Social Introvert - Mặt Đối Lập Của Người Hướng Nội Xã Hội

“Một người hướng nội xã hội là người không lảng tránh đám đông vì họ lo lắng mà là vì sở thích của họ. Nơi họ thấy hạnh phúc và thoải mái nhất là nơi hoàn toàn ít người hoặc trong một nhóm nhỏ ở những nơi ít được để ý hơn.”

Nhà tâm lý học Jonathan Cheek - giảng viên tâm lý học nhân cách tại đại học Wellesley - cùng các cộng sự của mình đã đưa ra nghiên cứu cho biết những người hướng nội có thể chia ra làm 4 kiểu hướng tính cách cơ bản: xã hội, suy nghĩ, lo lắnghạn chế. Trong đó, hướng nội xã hội (Social Introvert) là kiểu người dễ bị mọi người nhầm tưởng là một người hướng ngoại nhất bởi những đặc điểm tính cách tưởng chừng như đối lập trong con người họ. Vậy đâu là nguyên do của sự hiểu lầm ấy? 


Một trong những cách dễ dàng nhất để nhận biết một người hướng nội là chú ý tới cách họ thư giãn với xã hội khi họ ưa chuộng những môi trường ít náo nhiệt, sôi động và có xu hướng đắm chìm trong nội tâm của chính mình. Họ có khuynh hướng chủ yếu quan tâm tới đời sống tinh thần của bản thân và tận hưởng niềm vui qua những hoạt động đơn độc hơn là việc tiếp xúc và giao tiếp với nhiều người. Trong khi đó, những người hướng ngoại lại cảm thấy tràn đầy năng lượng khi tham gia các hoạt động xã hội, họ ưa thích việc trò chuyện, giao lưu với mọi người và tận hưởng những cuộc vui hơn là dành thời gian một mình. Có thể thấy, khuynh hướng tính cách của những người hướng nội và hướng ngoại gần như đối lập và khác biệt. 


Tuy nhiên, khi ta nhìn vào bề ngoài của những người hướng nội xã hội, ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh họ thoải mái và tự tin trong những hoạt động đông người, tham gia những buổi tiệc tùng cùng bạn bè hay tới dự các buổi sự kiện, hội họp đông đúc và sôi động. Thoạt nhìn, chúng ta sẽ nghĩ người ấy hẳn là một người hướng ngoại bởi những hoạt động họ tham gia có khuynh hướng thiên về các sự kiện xã hội đông người náo nhiệt. Nhưng nếu chúng ta để ý kĩ hơn một chút, những người hướng nội xã hội thường chỉ tham dự những buổi tụ tập với hội bạn thân thiết, họ rất năng nổ và cởi mở khi ở bên những người họ gần gũi và thân mật. Họ sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc với những buổi họp mặt hay kỳ nghỉ riêng với những người họ yêu quý. Những người hướng nội xã hội chỉ cảm thấy thực sự thoải mái khi được ở trong môi trường quen thuộc như chốn công sở làm việc đã nhiều năm hay những hội chợ và sự kiện về chủ đề họ yêu thích và thấu hiểu. 


“Những người hướng nội xã hội ít quan tâm đến các cuộc họp mặt hay tiệc tùng lớn”, nhà trị liệu tâm lý Anthony Freire cho hay. Nhìn chung họ có xu hướng từ chối những buổi gặp mặt ngoại giao với nhiều người lạ,  những buổi hội họp, tiệc tùng lớn hay những chuyến đi chơi xa vào cuối tuần. Họ thường cảm thấy cạn kiệt năng lượng và cần thời gian để phục hồi sau khi tham gia những sự kiện đông người. Có đôi khi, những người hướng nội xã hội bị mọi người hiểu lầm khi mới tiếp xúc bởi họ quá ít nói hay không thích giới thiệu bản thân. Đó không phải bởi họ ngại ngùng, né tránh đám đông hay phải đối mặt với những lo lắng xã hội. Trái lại, những người hướng nội xã hội thường là người có khả năng giao tiếp tốt, có thể tiếp cận và cởi mở với mọi người như một hình thức xã giao cơ bản nhờ vào khả năng thấu hiểu và suy nghĩ cẩn thận của họ. Tuy nhiên, họ thường không thích làm điều đó mà lựa chọn cho mình lối sống chú trọng vào tinh thần bên trong hơn những cuộc xã giao bên ngoài. Những hoạt động xã hội triền miên hay đông đúc có thể khiến họ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Họ sẽ không phản đối những buổi tụ tập với gia đình, bạn bè và đôi khi cũng chấp thuận những lời mời xã giao nhưng khi họ cảm thấy cần thiết, họ sẽ rút lui về thế giới của bản thân. Họ ưa chuộng sự vắng vẻ hơn những người khác và tận hưởng khoảng thời gian dành cho bản thân mình.  


"BÊN TRONG BẠN CÓ NƠI TĨNH LẶNG VÀ TÔN NGHIÊM, NƠI BẠN CÓ THỂ RÚT VÀO BẤT CỨ LÚC NÀO VÀ LÀ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH" - HERMANN HESSE


Melissa Dahl đã miêu tả trong The Cut rằng hướng nội xã hội là “một sự ưa thích cho việc hòa nhập với những nhóm nhỏ thay vì nhóm lớn. Hay đôi khi, chẳng có sự ưa thích với bất kì nhóm nào cả, mà là sự cô đơn”. Họ yêu thích những buổi tụ họp nhỏ với vài ba người bạn thân và chỉ thực sự mở lòng mình và tâm sự với những người thân cận ấy. Hoặc có đôi khi họ dành toàn bộ thời gian cho bản thân mình. Những người hướng nội xã hội không ngại người lạ nhưng họ thích đơn độc hơn. Họ có khuynh hướng thích làm việc cá nhân hơn tập thể. Họ tận hưởng không gian yên tĩnh trong thế giới của chính mình, chìm đắm trong những niềm vui và sở thích cá nhân ít tiêu tốn năng lượng như dành hàng giờ nghiền ngẫm cuốn sách họ yêu thích hay chăm chú xem một bộ phim họ ngóng chờ đã lâu. Cũng như những kiểu người hướng nội khác, họ cảm thấy thực sự bình yên, thư giãn và được nạp năng lượng trong thế giới tinh thần của riêng mình thay vì tiếp xúc và bị vây quanh bởi quá nhiều người xa lạ. Tuy nhiên, họ không hẳn luôn dành thời gian suy ngẫm về bản thân tại một góc nhỏ yên tĩnh nào đó, đôi khi họ tham gia những sự kiện náo nhiệt và sôi động về những chủ đề mà bản thân họ thấy hứng thú như những hội chợ sách, hội chợ ẩm thực, những buổi offline trò chuyện về một sở thích chung nào đó, những buổi concert của nghệ sĩ họ yêu mến,... Họ vẫn tận hưởng những thú vui ấy khá “nhiệt" - khác với lầm tưởng rằng người hướng nội luôn luôn trầm ổn, ít nói, lạnh lùng như nhiều người vẫn nghĩ. 


“Rốt cuộc chính những người có cuộc sống nội tâm sâu sắc và chân thực mới có thể đối phó tốt nhất với những điều khó chịu của cuộc sống bên ngoài.” - Evelyn Underhill


Sở hữu tính cách hướng nội xã hội có thể là một may mắn và là lợi thế lớn khi họ cân bằng khá tốt giữa nội tâm và ngoại tâm ngay cả khi họ ưa chuộng việc lui về thế giới tinh thần bên trong mình hơn cả. Họ có thể cởi mở, hòa đồng và giao tiếp khéo léo với mọi người trong những sự kiện xã hội nhờ vào khả năng phân tích và trực giác của bản thân. Họ bộc lộ những điểm mạnh và cá tính của riêng mình, đồng thời lắng nghe tiếng nói trong tâm trí và nuôi dưỡng tâm hồn bên trong mình. Có thể thấy, họ hòa nhập tốt với cộng đồng và xã hội trong khi vẫn luôn sắp xếp lịch trình để có thể dành đủ thời gian cho những thú vui, sở thích cá nhân.  Họ là những người vừa ưa chuộng sự bình yên, tĩnh lặng và trân trọng bản thân lại vừa hướng tới những mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống. Hai mảnh ghép trong con người họ tưởng chừng như đối lập giữa thế giới bên ngoài và bên trong nhưng thực chất là sự thống nhất và giao thoa nơi tâm hồn.


Tác giả: Mia 


BẢN THẢO
Bài viết liên quan