Si Tình: Khi Tình Yêu Chẳng Còn Là Sự Cứu Rỗi?

Nhiều người coi tình yêu là đỉnh cao của sự sống loài người, và một số người thì đánh đồng nó với hạnh phúc. Nhưng đôi khi, “si tình” cũng có thể được coi là một loại bệnh. Tình yêu, …

Nhiều người coi tình yêu là đỉnh cao của sự sống loài người, và một số người thì đánh đồng nó với hạnh phúc. Nhưng đôi khi, “si tình” cũng có thể được coi là một loại bệnh. Tình yêu, trên thực tế có thể đem đến cho con người chúng ta nhiều tác động tâm lý tiêu cực, và trong phần dưới đây, hãy nhìn lại xem chúng ta là ai.

Ngày Lễ Tình nhân, mọi người trên hầu khắp thế giới đều sẽ đắm chìm trong vẻ đẹp và lợi ích của tình yêu lãng mạn. Họ tôn vinh giá trị của thứ cảm xúc độc nhất ấy đã mang lại cho loài người và vị trí độc tôn của nó trên hành trình đến với hạnh phúc.

Thêm vào đó, khoa học đã chỉ ra những lợi ích to lớn của tình yêu tới tâm sinh lý của con người. Từ việc giảm đau, hạ huyết áp, xoa dịu căng thẳng và cải thiện sức khỏe tim mạch của con người nói chung, tình yêu và các mối quan hệ yêu đương có liên hệ rất lớn tới các lợi ích về sức khỏe.

Nhưng nếu tình yêu không có gì hơn ngoài những cảm xúc tích cực, và chất xúc tác hóa học, có lẽ chúng ta cũng không có những khái niệm như “cuồng yêu” hay “si tình” để định danh những tác động mãnh liệt của thứ cảm xúc này. Và trong bài viết này, chúng tôi đã tập trung sự chú ý của mình về phía những  tác động không mấy vui vẻ và đôi khi còn gây suy nhược tâm lý của tình yêu.

Tình yêu và thứ hoóc môn gây căng thẳng

Khi yêu sẽ kích hoạt một loại hóa chất như một ly cocktail trong não. Một vài loại hoóc môn – hoạt động như chất dẫn truyền thần kinh – mà cơ thể chúng ta giải phóng khi đang say đắm trong tình yêu có thể có tác dụng làm dịu đi.

Ví dụ, người ta còn gọi oxytocin là loại “hoóc môn tình yêu” bởi cơ thể giải phóng nó khi đang quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc cơ thể. Các bằng chứng khoa học cũng chỉ ra nó có tác dụng làm giảm căng thẳng và lo lắng. Nhưng mức độ oxytocin chỉ bắt đầu tăng đáng kể sau năm đầu tiên của tình yêu. Chất dẫn truyền thần kinh này giúp củng cố một mối quan hệ lâu dài, nhưng điều gì xảy ra trong giai đoạn đầu yêu nhau?

Một nghiên cứu nhỏ nhưng có ảnh hưởng mà các nhà nghiên cứu đã thực hiện hơn một thập kỷ trước đã so sánh những người mới yêu và những người trong mối quan hệ lâu dài hoặc độc thân. Dựa trên mức tiêu chuẩn của các loại hoóc môn khác nhau đã cho thấy những người yêu nhau 6 tháng đầu có nồng độ hoóc môn căng thẳng cortisol cao hơn nhiều. Trong khi đó, khi kiểm tra lại những người này sau 12 – 24 tháng, nồng độ cortisol của họ đã trở lại mức bình thường. 

Qua đó, các nhà nghiên cứu kết luận, mức độ cortisol cao được não bộ giải phóng trong 6 tháng đầu tiên là “đề xuất của các điều kiện ‘gây căng thẳng’ và khơi dậy những mối liên hệ của tiếp xúc xã hội”. Nồng độ cortisol cao có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Nó cũng làm tăng khả năng mắc các bệnh tăng huyết áp và bệnh tiểu đường loại 2. Nồng độ cortisol quá mức có thể còn làm suy giảm chức năng não, suy giảm trí nhớ và theo một số người nó thậm chí có thể làm giảm thể tích não.

