Sự Ra Đi Của Một Người Thân Yêu Có Thể Đau Đớn Đến Mức Nào?

Chúng ta có thể phần nào xoa dịu nỗi đau của những người có người thân mất tích nếu như hiểu được sự giày vò mãnh liệt trong nội tâm của họ. Trong câu chuyện Frozen Grief (tạm dịch: Nỗi …

Chúng ta có thể phần nào xoa dịu nỗi đau của những người có người thân mất tích nếu như hiểu được sự giày vò mãnh liệt trong nội tâm của họ.

Trong câu chuyện Frozen Grief (tạm dịch: Nỗi đau đóng băng) trong cuốn sách War Torn (tạm dịch: Tàn phá bởi Chiến tranh), tôi viết về một người phụ nữ người Guatemala tên Maria, có con trai một đi không trở về trong cuộc diệt chủng chống lại người dân Maya. Mười năm sau khi con trai bị bắt đi, Maria vẫn dọn phòng và để mọi thứ y như lúc cậu đi, như thể cuối cùng cậu cũng sẽ trở về.

Nhưng cậu ta không bao giờ trở lại.

Chắc hẳn cậu ta đã chết nhiều năm như hàng ngàn người đã bị bắt bớ, tra tấn và tàn sát bởi quân đội trong chiến dịch tàn phá mọi thứ ở vùng cao nguyên, quê hương của phần lớn người Indian (Anh-điêng) ở Guatemala.

Maria không thể đối mặt với sự thật. Nó quá đau đớn. Nỗi đau của cô không chỉ là nỗi đau thuần túy – nỗi buồn sâu thẳm mà chúng ta dần học cách chấp nhận khi mất đi ai đó mình thương yêu. Nó cũng không phải là nỗi đau của những người mất đi người họ yêu thương vì súng đạn, bom hay bất cứ thứ công cụ chiến tranh nào biến con người thành tro bụi, hoặc được chôn cất bởi những người còn sống. Nỗi đau của cô là nỗi đau đóng băng – một khoảng không vô định nơi sự đau buồn giống như sự phản bội của những người thân yêu có thể vẫn còn sống. Chẳng có hài cốt nào để chôn cất hay xác nhận là đã chết; có thể, chỉ là có thể thôi, đứa con hay người chồng, người mẹ bị bắt đó có thể vẫn còn sống, bị giam giữ làm tù nhân trong một hầm ngục bí mật đâu đó. Đó là một niềm tin đem đến sự hy vọng, nhưng cũng là một suy nghĩ ảm đạm khủng khiếp, gần như không thể chịu đựng được – biết đâu người thân yêu đó còn sống nhưng trong cảnh giam cầm sống dở chết dở, lay lắt qua ngày trong lúc bị tra tấn và bỏ đói?

Và cứ như thế, các thành viên trong gia đình của người mất tích đau đớn tột cùng vì bị giằng xé giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa mong muốn được giải tỏa nỗi đau thương và việc cảm thấy đau buồn tương đương với sự phản bội hay từ bỏ hy vọng, dù cho họ biết rằng, ở đâu đó tận sâu bên trong, có lẽ mình đang bấu víu vào một ảo vọng. Đó là di sản lạ lùng và tàn nhẫn mà những người mất tích để lại: sự mông lung, không chắc chắn.

Hiện tượng này không phải chỉ riêng Guatemala mới có. Trên thực tế, đó là điều phổ biến diễn ra tại bất cứ nơi nào có sự tồn tại của những thể chế chính trị áp bức người dân. Các tay sai của Saddam Hussein đã bắt bớ hàng ngàn người dân Iraq, nhiều người trong số đó đã bị tra tấn, tàn sát và ném vào những hố chôn tập thể nằm ẩn đâu đó. Bashar al-Assad cũng làm tương tự như vậy với hàng vạn người dân Syria của mình.

Làm sao ta có thể giúp người thân của những người mất tích xác định được hướng đi để thoát ra khỏi nỗi đau đóng băng, khỏi khoảng không vô định này?

Không có câu trả lời đơn giản hay phương pháp nào đáng tin cậy để có thể dẫn lối họ đến một nơi nhẹ nhõm bất chấp sự mông lung này. Những chắc chắn chúng ta có thể dành ra một khoảng để thể hiện sự kính trọng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ họ trong quá trình đấu tranh với nỗi giằng xé này, giúp họ tìm được cách để than khóc về sự biến mất, nếu như không phải cái chết, của người thân của họ. Chúng ta cũng có thể giúp họ liên kết với những gia đình có chung vấn đề để tạo ra một mạng lưới tương trợ giữa những người đang sống và đang trải qua nỗi đau này cùng nhau. Và chúng ta cũng có thể cùng họ đấu tranh để đòi tự do cho những người bị bắt giữ trái phép hay nhận diện danh tính hài cốt  trong những nấm mồ tập thể.

Với người sống sót, việc đấu tranh này có thể giúp họ từ vị trí nạn nhân bước sang vị trí một người hoạt động xã hội. Sự vận động từ thường dân ở nhiều nước như Nhóm Tương trợ ở Guatemala (Mutual Support Group in Guatemala) và Những Người mẹ Quảng trường Tháng Năm ở Argentina (Mothers of the Plaza of May in Argentina), đã thể hiện khả năng tiếp thêm sức mạnh và hồi phục của những hoạt động đấu tranh có tổ chức và nhu cầu trả lại tự do cho người thân trong gia đình, dù còn sống hay đã chết.

Ở Viện Pháp Y tại Baghdad, có một Văn phòng Nghĩa trang Tập thể (Office of Mass Graves). Hơn 300 nghĩa trang đã được xác định có liên hệ với chế độ của Saddam Hussein và hàng trăm nữa với các nạn nhân của sự tàn ác của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Ở đó, người thân của những người mất tích có thể biết được số phận những người thân yêu của họ. Một quá trình khai quật các hố chôn tập thể và nhận diện nạn nhân cũng diễn ra ở Guatemala. Mặc cho có đau đớn đến đâu, nhận diện được phần còn lại của người thân trong gia đình cũng sẽ chấm dứt sự giày vò, giằng xé trong nỗi đau đóng băng, cho phép con người bắt đầu quá trình nguôi ngoai và hồi phục.

Và cuối cùng, chúng ta có thể ủng hộ cho công lý để những kẻ đứng sau phải chịu trách nhiệm về tội ác của chúng, để các gia đình có người thân mất tích nhận được sự thừa nhận chính đáng cho nỗi đau và mất mát của họ.

—————————–
Dịch: Huy Đồng
Biên tập: Lyo Kiu
Nguồn: https://www.psychologytoday.com
Nguồn ảnh: Pinterest

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Vì vậy, chúng tôi cần sự đóng góp và ủng hộ của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan