Self-Hatred - Tự chán ghét bản thân có phải là căn bệnh "ủ lâu" trong bạn?

Đã bao giờ bạn nhìn vào gương và tự độc thoại với khuôn mặt phờ phạc và bất lực “Mày vốn dĩ là kẻ thua cuộc" hay" Dù mày có cố đến đâu đi chăng nữa, mọi người vẫn không yêu quý mày, vậy thì mày còn cố để làm gì nữa? Mày đúng là đứa kém cỏi?”


Đã bao giờ bạn nhìn vào gương và tự độc thoại với khuôn mặt phờ phạc và bất lực “Mày vốn dĩ là kẻ thua cuộc" hay" Dù mày có cố đến đâu đi chăng nữa, mọi người vẫn không yêu quý mày, vậy thì mày còn cố để làm gì nữa? Mày đúng là đứa kém cỏi?”


Hàng loạt những nghi vấn mà câu trả lời ghim trong đầu bạn sẽ là một sự gào thét của tuyệt vọng. Khi đó là lúc bạn đã mắc bẫy “Self-Hatred” (tự chán ghét chính mình). Bạn cho rằng mình không xứng đáng hoặc không đủ tốt để có thể có được những điều tốt đẹp nhất trên đời. Đó là lúc bạn tự đưa mình vào trạng thái “khép kín" và rất dễ rơi vào trầm cảm nếu kéo dài trong một thời gian dài. 

Điều gì khiến bạn từ một người bình thường bỗng chốc quay lưng lại với chính bản thân mình?

Một chấn thương tâm lý nghiêm trọng nào đó


Chắc hẳn không ít người trong chúng ta từng ít nhất một lần bị rạn nứt về mặt tình cảm, sức khoẻ tinh thần sa sút, thậm chí còn mất phương hướng và chán nản tất cả mọi thứ. Không ai phủ nhận những vấp ngã và trầy xước sẽ là một chất kích thích, là động lực khiến chúng ta cố gắng hoàn thiện bản thân và sống tốt hơn mỗi ngày. Ít nhất bạn làm điều đó cho chính bản thân bạn. Thế nhưng, khi những vết thương ấy kéo dài âm ỉ, thậm chí còn nghiêm trọng đến nỗi vượt xa ngoài tầm kiểm soát của bạn, chắc chắn rằng chúng sẽ trở thành nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai một sớm một chiều. Mình đã từng trải qua một tuổi thơ không quá tệ, nhưng chính cái không quá tệ ấy lại khiến mình phải đặt nghi vấn cho bản thân, rằng “Liệu mình có làm được gì ra hồn khi mình lớn lên". Nó cũng dần dần khiến mình sống khép kín, ít chia sẻ và hiếm khi khen bản thân được một câu tử tế. Mình đã từng dành khá nhiều danh hiệu học sinh giỏi văn. Thế nhưng điều đó vẫn không đủ để làm một đứa hướng nội và nhạy cảm cực cao như mình tự công nhận chính mình, thậm chí mình còn dấu chuyện này với mọi người kể cả những người thân yêu nhất trong gia đình. 


Sở dĩ như vậy bởi vì từ nhỏ, nhà mình nghèo, mình luôn khao khát được đi học, học lên thật cao và học ngày học đêm để biến ước mơ đó thành sự thật. Thế nhưng, lúc đó, một phần do hoàn cảnh gia đình, một phần do tính mẹ mình rất thực tế (nếu không muốn nói là thực dụng), thêm cả những người trong dòng họ ai nấy cũng con ông nọ cháu bà kia, những người hàng xóm thì luôn bàn ra tán vào. 


Mẹ mình là người nắm tài chính trong nhà, và mình thì luôn luôn phải cúi mặt để xin từng đồng tiền học phí hay bất kể thứ tiền nhỏ nào khác, cái mà vốn dĩ rất đỗi bình thường. Nhiều lúc mẹ mắng mình, không tin tưởng mình, nói mình học nhiều vậy sau cũng chỉ như mấy đứa sinh viên thất nghiệp, nhà thì nghèo sao có đủ tiền mà chạy việc, thà đừng đi học còn hơn. Mình khóc rất rất nhiều đêm, đến nỗi mình quên luôn cả ước mơ của mình là gì. 


Thật may là mình còn có ông nội, người mình kính nể và lấy làm tấm gương suốt cả cuộc đời này. Ông nội là một người không vòng vo. Ông vẫn luôn nhắc nhở mình và mong mình không bao giờ từ bỏ “Ông ngày xưa không được học nhiều. Ông chỉ biết mặt chữ và viết mấy con số thôi. Vì ngày xưa chiến tranh lấy đâu ra trường lớp tử tế mà học cái chữ.” Thế nên ông muốn mình phải là niềm tự hào của cả gia đình. Ông nói “Học không phải để thành ông nọ bà kia, cũng không phải để kiếm thật nhiều tiền. Học để biết cách suy nghĩ chín chắn và thông minh, biết được điều gì đúng và không đúng"


Nhờ ông mà mình mới có được ngày hôm nay, ngồi đây, một sinh viên còn chưa tốt nghiệp đã có việc làm ngành mình yêu thích và một công việc (à không đam mê) viết lách. Hiện mình đang là Biên tập viên và người chuyên mảng blog cho một công ty chuyên đào tạo về Marketing. Nói thật là, có trong mơ mình cũng chưa bao giờ nghĩ có một ngày, sở trường (viết lách) của mình lại có thể nuôi sống mình từng ngày như bây giờ.


Cố gắng để làm vừa lòng tất cả mọi người


Ai cũng có lòng tự tôn. Nhưng đôi khi chúng ta lại chấp nhận gạt nó qua một bên để làm “người khác" vui. Chúng ta lầm tưởng rằng chỉ cần những người xung quanh vui vẻ thì trong lòng chúng ta sẽ cảm thấy hưng phấn theo. Đúng, việc “dĩ hoà vi quý" không có gì sai hết, thậm chí nó còn đáng được khuyến khích khi thế giới này đã có quá nhiều điều ngổn ngang làm xáo động tâm lý của chúng ta. Thế nhưng, cái sai ở đây là bạn “cố gắng" đánh đổi phiên bản thật của bản thân để làm vừa lòng người khác, trong khi chính bản thân mình mới chính là người cần xoa dịu nhất thì lại làm ngơ. Đã bao giờ bạn tự hỏi dốt cuộc những người mà mình đối xử tốt họ có thật lòng thật dạ tôn trọng bạn và những gì bạn dành cho họ. Suy cho cùng, người ta nếu có yêu quý bạn cũng sẽ chỉ yêu quý phiên bản “thân thiện" của bạn thay vì phiên bản “độc nhất" của bạn. Và một khi bạn chút bỏ lớp vỏ nguỵ trang, người ta (nếu không thực sự trân trọng bạn) sẽ gạt bạn sang một bên và tìm đến những người khác làm họ thấy thoải mái. Mình đã từng trải qua nên mình rất hiểu. Mình vốn là đứa hướng nội và nhạy cảm nên khi mới bước chân vô đại học, bạn bè đều có đôi có cặp, đều chơi theo hội nhóm còn mình thì không. Mình vốn không thích những cuộc trò chuyện vô vị, không muốn phải cố gắng gượng cười chỉ vì để làm người khác vui. Bởi vì mình nghĩ suy cho cùng, ai cũng có một cuộc đời, nếu cứ mải chạy theo người khác thì cuộc đời họ sẽ tính sao. Họ cũng xứng đáng được vui vẻ và hạnh phúc mà.


Những lúc như thế này, bạn nên dừng lại và suy nghĩ lại. Bạn nên phân chia rạch ròi các mối quan hệ. Đâu là mối quan hệ bạn nên dành thời gian và tâm huyết cho nó, như gia đình, tình yêu, tình bạn. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời chúng ta đều có những mối ưu tiên hơn hết. Ví dụ khi bạn còn trẻ thì mối ưu tiên hàng đầu là sự nghiệp. Còn khi về già thì mối ưu tiên hàng đầu là gia đình, là sum họp. Vậy nên, hãy tỉnh táo và tại thời điểm này, mối quan hệ nào bạn thực sự cần "vun vén", mối quan hệ nào có thể tạm gác một bên. Như vậy, tình cảm của bạn sẽ sâu sắc hơn rất nhiều. Hãy luôn nhớ rằng trái tìm chúng ta không thể có đủ ngăn để chứa được tất cả những người bước qua cuộc đời bạn. Nếu bạn làm như vậy, một ngày nào đó trái tim của bạn sẽ chật. Nó sẽ "khó thở" và bí bách. Và nó sẽ nổ tung lúc nào không hay.


Trung thành với chủ nghĩa hoàn hảo (Perfectionism)


Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường tránh né những sai sót nhất mức có thể, thậm chí còn tự trách hay dằn vặt bản thân hoặc người khác chỉ vì những lỗi sai tưởng chừng như không ai để ý đến. Có lẽ nhiều người trong chúng ta tuân theo chủ nghĩa hoàn hảo. Thế nhưng dường như xã hội này buộc chúng ta ít nhiều bị rơi vào cái bẫy này dù muốn hay không muốn. Nơi mà phân biệt chủng tộc vẫn còn diễn ra, phân biệt đẳng cấp vẫn len lỏi trong từng ngõ ngách từ nông thôn tới đô thị sầm uất, và nhất là việc coi trọng kết quả hơn quá trình vẫn là một ẩn số tưởng chừng như không hồi kết. Chủ nghĩa hoàn hảo không chỉ làm bạn mệt mỏi về thể xác mà còn cả về tinh thần. Bạn lúc nào cũng trong trạng thái gấp gáp, căng thẳng và đối xử tệ bạc với bản thân chỉ vì những lỗi có thể tha thứ được, thậm chí là rất nhỏ. Khi bạn không đạt được những kết quả như ý muốn, tự khắc bạn sẽ chán ghét và nghi ngờ chính bản thân mình. 


Lời nhắn nhủ nho nhỏ: Không có gì trên đời này hoàn hảo, kể cả những người thành đạt nhất cũng đã, đang và có thể sẽ phạm sai lầm. Vậy nên, đừng chạy theo sự hoàn hảo, hãy tập trung làm sao cho bản thân không phạm phải những sai lầm đã từng mắc phải. 



Chủ nghĩa hoàn hảo có thể khiến bạn mệt mỏi, chán nản, thậm chí chán ghét chính mình | Ảnh: WikiHow

So sánh bản thân với người khác


Chắc hẳn bạn đã nghe đâu đó rất nhiều lần cụm từ “Peer Pressure" (áp lực đồng trang lứa). Thực tế, có rất nhiều người so sánh bản thân với những người không cùng tuổi, không cùng mục tiêu, không cùng chí hướng thậm chí còn chẳng bao giờ mặt chạm mặt ngoài đời. Đã là phép so sánh thì phải dựa trên nhiều yếu tố khách quan. Thế nhưng, rất nhiều người chỉ dựa vào mỗi cảm tính để đặt mình và người khác lên cùng một bàn cân. Bạn thấy người ta giỏi, kiếm được nhiều tiền, có nhà, có xe trong khi bản thân lại chưa có gì. Và bạn dày vò bản thân, cố gắng đi làm ngày làm đêm chỉ để được sung túc như họ. Quay trở lại câu chuyện của mình, mình đã từng là một đứa có thể cầm lướt điện thoại hàng giờ đồng hồ chỉ để "ngắm" những phiên bản tưởng chừng như hoàn hảo của những người bạn trong list danh sách bạn bè. Mình đã từng nghi ngờ bản thân chỉ vì đứa bạn ít gặp trên mạng xã hội lại có những chuyến du lịch tự do tự tại còn mình thì lại phải chịu yên vị và cắm đầu đi làm mỗi ngày. Mình đã từng khóc rất nhiều vì nghĩ mình khác biệt như vậy thì liệu có ai đủ bao dung để chấp nhận mình, liệu mình sẽ có những tình bạn đẹp, tình yêu đẹp như bao người khác. Nhưng có một điều mình vốn không nghĩ đến đó là "bản thân". Khi bạn chán gét bản thân nhất cũng là lúc bạn nhận ra chỉ mình bạn là người phải chịu tổn thương. Vốn dĩ đâu có ai đủ thời gian và quan tâm để có thể lo cho bạn, để chỉ bạn phải làm thế này, làm thế kia. Đến cuối cùng, người ở lại bên bạn cũng chỉ có chính bạn mà thôi. Vậy nên, hãy cứ khóc đi nếu bạn muốn, cứ buồn đi nếu bạn thấy nó giải toả được. Và cuối cùng...hãy dũng cảm đối diện với chính mình và cho mình cơ hội. Hãy cố gắng tìm và phát huy "điểm mạnh nhất" của bản thân. Một khi bạn đã công nhận và yêu thương chính mình, người khác tự khắc sẽ yêu thương và trân trọng bạn.




Kết luận


Để chấm dứt việc chán ghét bản thân không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Thậm chí nói thẳng ra thì chúng ta sẽ phải trải qua quãng thời gian tự chán ghét bản thân, chỉ có điều là nó ít hay nhiều mà thôi. Bạn không có quyền lựa chọn sinh ra trong một gia đình giàu có. Bạn cũng không có quyền lựa chọn sinh ra trong một gia đình có đầy đủ tình thương yêu của cha mẹ. Nhưng bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn cho mình một con đường đi đúng đắn. Và hơn hết, người luôn ở bên cạnh bạn bất kể buồn vui, khổ đau, là chính bản thân bạn.


"HÃY LUÔN TRÂN TRỌNG VÀ YÊU THƯƠNG CHÍNH BẢN THÂN MÌNH"


Tác giả: Ori

BẢN THẢO
Bài viết liên quan