Ảnh Hưởng Từ Cách Nuôi Dạy Đến Tâm Lý Của Con Cái

Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, việc nuôi dạy con cái trên khắp thế giới đều có cùng ba mục tiêu chính: đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho trẻ em, chuẩn bị cho trẻ em …

Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, việc nuôi dạy con cái trên khắp thế giới đều có cùng ba mục tiêu chính: đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho trẻ em, chuẩn bị cho trẻ em để trở thành những con người có ích cho xã hội và truyền tải cho chúng các giá trị văn hóa (APA, 2018). Chẳng cần dài dòng, chúng ta có thể thấy những mục tiêu này yêu cầu rất nhiều công sức của những bậc phụ huynh. Trở thành những bậc cha mẹ thành công không phải chuyện nhỏ và việc trẻ em có trở thành người có năng lực, khỏe mạnh, có ích hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố môi trường và sinh học nữa. Có vô số tác nhân ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em, nhưng nhiều tài liệu cho thấy việc nuôi dạy con cái góp phần quan trọng trong sự trưởng thành của trẻ em. Mức độ định hình sự phát triển hành vi của viêc nuôi dạy là một câu hỏi phức tạp và mặc dù không thể trả lời một cách chắc chắn, chúng ta có thể tin rằng cha mẹ là một nhân tố quan trọng trong việc hình thành nên hành vi của con cái họ.

Nghiên cứu đã chỉ ra các liên hệ nhất quán giữa việc nuôi dạy và cách hành xử của trẻ. Ví dụ: các hành động nuôi dạy con của người mẹ bao gồm mức độ mà cô ấy thể hiện tình cảm và kiểm soát hành vi và tâm lý đối với đứa con của mình khi đứa trẻ đó đang 5 tuổi hay đang ở độ tuổi có liên quan đến hành vi nội phát và ngoại phát (internalizing/externalizing behaviors) của trẻ sau này (Aunola & Nurmi, 2005 ). Các vấn đề về hành vi nội phát, hay kìm nén cảm xúc, thường dẫn đến lo âu và trầm cảm (Akhter và cộng sự, 2011). Các vấn đề hành vi ngoại phát, hay gây rối, thường bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý và các vấn đề về cách cư xử (Akhter và cộng sự, 2011). Đây chỉ là một vài vấn đề phổ biến về hành vi ở trẻ nhỏ mà có một phần nguyên nhân đến từ cách nuôi dạy.

Nỗ lực nghiên cứu về sự ảnh hưởng của việc nuôi dạy con cái lên hành vi của trẻ em gặp nhiều khó khăn có rất rất nhiều cách nuôi dạy cũng như một lượng rất lớn kết quả tương ứng thu được là hành vi của trẻ. Mối quan hệ nhân quả giữa việc nuôi dạy con và biểu hiện hành vi của trẻ đều khó hiểu như nhau tùy thuộc vào thời gian và chỉ số của các hành vi được khảo sát. Ví dụ: trong một nghiên cứu về nhận thức của thanh thiếu niên về việc kiểm soát tâm lý của cha mẹ, nói cách khác là mức độ mà phụ huynh cố gắng kiểm soát cảm xúc và niềm tin của con họ, cùng với lời kể của chính các thanh niên về hành vi nội tâm hóa và gây hấn của họ, các nhà nghiên cứu nhận thấy hành vi của trẻ nhỏ có tỷ lệ làm thay đổi việc kiểm soát tâm lý từ phụ huynh lớn hơn tỷ lệ việc kiểm soát tâm lý từ phụ huynh làm thay đổi hành vi ở thanh niên (Albrecht et al., 2007). Bởi đây là một mối quan hệ đa hướng nên nghiên cứu về ảnh hưởng của việc nuôi dạy con cái đối với biểu hiện hành vi ở trẻ nhỏ lại càng trở nên phức tạp.

Cách phổ biến để giải quyết những phức tạp này là chia các cách nuôi dạy con thành bốn kiểu nuôi dạy khác biệt: độc đoán (authoritarian), tự do (permissive), thờ ơ (uninvolved) và nghiêm khắc (authoritative) (Maccoby & Martin, 1983). Bốn kiểu nuôi dạy con này dựa trên hai khía cạnh của cha mẹ: sự ấm áp của tình cảm đến từ bậc phụ huynh – liên quan đến tình yêu của họ dành cho con và sự chấp nhận từ con cái – và sự kiểm soát của cha mẹ – liên quan đến mức độ tích cực tham gia của cha mẹ trong việc thúc đẩy sự tôn trọng các quy tắc và quy ước xã hội (Maccoby và Martin, 1983). Đã có nhiều nghiên cứu đi sâu tìm hiểu mối liên hệ giữa việc nuôi dạy con cái và biểu hiện hành vi ở trẻ em.

Nuôi dạy kiểu độc đoán

Cha mẹ kiểu độc đoán có mức độ quan tâm đến con cái thấp, luôn muốn kiểm soát và sử dụng cách giáo dục nghiêm khắc, được đặc trưng bởi việc ít lắng nghe và trò chuyện với con, luôn kỳ vọng cao, kém linh hoạt, thường xuyên sử dụng hình phạt và giao tiếp một chiều từ phụ huynh đến con cái (Baumrind, 1991). Trẻ em được nuôi dạy bởi kiểu cha mẹ độc đoán cho tới nay thường gắn liền với các hệ quả như sự thù địch, phạm pháp, nổi loạn và phản xã hội (Baumrind, 1991). Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng trẻ bị cha mẹ kiểm soát quá mức ở thuở nhỏ có xu hướng hình thành lo âu (Chorpita & Barlow, 1998). Sự lo âu này bắt nguồn từ việc thiếu cơ hội phát triển quyền tự chủ thông qua việc độc lập tìm hiểu môi trường xung quanh chúng (Bowlby, 1977). Nghiên cứu cũng cho rằng sự ít quan tâm, thấu hiểu ở cha mẹ của kiểu nuôi dạy con cái áp đặt có thể dẫn đến trầm cảm ở trẻ em (Rapee, 1997).

Nuôi dạy kiểu tự do

Cha mẹ kiểu tự do có mức độ quan tâm đến con cái cao và mức độ kiểm soát thấp. Họ đóng vai trò như một người bạn hơn là cha mẹ đối với con cái của mình, ít đặt ra những quy tắc và kỷ luật, ít đặt kỳ vọng cũng như đưa ra hướng dẫn hay chỉ dạy (Baumrind, 1991). Cha mẹ kiểu này thường có xu hướng rất yêu thương và quan tâm đến con cái, nhưng họ cũng cho phép chúng giải quyết vấn đề mà không cần đến sự can thiệp của mình (Baumrind, 1991). Trong một nghiên cứu về kiểu cha mẹ nuông chiều, thiếu sự can thiệp, theo dõi và sự tự tin trong việc nuôi dạy con cái là những yếu tố quan trọng dự báo vấn đề hành vi của trẻ, theo lời của cả phụ huynh và giáo viên (Calzada, 2001). Bởi cha mẹ kiểu này có xu hướng không đòi hỏi nên việc kiểm soát hành vi của trẻ em và thiết lập những giới hạn ở trẻ em trở nên khó khăn hơn nhiều (Baumrind & Black, 1967). Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa sự nuông chiều quá mức thường thấy ở những kiểu cha mẹ này và sự giảm sút khả năng xã hội và thành tích học tập ở trẻ em (Chen và cộng sự, 2000). Nuôi dạy con kiểu nuông chiều cùng có liên quan đến những kiểu hành vi như: hách dịch, ỷ lại và bốc đồng ở trẻ em với mức độ tự kiểm soát và thành tích học tập thấp, không có tính kiên trì và khả năng kiểm soát cảm xúc bị hạn chế (Baumrind, 1967).

Nuôi dạy kiểu thờ ơ

Cha mẹ kiểu thờ ơ có mức độ quan tâm và kiểm soát thấp; không sử dụng bất kỳ cách kỷ luật cụ thể nào (Baumrind, 1991).Họ thường ít quan tâm đến việc làm cha mẹ. Giao tiếp giữa hai bên hạn chế, ít có sự quan tâm chăm sóc, và nói chung là đứa trẻ có quá nhiều tự do (Baumrind, 1991). Bởi vì cha mẹ thờ ơ không đòi hỏi mà cũng không đáp ứng nhu cầu của trẻ, và bởi trẻ nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào sự hướng dẫn và hỗ trợ của cha mẹ nên việc nuôi dạy con thờ ơ thường dẫn đến các vấn đề hành vi và trầm cảm ở trẻ em (Downey & Coyne, 1990). Thêm vào đó, thanh thiếu niên có cha mẹ thờ ơ thường phải chịu sự chối bỏ và có xu hướng kìm nén cảm xúc hoặc thể hiện những hành vi ngoại phát như: hành vi hung hăng, phạm pháp, thù địch và các vấn đề về sự chú ý (Ruchkin và cộng sự, 1998; Meesters và cộng sự, 1995; & Barnow và cộng sự, 2002). Những ảnh hưởng của việc nuôi dạy con cái thờ ơ có thể tồn tại từ tuổi thiếu niên và đến tuổi trưởng thành (Nijhof & Engles, 2007). Trong một nghiên cứu về sinh viên đại học năm nhất, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những sinh viên được nuôi dạy bởi cha mẹ thờ ơ có nhiều vấn đề nội tâm hóa và ngoại tâm hóa hơn trong phản ứng với những cảm xúc tiêu cực như nỗi nhớ nhà (Nijhof & Engles, 2007). Ngoài ra, đa số những sinh viên này thường xử lí các vấn đề kém hiệu quả hơn so với những sinh viên được lớn lên trong một môi trường gia đình có sự yêu thương và quan tâm (Nijhof & Engles, 2007).

Nuôi dạy kiểu nghiêm khắc

Cha mẹ kiểu nghiêm khắc có mức độ quan tâm và mức độ kiểm soát cao(Baumrind, 1991). Cha mẹ kiểu này có thể thỏa hiệp được và quan tâm đến concái; họ đặt kỳ vọng cao, có giải thích rõ ràng các quy tắc và thường xuyên giaotiếp với con cái (Baumrind, 1991). Nuôi dạy con kiểu này giúp cho năng lực trẻem phát triển, trưởng thành, quyết đoán và tự chủ hơn (Baumrind, 1991). Những chamẹ nghiêm khắc sử dụng các biện pháp kỷ luật lấy trẻ em làm trung tâm, sử dụnglý luận và giải thích bằng lời nói sẽ nuôi dạy những đứa trẻ có trình độ lýluận đạo đức, lương tâm đạo đức và hành vi xã hội cao (Krevans & Gibbs,1996)

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nuôi dạy con cái kiểu nghiêm khắc có thể là cách hiệu quả nhất, tuy nhiên, nó cũng là cách đòi hỏi khắt khe nhất về công sức và thời gian của cha mẹ (Greenberger & Goldberg, 1989). Có thể cho rằng nếu cha mẹ đang sống trong những điều kiện căng thẳng, chẳng hạn như nghèo đói, họ sẽ hiếm khi nuôi dạy kiểu thấu hiểu, và có nhiều khả năng họ sử dụng các cách nuôi dạy kém hiệu quả hơn. Nghiên cứu cho thấy cha mẹ của một gia đình có kinh tế xã hội cao hơn, sẽ có nhiều khả năng lắng nghe ý kiến (Hoffman, 1963) và tập trung vào con cái hơn (Sears và cộng sự, 1957), trái ngược với kiểu cha mẹ nuôi dạy áp đặt và lấy mình làm trung tâm, đặc trưng của tầng lớp có thu nhập kinh tế xã hội thấp. Điều này sẽ dẫn đến khả năng gia tăng các vấn đề về hành vi không bộc phát và hành vi bộc phát ở những đứa trẻ ở gia đình có thu nhập thấp, do đó, có khả năng khiến gia đình chịu nhiều căng thẳng hơn. Vòng tuần hoàn này kéo theo những hậu quả xấu trong tương lai, vì nó góp phần vào sự bất bình đẳng đối với các gia đình nghèo đói (Kohen, 1998).

Cần có thêm những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để nâng cao hiểu biết hiện nay về cách nuôi dạy con cái và vai trò của chúng đối với biểu hiện hành vi của trẻ em. Sự gia tăng hiểu biết về gốc rễ của các cách làm cha mẹ khác nhau có thể cho phép lĩnh vực này xác định rõ ràng hơn các yếu tố môi trường khiến cho các bậc cha mẹ chọn cách kém lý tưởng hơn. Nghiên cứu này nên được sử dụng để hướng dẫn phát triển các chương trình can thiệp và phòng ngừa hiệu quả hơn nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển hành vi thích ứng ở trẻ em. Bởi cách cha mẹ nuôi dạy con đã được chứng minh là có tác động lớn và gây ra các vấn đề về hành vi gây rối sớm ở trẻ (Comer và cộng sự, 2013), điều quan trọng là phải đảm bảo các chương trình này được phân bố rộng rãi cho các gia đình có nguy cơ và các gia đình này phải nhận thức được khả năng của họ. Ngoài ra, các chương trình nuôi dạy con cái thường được phân chia theo từng nhóm thay vì các phương pháp trị liệu cá nhân, được chứng minh là có hiệu quả về chi phí, giảm kỳ thị và thúc đẩy hỗ trợ bình đẳng (Comer và cộng sự, 2013; Gross và cộng sự, 2003; Sanders, 1999 ). Cần chú ý rằng cha mẹ không có  lỗi cho các hành vi nuôi dạy con cái của họ hoặc cho biểu hiện hành vi của con cái của họ mà thay vào đó họ nên được cung cấp các cơ hội và nguồn lực cần thiết. Tận dụng các nguồn lực này có thể giúp cha mẹ áp dụng các cách nuôi dạy con phù hợp hơn và thúc đẩy sự phát triển hành vi thích ứng của con cái họ.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn: Parenting Styles and Child Behavior

Dịch: Phuong Hoang

Biên tập: #Zealous

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan