. . Nếu sức mạnh của một cá nhân không đủ, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của những người khác. Nếu nỗ lực sau cùng không thành công, hoặc một cá nhân quá yếu ngay từ khi bắt chống lại, một phản ứng tiêu cực sẽ xảy ra. "



Ở mức độ cao nhất, phản ứng tiêu cực là một sự suy sụp tinh thần. Suy sụp tinh thần không phải là rơi vào trạng thái rối loạn nghiêm trọng như nhiều người lầm tưởng, mà là sự sắp xếp lại thế giới trải nghiệm của một người, kết hợp giữa thực tế và hư cấu, hoặc ảo tưởng và thực tế, theo cách giúp chấm dứt cảm giác hoảng sợ. Silvano Arieti là một trong những nhà chức trách hàng đầu của thế kỷ 20 về bệnh tâm thần phân liệt. Ông giải thích các giai đoạn tâm thần dẫn đến chứng điên loạn. Đầu tiên là 


“… giai đoạn hoảng loạn - khi bệnh nhân bắt đầu nhận thức mọi thứ theo một cách khác, sợ hãi, tỏ ra bối rối và không biết giải thích thế nào về “ những điều kỳ lạ đang xảy ra. ”


Bước tiếp theo là giai đoạn của sự thấu hiểu tâm thần. Theo đó, một cá nhân


“… thành công trong việc“ sắp xếp mọi thứ lại với nhau” bằng việc nghĩ ra một cách nhìn thực tế theo bệnh lý học giúp giải thích những trải nghiệm bất thường của mình. Hiện tượng này được gọi là “thấu hiểu” bởi vì bệnh nhân cuối cùng cũng nhìn thấy ý nghĩa và mối liên hệ trong trải nghiệm của mình.”


Nhưng cái nhìn thấu hiểu cũng là bệnh bởi nó dựa trên ảo tưởng chứ không phải trên những cách thích nghi và thúc đẩy cuộc sống liên quan đến bất kỳ mối đe dọa nào gây ra hoảng loạn. Nói cách khác, những ảo tưởng cho phép người mắc chứng hoảng sợ thoát khỏi dòng cảm xúc tiêu cực, nhưng phải đánh đổi lại là tách rời thực tế .Chính vì vậy, Arieti nói rằng sự suy sụp tâm thần có thể được coi là “một cách đối phó khác thường với trạng thái lo lắng tột độ. . . ” Nhà tâm lý học người Mỹ Alexander Lowen lặp lại quan điểm này : 


“Có hai yếu tố rất quan trọng trong động lực của suy sụp tinh thần. Một là bản ngã yếu ớt hoặc thiếu vững chắc. Yếu tố còn lại là loạt cảm giác mà bản ngã không thể hòa nhập được ”.


Khi hiểu được rằng dòng cảm xúc tiêu cực cùng với bản ngã yếu ớt, không vững vàng có thể khiến con người rơi vào trạng thái phát điên, ta sẽ hiểu được rối loạn tâm thần hàng loạt xảy ra như thế nào. Trước tiên, một quần thể cần được đưa vào trạng thái sợ hãi hoặc lo lắng tột cùng bởi những lời đe dọa có thật, tưởng tượng hay bịa đặt và khi đó, phản ứng tích cực hoặc tiêu cực sẽ được tạo ra. Nếu một xã hội bao gồm những cá nhân tự chủ, kiên cường và mạnh mẽ bên trong thì phản ứng tích cực xuất hiện. Ngược lại, nếu xã hội toàn là những cá thể yếu đuối, bất an và vô dụng thì việc rơi vào ảo tưởng của chứng rối loạn tinh thần hàng loạt trở thành một khả năng hiện hữu. Nói cách khác, căng thẳng tột độ có thể mang lại điều tốt nhất cho một cá nhân hoặc xã hội nói chung, nhưng đồng thời còn có thể gây ra điều kinh hoàng nhất. Như nhà tâm lý học Anthony Storr đã viết :


“. . . Chỉ khi chúng ta chấp nhận sự tồn tại những hoang tưởng tiềm ẩn nằm sâu trong những ngóc ngách của tâm trí bình thường thì chúng ta mới có thể giải thích được những ảo tưởng hàng loạt đã dẫn đến cuộc đàn áp phù thủy và sự tàn sát của Đức Quốc xã đối với người Do Thái. Nhiều niềm tin về phù thủy và người Do Thái của những phụ nữ và đàn ông bình thường bị cho là những hoang tưởng tâm thần khi chúng được đưa ra bởi một hoặc hai cá nhân thay vì cả cộng đồng. Có những nguồn sức mạnh tinh thần cực kỳ nguyên thủy, phi lý trí hoạt động trong tâm trí của tất cả chúng ta được lý trí che giấu và kiểm soát. Tuy nhiên, những nguồn sức mạnh này lại được thể hiện rõ ràng trong hành vi của những người mắc bệnh tâm thần và cả của những người bình thường khi bị đe dọa hay phải chịu những hình thức căng thẳng khác. ”



Trong video tiếp theo của loạt bài này, chúng ta sẽ khám phá cách mà một vài ý tưởng nhất định, hay thứ mà tác giả người Nga Fyodor Dostoevsky gọi là ma quỷ có thể gây ra một loạt cảm xúc tiêu cực trong toàn xã hội, từ đó mở đường cho những lý giải về chứng rối loạn tâm thần hàng loạt. Những ý tưởng có sức mạnh to lớn đến mức đôi khi chúng có thể chiếm hữu, nuốt chửng hoặc thậm chí tiêu diệt chúng ta. Những người kiểm soát luồng thông tin trong một xã hội và những ý tưởng chúng ta chấp nhận là đúng hay sai, có sức mạnh to lớn trong suốt quá trình văn minh hóa.


"Bạn không ăn mòn ý tưởng mà là ý tưởng ăn mòn bạn.” 


Hay như Jung khẳng định lại:


“Ngày xưa con người bị quỷ ám, còn giờ đây họ bị ám ảnh không ít bởi những ý tưởng . . . ”


_ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ __ _ _ _ _


Dịch bởi : Vân Anh

Biên tập : Cẩm Ly

Nguồn: https://academyofideas.com/2021/02/mass-psychosis-greatest-threat-to-humanity/

Nguồn ảnh : Pexels

BẢN THẢO
Bài viết liên quan