Limerence: Khi tình yêu quá mãnh liệt

Năm 1979, Nhà tâm lý học Dorothy Tennov đã đặt ra thuật ngữ ” limerence” (nỗi ám ảnh bị từ chối trong tình yêu) để mô tả một khía cạnh tiêu cực của tình yêu.Trong cuốn sách của mình, Love and Limerence: The Experience of Being in Love (Tình yêu và Nỗi lo sợ bị từ chối: Trải nghiệm của tình yêu), bà định nghĩa limerence là một trạng thái không tự nguyện, vô cùng mãnh liệt và đầy ham muốn khiến con người có thể bị ám ảnh và phụ thuộc vào nỗi lo sợ bị từ chối của họ.

Family Portraits: Paper Illustrations by Jotaká | Daily design inspiration for creatives | Inspiration Grid

Limerence là khi cảm nhận những gì thường được gọi là “yêu””, tác giả viết. Tuy nhiên, cách miêu tả sắc thái cảm xúc của bà phân biệt giữa limerence, tình yêu và tình dục . “Tình yêu và tình dục có thể cùng tồn tại mà không có limerence, trên thực tế […] cả ba thứ đều có thể tồn tại mà không có cái còn lại,” bà viết.

Tennov đã liệt kê một số yếu tố hay dấu hiệu của limerence. Bao gồm:

  • “ý nghĩ quấy rầy đến đối tượng – ham muốn mãnh liệt của bạn “
  • “khao khát được đáp lại một cách điên cuồng”.
  • phụ thuộc vào hành động của đối phương, hay khả năng mà họ có thể đáp lại tình cảm của bạn.
  • mất khả năng hạn chế tình cảm với nhiều người cùng một lúc.
  • nỗi sợ khủng khiếp bị từ chối
  • “đôi khi bất lực trước sự ngại ngùng” khi gặp đối phương.
  • “mạnh mẽ hơn mỗi lần trải qua nghịch cảnh”, tức là cảm xúc càng khó đạt được lại càng mãnh liệt.
  • “đau đớn trong ‘trái tim’ (một khu vực ở trung tâm phía trước ngực) khi ngày càng không chắc chắn”
  • “sự bay bổng (một cảm giác như đi bộ trên không) khi có bằng chứng sẽ được đáp lại tình cảm”
  • cảm xúc mãnh liệt và sự tập trung bị thu hẹp về đối phương khiến mọi thứ cần quan tâm khác đều lu mờ.
  • “một khả năng đặc biệt có thể nhấn mạnh những gì thực sự đáng ngưỡng mộ ở [đối phương] và để tránh bị đắm sâu vào những điều tiêu cực”
Như vậy, liệu limerence có lành mạnh?

Theo Tennov, các khía cạnh tiêu cực của limerence đã không nhận được sự chú ý xứng đáng. Limerence có mối liên hệ với rất nhiều “tình huống bi kịch”, bà nói, bao gồm cả những “”tai nạn” được định sẵn (rất nhiều câu chuyện có những tình huống như người limerence sẽ bị thương và [đối phương] sẽ cảm thấy “tội lỗi”), tự tử công khai (thường để lại lời nhắn với [đối phương]), ly dị, giết người, và một loạt các tác dụng phụ “nhỏ bé” khác” mà bà ghi lại trong cuốn sách của mình. Thêm vào đó, khi nhìn lại, những người từng trải qua limerence thường tự cảm thấy hận thù bản thân và trách móc mình vì không thể rũ bỏ cảm giác mất kiểm soát khi ấy.

Cuốn sách của Tennov chứa đầy những chiến lược mà những người trải qua limerence đã cố gắng – và ít nhiều đã thành công – để loại bỏ cảm giác, bao gồm viết nhật ký, tập trung vào những khiếm khuyết của đối phương hoặc gặp một nhà trị liệu.

Tình yêu giống như một chứng nghiện

Gần đây, ngày càng có nhiều nhà khoa học cho rằng các cơ chế sinh học thần kinh làm nền tảng cho cảm giác yêu có nhiều điểm tương đồng với cơn nghiện.

Ví dụ, có một sự thật là tình yêu kích thích giải phóng dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh còn có tên gọi là hoóc môn “sex, drugs, and rock’n’roll” (tình dục, ma túy, và rock’n’roll) vì cơ thể giải phóng nó khi một người tham gia vào các hoạt động vui thú.

Nhìn chung, từ quan điểm thần kinh học, tình yêu kích hoạt các mạch điện trong não và hệ thống khen thưởng tương tự như chứng nghiện. Helen Fisher, tiến sĩ, một nhà nhân chủng học và là một nhà nghiên cứu tại Viện Kinsey, Đại học Indiana, đã thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng minh họa điều này.

Trong cuộc nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 15 người tham gia, những người đã từng yêu một cách mãnh liệt, xem các bức ảnh của những người đã từ chối họ. Trong khi đó, các nhà khoa học quét não của họ bằng một máy MRI chức năng.

Nghiên cứu chỉ ra bộ phận não bộ hoạt động cao có liên hệ đến chứng nghiện cocaine, “được và mất”, thèm muốn, thúc đẩy và điều tiết cảm xúc. Những vùng não này bao gồm vùng VTA (ventral tegmental area), vùng vân bụng (ventral striatum), thùy trán/ vỏ não vận động (medial and lateral orbitofrontal/prefrontal cortex), và vùng thùy chẩm (cingulate gyrus).

“Việc kích thích các khu vực liên quan đến cơn nghiện cocaine có thể giúp giải thích các hành vi của sự ám ảnh bị từ chối,” Fisher và các đồng nghiệp viết. Một số hành vi này bao gồm “thay đổi tâm trạng, thèm muốn, ám ảnh, ép buộc, bóp méo hiện thực, lệ thuộc cảm xúc, thay đổi tính cách, chấp nhận rủi ro và mất tự chủ”.

Những đặc điểm này đã khiến một số nhà nghiên cứu cân nhắc cho nghiện yêu vào Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5), cùng với các chứng nghiện hành vi khác, như “nghiện cờ bạc, nghiện tình dục, nghiện mua sắm”, cũng như nghiện tập thể dục, nghiện làm việc, hoặc nghiện công nghệ.

Ngược lại, các nhà khoa học khác lại có thái độ ôn hòa hơn đối với vấn đề về bản chất gây nghiện của tình yêu. Trong một bài báo có tựa đề Addicted to love: What is love addiction and when should it be treated? (Nghiện yêu: Nghiện yêu là gì và khi nào nên điều trị?), Brian Earp và các đồng nghiệp từ Trung tâm Thần kinh học Oxford, tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh, viết, “Tất cả mọi người khi yêu đều dễ dàng bị gây nghiện.”

“Nghiện một người khác không phải là một căn bệnh mà chỉ đơn giản là kết quả của bản năng vốn có của con người mà đôi khi có thể hơi quá mức.”

Tuy nhiên, khi một người nghiện yêu quá mức, tình yêu cũng nên được “chữa trị” giống như bất kỳ chứng nghiện nào khác. Khi có cảm giác phấn khích quá thường xuyên, hãy nên cảnh giác với những tác động tiêu cực đó của tình yêu. 

These days | www.facebook.com/pages/Helena-Perez-Garcia/1713… | Flickr

Earp và các đồng nghiệp kết luận: “Hiện nay có nhiều bằng chứng về hành vi, hóa học thần kinh và những chẩn đoán bằng hình ảnh khác để hỗ trợ cho giả thuyết rằng tình yêu (ít nhất là có thể) là một chứng nghiện, giống như hành vi tìm kiếm ma túy vậy”. Họ tiếp tục: “Cho dù có giải thích chứng cứ này như thế nào, chúng ta vẫn nên kết luận rằng những người có cuộc sống bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình yêu nên được cung cấp sự hỗ trợ và cơ hội điều trị tương tự như khi chúng ta làm với những người lạm dụng chất gây nghiện”.

————————————–
Dịch: Thảo Mi
Biên tập: Hương
Nguồn ảnh: Pinterest
Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com/articles/324459.php

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan