Sắc thái của đau thương

Viết cho nỗi buồn của chúng ta. Vì nỗi đau cũng cần được cảm nhận, cần được nâng niu và cần được lắng nghe giống như khi chúng ta đọc vị qua bài viết này.

Đã bao giờ bạn tự hỏi, rằng bản thân có đang sống một cuộc đời đáng giá? Chầm chậm ngước nhìn, chầm chậm lắng nghe, chầm chậm cảm nhận. Rồi bạn cảm thấy, có chăng cuộc đời theo thời gian, trôi chạy đi như một cuốn phim dài tập. Bạn lo lắng không biết, mình nên hóa thân vào vai diễn nào cho thỏa đáng. Bạn hồi hộp đón nhận mọi thứ và dần trưởng thành trên sân khấu cuộc đời. Cho đến khi... bạn bắt đầu nhận ra, đấy không phải là sự thật, đây mới là sự thật.


Cuộc chiến cho người ở lại


Theo nghĩa đen là trong trái tim của chúa, chúng ta ở đây cùng với chúa. Vì bất cứ điều gì và bằng bất cứ giá nào, phải không? Bởi mệt mỏi với bệnh tật là thế, nhưng bạn còn phải vẫy vùng trong những nỗi sợ. Sợ để lại đau thương, nhưng cũng sợ bị lãng quên. Trầm cảm không phải là ảnh hưởng phụ của ung thư, nó là ảnh hưởng của người sắp chết. Và điều tồi tệ nhất hơn cả trầm cảm, đó là có một người bạn bị ung thư. Chính những day dứt trong suy nghĩ của tôi mới làm cho tôi thấy thống khổ. Khi mà vừa sợ gia đình, bạn bè đau buồn trước cái chết của mình, lại ích kỷ sợ rằng, theo thời gian họ sẽ quên mất tôi. Đúng là thế chứ? Ý tôi là, bạn cũng có cảm nhận giống tôi chứ? Hãy nói cho tôi biết, có được không?


Nhớ hồi đó, tôi còn là học sinh lớp 9. Vì đó là năm cuối cấp, nên chúng tôi gần như chỉ vùi đầu vào việc học để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp. Và rồi, đột ngột cô nói với chúng tôi, rằng bạn ấy bị ung thư. Nghe đâu, họ nói bạn ấy bị ung thư xương giai đoạn cuối và sắp không còn sống được bao lâu. Nhà trường cho bạn nghỉ học để chữa trị. Họ kể lại, rằng có hôm, bạn ấy phải trèo cao để với lấy đồ để trên kệ, thì bị ngã. Bạn ấy cảm thấy đau đớn, và khi đó người thân chỉ dùng dầu xoa bóp chân cho bạn. Cho đến khi, bạn yếu dần, gia đình đưa đi khám thì mới bàng hoàng trước án tử giáng xuống đầu con. Mấy tháng sau khi nghỉ học, các y bác sĩ phẫu thuật tháo xương đùi cho bạn ấy. Đám chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện, cầu chúa giữ lại bạn. Thời gian sau, nhà trường tổ chức cho các lớp đến thăm hỏi bệnh tình của bạn. Và lớp tôi, cử hai người đại diện đi. Tôi đã không gặp lại bạn ấy kể từ ngày hôm đó. Tôi đã không giúp được gì cho bạn, trong khi bạn chịu đựng nỗi đau đớn khủng khiếp về cả tinh thần lẫn thể xác. Nỗi đau khi mà bạn tiếp nhận xạ trị, và cảm thấy cơ thể thắt lại bởi dòng chảy hóa chất bắt đầu hành hạ. Nhưng có là gì so với mất mát việc bạn ấy biết rằng mình sắp phải chết. Bi thương đến tang tóc, thê lương đến cùng cực. Tôi rất thương bạn, dù bạn ấy không biết tôi. Điều khiến tôi đau đáu nhất mỗi khi nghĩ về, có lẽ là món nợ với bạn. Lẽ ra, tôi nên xung phong làm đại diện tới thăm bạn, vì nếu tôi có mặt ở bên bạn, thì có chăng bạn sẽ cảm nhận được sự nhiệt thành bởi tôi. Tôi rất lạc quan, dường như tôi tin là phép màu có thật, và chỉ cần bạn ấy mổ, thì bạn sẽ không chết. Nhưng một năm sau, thì tôi biết rằng mình đã nhầm lẫn. Thông tin mà tôi có được về bạn, luôn là dò hỏi từ các bạn khác. Cái năm tôi học lớp 10, một lần tôi đi đón út ở trường mẫu giáo. Trong lúc chờ tiếng trống tan trường, tôi nghe thấy hai người phụ nữ nói về bạn. Họ nói bạn mất rồi, bạn đã ra đi mãi mãi ở độ tuổi đó. Bạn ra đi mà không ngơi phút nào là không đau đớn. Căn bệnh ung thư xương đã cướp đi sinh mệnh của bạn. Họ nói với bạn ung thư là đặc ân, họ nói bạn ấy, bệnh lâu rồi thì chết cũng không có gì là lạ. Họ vẫn nói, còn tôi thì chết lặng.


Hiện tại, tôi bị trầm cảm đã gần 5 năm. Trong cuộc chiến ấy, tôi đã luôn muốn ra đi, giải thoát cho tất thảy những gì thương mến để mà chết mòn trong xó tối. Có trái ngược quá không? Bạn và tôi, tôi và bạn, liệu chúng ta có trái ngược quá không? Bạn muốn sống, còn tôi lại muốn chết...



Nỗi đau cần được cảm nhận


Trầm cảm nhẹ nhàng xâm chiếm bạn ngay từ khi bạn bắt đầu chiến đấu với những chuyện nhỏ nhặt. Nhưng bạn lại luôn chọn cách làm ngơ đi. Nó giống như một cơn nhức đầu, bạn nói với chính mình rằng nó chỉ là tạm thời thôi và nó sẽ qua mau, chỉ là thêm một ngày tồi tệ nữa. Nhưng không phải vậy. Bạn đang mắc kẹt với suy nghĩ này, bạn đã quá quen với việc đeo vào chiếc mặt nạ và bạn tiếp tục sống giữa những người khác. Vì đó chính là những gì bạn phải làm, đó là những gì người khác đang làm. Tuy nhiên những vấn đề vẫn cứ ở đó. Bạn xoay sở gánh lấy những thứ này mỗi ngày, khiến bạn phải trả giá ngày càng nhiều. Đó là lí do tại sao bạn ngày càng lún sâu và đó cũng chính là khi bạn từ từ rời xa gia đình, bè bạn, đôi khi còn cô lập hoàn toàn với họ. Mọi hứng khởi đã không còn, những điều nhỏ nhặt từng đem đến cho bạn niềm vui giờ trở nên vô nghĩa. Thậm chí những công việc nhỏ nhặt nhất cũng khiến bạn thấy đau đớn. Và đó chính là lí do khiến bạn thiếu đi động lực. Vậy thì tại sao cứ phải tiếp tục cố gắng nếu nó hoàn toàn không khiến bạn có được hạnh phúc. Tất cả đều khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn, và bị mắc kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn. Rồi bỗng nhiên bạn nhận ra mình đang sống quá chậm. Mỗi ngày đều giống nhau và chỉ có những thanh âm khó chịu và sự nặng nề lấp đầy tâm trí lan ra khắp cơ thể bạn. Bạn cảm thấy như thể mình sẽ chẳng bao giờ vui vẻ trở lại. Bạn tiếp tục xa lánh và từ bỏ các mối quan hệ. Bạn xấu hổ về những thứ bạn đã làm và cả những thứ bạn chưa làm. Có một phần nào đó trong bạn muốn mọi thứ đi vào đúng quỹ đạo. Một sự bộc phát tích cực đầy bất ngờ khiến bạn muốn ra ngoài và gặp gỡ mọi người. Nhưng mong muốn này thường không kéo dài bao lâu bởi bạn biết nó sẽ chẳng giải quyết được gì. Bạn thờ ơ với những thứ mà mọi người hào hứng, bạn cũng ý thức được khoảng cách quá lớn giữa bạn và họ. Bạn không thể nhận thêm một thất bại nào nữa. Nên cuối cùng, bạn chọn ở một mình trong vùng an toàn của bản thân, nơi mà không ai có thể làm phiền. Đánh giá thấp bản thân và sống thiếu mục đích khiến bạn không thể chịu đựng được nữa. Rồi cuối cùng bạn nhận ra mình không thể cứ tiếp tục mãi như vậy. Và có hai khả năng có thể xảy ra. Hoặc là bạn quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ, hoặc là bạn sẽ tự tử.


Viết cho nỗi buồn của chúng ta. Vì nỗi đau cũng cần được cảm nhận, cần được nâng niu và cần được lắng nghe giống như khi chúng ta đọc vị qua bài viết này.


Tác giả Mê Cốc

__________________________________

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan