Sự việc bé gái 5 tuổi bị cha ruột ném xuống sông: Cha mẹ học được gì về hai chữ “nóng giận”?

Liệu đây là một trong những vụ án hiếm hoi liên quan đến mâu thuẫn gia đình, hay chỉ là trường hợp nghiêm trọng hơn của một thực trạng đời thường?

Người cha sau khi phát sinh mâu thuẫn với vợ vì ghen tuông đã ném chính con gái ruột xuống sông, gây ra cái chết thương tâm cho một sinh mệnh vỏn vẹn 5 tuổi đời. Liệu đây là một trong những vụ án hiếm hoi liên quan đến mâu thuẫn gia đình, hay chỉ là trường hợp nghiêm trọng hơn của một thực trạng đời thường? 

 

Cha mẹ trút giận lên con cái

 

Người cha vì cơn nóng giận trào dâng sau khi xảy ra xung đột với vợ mà trút hậu quả lên đứa con nhỏ tội nghiệp. Ở mức độ gây ra án mạng, chúng ta có thể nói đây là một kẻ vô nhân tính. Song, trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ vẫn ngày ngày đem sự bực dọc trong người đổ lên đầu những đứa trẻ vô tội. Vì công việc không suôn sẻ mà về mắng nhiếc con cái. Vì xích mích với đồng nghiệp mà có khi đánh đập con. Hành vi của các bậc cha mẹ ở hai trường hợp trên vốn tương tự nhau, chỉ khác ở mức độ nặng nhẹ.

 

Có những cha mẹ nói rằng họ làm lụng vất vả, chịu đựng khó khăn cũng chỉ vì con cái. Cuộc sống nhiều mối lo toan, cha mẹ tức giận là chuyện bình thường. Vậy nên vài lời mắng mỏ, vài cái đánh đau cũng có là gì: bọn trẻ nên cảm thông cho cha mẹ mình mới phải. Lại có những cha mẹ mặc định việc mắng mỏ và đòn roi là có mục đích giáo dục, thế nên còn chẳng hề công nhận rằng mình mắng con, đánh con là vì chính bản thân mình nóng giận. Từ xưa đến nay, nhiều người lớn vẫn bám víu vào câu nói “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nhằm mục đích hợp lý hoá, tích cực hoá bạo lực (quát mắng, đòn roi,...) trong chuyện nuôi dạy trẻ nhỏ. 

 

Những hệ quả nghiêm trọng hơn cả nước mắt và những vết bầm 

 

Khi bị mắng là khóc, khi bị đánh thì đau - đó là tất cả những gì nhiều cha mẹ nhìn thấy hoặc quan tâm về con mình khi trút giận lên chúng. Song, những hệ quả ngầm ẩn vốn nghiêm trọng hơn thế nhiều. 

 

Khi cha mẹ dùng sự hy sinh của bản thân để bao biện cho những cơn giận vô cớ, mối quan hệ giữa họ với con cái sẽ không còn là tình thương thuần khiết. Đứa trẻ sẽ nhận ra sự lệ thuộc vật chất của chúng vào cha mẹ, nhìn nhận cha mẹ như những người “ban ơn”, và bởi bản thân chúng nhận được những “ơn huệ” đó nên không có quyền phàn nàn, chống trả. Bên cạnh đó, những cơn giận khiến chúng ta đánh mất lý trí, vậy nên thường nói ra nhiều điều gây tổn thương trẻ nhỏ một cách vô thức. Xét từ nhiều khía cạnh, cơn giận vẫn là một nguyên do lớn khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên khó xử và bế tắc, khác xa so với những gì chúng ta vẫn kỳ vọng về hình tượng tình mẫu từ. 

 

Tác giả cuốn sách “When Anger Hurts Your Kids: A Parent’s Guide” còn chỉ ra rằng, sự nóng giận trong gia đình ảnh hưởng tiêu cực lên hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của những đứa trẻ. Chúng dễ nổi nóng và nổi loạn hơn, thiếu sự đồng cảm, có xu hướng vướng vào những tệ nạn tuổi vị thành niên và gặp nhiều trắc trở trong các mối quan hệ xã hội. Nhiều hệ quả kéo dài tới khi trưởng thành như trạng thái cô lập xã hội và có khả năng cao rơi vào trầm cảm hay các vấn đề tâm lý tương tự. Ngay cả công việc và cuộc sống nói chung cũng chịu những ảnh hưởng không mong muốn. 

 

Học cách khống chế cơn nóng giận 

 

Cha mẹ là những người vất vả - không ai phủ nhận điều này. Song, việc trút giận lên những đứa trẻ vô tội vẫn là sai và gây ra nhiều hệ quả tiêu cực. Vậy nên, học cách khống chế cơn giận là vô cùng quan trọng trên chặng đường nuôi dạy con cái. Dưới đây là một vài lời khuyên các bậc cha mẹ có thể tham khảo khi nhận ra cơn nóng giận của mình:

  • Hãy phân tích xem liệu hành động của bạn lúc này có dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hay không.
  • Tìm cách chuyển cơn giận của mình đi, bằng cách đếm số hoặc hít vào thở ra đều đặn. 
  • Đừng ngần ngại rời khỏi vị trí nơi khiến bạn tức giận, hoặc bắt tay vào làm việc khác để chuyển sự chú ý của bản thân. 
  • Hãy bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của bạn với mọi người xung quanh. Ví dụ, khi tức giận, bạn có thể nói với con rằng: “Mẹ đang cảm thấy giận dữ và buồn bã. Nếu mẹ có vô tình làm gì khiến con buồn, hãy tha thứ cho mẹ nhé!” Giao tiếp bình ổn sẽ giúp cơn giận nhanh chóng qua đi. 

 

Ảnh: Pinterest

Tác giả: Diệu

BẢN THẢO
Bài viết liên quan