Sự khác biệt giữa người hướng nội, người thấu hiểu cảm xúc và người đặc biệt nhạy cảm

Mọi người thường gộp chung người hướng nội, người thấu hiểu cảm xúc và người đặc biệt nhạy cảm lại thành một. Mặc dù ba kiểu người này có một số đặc điểm giống nhau, nhưng họ hoàn toàn khác nhau. Vậy sự khác biệt là gì - và bạn có nhận ra bản thân mình là ai trong số những kiểu người trên? Chúng ta hãy cùng xem nhé.

Người hướng nội


Gần đây, có rất nhiều sự nâng cao nhận thức về người hướng nội và hiện nay hầu hết mọi người đều hiểu rằng việc là người hướng nội không nhất thiết khiến bạn trở nên nhút nhát hoặc khó gần. Trên thực tế, nhiều người hướng nội là những người quảng giao, khi họ dành thời gian với một vài người bạn thân thiết. Nhưng những người hướng nội sẽ nhanh chóng kiệt sức trong những tình huống đó và cần nhiều thời gian ở một mình để nạp lại năng lượng. Đó là lý do tại sao những người hướng nội thường thích ở nhà hoặc dành thời gian chỉ với một hoặc hai người hơn là một nhóm lớn.


Yếu tố quyết định bạn là một người hướng nội là do di truyền, và nó liên quan đến sự khác biệt trong cách bộ não xử lý dopamine, chất hóa học “phần thưởng”. Những người sinh ra là người hướng nội chỉ đơn giản là không cảm thấy được đáp lại bởi những kích thích bên ngoài như tiệc tùng hay trò chuyện, và kết quả là họ bị kiệt sức khá nhanh khi ở trong những tình huống như thế. Mặt khác, nhiều người hướng nội cảm thấy vô cùng hài lòng với các hoạt động có ý nghĩa như đọc sách, các sở thích mang tính chất sáng tạo và trầm tư trong yên lặng. 



Người hướng nội yêu thích các hoạt động hướng vào "bên trong" | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Nếu bạn là một người đặc biệt nhạy cảm (HSP), bạn có nhiều khả năng là người hướng nội hơn là hướng ngoại. Tiến sĩ Elaine Aron, tác giả của Một người đặc biệt nhạy cảm (The Highly Sensitive Person), ước tính rằng khoảng 70% người đặc biệt nhạy cảm cũng là người hướng nội, vì vậy điều này hoàn toàn dễ hiểu tại sao hai nhóm người này thường bị nhầm lẫn với nhau. Một người hướng nội đặc biệt nhạy cảm có thể là người rất tinh ý, quan tâm, giàu cảm xúc và có khả năng đọc vị người khác tốt - mặc dù con người khiến họ kiệt sức! Tuy nhiên, bạn có thể là một người hướng nội và không đặc biệt nhạy cảm. Điều này có vẻ như “lệch tông” với những người đặc biệt nhạy cảm khác, bởi vì đối với nhóm người cực kì nhạy cảm, điều sáng giá nhất trong ra-đa của họ là con người. Điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ bớt căng thẳng hơn bởi một số loại kích thích bên ngoài, chẳng hạn như áp lực thời gian, các cảnh phim bạo lực, những tiếng ồn lặp đi lặp lại, v.v. - mặc dù bạn vẫn cần nhiều thời gian một mình.


Ngoài ra:

  • Khoảng 30 đến 50 phần trăm dân số là người hướng nội.
  • Một số người hướng nội không phải là người thấu hiểu cảm xúc và cũng không phải là người có độ nhạy cảm cao.
  • Hướng nội là một đặc điểm tính cách được nghiên cứu kỹ lưỡng, tách biệt với hai nhóm còn lại.


Người thấu hiểu cảm xúc


Cụm từ "người thấu hiểu cảm xúc" gần đây đã mang một nghĩa mới. Đã có thời điểm, nó được sử dụng chủ yếu trong khoa học viễn tưởng để mô tả một người có khả năng huyền bí khi hiểu được trạng thái tinh thần và tình trạng cảm xúc của người khác. Mặc dù nhiều người vẫn liên kết những người thấu hiểu cảm xúc với yếu tố tâm linh, nhưng ngày nay từ này đã trở nên phổ biến hơn. Giờ đây, nó thường được dùng để chỉ một người nào đó có thể nhận thức được cảm xúc của những người xung quanh một cách cực độ.


Những người thấu hiểu cảm xúc sẽ nói rằng điều này không chỉ giống như "để ý" cảm xúc của người khác; họ cảm nhận được những cảm xúc đó vì họ thường tiếp thu chúng thông qua trải nghiệm. Nó giống như thể người thấu hiểu cảm xúc cảm nhận được cảm xúc của người ở cùng, hoặc ở gần họ. Và, theo Tiến sĩ Judith Orloff, nữ tác giả của Hướng dẫn sống còn cho người thấu cảm (The Empath’s Survival Guide), cô viết, điều này thậm chí có thể bao gồm các triệu chứng thể chất. Khi bị choáng ngợp bởi những cảm xúc căng thẳng, những người hướng nội có thể gặp phải các cơn hoảng loạn, trầm cảm, mệt mỏi mãn tính, và một số triệu chứng thể chất khó nhằn đối với các chẩn đoán y học truyền thống.


Người thấu hiểu cảm xúc "hấp thụ" cảm xúc của người khác | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Đối với những người thấu hiểu cảm xúc, khả năng này vừa là một món quà vừa là một lời nguyền. Nó có thể khó khăn vì nhiều người thấu hiểu cảm xúc cảm thấy họ không thể "tắt nó đi", hoặc họ mất nhiều năm để mở mang các cách giảm thiểu nó khi cần thiết. Kết quả là, những người thấu hiểu cảm xúc có thể nhận ra mình đang đi từ việc hoàn toàn hạnh phúc đến choáng ngợp bởi căng thẳng, lo lắng, hoặc những cảm giác khác chỉ vì có một ai đó bước vào phòng.


Đồng thời, khả năng hấp thụ cảm xúc của một người thấu hiểu cảm xúc là thế mạnh lớn nhất của họ. Nó cho phép họ hiểu và kết nối sâu sắc với người khác. Đó cũng là điều khiến họ trở thành những người chăm sóc, bạn bè và đối tác phi thường - đặc biệt là khi những người khác hiểu và trân trọng năng khiếu của họ.


Theo Orloff, tương tự như người đặc biệt nhạy cảm, những người thấu hiểu cảm xúc cũng có các giác quan hoà hợp cao, khả năng trực quan mạnh mẽ và có thể cần thời gian một mình để thư giãn.


  • Người thấu hiểu cảm xúc có thể là người hướng nội hoặc hướng ngoại.
  • Việc “hấp thụ” cảm xúc có khả năng xảy ra cao nhất bằng cách thu nhận những tín hiệu giao tiếp hoặc tín hiệu cảm xúc ngầm và sau đó nội tâm hóa chúng - một quá trình vô thức mà người thấu cảm thường không thể kiểm soát.
  • Nhiều người thấu hiểu cảm xúc có thể là những người đặc biệt nhạy cảm.


Người đặc biệt nhạy cảm


Giống như những người hướng nội và người thấu hiểu cảm xúc, người đặc biệt nhạy cảm thường xuyên bị hiểu lầm. Người ta thường sử dụng từ “nhạy cảm” như thể đó là một điều tồi tệ, điều đó có nghĩa là những người đặc biệt nhạy cảm đôi khi cũng bị gán cho một cái nhìn xấu. Sự thật là, nhạy cảm cao chỉ đơn giản là bạn xử lý nhiều thông tin về thế giới xung quanh hơn những người khác. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn “dễ bị xúc phạm” hoặc bạn dễ dàng bật khóc ngay lập tức.


Đối với người đặc biệt nhạy cảm, những đặc điểm sau có thể dễ dàng nhận ra:


  • Xử lý mọi thứ một cách vô cùng thấu đáo và nhận ra những kết nối mà người khác không để ý
  • Đôi khi trở nên quá tải hoặc bị kích thích một cách thái quá vì não bạn đang xử lý quá nhiều thông tin đầu vào (đặc biệt là trong những môi trường có tính kích thích cao như một buổi tiệc tùng ​hay một lớp học đông đúc)
  • Đón đầu những tín hiệu cảm xúc, giống như người thấu hiểu cảm xúc, và họ có một niềm đồng cảm sâu sắc đối với người khác.
  • Nhận ra những điều nhỏ nhặt và tinh tế mà người khác thường bỏ qua (như các kết cấu và những âm thanh khẽ)


Người đặc biệt nhạy cảm có những cảm nhận tinh tế | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Nói cách khác, việc trở nên đặc biệt nhạy cảm đóng góp một phạm vi cảm xúc đối với nó, và nhiều người đặc biệt nhạy cảm sẽ được coi là người thấu hiểu cảm xúc - họ có xu hướng cảm nhận cảm xúc của người khác giống như những người thấu hiểu cảm xúc vậy. Đồng thời, trở thành một người đặc biệt nhạy cảm cũng liên quan đến việc trở nên nhạy cảm hơn với tất cả các đầu vào của giác quan, không chỉ riêng khía cạnh cảm xúc. Người đặc biệt nhạy cảm có thể bị choáng ngợp trong những tình huống đơn giản ví dụ như quá ồn ào, đông đúc hoặc nhịp độ nhanh, bất kể họ có những cảm xúc cụ thể cần phải giải quyết hay không.


Giống như tính cách hướng nội, tính nhạy cảm cao đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Phần lớn là do yếu tố di truyền và liên quan đến nhiều khác biệt độc đáo trong não bộ. Đó cũng là một đặc điểm bình thường, lành mạnh được sở hữu bởi 20 phần trăm dân số.


  • Người đặc biệt nhạy cảm có thể là người hướng nội hoặc người hướng ngoại.
  • Có khả năng là nhiều (nếu không phải tất cả) người đặc biệt nhạy cảm cũng là người thấu hiểu cảm xúc.
  • Người thấu hiểu cảm xúc và người đặc biệt nhạy cảm có thể trở thành hai mặt của một đặc điểm vì người thấu hiểu cảm xúc được nghiên cứu nhiều hơn.


Đối lập với người hướng nội, người thấu hiểu cảm xúc hoặc người đặc biệt nhạy cảm


Đối lập với người hướng nội là người hướng ngoại. Người hướng ngoại đôi khi được cho là nạp năng lượng từ các tình huống xã hội. Họ có “thời lượng xã hội” lâu hơn nhiều so với những người hướng nội, và bộ não của họ luôn sẵn sàng để đạt được rất nhiều sự thoả mãn từ những tình huống này.


Đối lập với sự đồng cảm hoặc đặc biệt nhạy cảm đôi khi được cho là sự ái kỉ, nhưng điều đó đơn giản là không đúng. Giống như sự đặc biệt nhạy cảm hoặc sự đồng cảm là lành mạnh, việc sở hữu những tính cách này ít hơn cũng là một đặc tính lành mạnh. Những người ít nhạy cảm chỉ đơn giản là không bị tác động bởi những kích thích xung quanh họ. Giống như sự nhạy cảm cao có thể cực kỳ có giá trị trong một số tình huống nhất định, sự nhạy cảm ít hơn cũng có thể có giá trị, đặc biệt là trong các môi trường ồn ào, yêu cầu khắt khe như công trường công nghiệp, quân đội và một số nơi khác. Những cá nhân này không nhất thiết có tính cách ái kỷ hay ích kỷ.


Tất cả các đặc điểm tính cách tồn tại đều có lý do. Hướng nội, đồng cảm và đặc biệt nhạy cảm đều là phẩm chất có giá trị và lợi thế. Và con người làm tốt nhất khi chúng ta có một quần thể đa dạng với nhiều góc nhìn khác nhau. Tất cả phụ thuộc vào tình huống bạn gặp phải và mức độ bạn học cách sử dụng điểm mạnh tự nhiên trong tính cách của mình.


Bạn nên nắm bắt những điểm mạnh trong nhóm tính cách của mình | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Bạn là một người hướng nội, một người thấu hiểu cảm xúc hay một người đặc biệt nhạy cảm - hay một vài trong số đó? Hãy để lại cho tôi một bình luận bên dưới và chia sẻ suy nghĩ của bạn.

------------

Dịch bởi: Cecile

Biên tập: July

Ảnh: Unsplash.com

Tham khảo: Andre, S. (2020). The Difference Between Introverts, Empaths, and Highly Sensitive People. Retrieved 2 October 2021

Available at: 

<https://introvertdear.com/news/the-difference-between-introverts-empaths-and-highly-sensitive-people/>  

------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan