Tính cách của chúng ta đều được hình thành bởi những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của riêng mỗi người. Những ý nghĩ và hành vi riêng biệt trong từng cá nhân khiến mỗi người trở thành những cá thể khác biệt. Con người ai cũng sẽ có những suy nghĩ và hành vi khác nhau trong mỗi tình huống riêng biệt của cuộc sống, và với từng cá nhân đều sẽ có những cách đáp trả và xử lý không giống nhau.
Tuy nhiên, sẽ phải chú ý nếu một người nào đó liên tục gặp khó khăn trong việc xử lý các vấn đề của bản thân và người khác, hoặc việc kết nối hay sinh hoạt trong cộng đồng trở thành một thách thức lớn với họ.
Ảnh: @the_midnight_travelers
Ví dụ như một người luôn thường trực xuất hiện cảm giác không thể tin tưởng được ai khác, hoặc thường xuyên sợ rằng mình sẽ bị gạt khỏi các mối quan hệ, hoặc bị bỏ rơi. Những cảm xúc ấy điều khiển suy nghĩ và hành vi của họ, gây ra phiền nhiễu cho chính họ và những người xung quanh trong cuộc sống hằng ngày.
Hoặc như, những trải nghiệm khó khăn trong việc kết bạn, giữ gìn tình bạn hoặc không thể dung hoà cùng những người xung quanh xuất hiện trong một thời gian dài. Những khó khăn này có thể đã bắt đầu len lỏi trong cuộc sống của người đó từ lúc còn là một đứa trẻ hoặc lúc vị thành niên, sau đó mang theo đến tận tuổi trưởng thành.
Nếu như một người nào đó bạn biết có những biểu hiện như vậy, thì người đó rất có khả năng sẽ nhận được một chẩn đoán về rối loạn nhân cách.
Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder - NPD) là một trạng thái không bình thường của nhân cách, gắn liền với những kinh nghiệm sống và hành vi tập trung quá mức vào bản thân. Là những người có ý thức gắn liền với hành động thiếu đi sự đồng cảm với người khác, và thường coi trọng bản thân hơn mức cần thiết.
Giống như nhiều rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách ái kỷ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của người mắc phải, ví dụ như ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, sự kết nối với gia đình và sự liên kết với đồng nghiệp trong công việc.
Dựa theo một nghiên cứu của Hiệp hội sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (The National Institute of Mental Health (NIMH), rối loạn nhân cách ái kỷ ước tính ảnh hưởng đến 1% dân số nước này, trong đó nam giới thường mắc phải nhiều hơn nữ giới.
Những dấu hiệu gắn liền với rối loạn nhân cách ái kỷ:
- Có biểu hiện đánh giá quá cao khả năng và thành tựu của bản thân.
- Luôn cần đến sự chú ý, sự công nhận và khao khát được khẳng định mình với người khác.
- Tin rằng mình là người thực sự đặc biệt, phi thường và khác hẳn với những người khác.
- Luôn mang theo (một cách cố chấp) những mong đợi cao về việc đạt được thành công và quyền lực vượt trội.
- Nghĩ rằng mình có quyền được đối xử đặc biệt.
- Luôn có cảm giác ganh tị, đố kị với người khác, hoặc tin rằng những người khác đang tị nạnh, đố kị với mình.
- Tận dụng những mối quan hệ để phục vụ các mục tiêu bản thân.
- Có những biểu hiện kiêu căng, hống hách.
- Thiếu đi sự đồng cảm với người khác.
Tuy nhiên, người có khả năng chẩn đoán rối loạn tính cách kể trên thường phải là những nhà tâm lý, nhà thần kinh học có chứng chỉ và bằng cấp. Cũng như người mắc phải hội chứng rối loạn có các biểu hiện tâm lý khác, những sự phiền nhiễu trong hành vi của bản thân làm người mắc rối loạn gặp trắc trở trong việc kết nối với cộng đồng; luôn tìm sự chú ý thái quá từ người khác và ảnh hưởng đến khả năng kết nối tình cảm.
Ái kỷ thường dùng để diễn tả những cá nhân đặt sự quan tâm và tập trung vào bản thân nhiều hơn với người khác. Tuy nhiên, việc phân biệt rõ ràng giữa người có đặc tính ái kỷ trong tính cách và những người đang mắc phải rối loạn nhân cách ái kỷ là một điều cần thiết. Đặc tính ưu ái và quan tâm đến bản thân vốn dĩ là một phần có sẵn trong quá trình phát triển cơ bản của con người. Ví như những bản chất ngông nghênh, kiêu hãnh thường dễ dàng nhìn thấy ở những người trẻ và những người đang trong giai đoạn trải nghiệm để tìm kiếm sự trưởng thành.
Có rất nhiều học thuyết để diễn giải nguyên nhân gây ra các rối loạn ái kỷ. Theo phân tâm học, bản chất ái kỷ cũng như đề cao bản thân quá mức thực tế là một phần của quá trình phát triển tính cách của con người. Theo đó, Otto Rank (1911) viết trong tài liệu nghiên cứu về ái kỷ, sau đó được tiếp tục phát triển bởi Freud (1914). Những tài liệu này nhấn mạnh nguyên nhân sâu xa của ái kỷ thực chất chính là một chức năng phòng vệ của con người. Những hành vi và ý nghĩ ái kỷ thực chất xuất phát từ việc ai đó bị cuộc sống chôn vùi trong những cảm xúc và ký ức tiêu cực, khiến giá trị bản thân và lòng tự trọng bị nhấn chìm.
Một lý thuyết khác được giải thích bởi Kohut (1971) diễn giải rằng những bệnh tâm lý liên quan đến bản chất ái kỷ thường xuất phát từ thời thơ ấu của một người. Theo đó, Kohut dùng cách tiếp cận rằng rối loạn ái kỷ thường xuất phát từ việc người chăm sóc đứa trẻ (như bố hoặc mẹ) thất bại trong việc dạy dỗ đứa trẻ về sự đồng cảm.
Học thuyết quan hệ đối tượng của Kernberg (1984) nhấn mạnh nguyên nhân gây ra các rối loạn ái kỷ là vì sự háo thắng và mâu thuẫn trong quá trình phát triển tính cách. Trong đó, mô hình học thuyết này tin rằng một tuổi thơ lạnh lẽo, thiếu đi sự ấm áp tình thương từ người chăm sóc, cũng như sự mâu thuẫn từ gia đình đẩy đứa trẻ đến mức sinh ra cảm giác rằng mình “đặc biệt” như một cách tự phòng vệ và xây dựng sự an toàn cho bản thân. Cho nên ở những người mắc các rối loạn ái kỷ, cơ chế tự vệ của họ tự phân tách khả năng cảm nhận của họ. Theo đó, họ sẽ dần bị mờ đi khả năng cảm nhận sự hối lỗi, ân hận và phiền muộn, thay vào đó họ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cảm giác nhục nhã, đố kị và háo thắng.
Nghiên cứu đa văn hóa đề xuất rằng những người ở văn hóa phương Tây, cụ thể là ở Mỹ thường xuất hiện các đặc điểm tính cách ái kỷ hơn là những người đến từ văn hóa phương Đông và Trung Đông. Foster (2003) giải thích rằng sự khác nhau ở văn hóa đề cao tính cá nhân, tập trung vào sự thành công, danh tiếng và vật chất ở Mỹ khiến họ phát triển các tính cách liên quan đến ái kỷ nhiều hơn là ở các nước Á Đông với văn hóa đề cao tập thể.
Trong các nghiên cứu về tâm lý học xã hội và nhân cách cũng nhấn mạnh rằng bản chất ái kỷ và các rối loạn liên quan thường có mối liên hệ mật thiết với cảm giác tủi nhục và sự háo thắng.
Ngoài ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và các mối quan hệ trong công việc, bản tính rối loạn ái kỷ còn ảnh hưởng rất lớn đến cách họ yêu đương. Các nghiên cứu khoa học đã tìm ra rằng bản tính ái kỷ có mối liên hệ mật thiết với kiểu tình yêu chơi đùa, không nghiêm túc trong tình yêu (Finkel, 2002). Nghiên cứu này giải thích rằng những người chơi đùa với trái tim của người khác để tìm kiếm quyền lực và tự do trong tình cảm, cũng như không muốn xác định một mối quan hệ nghiêm túc.
Vậy tại sao đặc tính ái kỷ của những người có vẻ như “yêu bản thân quá mức” này lại biến họ thành những “tay chơi” trong tình yêu?
Nguồn ảnh: Google
Một câu trích dẫn nổi tiếng của Branden (1994) từng nói rằng: “Nếu bạn không yêu bản thân bạn, bạn sẽ không thể yêu được người khác”.
Như đã nói ở trên, những người mắc rối loạn ái kỷ có thể vì họ đã trải qua những ký ức tuổi thơ lạnh lẽo, những nỗi đau đó khiến họ phải tự xây lên một lớp phòng vệ rằng bản thân họ đặc biệt và có giá trị. Thế nhưng, liệu lớp phòng vệ đó có thực sự bảo vệ họ và mang lại hơi ấm cho họ hay không? Khi một người không thể yêu bản thân họ, họ sẽ không thể tin rằng người khác có thể yêu mình và điều này khiến họ tránh né những mối quan hệ lành mạnh. Có thể họ nói rằng họ yêu ai đó, nhưng phải xem thử liệu trong lời nói đó có đi kèm những hành động khiến đối phương cảm nhận được tình yêu hay không. Tình yêu thực sự cần có sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu sâu sắc về người mà ta quan tâm. Nếu như một người không hề cảm nhận được những sự quan tâm kia hoặc nó bị lẫn lộn với những bạo hành khác, thì có thể đó không phải là tình yêu.
Thiếu đi sự đồng cảm, người ái kỷ sẽ trở nên ích kỷ, sắc bén và lạnh lẽo khi một người hoặc sự việc nào đó không hề giúp ích cho họ. Họ dễ dàng lơ là với những điều không làm họ trở nên giá trị hơn, hay đóng góp cho họ trở nên đặc biệt hơn. Đối với họ, tình cảm lãng mạn là một giao dịch hơn là nhận lại sự quan tâm và tình yêu. Họ quan tâm đến việc họ nhận được những gì, đôi khi điều họ muốn nhận thậm chí có thể làm tổn thương hoặc huỷ hoại người khác như là lừa dối, phản bội hay làm những chuyện trái với lương tâm. Hi sinh cho tình yêu không hề có trong từ điển của họ.
Trong các mối quan hệ tình cảm, người ái kỷ thường tìm kiếm và muốn ghép đôi với những người có thể khiến họ giữ gìn và nâng cao lòng tự trọng và đẳng cấp, hơn là tìm kiếm tình cảm hay sự quan tâm. Họ bị thu hút bởi những người có thể bồi đắp thêm giá trị cho họ.
Thực sự, người ái kỷ thường rất thích tận hưởng cảm giác được bao quanh bởi những người thành công và xinh đẹp. Họ thường ít nổi giận và khó chịu nếu như không có chuyện gì trái ý với họ. Mặc dù có tính cách và hành vi mạnh mẽ, người ái kỷ thường mang theo rất nhiều sự đau khổ. Các nhà tâm lý học diễn tả họ bằng từ “mong manh”. Thực vậy, họ chịu đựng cảm giác bị tách khỏi cộng đồng, cảm giác trống rỗng, cảm giác không có giá trị và quyền lực. Những cảm xúc ấy khiến họ phải đuổi theo quyền lực, thèm khát quyền được kiểm soát mọi việc, mọi người xung quanh và cảm xúc của họ.
Cơ chế phòng vệ của họ, như đã nhắc đến ở trên và sắp diễn tả ở dưới đây, cơ chế đó bảo vệ họ khỏi những cảm xúc trống rỗng kia nhưng lại làm đau người khác. Những lúc họ càng cảm thấy không an toàn, họ càng có những hành động, lời nói làm ảnh hưởng đến người khác.
Thử nghĩ xem trong những người bạn biết hoặc từng biết, một người nào đó bị những người xung quanh nhận xét là chảnh chọe và yêu bản thân họ hơn tất cả những điều khác. Một cô hot girl xinh đẹp nhà giàu, từ nhỏ ra đường đã không coi ai ra gì? Một cậu ấm con nhà giàu thích dạy đời, lên mặt? Một người bạn giỏi giang nhưng lại luôn coi thường và không thể kết bạn với những người mà họ cảm thấy khác biệt tri thức với họ? Có thể bạn sẽ ghét họ bởi những tính cách đó luôn đi cùng với những hành động, lời nói kiêu căng, ngạo mạn, thích khoe khoang quyền lực của bản thân và thiếu sự đồng cảm với người khác.
Câu trả lời có phải là do họ được nuông chiều quá đáng? Do họ thích được tung hô, thích được người khác nể phục? Và kết quả là bạn nhìn người đó như một trong những kẻ đáng ghét xuất hiện trong cuộc sống của bạn. Họ dễ dàng nổi đóa với những mâu thuẫn, họ không muốn chịu trách nhiệm hoặc không thể ngồi yên khi ai đó chỉ trích họ. Tất cả những điều này đều vì bên trong họ luôn có quá nhiều sự tủi nhục, khiến họ muốn tránh khỏi những cảm giác phải đối mặt với điểm yếu của bản thân trong vô thức.
Lúc xem phim và nhìn những nhân vật phản diện, có phải họ đều rất đáng ghét không? Và tất cả bọn họ có phải là những con người nổi bật hơn người khác, hoặc giàu có hơn, quyền lực hơn. Theo lý giải của các nhà tâm lý học, những người rối loạn ái kỷ thường tỏ ra hách dịch và bất cần để tự tạo cho bản thân họ một bức tường thành tự bảo vệ chính mình. Họ tạo nên một lá chắn để tránh né những cảm giác sợ hãi, sợ bị khinh thường và chạy trốn khỏi những hình ảnh cực đoan trong cuộc sống mà bạn sẽ không bao giờ được biết từ chính miệng họ.
Dựa theo Hướng dẫn chẩn đoán Tâm động học (Psychodynamic Diagnostic Manual), bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn về nguyên nhân xuất hiện những nỗi đau của họ.
Một số người trẻ thường tỏ ra hống hách, bất cần và coi bản thân mình là nhất, bằng một cách nào đó trong quá khứ, có lẽ họ đã từng trải qua những cảm giác được tâng bốc quá mức hoặc bị chà đạp, coi thường cảm xúc từ gia đình hoặc những người thân thiết. Hoặc là, chính bản thân họ vì thiếu tình thương từ lúc nhỏ nên tiềm thức của họ kích hoạt những suy nghĩ phải yêu bản thân và không cần những người khác (mà chính họ cũng không nhận ra).
Ví dụ như một đứa trẻ suốt ngày bị bố mẹ đem ra so sánh thúc ép với người khác, mặc kệ những cố gắng mà đứa trẻ đó đã làm thì một trong những xu hướng tính cách trong tương lai của đứa trẻ đó chính là luôn háo thắng.
Những hành động thờ ơ, cao ngạo, tự cho mình có quyền điều khiển của người rối loạn ái kỷ là để che giấu cảm xúc thật sự trong lòng họ - bảo vệ bản thân khỏi việc đối diện với lòng tự trọng thấp của họ (vốn dĩ họ đã từng có những lúc bị đánh giá khả năng quá thấp dẫn đến tự thấy bản thân mình vô dụng). Và họ dựng lên một lá chắn để tránh khỏi những xấu hổ và sự sỉ nhục.
Loại tính cách này xuất hiện được nhìn nhận như một cách để tự bảo vệ bản thân khỏi những cảm giác không an toàn. Nó ngăn cản người ái kỷ phát triển bản thân theo hướng tích cực, sự ngăn cách - đè nén - không được thấu hiểu trong quá khứ đã ngăn cản sự liên kết của họ với những người quan trọng nên họ không học được sự thấu hiểu và cách chấp nhận quan điểm.
Những người rối loạn ái kỷ luôn cố gắng theo đuổi hình tượng “mạnh mẽ" và luôn thích thể hiện cho người khác thấy họ có những hành vi cho thấy họ có quy chuẩn đạo đức, chuẩn mực. Chính xác hơn, đó là những nỗ lực đáng thương của họ để che giấu cảm xúc yếu đuối, không được công nhận và việc bị bỏ rơi của họ. Thông thường, như đã nhắc ở trên, nó có khả năng xuất hiện từ quá khứ đau thương của họ. Và gia đình càng khá giả, thành đạt thì sự đau thương trong cảm xúc chỉ có thể càng tăng chứ không thể giảm so với những gia đình bình thường (Giàu có thành đạt luôn đi đôi với sự bận rộn, cạnh tranh, mệt mỏi nên phụ huynh thành đạt sẽ không có thời gian quan tâm đến cảm xúc của con cái mình).
Khi đi sâu hơn về nguyên nhân của những tính cách kiêu căng, hống hách của người có bản tính ái kỷ, có thể kết luận rằng tuổi thơ họ đã từng phải trải qua những sự lơ là, hoặc sỉ nhục từ người thân làm họ cảm thấy họ không hề xứng đáng với những gì họ đang có trong cuộc sống. Để ngăn chặn những dòng suy nghĩ đau khổ ấy, họ dần giấu đi, trong vô thức họ đã tự tạo nên một vỏ bọc đủ để đảm bảo cho cảm xúc của họ ổn định. Họ tự lừa dối bản thân rằng họ xứng đáng hơn những người khác, họ có quyền đặc biệt hơn những người khác. Thậm chí dẫn đến những hành vi bất hảo, ngỗ ngược và khinh thường người khác. Trong vô thức, những cảm xúc đền bù họ tự tạo ra tác động vào tính cách tương lai của họ mà chính họ cũng không nhận ra.
Và chính chúng ta, những người không hiểu được tại sao những người đó lại trở nên xấu xa như vậy, cũng là một nguyên nhân. Thảm kịch cùng cực của người bị rối loạn ái kỷ chính là tất cả những người xung quanh - những người mà người ái kỷ dùng để đề cao bản thân - đều chán ghét họ, và bài trừ họ, nghĩ rằng họ sinh ra đã là một kẻ không biết trời đất. Điều này khiến họ càng cảm thấy đau khổ hơn nữa, cảm thấy trống rỗng vì cho dù họ cố gắng đến thế nào thì người khác cũng không công nhận sự tự bảo vệ của họ (vì chính họ cũng không hiểu họ có gì sai).
Sau đó, càng bị bài trừ, họ càng muốn thể hiện bản thân và tăng cường phòng thủ cho nỗi đau bị chà đạp lòng tự trọng, càng phủ nhận những chuẩn mực của người khác (mà bản thân họ coi là “tầm thường") và luôn nghĩ mình là kẻ đặc biệt nhất.
Nhìn chung thì những tính cách tâng bốc bản thân quá mức ấy thực sự hiệu quả trong việc bảo vệ họ khỏi những nỗi đau tinh thần. Nhưng nó cũng phản tác dụng, làm họ không bao giờ nhận được sự cảm thông và thấu hiểu của người khác. Người khác không biết họ thực sự là ai, là ác quỷ hay thiên thần thì làm sao có thể yêu thương và che chở, chấp nhận họ? Họ không hiểu được điều đó và họ càng theo đuổi sự hoàn hảo, lúc nào cũng muốn người khác phải ganh tị với họ.
Hiện nay, trị liệu tập trung vào lòng trắc ẩn (Compassion-focused therapy) là một trong những phương pháp được sử dụng để điều trị và hỗ trợ những cá nhân gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của rối loạn ái kỷ. Trị liệu tập trung vào lòng trắc ẩn được nhà tâm lý học Paul Gilbert (2010) phát triển từ liệu pháp chữa trị nhận thức hành vi. Liệu pháp này thường được dùng cho các cá nhân mang theo nhiều vết thương tâm lý, có nhiều cảm giác tủi nhục, luôn mâu thuẫn cảm xúc bên trong và có lòng tự trọng thấp. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy những người thường xuyên cảm nhận cảm giác tủi nhục và đánh giá thấp bản thân thường sẽ rất khó đối xử tốt với bản thân họ, qua đó nhìn nhận cuộc sống tiêu cực và dễ dàng mắc phải các rối loạn tâm lý.
Trong trị liệu lòng trắc ẩn có 3 hệ thống chính được giải thích: Chức năng phát hiện sự đe dọa (giúp một người phát hiện và đáp trả lại những nguy hiểm, đe dọa trong cuộc sống), chức năng kích hoạt và tạo động lực (khiến một người có động lực để theo đuổi những mong muốn trong cuộc sống), chức năng làm dịu và cảm nhận sự quan tâm (giúp một người cảm thấy an toàn và được kết nối hoàn toàn với bản thân). Ở người mắc rối loạn ái kỷ, chức năng kết nối, cảm nhận sự quan tâm của họ bị phân chia và lu mờ, thay vào đó họ liên tục cảm nhận được sự đe dọa và bị thúc đẩy cơ chế tự vệ để bảo vệ bản thân khỏi những việc ảnh hưởng đến giá trị của bản thân. Việc các nhà trị liệu làm chính là giúp người mắc rối loạn cân bằng 3 chức năng này trong nhận thức.
Thực sự sẽ khá vất vả để một người ái kỷ nhận ra mình có vấn đề và muốn được chữa trị, giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu như họ trải qua những quá trình biến chuyển tâm lý trong cuộc sống như kết hôn, sinh con hoặc trở nên già đi... hay gặp những thay đổi, những sự kiện chấn động trong cuộc sống thì có thể điều đó sẽ khiến họ muốn thay đổi.
Hãy tìm đến những nhà trị liệu tâm lý có chứng chỉ và kinh nghiệm để giúp đỡ nếu bạn biết hoặc muốn giúp đỡ ai đó cần giúp đỡ về tâm lý nhé!
Tài liệu tham khảo:
Kacel EL, Ennis N, Pereira DB. Narcissistic Personality Disorder in Clinical Health Psychology Practice: Case Studies of Comorbid Psychological Distress and Life-Limiting Illness. Behav Med. 2017;43(3):156–164. doi:10.1080/08964289.2017.1301875
Baskin-Sommers A, Krusemark E, Ronningstam E. Empathy in narcissistic personality disorder: from clinical and empirical perspectives. Personal Disord. 2014;5(3):323–333. doi:10.1037/per0000061
Paul Gilbert (2010). An Introduction to Compassion Focused Therapy in Cognitive Behavior Therapy. International Journal of Cognitive Therapy: Vol. 3, Special Section: Compassion Focused Therapy, pp. 97-112.
Lancer (2019). How to Think Like a Narcissist and Why They Hurt People. Narcissism. https://www.psychologytoday.com/us/blog/toxic-relationships/201906/how-think-narcissist-and-why-they-hurt-people
Yakeley, J. (2018). Current understanding of narcissism and narcissistic personality disorder. BJPsych Advances, 24(5), 305-315. doi:10.1192/bja.2018.20
http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.598.2800&rep=rep1&type=pdf
(4th ed.; DSM–IV; American Psychiatric Association, 1994)
https://www.mind.org.uk/information-support/types-of-mental-health-problems/personality-disorders/about-personality-disorders/?gclid=CjwKCAjw2a32BRBXEiwAUcugiMBydhNgBnifG9cTLJQ0TwRXt0O5M7VE1MPdUFp0oWShHj5-_e1aLRoCsngQAvD_BwE
Trích sách “Thấu hiểu để trưởng thành”, chương 3.
Tác giả bài viết: NGUYỄN LÊ HOÀI THƯƠNG,
Psychological facts - Tâm lý học và xã hội học Việt Nam
Danh sách các phim có các nhân vật mang xu hướng ái kỷ:
• American Beauty (narcissistic mother)
• East of Eden (narcissistic father)
• Ordinary People (narcissistic mother)
• Mermaids (Cher as Mrs. Flax)
• Whatever Happened to Baby Jane? (narcissistic sister)
• Sybil (narcissistic mother)
• The Little Foxes (narcissistic mother)
• Flowers in the Attic (narcissistic mother)
• Matilda (both parents are narcissists)
• Coraline (both “other” parents are narcissists)
• Precious (narcissistic mother)
• Girl Interrupted (Angelina Jolie)
• Life or Something Like It (Angelina Jolie)
https://thenarcissisticlife.com/famous-narcissistic-movie-characters/