Sự Im Lặng Có Đáng Sợ Như Bạn Nghĩ?

Một trong những nỗi sợ lớn nhất của chúng ta chính là sự im lặng. Chúng ta chạy trốn khỏi sự im lặng từ phòng khách, trong ô tô, nơi làm việc, và trong cả những cuộc trò chuyện của …

Một trong những nỗi sợ lớn nhất của chúng ta chính là sự im lặng.

Chúng ta chạy trốn khỏi sự im lặng từ phòng khách, trong ô tô, nơi làm việc, và trong cả những cuộc trò chuyện của mình. Bạn sẽ nhận thấy chúng ta có thói quen nhấn chìm cái tĩnh lặng khủng khiếp bằng những tiếng ồn và sự kích thích. Sự im lặng bám lấy chúng ta không ngừng như thần chết hoặc điềm gở. Nhiều người trong chúng ta không nhận ra nỗi sợ hãi đó. Nhiều người trong chúng ta cố lờ đi để không phải đối diện với nỗi sợ hãi tĩnh lặng trong chính mình. Chúng ta sẽ làm bất cứ thứ gì để lấp đầy khoảng trống đó như bật tivi, nghe đài, nghe nhạc trên Ipod hay điện thoại. Chúng ta liên tục làm tê liệt tâm trí mình bằng tiếng ồn và những kích thích để bản thân được sống trong một thế giới vô lo và mơ hồ.

Sự im lặng khiến chúng ta khó chịu. Thậm chí chúng ta có thể biện minh bằng việc nó khiến ta cảm thấy nhàm chán. Thế nhưng điều thực sự làm phiền chúng ta lại là chính bản thân mình: chúng ta không biết phải làm gì với chính mình, không biết phải nghĩ gì, hoặc thậm chí không biết mình là ai. Đến cuối cùng, chúng ta nhận ra rằng không phải chúng ta không thoải mái với sự tĩnh lặng, mà do chúng ta không thoải mái với chính bản thân mình.

Tôi đã khám phá ra điều này trong chuyến du lịch đến một hòn đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương. Những chiếc ô tô không được phép chạy trên đảo, chỉ có xe đạp với một số lượng dân ít ỏi. Tôi ngồi giữa hòn đảo gần một hồ nước mặn với nhiều vùng đất bị bỏ hoang xung quanh và thả mình chìm vào sự tĩnh lặng nơi đây. Không một âm thanh theo đúng nghĩa – không xe, không người, ngay cả một tiếng động nhỏ của động vật cũng không có. Tôi đột nhiên bị nhấn chìm bởi sự tĩnh lặng này, nó tựa như khi tôi đang rơi xuống vực sâu thăm thẳm. Tôi đã cố gắng bám lấy một thứ gì đó, tìm ra một âm thanh nào đó để đánh lạc hướng bản thân mình. Vực thẳm của sự im lặng thật đáng sợ và gây bối rối. Chúng ta hiếm khi trải nghiệm sự im lặng hoàn toàn, và khi đối diện với nó, chúng ta cảm thấy bứt rứt, trống trải, nó khiến ta phải làm gì đó để đánh lạc hướng tâm trí mình – như tôi đã làm. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy thật sự cô đơn ở giữa hòn đảo đó.

Bởi đã quá quen với những kích thích từ bên ngoài, chúng ta trở nên hoảng sợ khi phải đối diện với sự im lặng tuyệt đối từ môi trường xung quanh. Chúng ta bước đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ, nơi mà ta không hề biết cách để vận hành. Nó như thể tâm trí của ta có dạ dày, và khi thiếu vắng tất cả những âm thanh huyên náo, chúng ta chết đói.

Sau vài phút ngồi trên hòn đảo và trải qua những cú sốc đến từ sự tĩnh mịch nặng nề nơi đây, tôi đã bắt đầu cảm nhận được chút ánh sáng. Sự yên lặng đó bắt đầu giúp tôi cảm thấy như được xoa dịu, dỗ dành và an lòng theo cách mà không điều gì khác có thể làm được. Một khi chấp nhận sự im lặng tưởng chừng như không thể chịu đựng được đó, tâm trí tôi trở nên rộng mở. Tôi đã bình tâm soi xét lại nội tâm của mình và ngạc nhiên rằng tại sao chúng ta lại né tránh sự im lặng giữa muôn vàn điều trong cuộc sống.

Trải nghiệm cô độc trong sự im lặng là một điều tự nhiên và đơn giản nhất, nhưng lại thường xuyên bị bác bỏ trên hành trình phát triển của mỗi người. Hãy tưởng tượng đến khoảng thời gian trước khi ngủ. Bạn nằm trên giường trong sự tĩnh mịch của màn đêm và suy nghĩ về những sự việc diễn ra trong ngày. Lúc này bạn thậm chí có thể nhận ra rằng bản thân mình thật sâu sắc và thấu đáo. Tại sao ư? Bởi lúc này chỉ có mình bạn với bạn trong không gian tĩnh lặng, không một kích thích nào có thể tác động và đánh lạc hướng bạn được.

Sự tĩnh lặng xoa dịu bạn. Nó cho phép bạn tự vấn về bản thân và những người xung quanh. Nó tạo ra một con đường dẫn tới sự tập trung nhận thức, con đường này cho phép nội tâm của chúng ta tiến bộ một cách sâu sắc và có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là sự im lặng cũng có thể vượt ngoài sức chịu đựng, bởi vì khi đó chúng ta phải đối mặt với mọi vấn đề, mọi lỗi lầm và cả những bất an của bản thân. Khi gặp phải những phiền muộn trong cuộc sống và bị bỏ mặc để tự mình đối diện với những phiền muộn ấy, chúng ta đều muốn thoát ra. Chúng ta muốn né tránh sự im lặng – chiếc cầu kết nối chúng ta với thực tại. Nhưng chạy trốn và cự tuyệt đối mặt với sự im lặng lại khiến chúng ta trì trệ và không thể phát triển. Thực tại của chúng ta vẫn còn ẩn nấp dưới lớp vỏ bề mặt. Khi những vấn đề không được thừa nhận, chúng ta không bao giờ có thể thay đổi được chúng.

Khi chúng ta ôm lấy sự im lặng và vượt qua được sức nặng đáng sợ, bất ổn của nó, chúng ta trở nên sâu sắc hơn. Khi ta can đảm để cho sự im lặng thiêu đốt chính mình, ta trưởng thành. Vì vậy, lần tiếp theo khi bạn có cơ hội đối diện với sự im lặng hoàn toàn, hãy cố gắng trải nghiệm ý nghĩa của nó. Bạn có thể sẽ hoang mang. Và như tôi, bạn thậm chí có thể chiêm nghiệm được vẻ đẹp của sự im lặng.

Dịch: Bonnie

Biên tập: Catthi

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn bài viết:  https://lonerwolf.com/why-silence-is-deafening/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan