Sao bạn ít cười thế?

Thế giới nhiều người như thế, sao ta cứ mãi buồn vì một người đến nỗi ta quên mất nụ cười của chính mình trông như thế nào

"Buổi tối mát lành nhé!"


Chiều nay là một trong bốn buổi học cuối cùng của tôi trên giảng đường đại học, dù là lớp học được tổ chức online do dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt. Tôi xin kể bạn nghe về một trong những người bạn học để lại ấn tượng cực kì sâu sắc với tôi, vì tôi tin là cậu ta sẽ không tới túm tóc bắt tôi gỡ bài khi biết bài viết của tôi có liên quan đến mình đâu.


Người bạn này học chung lớp kể từ khi tôi chuyển về Vũng Tàu học (vì một lý do bất đắc dĩ mà tôi sẽ kể bạn nghe ở một ngày khác), cho tới nay cũng cỡ ba năm rưỡi học chung, nhưng chưa bao giờ chúng tôi có dịp nói chuyện, chỉ là có vài ba lần gật đầu chào thân thiện, lịch sự, phép xã giao tối thiểu mà thôi. Tất nhiên, mỗi người bạn tôi quen đều để lại ấn tượng, nhưng chiều đó, một cách ngẫu nhiên tôi được xếp làm việc nhóm chung với cậu này thì nhớ ngay đến mẩu chuyện mình đã ghi ra sổ tay vài bữa trước, khiến tôi phải đặt dấu hỏi chấm về cách suy nghĩ cũng như sở thích của một người 'khác biệt' giữa nhiều người khác.


Nửa năm đầu học ở đây, cũng là giai đoạn khủng hoảng trong cuộc đời tôi diễn ra ngay sau vài năm sống ở Sài Gòn nên vẫn còn nhiều khúc mắc trong lòng. Tôi cũng quen và thân nhiều người đã từng trải qua một hành trình đầy phức tạp, và đều phải vượt qua một giai đoạn khủng hoảng nào đó. Tôi cũng có những cảm xúc tiêu cực, có thể nói là mất niềm tin về chuyện học hành để theo đuổi bằng cấp, hay là việc đánh giá con người theo kiểu 'công nghiệp', tất cả dựa trên điểm số, mà cho đến bây giờ tôi cũng không thích vậy.


Ngày ấy, tôi chống lại khủng hoảng bằng cách tự tạo cho mình một suy nghĩ : "Ừ, bằng cấp đúng không, tôi sẽ đạt được nó, làm tốt nó, khi hoàn thành, bạn muốn lấy thì tôi cho!". Đã từng bất mãn như vậy, những ngày đầu, tôi cố gắng làm tốt nhất có thể, ví dụ như việc tôi lao lên mấy bàn đầu ngồi và sẽ xung phong trả lời những câu hỏi mà đôi khi cả lớp không ai thèm trả lời. Đến nỗi, có lần tôi trả lời một câu gì đó rất nghiêm túc, nhưng cả lớp cười ồ lên, giờ nghĩ lại thì cũng hài hước ghê!


Khi đó cả lớp cười, tôi cũng tự cười mình và quay đầu 180 độ ra sau nhìn một lượt quanh hàng ghế sau ồn ào. Không phải tôi ghim đâu, mà vì hàng ghế sau một loạt là nam, nên cũng hơi quê khi trả lời 'ngu'. Trong hàng ghế đó, có cậu trai mà tôi đang định kể đến. À thì, là về ấn tượng ban đầu của tôi là, cậu ta khá bảnh, sáng sủa, có nụ cười đẹp, nhỏ hơn tôi một tuổi - lúc đó tôi đã thấy lúc đó cậu ta cười híp mắt, ngồi giữa một đám đông. Vậy thì nghĩa là gì? trong con mắt của một người xa lạ như tôi, đó là hình ảnh toát ra vẻ ấm áp duy nhất trong ký ức của tôi về cậu ta trước giờ.



Ký ức khó phai về cậu bạn học chung năm ấy | Ảnh: PBS


Thời gian trôi qua, nhiều người đi qua trong đời và có những sự kiện nhất định xảy ra - buộc cho ai đó hoặc là sống thật với bản thân, hoặc là xây vỏ bọc, ... dù là lý do gì, nếu thời gian làm cho con người trở nên 'ít cười đi' thì có vẻ người ta sẽ dễ bị ám ảnh nhớ về những cái ngày nắng ấm hoặc muốn qua nhanh đi cái thời điểm hiện tại.


Lúc trước khi nghỉ dịch, tôi từng được nghe một người bạn học Y (một người dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi hay hỗ trợ nhau trong học tập) kể về mối tình đại học của cậu bạn ở trên, là vì cô bạn gaí của cậu ấy chính là người hay tâm sự và chơi thân với Y. Theo như lời kể, lúc nghe kể chuyện thì hai người đã chia tay, từ phía quan điểm của bên gái ấy có vẻ không khả quan lắm vì nghe nói bên nữ đã chủ động kết thúc. Vì tôi cũng biết bạn nữ này, tuy không hiểu sâu, nhưng có thể đưa ra quan điểm khách quan từ một người ngoài.

Một cái nhìn trên bề nổi, bạn nữ là một cô gái bề ngoài dễ thương, xinh xắn; rất vui vẻ, hòa đồng và tỏ ra luôn tự tin làm chính mình, tự do thể hiện ưu- khuyết điểm, kệ ai nghĩ gì; cô ấy cũng hay thể hiện tình cảm gia đình trên mạng xã hội, có thể nói cô ấy như một cô công chúa (theo nghĩa tích cực). Nhiều khi trước tôi cũng ước mình có thể tự do thể hiện tình cảm gia đình trên mạng xã hội, nhưng tôi dám chắc chắn là có nhiều người cũng như tôi, sẽ không bao giờ làm được chuyện đó cho dù là nhiều năm nữa cũng không. Nên là cũng dễ thấy, cô ấy là một người trẻ nhiệt huyết, yêu ghét hết mình, và sẽ phải lòng một hoàng tử.


Nhưng hoàng tử thì cũng có nhiều kiểu hoàng tử, có người ấm áp và nhiệt tình, có người lạnh lùng, có người thích làm không thích thể hiện, và tất nhiên cũng có người bi quan, ... Thực ra, bạn nam này cũng là một hoàng tử, tính về vật chất, nghe kể gia đình rất có điều kiện, ở tuổi đôi mươi cậu đã có nhà riêng, có xe hơi riêng; về trình độ, sử dụng rất tốt tiếng anh. Nhìn bề ngoài khi nói về tính cách, tới giờ chỉ có thể biết đó là người hướng nội, bất cần điểm số, một người khiêm tốn, lạnh lùng nhưng đôi khi cười lên có thể phá nát định kiến, ngày càng nhiều khi tỏ vẻ cô đơn nếu không muốn nói thẳng là đơn thân độc mã.

Nghe nói cậu ấy đã rất yêu thích cô bạn này và từng có lần hành động như một kẻ lụy tình, khi bạn nữ chủ động đòi chia tay, cậu ấy không cho, đến nỗi làm cho cô bạn gái phát hoảng, sợ (nghe bạn Y kể lại là cô gái nói vậy). Mãi đến sau này họ vẫn né tránh nhau và lựa chọn trở thành người lạ. Mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó, biết là tình yêu không có tội, nhưng thể hiện theo mỗi một cách thì có thể dẫn đến nhiều kết quả khác, cũng bởi mỗi người sẽ có một cách thể hiện yêu thương khác nhau, đôi khi quên mất là mình đã quen cách thể hiện cũ, và liệu rằng cách thể hiện đó còn phù hợp với người mới hay không.


Theo lý thuyết, một cô công chúa sẽ cần người đàn ông như thế nào? Có phải lúc nào cũng là môn đăng hộ đối, tìm hoàng tử giàu có, đẹp trai hay không! Chắc không phải lúc nào cũng vậy, ít nhất là trong trường hợp này vì gia đình cô gái cũng không thiếu thốn vật chất, cô ấy cũng không thiếu thốn tình cảm gia đình như bao người khác, vậy rốt cuộc cô ấy cần gì? Lẽ thường, người ta hay phải lòng người khác theo hai xu hướng chính, thứ nhất là muốn yêu người giống mình, thứ hai là yêu người có những gì mình không có. Đôi khi chỉ cần quan sát những người bạn mà cô ấy hay chơi, nghe nói cách tìm người yêu gần gần tương tự cách mà người ta tìm bạn thân. Thực tế, cô gái ấy hay chơi với những người bạn có tính cách giống mình, đó là những người trẻ năng động, yêu đời, thích đánh bài uno, những người yêu ghét rõ ràng. Tuy nhiên không phải lúc nào xét theo hai trường hợp trên cũng đúng, vì chắc chắn sẽ có nhiều người theo hướng thứ ba đó là, có bạn thân hướng nội trầm tính giống mình nhưng lại có xu hướng chọn nửa kia khác mình.


Nói cho cùng thì tất cả chỉ là lý thuyết, kết quả cuối cùng, họ chọn gì thì đó là điều khó mà đoán được. Khác với trong công việc, đều hướng tới một đích chung nên đoán gì cũng có cơ sở hơn là so với chuyện tình cảm, bởi vì nhiều khi một người cũng phải mất rất nhiều thời gian trên hành trình khám phá - hiểu chính mình - cần gì - thực sự muốn gì hay là hợp ai - cái gì, chứ đừng nói là người ngoài mà đòi hiểu được họ cần gì, sẽ sống ra sao.


Cách mà bạn trưởng thành sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cách mà bạn đối với người bạn đồng hành sau này của mình, đó là những gì Thuyết gắn bó có đề cập. Các hoàng tử dù là đời xưa hay đời nay, không ít thì nhiều đều có điểm chung như là: vật chất không thiếu và đổi lại phải chịu áp lực từ sự kỳ vọng không nhỏ từ những người xung quanh. Một số người ở quá lâu dưới sự kỳ vọng khiến cho bản thân muốn có một điều gì đó khác đi, chẳng hạn như một sắc màu mới, một người mới có năng lượng tích cực với nhiều tiếng cười, đến để xua tan đi những phiền muộn, làm tan đi màu u ám trong cuộc sống, quả là một điều vi diệu. Sẽ còn tuyệt vời hơn nếu người kia cũng cảm nhận được ở bạn có thứ mà họ cần. Cuối cùng tôi thấy ở đôi bạn trẻ này có điểm chung là: trẻ và yêu ghét hết mình, điểm khác thì có thể chỉ là ở việc đáp ứng kỳ vọng mới cũng như xem xét sự hòa hợp, gắn kết về lâu về dài. Tôi không biết có nên ví mỗi người là một mảnh ghép hay không, vì nếu vậy, dù mảnh ghép có đẹp đến đâu nhưng không có khớp nối phù hợp ăn ý thì có ghép cũng sẽ bị bật lên. Nhưng, một mảnh ghép cũng có đa chiều nhiều hướng, không nhất định là phải một kiểu người nào đó mới phù hợp với bạn, hợp hay không rồi bạn cũng sẽ biết. Cuối cùng cũng là vấn đề của cảm xúc, không thể tự ép mình phải rập khuôn tìm kiếm một hình mẫu nhất định nào cả, chắc rằng đó là người sẵn sàng chấp nhận khi bạn là chính bạn và ngược lại, bạn chấp nhận nửa kia.


Có một người bạn, từng tâm sự với tôi rằng cô từng có mối tình đầu là người vui vẻ, học hành đàng hoàng, vô lo vô nghĩ, lại là một tuýp người rất gắn kết với gia đình, người này luôn đối xử tốt với cô ấy cũng như mọi người xung quanh. Còn cô gái là người trầm tính, sống khép kín, giữa cô và gia đình mình rất ít khi tâm sự chia sẻ điều gì, tuy nhiên trong mối quan hệ với bạn bè và công việc cô ấy lúc nào cũng nhiệt tình và cố gắng hết mình. Chính cô kể là cô đã cảm nắng anh này từ lần gặp đầu tiên, nhưng cuối cùng cô ấy cũng chủ động nói lời chia tay sau khoảng nửa năm quen biết. Nhiều người không bao giờ hiểu nổi tại sao cô ấy quyết định vậy trong khi anh chàng kia là người tốt, đủ tiêu chuẩn xã hội đặt ra. Một năm rưỡi sau chia tay, anh bạn trai đó vẫn cố gắng liên lạc lại, có lẽ để hỏi thăm hoặc hỏi về lý do tại sao lại chia tay, lúc trước cô ấy chỉ 'thông báo' là mình kết thúc chứ không có nêu rõ lý do thực sự là tại sao. Cô ấy kể rằng bản thân đã đấu tranh với chính mình rất nhiều, cho dù quãng thời gian yêu đương có nhiều kỷ niệm như bao cặp đôi khác nhưng cô ấy vẫn thấy đau khổ, vì cô có cảm giác không còn là chính mình. Như một cách vô thức, cô bạn ấy luôn cố gắng thể hiện mặt tốt của mình trước người kia để rồi sau nửa năm, dù rất êm đềm, chưa từng cãi vã bao giờ, nhưng đổi lại là cảm giác xa lạ, không hiểu về nhau. Bên cạnh đó, cô ấy cũng có nhiều căng thẳng trong cuộc sống cũng như về học tập, áp lực gia đình, cô bạn ấy chia sẻ rằng không biết tại sao mình không thể mở lời để chia sẻ với bạn nam kia, cảm giác vẫn còn xa lạ quá, đôi khi có chút giả tạo - gượng ép trong cảm xúc, và cô ấy không thể mở lòng thêm nữa bởi cô hồi đó vẫn chưa học được cách yêu thương người khác là gì, kể cả với những người thân trong nhà cũng như với chính bản thân cô và thà chia tay còn hơn để người ta vỡ mộng. Cô gái ngày ấy và bây giờ vẫn là một người có tâm hồn mỏng manh như ngày nào, nhưng tôi tin rằng cô gái giờ đây đã biết yêu bản thân nhiều hơn, yêu thương gia đình nhiều hơn và cô ấy biết mình cần gì ở hiện tại và tương lai. Cô bạn này còn nói rằng cô học từ những người bạn trẻ hơn mình, và từ những đứa em của cô nhiều lắm, điển hình như là phương châm sống yêu ghét hết mình, sống cho hiện tại và cũng như tận hưởng những điều nhỏ nhất.


Quay trở lại làm buổi việc nhóm , chỉ có tôi và một bạn nữ nữa cất tiếng trao đổi, cậu trai ấy trong im lặng nêu ý kiến đóng góp bài bằng cách đánh chữ (làm việc nhóm chúng tôi chỉ bật mic, không cần bật cam). Những ý kiến đó mà được nói bởi chính cậu ta thì tôi đảm bảo sẽ rất được nhiều khác ngưỡng mộ về trình của mình cũng như sự nhiệt tình. Về phần mình, tôi đoán được tại sao cậu ấy làm vậy vì thực tế tôi cũng là một người hướng nội và nhiều khi cũng không muốn bật mic nói, nhưng có vẻ khác ở chỗ là cậu ấy sẽ không làm điều mình không thích, ít nhất là ở việc học hành trên trường.


Những người tỏ ra lạnh lùng một cách 'cô độc' như vậy, không cần phải bận tâm người khác nói gì mình, chỉ muốn dành thời gian cho những thứ họ quan tâm, cho những người họ yêu thương, cho những điều họ ưu tiên hơn thì có gì là không tốt. Tất nhiên, trong xã hội này có một kiểu người như vậy trong nhiều kiểu người chứ ai cũng giống nhau thì thế giới này chắc hẳn sẽ tẻ nhạt và mỗi người sẽ trở nên nhạt nhòa, phai mờ và tiêu biến mất.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan