Socialpath Hay Psychopath (Thái Nhân Cách): Dấu Hiệu Nào Để Nhận Biết?

Thuật ngữ về những người mắc Rối loạn nhân cách chống đối xã hội – Sociopath và Thái nhân cách – Psychopath thường xuyên được sử dụng để thay thế lẫn nhau. Không ít người trong chúng ta còn có …

Thuật ngữ về những người mắc Rối loạn nhân cách chống đối xã hộiSociopath Thái nhân cáchPsychopath thường xuyên được sử dụng để thay thế lẫn nhau. Không ít người trong chúng ta còn có đôi chút lầm tưởng hai khái niệm này hoàn toàn là một. Thậm chí, các nhà tội phạm học, tâm lý học pháp lý, bác sĩ tâm thần học và cảnh sát cũng chỉ ra rằng chúng có nét tương đồng. Thế nhưng sự thật là có một sự khác biệt vô cùng rõ rệt giữa hai hội chứng này.

Trong Sổ tay Chẩn Đoán và Thống kê các Rối loạn tâm thần phiên bản thứ 5 (2013) được phát hành bởi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, SociopathyPsychopathy cùng được liệt kê trong phần Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD – Antisocial Personality Disorders).

Bởi vì những rối loạn này có những triệu chứng giống nhau, dẫn đến việc chúng thường xuyên bị nhầm lẫn.

Một trong những đặc điểm phổ biến nhất để biết được một  người có phải Sociopath và Pshychopath hay không chính là nhờ vào xu hướng bộc lộ những hành vi công kích, gây gổ hoặc bạo lực; coi thường quyền lợi và cảm xúc của người khác; bất chấp, xem nhẹ luật pháp xã hội hoặc không cảm thấy tội lỗi, hối hận đối với những việc mà bản thân đã làm.

Tuy vậy, sự khác biệt giữa chúng là gì? Nào, chúng ta hãy cùng xem qua những đặc điểm cụ thể hơn.

Những người được xem là Sociopath thường có xu hướng dễ rơi vào cảm xúc buồn bực hay lo lắng; sức chịu đựng thấp và rất hay tức giận một cách thất thường. Họ cũng thường có những cơn thịnh nộ vì không thể kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân và cũng có xu hướng xuất hiện những cơn bộc phát cảm xúc.

Không giống như những Psychopath, họ thường không có nền tảng giáo dục tốt và có khả năng cao thuộc nhóm ngoài rìa xã hội – không tuân theo những chuẩn mực đạo đức hay không có địa vị cao trong xã hội. Đôi lúc, Sociopath không có nơi ở cố định lâu dài hay một công việc ổn định.

Bên cạnh đó, các Sociopath gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng các mối liên kết và gắn bó với người khác. Điều này dường như là bất khả thi đối với họ. Một số người có thể hình thành những mối quan hệ với người khác nhưng họ không tôn trọng các chuẩn mực hay nguyên tắc ứng xử mà xã hội đặt ra. Nó dẫn đến kết quả rằng số lượng các mối quan hệ của họ cũng sẽ bị hạn chế và việc kết giao thường là một vấn đề khiến họ phải chật vật rất nhiều.  

Mọi người thường nhìn những Sociopath như một kẻ bất thường. Thế nhưng, nhờ vào những hành vi lệch chuẩn đó, họ lại khiến ta dễ nhận biết hơn rất nhiều so với những Psychopath.

Ngược lại, các Psychopath thường không có mối liên kết về cảm xúc nào với người khác, cũng như không cảm thấy niềm thấu cảm thực sự hay lòng trắc ẩn, đồng cảm chân thành nào với người xung quanh. Họ thường có bản tính hung hăng. Có thể ví những Psychopath như kẻ đi săn còn những người xung quanh là con mồi – đối tượng tiêu khiển trong lòng bàn tay họ.

Mặc dù rằng không thể tìm thấy lòng thấu cảm chân thành đối với người khác nhưng các Psychopath rất giỏi che lấp đi khiếm khuyết này bằng những những đặc điểm thu hút, quyến rũ. Những kẻ thao túng này có thể khiến một người đặt niềm tin vào họ một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Họ có khả năng bắt chước cảm xúc mà người khác bộc lộ mặc dù bản thân chẳng thể cảm nhận được gì trong tình huống đó. Đó cũng là lý do rõ ràng nhất giải thích vì sao chúng ta luôn cảm thấy như những Psychopath là người vô hại và tốt bụng. Họ thường có học thức cao và công việc ổn định.

Một số Psychopath thực sự rất giỏi trong việc dẫn dụ và thao túng đến mức họ có thể xây dựng nên những mối quan hệ lâu dài, kể cả một tổ ấm mà không có sự nghi ngờ nào từ phía người bạn đời. Việc này có vẻ hoàn toàn không có gì gọi là khó khăn so với họ.

Khi những Psychopath có khuynh hướng phạm tội, họ thường vạch ra đường đi nước bước tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ, đa phần sẽ có thêm nhiều kế hoạch dự phòng khác nữa. Chính vì thế, chúng ta hầu như là không thể nắm thóp được sơ hở nếu chỉ căn cứ vào những hành vi của họ. Kể cả khi bị bắt, họ vẫn có thể duy trì được phong thái bình tĩnh và lạnh lùng đến khó tin. Những kẻ “máu lạnh” này sẽ không bao giờ có chủ đích bộc lộ hoàn toàn bản chất cũng như những hành động và ý định thật sự của mình. Đó cũng chính là lý do vì sao Psychopath lại khó có thể nhận diện hơn là những Sociopath.

Một điểm khác biệt tiêu biểu khác giữa chúng có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn ở nguồn gốc của rối loạn.

Cụ thể, Sociopath, nhiều khả năng, chính là kết quả của những sang chấn tinh thần thời thơ ấu hoặc đã từng trải qua bạo hành cảm xúc hay tâm lý. Rối loạn này được hình thành bằng con đường học tập, thế nên các Sociopath vẫn có khả năng đồng cảm hoặc nảy sinh lòng trắc ẩn ở mức độ nhất định.

Khác hoàn toàn với Sociopath, Psychopathy dường như là kết quả của di truyền. Nó là một khiếm khuyết về mặt sinh tâm sinh lý, dẫn đến hệ quả là phần não liên quan đến việc kiểm soát cảm xúc và xung động không được phát triển hoàn thiện.
Sau cùng, tuy rằng Psychopathy không phổ biến trong dân số như Sociopathy nhưng họ được xem là những cá thể nguy hiểm nhất trong xã hội. Không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm khi nhiều kẻ sát nhân hàng loạt mang trong mình rối loạn nhân cách này.

Dịch: Ngọc Nguyễn

Biên tập: Lyo Kiu

Nguồn:  https://thepowerofsilence.co

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan