Sức mạnh của nhận thức: Khi chúng ta thay đổi cách diễn giải, chúng ta thay đổi cuộc sống của mình

Không có thứ gì vốn là "tốt" hay xấu". Đó chỉ là nhãn dán mà chúng ta gắn vào chúng dựa trên những trải nghiệm trong quá khứ của mình. Thay vào đó, cách chúng ta lựa chọn nhìn nhận những sự việc xảy ra trong cuộc sống như thế nào sẽ quyết định những cảm xúc mà chúng ta có với chúng.

Một trong những câu chuyện ngụ ngôn yêu thích của mình là câu chuyện kể về cách nhìn nhận những sự việc xảy ra trong cuộc sống của một người nông dân ở một ngôi làng nhỏ.


Cụ thể, một ngày nọ, con ngựa duy nhất của ông ta chạy đi mất. Và người hàng xóm của ông ta đã tìm đến và nói rằng “Tôi rất lấy làm tiếc. Đây thật sự là một chuyện không may chút nào. Chăc hẳn ông phải buồn và khó chịu lắm”.


Người nông dân nói: “Chúng ta cứ chờ xem. Ai biết được đó là chuyện tốt hay xấu?”


Tuần sau đó, con ngựa ấy quay trở về, và lần này là cùng với một đàn ngựa hoang theo sau. Người nông dân và con trai của ông ta đã rút kinh nghiệm để vây những chú ngựa lại.


Những người hàng xóm của ông ta mừng rỡ lên tiếng: “Woa! Thật là một điều may mắn. Chắc là ông phải cảm thấy vui lắm!”


Một lần nữa, người nông dân lại nói: “Chúng ta cứ chờ xem. Ai biết được đó là chuyện tốt hay xấu?”


Ngày hôm sau, một trong những con ngựa hoang mới đó đã đá phải cậu con trai và khiến chân cậu bị gãy.


Người hàng xóm biết chuyện, nói: “Tôi rất lấy làm tiếc. Chắc hẳn ông rất tức giận khi chuyện tồi tệ này xảy ra”.


Và người nông dân vẫn đáp lại như những lần trước: “Chúng ta cứ chờ xem. Ai biết được đó là chuyện tốt hay xấu?”


Không lâu sau đó, đất nước xảy ra chiến tranh và tất cả các thanh niên trai tráng, khỏe mạnh trong làng đều buộc phải lên đường ra trận. Nhưng vì đang bị thương nặng, nên cậu con trai đã không cần phải đi. Đó là một cuộc chiến khốc liệt, khiến cho gần như tất cả các binh sĩ đều phải bỏ mạng.


Những người hàng xóm lại một lần nữa chúc mừng người nông dân: “Chắc hẳn ông cảm thấy rất nhẹ nhõm khi con trai mình không phải ra chiến trường.”


Và câu trả lời của ông ta vẫn như cũ: “Chúng ta cứ chờ xem. Ai biết được đó là chuyện tốt hay xấu?”


Câu chuyện của người nông dân trên thoạt đầu nghe có vẻ khó hiểu, khi nó mâu thuẫn với một niềm tin cố hữu rằng các sự kiện xảy ra trong cuộc sống này đều mang một ý nghĩa nội tại. Hầu hết mọi người sẽ nghĩ rằng “có một số chuyện là tốt, và những chuyện khác là xấu. Như bản chất chúng vốn vậy”, và ngầm mặc định rằng giữa những sự kiện trong cuộc sống và phản hồi của chúng ta với chúng chỉ tồn tại mối quan hệ 1:1.


Nhưng theo như câu chuyện ngụ ngôn đó minh họa thì mối liên hệ giữa một sự kiện và trải nghiệm của chúng ta thực ra không hề đơn giản và khô khan như vậy.


Tất cả những sự kiện trong cuộc sống, thực tế, không có một ý nghĩa chung nào cả. Thay vào đó, chính cách chúng ta diễn giải chúng sẽ quyết định suy nghĩ và cảm xúc của mình. Và vì một vấn đề cụ thể có thể được giải nghĩa và được hiểu bằng nhiều cách, từ nhiều góc độ, vậy nên chúng ta cũng sẽ có những cảm nhận khác nhau về chúng.


Như trong vở kịch “Hamlet” của Wiliam Shakespeare, ông có nói rằng: “Không có thứ gì tốt hay xấu, mà chỉ là việc chúng ta nghĩ khiến chúng trở thành như vậy”.


Quay trở lại với câu chuyện ngụ ngôn kia, nó đã đưa ra cho chúng ta một ví dụ rất thú vị về bài học này. Trong khi những người hàng xóm bị cuốn vào những phán đoán tức thì về điều tốt và điều xấu, người nông dân vẫn rất bình tĩnh và không bị “đánh lạc hướng”. Ông ta biết rằng mọi sự kiện trong cuộc sống đều có thể được diễn giải bằng nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào mỗi thời điểm, mỗi người và nhận thức của họ.


Nhiều người sẽ hỏi: “Nếu những sự kiện trong đời đều không có ý nghĩa gì cụ thể thì điều đáng quan tâm ở đây là gì?”


Mấu chốt ở đây chính là: Vì chúng không bao hàm một ý nghĩa phổ quát nhất định cho tất cả mọi trường hợp, nên mỗi chúng ta đều có khả năng lựa chọn mình sẽ cảm thấy như thế nào trước những sự kiện đó. Chúng ta hoàn toàn có quyền kiểm soát với câu chuyện mà bản thân rút ra từ mỗi hoàn cảnh. Bằng cách này, chúng ta có thể hiểu được sự tác động của tâm trí mình đối với cuộc sống thường ngày. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục định hình mọi trải nghiệm (về mặt vật lý và cảm xúc) mà chúng ta có trên hành trình sống.



1.   CHÚNG TA CÓ THỂ KIỂM SOÁT LỜI DIỄN GIẢI CỦA MÌNH


“Chúng ta có khả năng để điều khiển tâm trí của mình – mà không phải là những sự kiện bên ngoài. Nhận ra được điều này, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh” – Marcus Aurelius (1 trong 5 Hoàng Đế vĩ đại nhất của La Mã – tác giả cuốn sách “The Meditations” bàn về Chủ Nghĩa Khắc Kỷ)


Lựa chọn cách diễn giải ra sao là một trong những kĩ năng tuyệt vời mà chúng ta có thể phát triển trong cuộc sống của mình. Với kĩ năng này, chúng ta sẽ không còn quá lo lắng về việc cuộc sống sẽ ném vào mình thứ gì, năng lượng của chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi những sự việc xảy đến ngẫu nhiên, bất ngờ trong cuộc sống, bởi chúng ta luôn luôn có thể lựa chọn những lời diễn giải mạnh mẽ và tự tin nhất. 


Đây không là việc chúng ta đánh lừa bản thân bằng cách tin vào điều gì đó không đúng sự thật. Và nó cũng không phải là việc chúng ta cố kìm nén những cảm xúc tiêu cực để chạy theo những suy nghĩ tích cực. Mà đó là việc chúng ta hiểu rằng trên đời này không chỉ có duy nhất 1 lời giải cho một vấn đề. Tư tưởng, góc nhìn mà chúng ta chọn sẽ quyết định trải nghiệm của bản thân và chúng ta luôn có sự kiểm soát đối với những quan điểm của mình.


2. NHỮNG THÁCH THỨC ĐI KÈM


Việc rèn luyện kĩ năng này ban đầu sẽ có chút khó khăn và đòi hỏi ở chúng ta nhiều thời gian để làm quen và thiết lập lại não bộ của mình, bởi nó vốn được tiến hóa để xử lý mọi thứ một cách tự động. Trong một tình huống bất kì, bộ não của chúng ta sẽ dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ (như những con đường tắt) để hiểu, phân tích và giải quyết vấn đề đang diễn ra. Và đây là một quá trình hữu ích giúp chúng ta tiết kiệm một lượng năng lượng tinh thần cần thiết để điều hướng cuộc sống của mình.


Nhưng quá trình xử lý tự động này cũng là nguyên nhân gây ra nhận thức trong tích tắc mà chúng ta có rằng điều gì đó là “tốt” hay “xấu”. Mặc dù một vài những lối tắt đó đã được thiết lập sẵn khi chúng ta còn nhỏ, chúng không hoàn toàn là cố định. Với sự nỗ lực có ý thức của bản thân, chúng ta có thể điều chỉnh lại tâm trí mình để diễn giải mọi thứ theo một cách khác. Và chánh niệm (sự tập trung vào hiện tại) là yếu tố chen chốt trong quá trình này.


Việc phát triển sự chánh niệm sẽ giúp chúng ta nhận ra khi những sự phản hồi tự động xuất hiện. Nó sẽ tạo ra khoảng không giữa những sự kiện và phản ứng của chúng ta với chúng, để chúng ta có thể chủ động đưa ra những lời diễn giải phù hợp hơn và chính xác hơn cho mình.


Các bước trong quá trình lựa chọn những lời diễn giải đó như sau:


1.  Để ý thấy bản thân đang bị chi phối bởi những phản hồi tự động trước một sự việc tiêu cực

2.  Dừng lại để nhìn nhận vấn đề và chính mình

3.  Ngắt phản ứng tự động đó

4.  Cân nhắc xem mình sẽ lựa chọn diễn giải sự việc đó theo một cách khác như thế nào

5. Lựa chọn cái khiến mình tự tin và cảm thấy có quyền làm chủ nhất

6. Thực hiện nó với sự hứng khởi.



Dưới đây là một vài ví dụ về cách quá trình này diễn ra trong những tình huống khác nhau của cuộc sống:


  • Bạn đang đi bộ về nhà và trời chợt đổ cơn mưa lớn


- Phản ứng tự động: "Chết tiệt! Tự dưng lại mưa to thế cơ chứ. Mưa chả tốt tẹo nào, khiến mình bị ướt hết trơn. Cảm giác thật khó chịu."


- Lựa chọn lời diễn giải tự tin hơn: "Đó là chuyện xảy ra ngoài trông đợi. Tự nhiên bị ướt lại khiến mình cảm thấy được làm sạch và sảng khoái hơn. Lát về nhà thay đồ được. Kiểu gì đồ trong lúc giặt chả phải ướt."


  • Bạn nấu bữa tối xong xuôi và người nhà gọi điện báo sẽ về muộn một tiếng


- Phản ứng tự động: "Bực mình vậy! Họ không biết là mình đã phải nấu vất vả như thế nào sao. Đồ ăn sẽ bị nguội mất."


- Lựa chọn lời diễn giải tự tin hơn: "Không có gì to tát cả. Mình có thể chờ và đem thức ăn đi hâm lại. Tranh thủ lúc này đọc một cuốn sách mà mình đang định đọc mấy bữa nay mà chưa có thời gian."


  • Bạn chia tay người yêu sau một vài năm hẹn hò


- Phản ứng tự động: "Thật tồi tệ. Mình đã nghĩ đó là người sẽ đi đến cuối cùng với mình. Bao nhiêu năm mình đã dành tình cảm và hy sinh cho họ cơ mà."


- Lựa chọn lời diễn giải tự tin hơn: "Có lẽ mình và họ không thực sự phù hợp đến vậy. Biết đâu nếu tiếp tục cả hai cũng sẽ không thể hạnh phúc như mình mong muốn. Đây là cơ hội để mình có thể tìm được một người tốt hơn và thích hợp hơn."


Dần dần những lời diễn giải ấy sẽ đến một cách rất tự nhiên và chúng sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới này.


Hãy nhớ rằng “Cuộc sống của chúng ta chính là do những suy nghĩ của chúng ta tạo ra” – Marcus Aurelius, Meditations và “Những gì chúng ta có, chúng ta là ai, chúng ta ở đâu hay đang làm gì … không phải là điều khiến chúng ta hạnh phúc hay không hạnh phúc. Mà đó là việc chúng ta nghĩ về chúng như thế nào” – Dale Carneige (tác giả cuốn sách “Đắc Nhân Tâm”)

BẢN THẢO
Bài viết liên quan