Shadow self: Làm thế nào để ôm lấy phần tối bên trong bạn (Phần 1)

“Ẩn sau lớp mặt nạ xã hội chúng ta đeo lên hàng ngày, mỗi người đều có một cái bóng ẩn giấu (hidden shadow): những phần thôi thúc, tổn thương, buồn bã hay bị cô lập...

“Ẩn sau lớp mặt nạ xã hội chúng ta đeo lên hàng ngày, mỗi người đều có một cái bóng ẩn giấu (hidden shadow): những phần thôi thúc, tổn thương, buồn bã hay bị cô lập mà chúng ta thường cố gắng lờ đi. Cái Bóng có thể là nguồn gốc của sự phong phú và mạnh mẽ của cảm xúc, và thừa nhận nó là một cách để chữa lành và một cuộc đời chân thực.” – C. Zweig & S. Wolf


Nếu bạn thực sự mong muốn được phát triển, thay đổi và sống một cuộc sống trọn vẹn, đôi khi bạn sẽ phải đối mặt với nhiều khía cạnh của bản thân mà bạn sẽ thấy thật khó – nếu không hoàn toàn xáo trộn – để chấp nhận.Những khía cạnh xấu xí và đáng sợ này chính là những yếu tố của Shadow Self: mặt tối trong bản chất của chúng ta. Trong lĩnh vực tâm lý học, nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này trong “Shadow Self”, bằng cách tập trung vào nghiên cứu những kiến thức bí truyền và kinh tâm linh cổ xưa để điều trị tâm trí cũng như tâm hồn con người.


Để trả lời cho mối bận tâm nghiêm túc của mình, Jung đã tạo ra mô hình Nguyên mẫu (Archetypes), một khái niệm mà trong đó ông tin rằng tâm trí vô thức của chúng ta bị phân mảnh hay được cấu trúc thành những “bản thể” khác nhau. Những bản thể đó cố gắng điều khiển cách chúng ta trải nghiệm cảm xúc, tình huống và thách thức khác nhau trong cuộc sống. Hai nguyên mẫu chính của Jung là Persona (Mặt Nạ) và Shadow Self (Cái Bóng).



Sự ra đời của của Cái Bóng


Khá đáng sợ khi nghĩ rằng một người cũng có mặt tối đối với bản thân họ, không chỉ là một chút yếu đuối và khuyết điểm mà cả một động lực cực kỳ điên cuồng. Một cá nhân ít khi nhận thức được điều này. Đối với họ, với tư cách là một cá thể độc lập, thật không thể tưởng tượng nổi rằng họ nên đặt bản thân vào những trường hợp không cần thiết. Nhưng hãy để những sinh vật vô hại đó tập hợp thành một nhóm, và một con quái vật sẽ được tạo thành. – Carl Jung, “On the Psychology of the Unconscious” (Tạm dịch: Tâm Lý Học về Vô Thức)


Vậy chính xác thì “Mặt Nạ” và “Cái Bóng” là gì? Tôi sẽ giải thích phía dưới.


Mặt Nạ là gì?


Theo Jung, Mặt Nạ định nghĩa người chúng ta muốn trở thành và cách chúng ta muốn được nhìn nhận bởi thế giới. Từ “persona” có nguồn gốc từ một từ Latin có nghĩa đen là “mặt nạ”, tuy nhiên trong trường hợp này, nó được sử dụng một cách ẩn dụ, tượng trưng cho tất cả những lớp mặt nạ xã hội khác nhau mà chúng ta trưng ra giữa những nhóm người và tình huống khác nhau.


Cái Bóng là gì?


Mặt khác, Cái Bóng là nguyên mẫu tạo thành bởi một phần của tâm trí vô thức và bao gồm những ý tưởng bị kìm nén, bản năng, thôi thúc, sự yếu đuối, ham muốn, lầm lạc và cả những nỗi sợ đáng xấu hổ. Nguyên mẫu này thường được giới thiệu như phần tối hơn của tinh thần, tượng trưng cho sự hoang dại, hỗn loạn và những điều chưa được nhận biết. Jung tin rằng khuynh hướng tiềm ẩn ấy luôn hiện diện trong tất cả chúng ta, trong nhiều trường hợp còn tạo nên nguồn năng lượng sáng tạo mạnh mẽ.Chúng ta đều sinh ra một cách thuần khiết, tựa như bức tranh canvas trắng tinh. Nhưng trong quá trình phát triển thời thơ ấu, chúng ta học cách phân định mọi thứ thành thiện và ác. Khoảnh khắc chúng ta tiếp xúc với tri thức, bóng tối của chúng ta được hình thành và cái tôi của chúng ta bắt đầu được chia thành nhiều phần. Hơn nữa, trong quá trình xã hội hóa văn hóa, chúng ta bắt đầu phân loại những đặc điểm bên trong bản thân thành thứ được xã hội chấp nhận (Mặt Nạ) và thứ không được chấp nhận (mà sau đó sẽ được giấu đi – Cái Bóng).




Mặt Nạ và Cái Bóng luôn song hành cùng nhau: Mặt Nạ là mặt đáng yêu mà chúng ta trưng bày cho thế giới trong khi Cái Bóng là mặt chúng ta che giấu đi.

Sự tạo thành một Mặt Nạ không chân thực nhưng được xã hội chấp nhận dẫn đến sự tạo thành của một Cái Bóng tuy chân thực nhưng lại đáng nguyền rủa. Cả hai không thể tách biệt. Như Jung giải thích:


Cái mà chúng ta gọi là “thức tỉnh văn minh” đã dần dần tách biệt nó khỏi những bản năng cơ bản. Nhưng những bản năng vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Chúng chỉ mất liên lạc với ý thức của chúng ta, do đó buộc phải tự khẳng định mình một cách gián tiếp. Điều này có thể được biểu hiện thông qua các triệu chứng thể chất trong các trường hợp bệnh thần kinh, bằng các sự kiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tâm trạng thất thường, chứng đãng trí không ai muốn hoặc những sai lầm trong lời nói… Con người hiện đại tự bảo vệ bản thân khỏi việc nhìn thấy trạng thái phân chia của chính mình bằng việc thiết lập một hệ thống các ngăn chứa. Một số lĩnh vực nhất định của cuộc sống bên ngoài và hành vi được giữ trong những ngăn kéo riêng biệt và không bao giờ phải đối mặt với nhau.


Do đó, các khía cạnh tối tăm tồn tại trong tất cả chúng ta được tích tụ ở các góc của tâm trí vô thức, không bao giờ được nhìn nhận một cách đầy đủ bởi tâm trí ý thức vì chúng ta không bao giờ nhìn thấy trạng thái phân chia của chính mình từ lúc bắt đầu (do cơ chế phòng vệ tâm lý của chính chúng ta). Cũng bởi thế, chúng ta lại tiếp tục tích tụ những ham muốn, động cơ và nỗi sợ hãi tối tăm này.Sự thiếu nhận thức về Cái Bóng và sự mất kết nối với Cái tôi trọn vẹn thực sự của chính mình có thể rất nguy hiểm.


Thông qua việc quan sát rất nhiều học viên thực hành inner work (Chú thích editor: những hoạt động bên trong:suy nghĩ, cảm xúc,… không quan sát được từ bên ngoài), tôi đã gặp một số cá nhân – những người đã cho phép Cái Bóng tích tụ trong họ quá lâu để rồi họ bị đánh bại bởi trầm cảm hoặc một tai nạn vô thức nào đó – cuối cùng dẫn đến việc biểu thị trọn vẹn con “quái vật” bên trong ra ngoài. Sự chối bỏ Cái Bóng có thể dẫn đến những hậu quả về thể chất, tinh thần và tâm lý trong một khoảng thời gian rất dài.


Dịch: khunglongcanhcut

Nguồn: https://lonerwolf.com/shadow-self/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan